Quý bà đệ nhất kéo Mậu Dịch
Sở dĩ có tên Mậu Dịch bởi tiệm cắt tóc này được thành lập từ năm 1957 – thời kỳ bao cấp, phải dùng tem phiếu để mua hàng và đến cắt tóc cũng phải có phiếu.
Quý bà đệ nhất kéo Mậu Dịch
Sở dĩ có tên Mậu Dịch bởi tiệm cắt tóc này được thành lập từ năm 1957 – thời kỳ bao cấp, phải dùng tem phiếu để mua hàng và đến cắt tóc cũng phải có phiếu.
Các tay kéo nữ hành nghề ở cửa hàng Mậu Dịch – Ảnh: Quang Thế |
Những khách hàng đàn ông trung thành của cửa hàng này vui vẻ tự phong cho họ là “các nàng đệ nhất kéo”.Cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch ở số 6 phố Tràng Thi (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau nhiều thăng trầm, biến cố, từ 20 nhân viên làm việc cố định tại cửa hàng đến nay chỉ còn 11 người, trong đó có sáu nhân viên nữ là người gốc Hà Nội.
Không cần trang trí màu mè, cửa hàng cắt tóc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ này vẫn đông khách ghé vào.
Độ tuổi trung bình của phụ nữ làm nghề cắt tóc ở đây ngót nghét 50, nhưng ngày nào cũng vậy, đều đặn từ 7g sáng đến 9g tối họ vẫn cần mẫn đưa từng nhát kéo, đường dao để cắt tỉa tóc cho khách.
Tôi đã đi nhiều nước nhưng thấy đây là một nơi cắt tóc rất thú vị. Thú vị từ trang phục cho đến bản thân những người phụ nữ cắt tóc ở cửa hàng. Họ vô cùng đáng yêu, thanh lịch và rất thân thiện với những người khách ngoại quốc chúng tôi… |
Ông CHRIS (65 tuổi, người Anh) |
Thợ cắt tóc do UBND thành phố quản lý
4g chiều, ông Hữu Anh (ở Q.Hoàn Kiếm) cùng vợ chở cháu nội 5 tuổi tên Đức Kiên chạy xe máy tới nhờ các nữ “đệ nhất kéo” tại đây làm đẹp. Cắt tóc cho Đức Kiên hôm đó là bà Hằng. Bà nở nụ cười duyên dáng hướng dẫn bé Kiên ngồi lên ghế.
“Con ngồi yên cô cắt tóc đẹp cho nhé. Đừng có cựa quậy kẻo xấu đấy”. Thế là Kiên ngồi im để bà “đệ nhất kéo” nhanh chóng cắt tóc cho mình.
Ông Hữu Anh nói ở gần nhà ông có rất nhiều tiệm làm đầu, nhưng mỗi khi đưa cháu đi cắt tóc ông thường đưa ra tiệm cắt tóc “nhà nước” này bởi tay nghề cao và sự phục vụ nhiệt tình của người cắt.
Trong lúc chờ thuốc nhuộm tóc ngấm, ông Hoàng Đạm (56 tuổi, nhà phố Đội Cấn, Q.Ba Đình, hiện là một nhà giáo) nói rằng ông là khách hàng ở đây hàng chục năm rồi.
“Đều đặn từ nhiều năm nay cứ mỗi tháng một lần tôi lại đến cửa hàng cắt tóc “nhà nước” này. Mỗi khi cắt tóc tôi không cần nói kiểu tóc nhưng các chị ở đây biết cách cắt cho tôi như thế nào” – ông Hoàng Đạm cho biết.
Có rất nhiều khách đã cắt tóc ở tiệm Mậu Dịch này hàng chục năm, mỗi khi đến cửa hàng không chỉ cắt tóc mà họ còn tâm sự chia sẻ về những câu chuyện trong đời sống hằng ngày.
Ông Nguyễn Phúc Long (50 tuổi, hiện đang ở khu chung cư bán đảo Linh Đàm) nói: “Từ nhà tôi đến tiệm Mậu Dịch mất khoảng 30 phút xe máy nhưng tôi vẫn thích đến đây vì chỗ này cắt tóc chân phương, lịch sự. Tới những tiệm khác thì họ cắt không vừa ý mình. Đến đây mình lại được các cô hàn huyên chuyện xưa…”.
Sở dĩ có tên Mậu Dịch bởi cửa hàng được thành lập từ năm 1957 – thời kỳ bao cấp, phải dùng tem phiếu để mua hàng và đến cắt tóc cũng phải có phiếu.
Cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch thời đó do Công tư hợp doanh quản lý rồi đổi tên thành Công ty ăn uống phục vụ Hà Nội và bây giờ là Công ty du lịch dịch vụ Hà Nội Toserco. Đây là một trong những cửa hàng cắt tóc trước thời kỳ đổi mới (năm 1986) còn sót lại ở Hà Nội.
Cửa hàng chỉ cắt tóc nam mà không cắt tóc nữ. Cắt tóc thuộc lĩnh vực phục vụ, dịch vụ của công ty và đến nay vẫn trực thuộc sự quản lý của UBND TP Hà Nội.
Khác với các tiệm cắt tóc “đời mới” khác, nhân viên ở đây phải mặc áo đồng phục blouse trắng.
Lý giải về chuyện không chỉ áo blouse mà từ khăn choàng cho đến khăn tay đều là màu trắng, các tay kéo nữ chia sẻ rằng “trước đây nghề cắt tóc được xem là nghề dịch vụ sạch nên phải mặc màu trắng và chính màu trắng cũng tạo nên sự thanh thoát nhẹ nhàng cho nghề cắt tóc”.
Bà Hằng cắt tóc cho ông Chris, một du khách đến từ nước Anh – Ảnh: Q.Thế |
Sống chết với nghề
Dù đã bước qua tuổi 50 nhưng nữ “đệ nhất kéo” Vũ Hồng Hà (với 25 năm trong nghề, nhà ở phố Yên Lãng, Q.Hai Bà Trưng) vẫn nhanh nhẹn dùng chiếc kéo sắt có tuổi đời cả chục năm tự quay (tự mài) để cắt đi những phần tóc dài của một vị khách nam giới đã ngoài 50 tuổi.
Bà Hà cầm kéo thạo đến mức, người đầu tiên đến cửa hàng này cũng có thể cảm nhận được, là bà nhắm mắt cũng có thể đưa lưỡi kéo lên xuống đúng vị trí của nó trên đầu khách. Đã vậy, vừa cắt bà vừa tếu chuyện, chỉ sau 10 phút là hoàn thành xong một kiểu tóc hợp thời trang.
“Nghề này cũng hợp với phụ nữ vì nó nhẹ nhàng. Chỉ cần để ý khuôn mặt, hiểu tâm lý, công việc của khách để cắt sao cho phù hợp. Tôi cắt nhiều đến nỗi bây giờ có những khách quen ghé vào, chỉ qua mấy đường cơ bản là tôi đã cắt xong đầu tóc của họ…” – bà Hà nói.
Muốn vào làm thợ cắt tóc ở đây, các nữ nhân viên phải trải qua khoảng một năm học nghề. Và để đủ sống, các “đệ nhất kéo” phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ và ngay cả tết họ cũng chỉ nghỉ như nhân viên nhà nước (từ mùng 1 đến sáng mùng 5 tết).
Mặc dù vậy nhưng thu nhập trung bình chỉ khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. Dẫu vậy, nhưng khi có tiệm cắt tóc tư nhân nào mời những “đệ nhất kéo” làm cho họ với mức lương cao hơn nhưng ai cũng từ chối.
Với 29 năm trong nghề, bà Đinh Thu Thuỷ (50 tuổi, ở phố Hàng Bạc, Q.Hoàn Kiếm) bảo rằng bà không thể bỏ cửa hàng này được, bởi nó đã đi sâu vào tuổi thơ của bà vì trước đây bố và bác của bà từng cắt tóc ở đây.
“Lúc tôi còn bé đã theo bố đến cửa hàng này rồi. Nghề cắt tóc thời đó được xem như một nghề cao quý. Người cắt phải ăn mặc lịch sự và phải có phong thái, kiểu tóc đứng đắn, hợp thời trang. Tôi nhìn bố và cảm thấy yêu quý nghề này nên đeo đuổi cho đến hôm nay” – bà Thủy chia sẻ.
Bà Hà thì bảo rằng có những hôm bệnh tật, không ra được cửa hàng thì thấy “nhớ lắm rồi”. Mọi người ở cửa hàng tuy nhà ở cách xa nhau nhưng cứ có “công to việc lớn” gì cũng đều có nhau.
“Chúng tôi ở cửa hàng còn nhiều hơn ở nhà nên chị em sống với nhau như người trong một gia đình. Sự đoàn kết, đùm bọc yêu thương lẫn nhau là động lực để mọi người cùng vượt qua những lúc khó khăn…” – bà Hà tâm sự.
Người phụ trách cửa hàng cắt tóc – ông Đào Xuân Tân (54 tuổi, có 38 năm trong nghề) cho rằng các tay kéo nữ là “vốn quý” của cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch hiện nay, họ làm nên diện mạo cho cửa hàng dù trong quá khứ, tiệm hớt tóc này có nhiều tay kéo đàn ông.
Theo ông Tân, thời xưa Hà Nội chỉ có vài tiệm cắt tóc, khách đến cửa hàng Mậu Dịch phải xếp hàng dài tràn ra cả ngoài đường. Ban đầu cửa hàng chủ yếu phục vụ tầng lớp công chức nhà nước nhưng sau do nhu cầu đã phục vụ tất cả các tầng lớp trong xã hội.
“Những năm 1970 giá cắt một đầu tóc chỉ 5 – 7 hào và làm cả tháng mới có 36 đồng, nhưng ai làm việc ở công ty cũng cố gắng phục vụ hết mình, vậy nên tối muộn rồi vẫn có người tìm đến để cắt tóc. Có năm đông khách đến mức vừa đóng cửa để về nhà đón tết thì cũng bước vào giờ giao thừa” – ông Tân bồi hồi nhớ lại.
“Bản sắc” Cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch từng cắt tóc cho nguyên thủ quốc gia và nhiều đại biểu Quốc hội. Trước đây ông Phạm Thế Duyệt (thời làm bí thư Thành uỷ Hà Nội) còn yêu cầu công ty phải duy trì cửa hàng để cắt tóc cho du khách trong và ngoài nước nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của người Hà Nội. Năm 2012, một nhà nghiên cứu Nhật Bản có đi nghiên cứu nghề cắt tóc trên khắp thế giới và đến VN đã vào cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch để tìm hiểu, sau khi về nước ông viết thư nói rằng ông vô cùng cảm ơn vì cửa hàng đã giữ được bản sắc của nghề hớt tóc cao quý và ông động viên mọi người giữ nhiệt huyết để cửa hàng hoạt động mãi mãi. Một số hãng truyền hình Đức, Anh cũng đã đến cửa hàng Mậu Dịch để làm phóng sự về nghề cắt tóc. |