29/11/2024

Học ngành nào dễ có việc làm?

Các công ty săn đầu người và các trang việc làm trực tuyến đã đưa ra nhiều thông tin quan trọng đối với học sinh đang chọn ngành thi ĐH hoặc sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường.

 

Học ngành nào dễ có việc làm?

 

Các công ty săn đầu người và các trang việc làm trực tuyến đã đưa ra nhiều thông tin quan trọng đối với học sinh đang chọn ngành thi ĐH hoặc sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường.




Sinh viên tham gia ngày hội việc làm do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sinh viên tham gia ngày hội việc làm do Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM tổ chức – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Những ngành nghề dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng

Cứ 3 tháng một lần, công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search lại có các số liệu và nhận định về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn tại VN.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành công ty, cho biết: “Những ngành nghề mà chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng gồm: điện, điện tử, dệt may, hoá chất, cơ khí, sản xuất ô tô, xe máy…
Ngoài những vị trí nhân sự trung, cao cấp như: kỹ sư, giám đốc phân xưởng, giám đốc nhà máy, các vị trí như nhân viên cũng được tuyển dụng rất nhiều. Có những dự án chúng tôi không tuyển đủ nhân sự cho doanh nghiệp”. Theo bà Vân Anh, thời gian tới nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ vẫn luôn đứng đầu.
Tại trang tuyển dụng mywork, hiện có 883.273 việc làm của 462.556 nhà tuyển dụng. Lĩnh vực có nhiều vị trí việc làm nhất là bán hàng (57.700), hành chính – văn phòng (25.258), công nghệ thông tin (18.099), giáo dục – đào tạo (17.485), biên – phiên dịch (16.655)…
Còn tại trang tuyển dụng Careerbuilder, những ngành nghề nằm trong tốp tuyển dụng là bán hàng, kinh doanh, tiếp thị trực tuyến, biên phiên dịch, bán lẻ, hành chính – thư ký, điện – điện tử, công nghệ thông tin – phần mềm. Ông Huỳnh Ngọc Hoài Tâm, bộ phận tư vấn của trang tuyển dụng này, nhìn nhận: “Có thể nói ngành công nghệ thông tin, cụ thể là lập trình phần mềm, trong những năm tới tiếp tục giữ vị trí nóng, chiếm từ 50 – 60% trong số những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng. Lý do là số lượng điện thoại thông minh ngày càng tăng, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng lớn. Ứng viên có thể làm việc tại VN hoặc được sang đào tạo ở Nhật. Ngoài ra, ngành điện tử, phiên dịch cũng rất cần”.
Cơ hội nào cho sinh viên mới tốt nghiệp ?
Thông thường, các doanh nghiệp khi tuyển dụng luôn đặt nặng kinh nghiệm làm việc lên hàng đầu. Như vậy, những sinh viên (SV) mới ra trường phải làm sao để lọt mắt xanh của nhà tuyển dụng?
Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Asoft, nhìn nhận: “Phần lớn trong quá trình đi học SV chỉ được đào tạo lý thuyết là chính, thực hành về chuyên môn rất ít. Đó là một thiệt thòi. Tuy nhiên, rất nhiều SV năng động, vừa lên giảng đường, vừa tự kiếm những công việc liên quan đến chuyên môn để làm bán thời gian, hoặc tự mày mò thực hành. Quá trình này giúp ích rất nhiều cho hồ sơ xin việc sau này của bạn. Nhà tuyển dụng nhìn thấy những thứ bạn đã làm khi còn là SV, sẽ đánh giá cao khả năng học hỏi, chịu khó của bạn để quyết định nhận bạn làm việc hay không”.
Để có cơ hội được tuyển dụng cao, ông Huỳnh Ngọc Hoài Tâm cho rằng ngay từ năm học thứ 3, SV cần tích luỹ kinh nghiệm làm việc bằng cách đi làm bán thời gian vào các dịp hè, nghỉ lễ… “Bạn có tính kiên trì, ham học hỏi, kỹ năng mềm tốt, biết thêm ngoại ngữ thứ 2 thì dù đang còn học năm 3, năm 4 có khi cũng đã có doanh nghiệp nhắm để tuyển bạn rồi”, ông Tâm khẳng định.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm cầu nối cho nhà tuyển dụng với các ứng viên, bà Nguyễn Thị Vân Anh khuyên bạn trẻ ngay từ khi bước chân vào giảng đường phải trau dồi ngoại ngữ, học những kỹ năng mình chưa biết, chưa thành thạo, tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn, đi và trải nghiệm nhiều hơn. Ngoài ra, muốn được nhà tuyển dụng chú ý thì kinh nghiệm không thôi chưa đủ, cần tạo ra sự khác biệt, sự nổi trội. Để có được điều đó, theo bà Vân Anh, thì phải bạn trẻ cần quan sát, nắm bắt xu thế mới, sẵn sàng chấp nhận thử thách để học hỏi trong công việc.

Mỹ Quyên