25/01/2025

Khi đam mê vượt qua bóng tối

Mất hơn cả phút mò mẫm bàn cờ, từng con cờ, Dương Quỳnh Như mới có thể nghĩ về nước đi mới. Với cô bé đang học lớp 9A Trường Nguyễn Đình Chiểu (Q.5, TP.HCM) này, mỗi một ván cờ là một phen đau đầu vì phải… tưởng tượng quá nhiều.

 

Khi đam mê vượt qua bóng tối

 

 

Mất hơn cả phút mò mẫm bàn cờ, từng con cờ, Dương Quỳnh Như mới có thể nghĩ về nước đi mới. Với cô bé đang học lớp 9A Trường Nguyễn Đình Chiểu (Q.5, TP.HCM) này, mỗi một ván cờ là một phen đau đầu vì phải… tưởng tượng quá nhiều.




Lớp bóng đá ở Trường Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: T.P.
Lớp bóng đá ở Trường Nguyễn Đình Chiểu – Ảnh: T.P.

Dù ánh sáng là yếu tố quan trọng hàng đầu của bất kỳ lớp học thể thao nào nhưng cũng có những người cả đời phải tập luyện, thi đấu trong bóng tối. Dù vậy, họ vẫn không từ bỏ niềm đam mê thể thao của mình.

“Nếu cần người giúp đỡ từng việc nhỏ như vậy thì các em đã không đi học võ. Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của mình nên rất nhiều em đã ra sức tập luyện để cải thiện các kỹ năng sống

Nữ võ sư aikido Nguyễn Thị Thanh Loan

Những lớp học “ồn ào”

Như ở mọi ngôi trường khác, các lớp học dành cho học sinh khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu luôn chìm trong không khí yên ắng, tĩnh lặng từ suốt giờ học buổi sáng cho đến khi tan trường vào buổi chiều. Nhưng đến khoảng 16g30, mọi thứ bỗng thay đổi đột ngột. Đó là thời điểm bắt đầu của những lớp học thể thao sau khi giờ học văn hoá kết thúc. Lúc đó, toàn trường vang lên những tiếng huyên náo rộn ràng, sôi nổi.

Rộn rã nhất là sân bóng đá với lớp học gồm khoảng hơn 20 học sinh và ba trái bóng đặc biệt. Thầy Nguyễn Đình Hậu, giáo viên thể dục của trường, giải thích: “Trong mỗi trái bóng có gắn lục lạc để các em có thể nghe tiếng mà nhận định vị trí. Do không nhìn thấy nên thính giác trở thành công cụ chính của các em khiếm thị trên sân bóng. Những bài tập của chúng tôi dành cho các em cũng rất hạn chế, tập trung ở khả năng giữ bóng, chuyền bóng và tập sút, di chuyển theo tiếng hô của HLV”. Để hạn chế va chạm vùng đầu, các học sinh được mang thêm một chiếc băng dài khoảng 2-4cm 
trên trán.

Nhưng không vì vậy mà lớp học bóng đá dành cho các học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu trở nên kém hấp dẫn. Trái lại, lớp học vui tới “đinh tai nhức óc” vì âm thanh la hét của HLV, của khán giả vọng từ ngoài sân: “Bên trái”, “chuyền đi”, “sút đi”… Còn trong sân, các cầu thủ luôn miệng hét lớn “Boi! Boi! Boi…” (một cách hô để báo hiệu với đồng đội vị trí của mình). Đó là lúc mà mỗi khi xong các bài tập, HLV chia đội ra cho các học sinh cùng thi đấu với nhau. Với những người bị khiếm thị bẩm sinh, họ khó có thể tưởng tượng được có một ngày mình cũng có thể chìm trong không khí cuồng nhiệt của bóng đá như những người khác.

Nguyễn Bá Cường, một cầu thủ trong đội bóng của trường, cho biết dù chưa từng nhìn qua một trận đấu bóng là như thế nào nhưng từ nhỏ anh đã cảm nhận được không khí xem bóng đá rộn ràng của người thân trong gia đình. Cường cũng vui vẻ cho biết dù chìm trong những âm thanh lộn xộn đầy tiếng la hét khi chơi bóng, anh vẫn có thể phân biệt được đâu là tiếng của đồng đội, đâu là của đối phương…

Dương Quỳnh Như (phải) chơi cờ cùng bạn - Ảnh: T.P.
Dương Quỳnh Như (phải) chơi cờ cùng bạn – Ảnh: T.P.

Học trong trí tưởng tượng

Là nơi dành cho các học sinh khiếm thị, Trường Nguyễn Đình Chiểu có cơ sở vật chất phục vụ thể thao khá tốt. Ngoài sân bóng đá, trường còn có phòng tập judo, khu vực tập điền kinh, khu vực chơi cờ…, đủ phục vụ cho gần cả trăm người chơi cùng một lúc. Giống như lớp học bóng đá, những lớp học thể thao khác cũng rất ồn ào với phong cách “nghe tiếng đoán hình”, chỉ trừ khu vực dành cho những học sinh đam mê cờ vua.

Giữa lúc các bạn vui đùa rộn rã trong sân trường, Dương Quỳnh Như – kỳ thủ hàng đầu của Trường Nguyễn Đình Chiểu cùng cô bạn Đặng Thị Bích Tuyền im lặng ngồi trong một góc gần căngtin để suy nghĩ những nước cờ. Thật ra, thời gian chủ yếu Quỳnh Như và Bích Tuyền đánh cờ là vào buổi tối, khi trường học yên tĩnh hơn để dễ bề suy nghĩ.

Tận mắt chứng kiến những kỳ thủ khiếm thị thi đấu với nhau mới thấy chơi cờ hao tổn tâm lực chẳng kém gì những môn thể thao nặng nề nào khác. Sử dụng một bộ cờ được thiết kế đặc biệt để có thể phân biệt quân đen, quân trắng, Quỳnh Như vẫn mất rất nhiều thời gian mới đi được một nước bởi lẽ cô bé 14 tuổi này phải sờ soạng hết cả bàn cờ mới có thể đưa ra quyết định cho nước đi của mình.

Chúng tôi đã thử nhắm mắt lại đặt mình vào vị trí người khiếm thị để “thi đấu” với Quỳnh Như nhưng không tài nào nhớ nổi chính xác vị trí 32 quân cờ trên bàn cờ 64 ô. Vậy mà chỉ cần tôi hí mắt “ăn gian” một nước cờ là cô bé phát hiện ngay sau khi sờ lại bàn cờ. Thậm chí, Quỳnh Như còn nhớ tôi đã “ăn gian” ở quân cờ nào, ô nào… Thế mới tài!

Cũng vì vậy, một ván cờ với người khiếm thị lâu gấp mấy lần so với người bình thường. Gian nan hơn cả là khi phải “phác hoạ” một sơ đồ bàn cờ với những nước đi chằng chịt trong đầu bằng trí tưởng tượng. “Mỗi lần đánh cờ xong là em lại bị đau đầu. Nhưng không vì vậy mà em từ bỏ, em mê chơi cờ từ hồi học lớp 6”. Thần tượng của Quỳnh Như là kỳ thủ Lê Quang Liêm, người mà cô bé luôn dõi theo bằng cách nghe tin qua radio hoặc nhờ ba mẹ đọc báo.

Ngày đánh, đêm đánh, mỗi khi rảnh rỗi, đối thủ của Như đôi khi không chỉ là các bạn cùng hoàn cảnh mà là cả những người bình thường, cụ thể là bác hàng xóm gần nhà. Như cười nói: “Em không thấy đường nhưng không ai ăn gian em được đâu, vì em nhớ được tất cả các vị trí trên bàn cờ, ai dịch chuyển quân nào là em phát hiện ngay”. Để luyện thêm trí nhớ, Quỳnh Như và bạn hay đánh “cờ tưởng” (đánh cờ bằng cách nói miệng, không cần đến bàn cờ) – phong cách đánh mà các “kỳ thủ” hay sử dụng để tập luyện cùng nhau. Không lạ khi ở trường, Quỳnh Như có trí nhớ rất tốt, đặc biệt yêu thích những môn khoa học vận dụng trí óc phong phú.

Học thể thao để tự cường

Lớp aikido dành cho người khiếm thị của cô Loan - Ảnh: H.Đ.
Lớp aikido dành cho người khiếm thị của cô Loan – Ảnh: H.Đ.

Không chỉ ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, rất nhiều mái ấm khác dành cho người khiếm thị ở TP.HCM cũng có sân chơi thể thao. Cô Nguyễn Thị Thanh Loan, vị võ sư aikido giàu lòng nhân ái nổi tiếng với việc dạy võ cho người khuyết tật, thiểu năng một ngày phải “chạy sô” đến mấy lớp dạy võ khiếm thị. Cụ thể như ở mái ấm huynh đệ Như Nghĩa (quận Bình Tân), lớp võ aikido của cô Loan có khoảng 20 nữ sinh khiếm thị.

Trước giờ học, tự tay các võ sinh khiếm thị nơi đây chuẩn bị sàn đấu cho mình, từ việc dọn thảm cho đến lấy các thiết bị, dụng cụ. Cô Thanh Loan nói: “Nếu cần người giúp đỡ từng việc nhỏ như vậy thì các em đã không đi học võ. Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của mình nên rất nhiều em đã ra sức tập luyện để cải thiện các kỹ năng sống”.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm dạy võ cho người khiếm thị, cô Loan tự soạn thảo nhiều thế võ aikido hữu dụng cho người khiếm thị như cách xoay xở khi vấp té, cách sử dụng gậy dò đường khi bị hiếp đáp… Học viên Đồng Thị Hải Yến (15 tuổi) cho biết: “Kể từ khi tập võ từ hai năm qua, em biết cách trụ vững hơn khi vấp té lúc đi đường. Ngoài ra, em làm việc gì cũng thấy tự tin hơn 
trước đây”.

 

TẤN PHÚC – HUY ĐĂNG ([email protected])