Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Trăn trở của nhà giáo trước đổi mới giáo dục
Cuộc sống thay đổi, giáo dục buộc đổi mới theo và nhà giáo cũng không nằm ngoài yêu cầu đó. Nhưng trao đổi với Thanh Niên, những người đã hoặc đang là giáo viên vẫn đau đáu về những vấn đề không mới trước thềm đổi mới giáo dục.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Trăn trở của nhà giáo trước đổi mới giáo dục
Cuộc sống thay đổi, giáo dục buộc đổi mới theo và nhà giáo cũng không nằm ngoài yêu cầu đó. Nhưng trao đổi với Thanh Niên, những người đã hoặc đang là giáo viên vẫn đau đáu về những vấn đề không mới trước thềm đổi mới giáo dục.
Đó là những vấn đề như vị trí của nhà giáo, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, trao quyền chủ động cho giáo viên…
Cảm nhận của nhà giáo
Dạy học là nghiệp
Một buổi trưa, tôi bắt taxi về cơ quan. Tôi nói: “Cho mình về 280 An Dương Vương”. Cậu lái xe hỏi: “Vâng. Chú về nhà?”. “Không. Cơ quan cháu à”, tôi đáp. Cậu lái xe hỏi tiếp: “Chỗ đó là cơ quan gì vậy?”. “Là Trường ĐH Sư phạm”, tôi trả lời. “Cái trường ấy vẫn còn cơ à?”. Thấy tôi ngơ ngác, cậu lái xe nói: “Thừa cả hơn 70.000 giáo viên thì còn đào tạo làm gì nữa. Dẹp đi cho người ta khỏi vào lầm!”. Tôi lại càng ngạc nhiên. “Cháu cũng có đứa em đang học cao đẳng sư phạm ở quê. Cháu định khuyên em nó nghỉ đi vì học làm gì? Học xong không có chỗ đâu mà dạy. Báo chí nói đầy cả ra, muốn xin làm giáo viên phải lo lót cả trăm triệu. Làm nông nghèo như nhà cháu, học xong cũng chỉ xung vào đội ngũ thất nghiệp thôi. Nhưng mà khổ, em cháu là con gái, chứ là con trai như cháu thì học lái xe 6 tháng là xong. Này chú, thế ra trường lương các em được bao nhiêu?”, cậu lái xe hỏi tiếp. Tôi trả lời: “Khoảng trên dưới 4 triệu đồng”. Gần bằng nửa thu nhập một tháng của cháu”, cậu nói.
Tư lự một lát, cậu hỏi như đưa đẩy: “Chú làm gì ở đó vậy?”. “Chú là giảng viên. Chú làm ở đó lâu rồi, gần bốn mươi năm”. Cậu tiếp tục: “Sao chú lại làm nghề này?”. “Nghiệp cháu ạ. Thầy giáo mà chỉ nghĩ đến lương bổng thì không thể được gọi là thầy. Gọi là nghiệp vì họ sống vì tương lai học trò, vì tương lai đất nước”. Tôi nói vậy và tự hỏi không biết bao nhiêu người nghĩ như tôi.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Sợ tới trường vào ngày… 20.11!
Nhiều giáo viên nói rằng họ không muốn tới trường, sợ gặp phụ huynh trong ngày nhà giáo. Họ không muốn phải từ chối chiếc phong bì lạnh tanh từ một vài phụ huynh xem ngày này như ngày để trả nợ, thực hiện nghĩa vụ vì không muốn con mình bị “đối xử khác”.
Món quà phổ biến hiện nay phụ huynh gửi thầy cô là phong bì. Nhiều chiếc phong bì đưa ngay trước mặt thầy cô như một sự mua bán, đổi chác. Nhiều giáo viên vì ngại nên không nhận hoặc nhận một cách miễn cưỡng.
Có giáo viên buồn bã, thừa nhận tuy cuộc sống vất vả nhưng vào ngày hội của mình có lẽ họ sẽ vui hơn khi nhận được những tấm lòng, sự tri ân thật sự chứ không chỉ là những chiếc phong bì lạnh lùng.
Nhớ lại những ngày 20.11 khi còn ở trường tiểu học, mấy đứa trẻ con góp nhau vài bông hoa mào gà, vài quả cam giản dị nhưng tôi vẫn nhớ như in nụ cười của cô giáo ngày ấy. Nhận những bông hoa từ tay chúng tôi cô cười tươi lắm.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Cách thể hiện sự tôn trọng với thầy cô mỗi thời một khác. Nhưng dù thể hiện bằng cách nào thì điều không thể thiếu là sự tôn trọng và xuất phát tự đáy lòng chứ không nên coi đó là việc nghĩa vụ.
Nguyễn Thị Ngọc (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Giảng viên trẻ sống chật vật
Đời sống của giảng viên trẻ mới ra trường thường rất khó khăn, khi mà thu nhập của họ gần như chỉ trông chờ vào lương cơ bản, trong khi họ không chỉ phải đảm bảo được cuộc sống hằng ngày mà còn phải tiếp tục học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Còn giảng viên có bằng tiến sĩ tuy không còn phải lo khoản tiền học nâng cao chuyên môn, nhưng vẫn phải sống rất chật vật trong khoảng 3 – 5 năm đầu.
Vì thế mà vẫn có hiện tượng các tiến sĩ trẻ vừa giảng dạy trong trường, vừa phải đi làm thêm ở bên ngoài để có tiền trang trải cuộc sống. Vậy nhưng đây lại là thời gian họ buộc phải tích luỹ rất khẩn trương về mặt khoa học cũng như về mặt kinh nghiệm, phải tích cực tìm kiếm để được tham gia vào các nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là lúc mà các tiến sĩ phải vật lộn với lựa chọn giảng dạy và nghiên cứu hay đi làm kinh tế.
PGS-TS Đinh Văn Hải (Viện Khoa học kỹ thuật và vật liệu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
|
Tuệ Nguyễn (ghi)