24/01/2025

Phạt nặng nơi bán thuốc không toa

Ở Việt Nam, người dân có thể mua thuốc kê toa mà không cần toa tại bất kỳ nhà thuốc nào, trong khi tình trạng kháng thuốc đã xuất hiện ở nhiều nhóm thuốc như thuốc chống lao, thuốc kháng sinh…

 

Phạt nặng nơi bán thuốc không toa

 

 Ở Việt Nam, người dân có thể mua thuốc kê toa mà không cần toa tại bất kỳ nhà thuốc nào, trong khi tình trạng kháng thuốc đã xuất hiện ở nhiều nhóm thuốc như thuốc chống lao, thuốc kháng sinh…



 

 


Thuốc kháng sinh được bán tại một hiệu thuốc trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.Tùng
Thuốc kháng sinh được bán tại một hiệu thuốc trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: T.Tùng

Biện pháp nào thật mạnh chống kháng thuốc ở VN, chống lại nguy cơ không còn thuốc chữa bệnh đang đến gần? Ông CAO HƯNG THÁI – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – nói:

– Trong kế hoạch phòng chống kháng thuốc xuyên suốt đến năm 2020, Bộ Y tế và ba bộ liên quan xây dựng một kế hoạch có sáu mục tiêu và bốn giải pháp.

Trong đó ngay năm 2015 ưu tiên giải pháp quan trọng nhất là nâng nhận thức của người dân về sự nguy hại của việc dùng thuốc bừa bãi.

Năm 2016, mục tiêu ưu tiên là thực hiện các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, triển khai thực hiện nghiêm các quy trình, quy chế. Năm 2017 trọng tâm sẽ là khu vực nhà thuốc, nhà thuốc bán thuốc không có toa sẽ bị xử phạt nghiêm.

Tất nhiên không phải đến năm 2017 mới xử phạt mà hiện nay như phân cấp, địa phương do sở y tế giám sát, kiểm tra, tại Bộ Y tế thì Cục Quản lý dược xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra Bộ Y tế tổ chức giám sát, kiểm tra.

Ông Cao Hưng Thái - Ảnh: L.Anh
Ông Cao Hưng Thái – Ảnh: L.Anh

* Như ông nói tình trạng kháng thuốc do nhận thức của người dân, còn cơ quan quản lý nhà nước đã làm tốt nhiệm vụ 
của mình?

– Thật ra có ba vấn đề nổi cộm: người dân chưa hiểu biết, xem việc tự chữa bệnh là bình thường, cán bộ y tế coi hậu quả của kháng thuốc không có gì nghiêm trọng nên kê toa thuốc kiểu lạm dụng, bao vây, nhà thuốc vì lợi nhuận nên sẵn sàng bán thuốc không cần toa, bán xong cũng không ai kiểm tra giám sát, chỉ thi thoảng hoặc vô tình có vài nhà thuốc bị “phát hiện” bán không có toa dù tình trạng này xảy ra khắp nơi.

* Nếu không bán thuốc tự do thì cũng không còn mua tự do. Tại sao Bộ Y tế không tập trung vào tình trạng bán thuốc quá dễ dãi tại hệ thống nhà thuốc hiện nay trong khi quy chế đã có?

– Trong kế hoạch sáu mục tiêu bốn giải pháp kể trên, chúng tôi có những mục tiêu ưu tiên và trước mắt ưu tiên nâng cao nhận thức, bên cạnh đó kiểm tra giám sát, siết về quản lý hệ thống nhà thuốc thực hiện quy chế bán thuốc theo đơn.

Thực tế người dân ở vùng sâu vùng xa chưa dễ dàng trong tiếp cận dịch vụ y tế, lúc cần thuốc mà không có bác sĩ khám, kê toa thì không lẽ người dân phải chịu?

Các nước xung quanh như Thái Lan có hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu tốt, nhiều nước khác đã phát triển hệ thống bác sĩ gia đình từ lâu, chúng ta chưa có nhiều bác sĩ gia đình. Nếu thêm một thời gian chuẩn bị về khả năng cung ứng dịch vụ thì việc siết bán thuốc theo toa sẽ đồng bộ hơn.

* Theo ông, đâu là vấn đề trầm trọng nhất của hiện trạng kháng thuốc ở VN?

– Khoảng 75% kháng sinh sử dụng ở các bệnh viện, phòng khám được nghiên cứu là chưa thích hợp. Chúng ta chưa có đủ hệ thống thử nghiệm và kê toa đúng loại kháng sinh phù hợp. Bệnh nhân đến bệnh viện được xác định viêm họng, nhưng kháng sinh được kê lại không phù hợp với nguyên nhân gây bệnh cũng là kê toa chưa thích hợp, mà một phần căn nguyên là do thiếu hệ thống thiết bị xét nghiệm.

Thứ nữa là tình trạng các bệnh lao, sốt rét, HIV… kháng thuốc ngày càng tăng. Mức độ trầm trọng ngày càng tăng, nếu không tích cực có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là vi khuẩn gây bệnh kháng hết thuốc chúng ta hiện có, không còn thuốc chữa bệnh.

* Nhiều chuyên gia đánh giá VN có tình trạng kháng thuốc trầm trọng nhất thế giới, cũng cho rằng không ở đâu mua thuốc dễ dàng như ở VN. Ông nghĩ gì?

– VN ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Tổ chức Y tế thế giới đang đánh giá đây là khu vực có mức độ kháng thuốc trầm trọng nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu nói VN trầm trọng nhất thế giới thì chưa phải. Nhưng đúng là mua thuốc ở VN dễ hơn, nhiều người đi công tác nước ngoài thường mang theo kháng sinh đề phòng bị bệnh, sốt thì lấy ra dùng vì mua ở bên đó không dễ.

Người dân và giới thầy thuốc hãy cùng nhìn nhận vấn đề này như nguy cơ đe dọa sức khỏe của cộng đồng và của chính mình khi ốm đau không có thuốc điều trị.

Tăng cường 
thanh tra, kiểm tra 
các nhà thuốc

TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sở sẽ chấn chỉnh tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Cụ thể, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ TP.HCM và các bệnh viện tăng cường, tuyên truyền cho người dân hiểu được những bệnh lý nào, khi nào mới cần dùng kháng sinh.

Bên cạnh đó, sở sẽ tập huấn cho một số bệnh viện về việc quản lý thuốc kháng sinh. Để tránh lạm dụng thuốc kháng sinh, bác sĩ cần tuân thủ đúng các phác đồ điều trị đã có. Sở đã và sẽ tiếp tục đến các bệnh viện kiểm tra, giám sát, xử lý việc kê đơn tại các bệnh viện.

Thực tế bệnh viện nào đẩy mạnh và tăng cường giám sát việc kê đơn và tuân thủ phác đồ điều trị thì chi phí dùng thuốc cho bệnh nhân tại bệnh viện đó hợp lý. Ngoài ra, sở sẽ tiếp tục nhắc nhở, tuyên truyền cho những người quản lý nhà thuốc, sau đó kiểm tra và xử phạt nếu vi phạm.

THUỲ DƯƠNG

Cứ thấy khó ở là mua liều thuốc

Hầu hết người dân được hỏi đều cho biết khi bị bệnh nhẹ như đau đầu, cảm cúm đều tự mua thuốc uống. Họ không hay biết về thành phần toa thuốc cũng như tác dụng từng loại thuốc.

* Bà Hà Huệ Thanh (P.7 Q.3, TP.HCM): Tôi thường xuyên bị đau đầu, nhức mỏi. Mỗi lần như vậy tôi tự mua thuốc. Thường nhân viên kê rồi hướng dẫn về uống chứ không để ý đến các loại thuốc. Tôi cũng không biết thuốc kháng sinh là gì. Tiệm thuốc họ cũng là dược sĩ nên bệnh nhẹ cần gì phải khám bác sĩ.

* Bà Lê Thị Liễu (P.15, Q.10, TP.HCM): Mỗi khi tôi sốt, sổ mũi, cảm cúm nhẹ thường ra quầy thuốc gần nhà mua thuốc. Mỗi lần như vậy, nhân viên quầy thuốc bán 3 – 4 loại thuốc rồi uống theo chỉ dẫn, còn tôi không biết cụ thể loại thuốc gì. Thường tôi uống tận hai, ba toa mới khỏi. Tôi chỉ nghe nói uống thuốc kháng sinh mệt, còn các loại thì không biết. Bán cho loại thuốc nào uống loại đó.

* Bà Hoàng Thị Xuân (Q.Tân Phú, TP.HCM): Trước đây, khi bệnh tôi thường ra mua thuốc ở quầy. Lần nào cũng phải mua thuốc uống 2-3 lần mới khỏi bệnh. Bây giờ chỉ bệnh nhẹ tôi vẫn đến bệnh viện khám cho yên tâm. Khi bác sĩ kê đơn, tôi hỏi rất kỹ về các loại thuốc và uống hết liều theo lời khuyên của bác sĩ.

TIẾN LONG ghi

LAN ANH thực hiện