Hướng đến COP 21: Châu Âu hành hương vì khí hậu

Trước thềm Hội nghị COP 21, hưởng ứng lời kêu gọi của các giáo hội Kitô và các tổ chức đại kết, nhiều người từ Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, Italia và Anh, đã tham gia các cuộc hành hương đến Paris để bảo vệ khí hậu. Các Kitô hữu từ nhiều quốc gia châu Âu và của tất cả các hệ phái đã lên đường hành hương để đến Paris vào ngày 27 tháng 11…

Hướng đến COP 21: Châu Âu hành hương vì khí hậu
 
WHĐ (19.11.2015) – Trước thềm Hội nghị COP 21, hưởng ứng lời kêu gọi của các giáo hội Kitô và các tổ chức đại kết, nhiều người từ Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, Italia và Anh, đã tham gia các cuộc hành hương đến Paris để bảo vệ khí hậu.

Các Kitô hữu từ nhiều quốc gia châu Âu và của tất cả các hệ phái đã lên đường hành hương để đến Paris vào ngày 27 tháng 11; mục tiêu của họ là ký tên vào một thoả thuận thích đáng với mong muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu tại Hội nghị Khí hậu.

Một số người đã lên đường từ nhiều tháng nay nhưng điều quan trọng là họ sẽ được nhập đoàn với hàng trăm người khác cùng đi với họ trên đường trong một hay nhiều ngày và được các giáo xứ địa phương đón tiếp.

Nhiều tổ chức Kitô giáo đại kết, các giáo hội địa phương thuộc nhiều hệ phái khác nhau cũng tham gia sáng kiến hành hương này, trong đó có các Giáo hội Anh giáo lên đường từ Anh quốc.

1.700 km từ Flensburg đến Paris


Trong số các “cuộc hành hương vì khí hậu” quan trọng nhất, có cuộc hành hương khởi hành từ Na Uy từ tháng 6, do các Hiệp hội Kitô giáo và đại kết cùng với Hiệp hội Act Now (Hành động ngay) tổ chức. Họ đi qua Đan Mạch và Đức, nhập đoàn với nhóm hành hương từ Thuỵ Điển trước khi vượt qua biên giới Pháp vào đầu tháng 11.

Chúa Nhật 13 tháng 9 năm 2015, một nhóm khác đã rời thành phố Flensburg, tại biên giới Đan Mạch-Đức, để thực hiện cuộc hành trình dài 1.700 km đến Paris. Trong số những người tham gia cuộc đi bộ này, có các bộ trưởng Bộ Môi trường và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển của Đức. Xen kẽ các thời gian tĩnh tâm là những cuộc thảo luận và viếng thăm các địa điểm tích cực hay tiêu cực đối với khí hậu.

Một lộ trình đáng chú ý khác, xuất phát từ Roma, gồm khoảng 20 người Philippines, đặc biệt có Yeb Saño, nhà đàm phán tại COP 19 diễn ra ở Warsawa vào năm 2013; ông được nhiều người biết đến vì đã ăn chay trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị để bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân của cơn bão Haiyan ở đất nước ông.

(Theo La Croix)

 

Minh Đức