19/01/2025

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

Những cán bộ, giáo viên gắn bó được với nghề đều là những người có tâm huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

 

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

 

Những cán bộ, giáo viên gắn bó được với nghề đều là những người có tâm huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.




Ông Trần Kim Tự - Ảnh: Ngọc Nam
Ông Trần Kim Tự – Ảnh: Ngọc Nam

Bản thân đây cũng là câu chuyện nóng của nhiều đời bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thiếu lương, giáo viên phải tranh luận với nhau có phải đi làm thêm nghề khác không? Rồi nạn dạy thêm học thêm tràn lan, phong bì cho thầy cô giáo mỗi dịp lễ lạt… dẫn tới nghề giáo không được coi trọng… đều được cho rằng nguyên nhân là do lương giáo viên quá thấp, không đủ sống.

Trang báo hôm nay xin đề cập câu chuyện: lương giáo viên. Và bắt đầu bằng câu chuyện với ông Trần Kim Tự, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), về vấn đề này.

“Chúng ta cũng biết rằng lương tối thiểu bao nhiêu là đủ sống, bao nhiêu thì phù hợp với “túi tiền” của Nhà nước là chuyện không dễ xác định

Ông Trần Kim Tự

Ông Trần Kim Tự cho biết:

– Tiền lương nhà giáo là một bộ phận trong chính sách (tổng thể) tiền lương của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, lương thấp không phải vấn đề riêng của các nhà giáo mà là câu chuyện chung ở nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận lao động trong ngành GD-ĐT có những đặc thù riêng, như phải chịu nhiều áp lực, công việc vất vả, mức thu nhập còn eo hẹp.

Những cán bộ, giáo viên gắn bó được với nghề đều là những người có tâm huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Hiểu rõ điều đó, trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã luôn chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ để có các cơ chế, chính sách chăm lo đời sống nhà giáo thông qua việc cải thiện chính sách tiền lương, xây dựng cơ chế tự chủ của các đơn vị…

Lương giáo viên

Hệ số lương

Tổng cộng lương(*)

Giáo viên mới ra trường

2,34

3.633.000

Giáo viên 15 năm trong nghề

3,66

5.767.000

Giáo viên có thâm niên hơn 25 năm trong nghề (tức là sắp về hưu) thì lương được hơn 8 triệu đồng.

Mức thu nhập còn eo hẹp

* Rất nhiều nhà giáo đã hi vọng tới năm 2010 sẽ có thể sống được bằng lương như lời hứa. Đã 5 năm qua đi tính từ mốc thời gian đó, hiện thời theo ông số nhà giáo có thể sống được bằng lương chiếm tỉ lệ bao nhiêu? Có ý kiến cho rằng nhìn vào lương giáo viên thì không thể tin được “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Ông suy nghĩ gì về ý kiến này?

– Ngân sách chi cho giáo dục là 20% so với tổng chi của ngân sách nhà nước, đây là tỉ lệ thể hiện sự ưu tiên hơn cho giáo dục.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, với các quy định chung về thang bảng lương như các ngành nghề khác, mức lương của một bộ phận nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống nói chung. Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã đề xuất và phối hợp với các bộ, ngành để đưa vào thực hiện một số chính sách nhằm nâng thu nhập cho nhà giáo nói chung và giáo viên đang đứng lớp nói riêng. Đây là những nỗ lực lớn góp phần cải thiện đời sống nhà giáo.

* Vậy thì đến bao giờ nhà giáo thật sự sống được bằng lương? Bộ GD-ĐT có trách nhiệm gì trong việc này không?

– Câu hỏi này hay nhưng rất khó trả lời. Bộ luôn tìm mọi cách để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội giải quyết vấn đề này nhưng Chính phủ không thể xem xét riêng cho ngành giáo dục mà phải xem xét trong tổng thể cùng với các ngành khác.

Vừa qua Nhà nước đã có quyết định đảm bảo cho những người hưởng lương hưu đều phải có mức lương tối thiểu không thấp hơn mức lương cơ bản, trong số đó có nhiều giáo viên mầm non đang nghỉ hưu được điều chỉnh tăng thêm thu nhập từ lương. 

Dù công tác ở vùng xa, điều kiện khó khăn nhưng giáo viên ở Trường THCS bán trú Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vẫn nhận đỡ đầu các học sinh dân tộc Xê Đăng. Trong ảnh: giáo viên ở lại nấu cơm trưa, lo cho học sinh giờ ăn trưa hằng ngày - Ảnh: Thái Bá Dũng
Dù công tác ở vùng xa, điều kiện khó khăn nhưng giáo viên ở Trường THCS bán trú Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vẫn nhận đỡ đầu các học sinh dân tộc Xê Đăng. Trong ảnh: giáo viên ở lại nấu cơm trưa, lo cho học sinh giờ ăn trưa hằng ngày – Ảnh: Thái Bá Dũng

Tăng tỉ lệ được tăng lương sớm do lập thành tích xuất sắc

* So với một công chức có mức lương tối thiểu tương đương, nhà giáo được hưởng thêm các phụ cấp, chính sách ưu đãi như thế nào, thưa ông?

– Nếu một công chức, ngoài mức lương theo quy định trong thang bảng lương chung có thêm phụ cấp công vụ 25% thì các nhà giáo ngoài lương có thêm phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) với tỉ lệ bằng 25 – 70% mức lương, tùy theo địa bàn – lĩnh vực công tác và phụ cấp thâm niên (được tính cả khi giáo viên đang công tác và khi sẽ nghỉ hưu).

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT với mẫu trên 30.000 giáo viên thì mức bình quân phụ cấp ưu đãi là 36% và phụ cấp thâm niên là 18% so với lương đang hưởng.

Ngoài ra, với tham mưu của Bộ GD-ĐT, Thủ tướng đã ban hành quyết định bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 3 năm) cho các nhà giáo được điều động về các cơ quan quản lý (phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT) làm công tác chuyên môn. Quyết định này cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc thu hút các nhà giáo có năng lực.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nghị định bảo lưu phụ cấp thu hút đối với nhà giáo được luân chuyển đến vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, các nhà giáo đã công tác 5 năm ở vùng đặc biệt khó khăn và được hưởng phụ cấp thu hút trong khoảng thời gian này nếu tiếp tục ở lại công tác sẽ được kéo dài thời gian hưởng phụ cấp.

Bộ cũng tham mưu để Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ một lần cho các nhà giáo đã nghỉ hưu mà chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương lưu. Tính đến nay có hơn 191.500 nhà giáo trong diện này được hưởng trợ cấp một lần, tổng kinh phí là 2.236 tỉ đồng. Trung bình mỗi nhà giáo nhận được 11,5 triệu đồng.

Gần đây Nhà nước đã cho phép tăng tỉ lệ được tăng lương sớm do lập thành tích xuất sắc từ 5% lên 10%, tạo cơ hội cho các nhà giáo phấn đấu.

“Đang thí điểm tăng tự chủ tài chính”

Bộ GD-ĐT đang xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, trong đó có tự chủ tài chính. Thủ tướng cũng đã cho phép 12 trường ĐH công lập được thực hiện thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi cam kết tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Các trường này được phép căn cứ vào nguồn thu thực tế để quyết định mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giảng viên.

Đối với các trường phổ thông, việc này khó hơn. Tại một số địa phương đã cho phép mở các mô hình trường chất lượng cao, cung ứng dịch vụ giáo dục có chất lượng và thu học phí tương xứng để chi trả cho việc đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và lương cho giáo viên. Đây là hướng giúp các nhà trường và các nhà giáo có thêm thu nhập chính đáng.

Tuy nhiên, với đặc thù riêng ở cấp phổ thông, vẫn phải đảm bảo ổn định ở khu vực giáo dục đại trà, vì thế việc tăng nguồn thu chính đáng cho cán bộ, giáo viên ngoài lương vẫn khó khăn.

Ông TRẦN KIM TỰ

TS Nguyễn Thị Quy (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Ảnh: H.HG.
Ảnh: H.HG.

Quá thấp so với cuộc sống thực tế

Hiện nay, ngân sách chi cho GD-ĐT chủ yếu dành để chi trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên, mức chi này quá thấp so với cuộc sống thực tế. Trước đây, khi nghiên cứu về hiện tượng dạy thêm – học thêm, chúng tôi đã thu được kết quả: đa số giáo viên cho rằng dạy thêm là do nhu cầu của phụ huynh học sinh và để tăng thu nhập một cách phù hợp nhất.

Rõ ràng, khi mức lương nhà giáo quá thấp so với mức chi tiêu của xã hội, giáo viên phải làm thêm. Mà nghề giáo là một nghề đặc thù, có những yêu cầu về đạo đức, về hình ảnh nhất định, đâu thể muốn làm thêm việc gì là làm. Thế nên tình hình dạy thêm – học thêm ngày càng phát triển tràn lan, ít nhiều làm giảm niềm tin vào sự nghiệp giáo dục và làm giảm uy tín của giáo viên.

H.HG. ghi

VĨNH HÀ thực hiện ([email protected])