30/11/2024

Thuốc thú y bỗng dưng… bất hợp pháp

Nhiều công ty thuốc thú y bị đảo lộn sản xuất kinh doanh bởi hàng hoá của họ bỗng dưng bị xem là hàng không hợp pháp.

 

Thuốc thú y bỗng dưng… bất hợp pháp

 

Nhiều công ty thuốc thú y bị đảo lộn sản xuất kinh doanh bởi hàng hoá của họ bỗng dưng bị xem là hàng không hợp pháp.



Các sản phẩm của Công ty thuốc thú y SAFA-VEDIC - Ảnh: chụp từ website

Lâu nay, các doanh nghiệp (DN) thuốc thú y, thú y – thủy sản có tên trong Danh mục thuốc thú y của Thông tư 28 được Bộ NN-PTNT ban hành vào năm 2013, đều được phép sản xuất và kinh doanh thuốc có tên trong danh mục. Bỗng dưng, từ tháng 9 vừa qua, Công văn 1704 do Cục Thú y ban hành cập nhật lại danh mục trên, song có 32 DN “lọt” ngoài danh sách mới. Những DN này buộc phải tự đi thu hồi thuốc, nếu không sẽ bị phạt.
“Đùng một cái” đảo lộn
 
 
Thuốc thú y bỗng dưng... bất hợp pháp - ảnh 1
Chỉ cần phạt 5 mặt hàng là mất 100 triệu đồng, trong khi doanh số công ty một năm chỉ 20 tỉ đồng. SAFA đã sản xuất và kinh doanh thuốc 37 năm nay, đang làm ăn bình thường, đùng một cái hoạt động đảo lộn, đình đốn, doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngưng hoạt động, thiệt hại rất lớn
Thuốc thú y bỗng dưng... bất hợp pháp - ảnh 2
 
Bà Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH thuốc thú y SAFA-VEDIC
 

Bà Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH thuốc thú y SAFA- VEDIC, phân tích không có tên đồng nghĩa DN có sản xuất ra cũng không thể bán được, vì các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, các chi cục thú y khi đi kiểm tra, phát hiện những mặt hàng bán ngoài danh mục sẽ phạt rất nặng. Chính vì vậy, những DN không có tên trong danh mục đều phải niêm phong, thu hồi hàng về. Nếu không thu hồi đại lý cũng không dám bán. Thông thường một mặt hàng bị phạt thấp nhất cũng 8 – 10 triệu đồng, cao thì 20 triệu đồng.

“Chỉ cần phạt 5 mặt hàng là mất 100 triệu đồng, trong khi doanh số công ty một năm chỉ 20 tỉ đồng. SAFA đã sản xuất và kinh doanh thuốc 37 năm nay, đang làm ăn bình thường, đùng một cái hoạt động đảo lộn, đình đốn, DN rơi vào tình trạng ngưng hoạt động, thiệt hại rất lớn”, bà Tú bức xúc.
Hiện SAFA cũng vừa nộp đơn lên cơ quan thuế xin ngưng sản xuất, làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm cho nhân viên. SAFA cũng đã thông báo thu hồi và hoàn trả lại tiền cho các đại lý. Đồng thời, sẽ tạm ngưng sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thuốc thú y cho đến khi hoàn thành thủ tục cập nhật được các sản phẩm lên danh mục lưu hành. “Công văn 1704 đã khiến nhiều DN lao đao 2 tháng nay”, bà Tú nói.
Giám đốc một DN có trụ sở ở Bình Dương cho biết từ ngày 27.10, DN đã ngưng sản xuất và tiến hành thu hồi khoảng 1 tỉ đồng tiền thuốc trên thị trường. Bởi: “Nếu không thu hồi sớm, các chi cục đi kiểm tra sẽ xử phạt rất nặng”, vị này cho biết.
Ông M.N, giám đốc một công ty sản xuất thuốc thú y cũng đang trong tình cảnh vì sót tên mà phải thu hồi một số mặt hàng than: “Quan trọng hơn là nguyên liệu sản xuất, bao bì đặt in, máy móc thiết bị, nhà máy ngưng hoạt động… nằm chờ chưa biết bao giờ hoạt động lại. Trong khi đó, công ty cũng vẫn phải chi phí lương công nhân, điện nước, các chi phí khác. Những thiệt hại này ai sẽ đền bù cho DN, biết kêu ở đâu?”.
Văn bản chồng chéo
Hiện các chi cục thú y trên cả nước đã căn cứ vào văn bản mới để kiểm tra các cơ sở kinh doanh thú y, đình chỉ bán các loại thuốc thú y không có trên trong danh mục.
Theo các DN, khi phát hành Công văn 1704, Cục Thú y không gửi cho các DN có tên trong danh mục đang có hiệu lực, để DN có thể kịp thời nêu ý kiến với Bộ và Cục điều chỉnh, tránh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, DN cũng thắc mắc, Thông tư 28 vẫn đang có hiệu lực, thì tại sao Cục lại đưa ra một văn bản có danh mục khác biệt. Danh mục thuốc của một số công ty cũng bị cắt giảm hoặc thêm vào, hoặc có thêm tên của các DN mới, mà sự thay đổi cũng không được giải thích và thông báo rõ.
Những tháng cuối năm là những tháng cao điểm DN bán hàng. Các đại lý cũng đẩy mạnh chạy doanh số để được hưởng mức chiết khấu cao. Việc ban hành danh mục mới với 32 DN “bị lọt” nói trên khiến các đại lý hoang mang và lo ngại vì chương trình chạy doanh số bắt đầu từ tháng 11 đến giữa tháng 12 đã sắp hết thời gian.
Một luật sư tại TP.HCM phân tích, Thông tư 28 vẫn đang hiệu lực, trong khi Cục Thú y công bố danh mục thuốc thú y lưu hành trong cả nước bằng một công văn là sai về pháp lý ban hành công văn.
Chỉ một tắc trách của cơ quan có thẩm quyền khiến các DN khốn khổ vì thiệt hại.
Vĩnh Long phát hiện hàng loạt hộ chăn nuôi có chất cấm
Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, cho biết từ đầu tháng 10.2015 đến nay, lực lượng chuyên ngành đã tiến hành lấy 68 mẫu nước tiểu heo thịt giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng của 24 hộ, cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn. Qua kiểm tra bằng test nhanh có 15 mẫu dương tính với chất cấm (salbutamol). Sau đó, Chi cục Thú y tỉnh gửi 7 mẫu (trong số 15 mẫu dương tính) đến Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y T.Ư 2 (TP.HCM) để xét nghiệm phát hiện có 6 mẫu dương tính với salbutamol, cao hơn từ 1,5 đến 175,5 lần so với quy định… Về việc kiểm tra thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, cơ quan thú y tỉnh Vĩnh Long tiến hành lấy 3 mẫu thức ăn bổ sung (còn gọi là men tiêu hóa) ở 3 cơ sở chăn nuôi heo và cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi để kiểm tra thì phát hiện có 2 mẫu dương tính với salbutamol.
Chi cục Thú y đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi gia súc có mẫu nước tiểu heo test nhanh dương tính. Đối với cửa hàng kinh doanh, Chi cục Thú y tỉnh đã tham mưu cho Sở NN-PTNT và trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 70 triệu đồng, tiêu hủy toàn bộ lô hàng, đóng cửa 30 ngày đối với cửa hàng kinh doanh thức ăn bổ sung có chứa chất cấm trong chăn nuôi. Đối với nhân viên tiếp thị sản phẩm cho cửa hàng, Chi cục Thú y tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị xử phạt 75 triệu đồng, tịch thu 14 kg (14 gói), đồng thời cung cấp hồ sơ cho cơ quan công an truy tìm nguồn gốc và xác định nơi cung cấp lô hàng để xử lý theo pháp luật.  
Thanh Đức

Hồng Sương