Chậm cổ phần hoá: “Không xử lý sẽ nhờn”
Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại hội nghị về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào chiều 13-11.
Chậm cổ phần hoá: “Không xử lý sẽ nhờn”
Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại hội nghị về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào chiều 13-11.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị – Ảnh: V.V.T. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Ninh nhấn mạnh rằng từng địa phương, từng bộ ngành cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá (CPH), ít nhất phải đạt được trên dưới 90% kế hoạch, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó khăn hoàn thành CPH.
Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nghiêm lãnh đạo chậm CPH với tinh thần “ai không làm thì đứng sang một bên”, ông Ninh nêu câu hỏi: “Đối với sự chậm trễ trong CPH vừa qua đã xử lý được trường hợp nào chưa? Tôi chưa nghe thấy xử lý được trường hợp nào cả. Nếu có thì đề nghị các bộ ngành, địa phương nêu tên để đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Không xử lý sẽ nhờn, sẽ cho rằng không làm cũng không sao”.
Theo ông Ninh, trong khi Hà Nội đã cơ bản hoàn tất việc tái cơ cấu các DNNN, đến nay TP.HCM vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện, cần tích cực hơn.
Ông Tất Thành Cang – phó bí thư Thành uỷ TP.HCM, phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết hằng tuần UBND TP đều xếp lịch để giải quyết các vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu DNNN trên địa bàn, đồng thời cam kết TP.HCM sẽ xong phương án CPH của 18/21 doanh nghiệp trong năm nay.
Trong khi đó, đại diện UBND tỉnh Nam Định nêu một số khó khăn dẫn đến chậm CPH các công ty trong lĩnh vực môi trường đô thị, kinh doanh nước sạch… do vướng các tài sản hình thành từ vốn viện trợ như hệ thống xử lý rác, bãi chôn rác.
Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng: “Lý do đó chẳng có gì vướng. Trên này đã xử lý nhiều, đã có hướng dẫn. Vốn vay WB, ADB đang thực hiện cũng có hướng dẫn xử lý, chứ không chỉ với vốn viện trợ. Ở đây chắc là do các đồng chí không tích cực, đề nghị báo cáo rõ địa chỉ và kiểm điểm vì đó là lý do không chính đáng”.
Đại diện UBND tỉnh Nam Định chống chế rằng chậm là do “vừa qua có sự thay đổi trưởng ban đổi mới DNNN tỉnh. Nếu một nhân sự lãnh đạo từ đầu thì nhanh hơn, nhưng do có sự thay đổi nhân sự và quan điểm khác nhau nên ảnh hưởng tiến độ”.
Theo thông tin được ông Lê Mạnh Hà – phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp – cung cấp tại hội nghị, từ năm 2011 đến ngày 10-11-2015, cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó CPH được 408 doanh nghiệp (đạt 79,37%) và sắp xếp theo các hình thức khác 63 doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Hà cho biết số doanh nghiệp phải hoàn thành CPH trong hai tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011 – 2015, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo triển khai mới đạt kế hoạch. |