Oằn lưng vì phí tăng
Trong lúc dốc sức để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận cuối năm thì nhiều doanh nghiệp lại phải “méo mặt” vì các khoản phí trời ơi, các khoản phí bỗng đội tăng.
Oằn lưng vì phí tăng
Trong lúc dốc sức để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận cuối năm thì nhiều doanh nghiệp lại phải “méo mặt” vì các khoản phí trời ơi, các khoản phí bỗng đội tăng.
Siêu thị ngoại ép tăng chiết khấu
Các doanh nghiệp (DN) trong Câu lạc bộ DN thuỷ sản cung cấp hàng nội địa bức xúc cho biết, một số siêu thị nước ngoài đang đòi tăng mức chiết khấu từ 0,75 – 1,2% bổ sung cho hợp đồng đã ký năm 2015. Đáng nói là các siêu thị ngoại vẫn đang bắt DN phải chịu những khoản chiết khấu nghe vô lý, như chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng tập hợp đơn hàng, chi phí tháng tối ưu hoá phân phối sản phẩm trong mạng lưới các cửa hàng, chi phí cho việc dùng thử sản phẩm (mặc dù DN đã có chương trình với chi phí riêng)…
|
Nếu doanh số 10 tỉ đồng/năm thì mỗi khoản chiết khấu 1 – 2% tương đương 100 – 200 triệu đồng. Ngoài ra, các siêu thị còn đưa ra nhiều yêu sách đối với nhà cung cấp như đề nghị tăng mức chi phí hỗ trợ các hoạt động thường xuyên, hỗ trợ cho lễ hội khách hàng với mức mỗi cửa hàng tăng từ 6,2 triệu đồng trong năm 2013 lên 7 triệu đồng trong năm 2014, hỗ trợ sinh nhật mỗi cửa hàng từ 2,5 triệu đồng năm 2013 lên 3 triệu đồng năm 2014, hỗ trợ khai trương siêu thị mới cũng tăng từ 0,5% năm 2013 lên 1% năm 2014. Từ năm ngoái, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình khuyến mãi hay catalogue đã tăng từ 3,65% của năm 2013 lên 4 – 5%; chi phí cho thương lượng chung cũng tăng từ 2 – 3%, chi phí hằng tháng cho vận chuyển tăng từ 3 – 6%.
Đại diện Công ty CP thực phẩm Cholimex cho biết năm nào các siêu thị cũng đẩy các mức chiết khấu tăng so với năm trước đó. Có siêu thị đưa mức chiết khấu lên tới 25 – 30%.
Siêu thị ngoại ép tăng chiết khấu
Đại diện một DN thuỷ sản than thở, công ty của bà thuộc quy mô không nhỏ mà mức chiết khấu phải chịu tại một hệ thống siêu thị nước ngoài đã là 20%. “Bán ở hệ thống Co-opmart chiết khấu 10% mà ở hệ thống siêu thị nước ngoài này nhảy vọt lên 25%, trong khi hàng thực phẩm chế biến lãi được 5% là đã mừng lắm rồi. Có siêu thị nước ngoài còn tuyên bố thẳng, là làm với họ đừng tính lãi, chủ yếu là để quảng bá hình ảnh mà thôi”, bà cho hay. Bà kể thông thường đầu năm hai bên ký kết siêu thị đạt doanh số bán hàng 20 tỉ đồng DN sẽ thưởng 2%, 18 – 20 tỉ đồng thưởng 1,5%, dưới 18 tỉ đồng thưởng 1%. Nhưng mới đây một số siêu thị nhận thấy có khả năng không đạt được doanh số đề ra đã yêu cầu DN hạ doanh số xuống mà vẫn giữ nguyên mức thưởng.
Phí gấp 5 – 6 lần giá cước
Các DN xuất nhập khẩu thì lại điên đầu với chi phí cho hãng tàu. Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, cho biết công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đi các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… và luôn phải “đau đầu” với các loại phí tàu biển.
Các loại phí phải trả có thể kể tên như phụ phí bến bãi THS (Terminal handling charge) dùng cho các dịch vụ xếp dỡ, tập kết container ra cầu tàu; phụ phí xăng dầu EBS (Emergency bunker surcharge) khi giá xăng dầu tăng; rồi phụ phí mùa cao điểm PSS (Peak season surcharge) thường được áp dụng từ tháng 8 đến tháng 10 khi nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng cao dịp cuối năm. Chưa hết, có khi còn thêm phụ phí mất cân đối vỏ container nhằm bù đắp phát sinh container rỗng; có lúc phải trả phụ phí biến động tỷ giá ngoại tệ… Cũng vì gánh nhiều loại phí, nên nhiều lúc biểu giá cước tàu biển cho một container đi tới cảng Thượng Hải (Trung Quốc) chỉ có 50 USD nhưng phí đã lên đến 200 – 300 USD, gấp 5 – 6 lần giá cước; hàng xuất qua Mỹ giá 3.800 – 3.900 USD, cước phí cũng đã 300 USD…
|
Một DN xuất nhập khẩu thuỷ sản khác tại TP.HCM cũng cho hay giá cước vận tải biển tăng trung bình khoảng 50 USD từ tháng 4 qua. Các loại phí từ đó cũng tăng theo, như phí mất cân đối container tăng trung bình từ 40 USD lên 80 USD/container; phí cao điểm tăng lên khoảng 50 – 100 USD tùy lúc… “Hàng hóa công ty chúng tôi đa phần xuất đi châu Âu, giá cước một container khoảng 1.500 USD, đó là chưa tính các loại phí trên dưới 200 USD”, đại diện DN này nói.
Bà Phạm Kiều Oanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP may Nhà Bè (NBC), kể lại cuối năm 2013, để tiết giảm chi phí trong bối cảnh các loại cước phí tăng, NBC đã mở công ty tự vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục hải quan, đến nay đã quán xuyến được 80% các lô hàng của công ty. “Tự làm mới thấy các hãng vận tải biển lấy phí rất cao, NBC tiết kiệm đến 20 tỉ đồng hằng năm từ các loại chi phí này”, bà Oanh chia sẻ với báo chí.
Người tiêu dùng phải gánh
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), hiện các siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20 – 35% so với giá bán của nhà cung cấp, cùng với việc “đè” DN để lấy thêm phần chiết khấu 10 – 25% đã làm giá bán của nhiều loại sản phẩm trong siêu thị cao hơn so với các kênh phân phối khác. Phó tổng giám đốc một DN thủy sản, đơn vị chuyên cung ứng thức ăn chế biến và thực phẩm đóng gói cho các siêu thị, phân tích điều chỉnh mức chiết khấu sẽ làm giá bán tăng theo, và người tiêu dùng cuối cùng là người phải trả cho khoản chênh lệch này. “Mà muốn thay đổi chiết khấu hay điều chỉnh doanh thu rất dễ, hai bên chỉ cần ký một phụ kiện là xong. Vì vậy, các siêu thị trên đã doạ cắt hợp đồng cung cấp hàng, năm 2016 sẽ không ký hợp đồng”, vị này nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng các hợp đồng thương mại được ký kết giữa các DN thường khó thay đổi vì những lý do không chính đáng. Nếu một bên muốn thay đổi, nghĩa là họ đang có thế mạnh áp đảo các DN trong thế yếu để đàm phán. Tuy nhiên, thị trường cũng có nguyên tắc “thuận mua vừa bán” mà không cơ chế nào có thể can thiệp. DN có thế mạnh là chất lượng hàng hoá, giá bán, thương hiệu, những giá trị gia tăng khác… có thể đặt lên bàn đàm phán với bên phân phối. Còn nếu DN thấy đối tác “được đằng chân, lân đằng đầu”, “chơi” không đẹp, bị chèn ép thì “tẩy chay”, tìm nguồn đầu ra khác. Thị trường hiện nay các hệ thống phân phối cũng phải cạnh tranh với nhau để có mối quan hệ bền lâu với DN, nếu mức chiết khấu không hợp lý hoặc quá sức DN, họ cũng sẽ rơi vào cảnh lao đao thiếu hụt nguồn hàng.
Một chuyên gia kinh tế khác phân tích thêm là cần phải xem lại mối quan hệ cạnh tranh giữa các DN trong nước với nhau. Bởi khi nhiều DN muốn hàng của mình nằm trên kệ siêu thị, họ “lấn” DN khác bất chấp giá chiết khấu cao. Vô hình trung chính DN đã tự nâng mức chiết khấu. Các siêu thị “bắt thóp” được điều này nên dùng để ép DN.
Lâm Đồng thu phí người buôn bán và xe chở hàng hoá nhập chợ
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định về việc quy định mức thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn (có hiệu lực từ ngày 15.11), áp dụng đối với người buôn bán trong chợ (kể cả kinh doanh có quầy, sạp cố định và kinh doanh ở địa điểm không cố định) và các loại xe chở hàng hoá nhập chợ.
Theo đó, người buôn bán tại các chợ được đầu tư bằng ngân sách nhà nước: chợ có hộ đặt cửa hàng, cửa hiệu buôn bán thường xuyên, cố định thì tuỳ theo diện tích quầy, sạp và hạng chợ mà có mức phí từ 5.000 – 60.000 đồng/m2/tháng (đối với quầy, sạp cố định) và từ 3.000 – 6.000 đồng/người/ngày (đối với quầy, sạp không cố định); chợ có người buôn bán không thường xuyên, không cố định thì mức thu từ 3.000 – 4.000 đồng/người/ngày.
Tại chợ mới Đà Lạt (chợ hạng 1), đối với quầy, sạp cố định có mức thu 115.000 đồng/m2/tháng; không có quầy, sạp cố định thì thu 6.000 đồng/người/ngày. Các loại xe chở hàng hoá nhập chợ (từ xe thô sơ cho đến các loại ô tô tải) có mức thu từ 1.000 – 25.000 đồng/xe/lần.
Gia Bình
|
Hồng Sương – Trần Tâm