16/01/2025

Xây dựng điểm đến quốc gia cho Phú Quốc: Trở thành đặc sản du lịch Việt

Phú Quốc hội tụ đầy đủ mọi yếu tố và đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành một thương hiệu quốc gia về du lịch.

 

Xây dựng điểm đến quốc gia cho Phú Quốc: Trở thành đặc sản du lịch Việt

 

 

 

Phú Quốc hội tụ đầy đủ mọi yếu tố và đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành một thương hiệu quốc gia về du lịch.


 


Phú Quốc đang hình thành một chuỗi khép kín về dịch vụ để tối đa hóa chi tiêu của khách - Ảnh: Đ.N.ThạchPhú Quốc đang hình thành một chuỗi khép kín về dịch vụ để tối đa hóa chi tiêu của khách – Ảnh: Đ.N.Thạch
Đặc biệt, Phú Quốc đang dần hình thành một chuỗi khép kín trong dịch vụ, giải trí, có thể khiến du khách “vui vẻ móc hầu bao”, qua đó thực sự biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Chính phủ.
Chuỗi dịch vụ khép kín
 
 
Điểm nhấn Phú Quốc
Năm du lịch quốc gia 2016 với chủ đề Khám phá đất phương Nam sẽ diễn ra ở tỉnh Kiên Giang. Đây là sự kiện văn hoá – kinh tế – xã hội tiêu biểu, có quy mô lớn, góp phần phát triển du lịch biển, đảo trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và khu vực, đặc biệt là du lịch đảo Phú Quốc. Lễ khai mạc dự kiến diễn ra vào ngày 30.4.2016.
 

Du khách quốc tế đến VN chi tiêu rất thấp, nguyên nhân ở các điểm đến, du khách không biết tiêu xài cho việc gì. Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng Lonely Planet công bố khảo sát danh sách 10 điểm đến trên thế giới có chi phí du lịch “hợp lý” nhất và Hà Nội, TP.HCM đều xếp ở vị trí thứ 2. Theo đó, du khách chỉ cần khoảng 20 USD/ngày cho việc ăn, nghỉ bình dân và tham quan tại Hà Nội hoặc TP.HCM. Đây thực sự không phải là thông tin tốt cho du lịch VN, bởi nó đồng nghĩa nguồn thu từ du lịch rất thấp.

Ở mức cao hơn, đối với khách không phải “Tây ba lô”, chi tiêu mỗi ngày trung bình không quá 50 USD ở VN, không tính ăn uống, phòng khách sạn, vé tham quan. Theo các hãng lữ hành trong nước, con số này là rất thấp nếu so với khách VN đến Thái Lan có thể xài 100 USD/ngày; đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu xài 130 – 150 USD/ngày. Nhưng với Phú Quốc, bài toán chi tiêu của du khách sẽ được giải, vì tạo ra được một chuỗi dịch vụ đa dạng, phù hợp cho từng đối tượng khách, từng lứa tuổi.
Kể từ tháng 8 vừa qua, du khách đến Phú Quốc có thêm một lựa chọn khác để vui chơi, ăn uống về đêm khi Công ty CP du lịch Ngôi sao Biển đưa chợ đêm Bạch Đằng (thị trấn Dương Đông) đi vào hoạt động lúc 17 – 24 giờ hằng ngày. Đây là chợ đêm thứ hai tại Phú Quốc, sau chợ đêm Dinh Cậu (chủ yếu bán hải sản). Riêng trung tâm thương mại có tổng vốn đầu tư 120 tỉ đồng, cao 9 tầng, được kết nối với chợ đêm Bạch Đằng. Ông Ngô Tự Lực, Giám đốc công ty cho biết hiện ở Phú Quốc còn ít hoạt động vui chơi giải trí về đêm, nhưng sắp tới sẽ đa dạng hơn. Lúc đó, du khách sẽ có nhiều lựa chọn giải trí cả ban ngày và ban đêm. Những thỏi nam châm hút tiền của du khách ở Phú Quốc không thể không kể đến các dự án của Vingroup đã đưa vào hoạt động hoặc đang triển khai như Vinpearl Phú Quốc Resort & Villas (3 giai đoạn), vườn bách thú hoang dã Safari Phú Quốc, Vinpearl Golf Phú Quốc, casino Phú Quốc, khu vui chơi giải trí Vinpearl Land Phú Quốc… Tất cả đều hoạt động theo tiêu chuẩn 5 sao.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia du lịch, Phú Quốc hiện nay đang làm được những điều mà các địa phương khác chưa làm được. Đó là hình thành một chuỗi khép kín trong dịch vụ theo kiểu phức hợp, nhất là hệ thống dịch vụ của Vingroup. “Đặc điểm của du lịch Phú Quốc là du khách đi cùng nhóm gia đình hoặc nhóm bạn bè gia đình, bao gồm ông bà, ba mẹ, con cái. Ở Phú Quốc đang có đầy đủ các loại hình vui chơi giải trí dành cho các đối tượng này như ông bố, thanh niên có thể tham gia các trò chơi trên biển, đi câu cá; bà mẹ có thể tắm biển, mua sắm, ăn uống; con nhỏ vào khu giải trí Vinpearl Land hoặc sắp tới là Safari; ông bà thì nghỉ dưỡng… Ban ngày, du khách có nhiều lựa chọn trên bờ, dưới biển. Ban đêm cũng có những nơi giải trí lành mạnh. Chưa kể các hoạt động khác sẽ được khai thác trong thời gian ngắn sắp tới như khu casino… Chỉ 1 – 2 năm tới, du khách đến Phú Quốc chắc chắn sẽ vui vẻ “móc hầu bao” cho nhiều dịch vụ. Đây chính là cách làm du lịch chuyên nghiệp mà các điểm đến VN còn chưa làm được, trong khi Thái Lan, Malaysia hay Singapore đã làm thành công từ lâu”, ông Sơn phân tích.
Tuân thủ quy hoạch
Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore, đánh giá rất cao sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình tạo dựng một Phú Quốc. “Các nhà đầu tư tư nhân ở Phú Quốc có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, nên họ hiểu được nhu cầu của du khách, biết được du khách cần những gì. Tuy nhiên, để Phú Quốc trở thành một “thế lực mới” của du lịch khu vực, nhà nước cần tạo mọi điều kiện thông thoáng trong chính sách cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước phải có tầm nhìn dài hạn, chính sách phải được thực thi một cách nghiêm túc, những nhà đầu tư nào có dấu hiệu đầu cơ đất phải được xử lý… Đặc biệt là phải tuân thủ quy hoạch, tránh xé nát không gian bãi biển, không gian xây dựng. Ngoài ra, Phú Quốc cũng cần quan tâm giáo dục người dân làm du lịch. Hiện tại không có tình trạng “chặt chém” du khách, nhưng nếu lơ là, khi du khách đông hơn có thể xảy ra chuyện này. Đem lại lợi ích cho cư dân địa phương là cách tốt nhất bảo vệ môi trường du lịch”, ông Robert Tan nói.
Theo ông Tan, Phú Quốc đang trở thành “đặc sản” của du lịch VN, là điểm nhấn trong cạnh tranh với khu vực. Tuy nhiên, Phú Quốc đang thiếu một đầu tàu tiếp thị, quảng bá ra thế giới. Phú Quốc cũng đang thiếu các đường bay quốc tế và đây là lý do tỷ lệ khách nước ngoài đến Phú Quốc còn thấp so với khách nội địa. “Phú Quốc cần có những chương trình xúc tiến mở đường bay quốc tế, có chính sách ưu đãi để đưa khách đến đảo. Phú Quốc cũng cần có các chương trình quảng bá ra nước ngoài để định hình trong đầu du khách đấy là điểm đến lý tưởng về biển, như Jeju (Hàn Quốc), Bali (Indonesia) hoặc các đảo ở Thái Lan đang làm. Nhà nước phải đầu tư vào quảng bá, tiếp thị Phú Quốc như đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nếu thiếu kinh phí, có thể xã hội hoá, kêu gọi tư nhân tham gia”, chuyên gia này gợi ý.

N.Trần Tâm