Cuộc triệt thoái của Thein Sein
Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể là gương mặt đại diện cho thay đổi ở Myanmar, nhưng Tổng thống Thein Sein mới là người hùng thực sự của tiến trình cải cách.
Cuộc triệt thoái của Thein Sein
Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể là gương mặt đại diện cho thay đổi ở Myanmar, nhưng Tổng thống Thein Sein mới là người hùng thực sự của tiến trình cải cách.
Trong binh pháp, triệt thoái trước đà tấn công của kẻ địch luôn là tình thế khó khăn nhất trong mọi chiến dịch quân sự. Với hơn 40 năm binh nghiệp, Tổng thống Myanmar Thein Sein hẳn thấu hiểu điều đó. Và ông đã chỉ huy thành công, ít nhất cho đến lúc này, cuộc triệt thoái về chính trị trong trật tự của quân đội Myanmar, lực lượng nắm quyền kiểm soát đất nước trong hơn 5 thập niên qua.
Viên tướng bình dị
Không có nhiều thông tin chi tiết về cuộc đời của Tổng thống Thein Sein, ngoại trừ vài bài báo của các tờ báo Mỹ The New York Times, Time hoặc tờ The Irrawaddy của những người Myanmar ở hải ngoại đăng rải rác trong vài năm qua. Các thông tin này đều cho biết Thein Sein sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân nghèo ở đồng bằng sông Irrawaddy. Trong bài viết năm 2013, tờ Time cho biết Thein Sein không đủ tiền để học đại học nhưng ông may mắn vượt qua kỳ thi tuyển sinh của Học viện Quân sự vào năm 1965, mở ra cuộc đời binh nghiệp kéo dài 45 năm và chỉ kết thúc khi ông giải ngũ với cấp hàm đại tướng để đảm nhiệm chức vụ tổng thống vào tháng 3.2011.
Lý do tại sao Thein Sein từ một cánh tay phải của thống tướng Than Shwe lại trở thành người cổ vũ cho thay đổi dân chủ cũng như tại sao ông được giới quân sự uỷ thác làm thế vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, ngược trở về quá khứ của ông, người ta có thể tìm thấy vài chi tiết nói lên tính cách của nhà lãnh đạo này. Theo tờ Time, sau khi chính quyền quân sự mạnh tay trấn áp phong trào nổi dậy năm 1988, thời điểm bà Aung San Suu Kyi nổi lên như một thủ lĩnh đối lập, nhiều sinh viên và nhà sư đã phải bỏ chạy ra nước ngoài. Lúc đó ông Thein Sein là một thiếu tá và trong khi các chỉ huy khác tống giam những người bị họ bắt được, thì vị tổng thống tương lai của Myanmar lặng lẽ thả một số người. “Thein Sein là một người bình dị và là một người tốt”, cựu Tư lệnh hải quân Myanmar Soe Thane, hiện là một bộ trưởng trong chính quyền Thein Sein, nói với tờ Time.
Thời thế đổi thay
Theo BBC, Thein Sein gia nhập hàng ngũ lãnh đạo cấp cao vào thập niên 1990, khi trở thành thành viên Hội đồng Hoà bình và phát triển quốc gia, cơ quan lãnh đạo tối cao ở Myanmar thời bấy giờ. Ông trở thành bí thư thứ nhất của hội đồng sau khi tướng tình báo Khin Nyunt bị thanh trừng vì tham nhũng năm 2004.
Phải đến hơn 40 tuổi Thein Sein mới lần đầu tiên ra nước ngoài. Thời điểm đó, đất nước từng là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tụt hậu xa so với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Tình trạng bấp bênh của quốc gia trở nên bi thảm hơn vào năm 2008 khi cơn bão Nargis tàn phá đất nước trong thảm họa chết chóc nhất lịch sử Myanmar, khiến 130.000 người thiệt mạng. Trong những ngày đầu, chính quyền quân sự khước từ viện trợ của nước ngoài vì lo ngại sức ảnh hưởng của ý thức hệ ngoại quốc đi kèm với hàng viện trợ. Lúc đó, Thein Sein là viên tướng đầu tiên của chính quyền quân sự thị sát vùng thảm hoạ. Nay Win Maung, một cố vấn chính phủ, kể lại với tờ Time năm 2011: “Thein Sein đi đến gặp thống tướng (Than Shwe) và nói: Hãy làm ơn, chúng ta phải giúp nhân dân của mình”.
Một cuộc khủng hoảng nhân đạo được ngăn chặn khi hàng hoá cứu trợ ở trong và ngoài nước bắt đầu được gửi đến vùng sâu vùng xa. Đó cũng là khi những viên tướng Myanmar cảm thấy thời thế đổi thay và Thein Sein nhận thấy những hạn chế của chế độ hiện thời. Thống tướng Than Shwe bắt đầu lo ngại về di sản của mình, sợ rằng ông phải chịu chung số phận bị thanh trừng khi về hưu như những lãnh đạo quân sự tiền nhiệm. “Thống tướng không muốn trải qua những năm cuối của cuộc đời dưới lệnh quản thúc. Ông ấy tin tưởng Thein Sein sẽ giữ lời hứa để cho ông rút lui một cách tươm tất”, một phụ tá của Thein Sein nói với tờ Time.
Làn gió hy vọng
Những cải cách dưới thời Thein Sein còn lâu mới hoàn hảo nhưng ít nhất chúng đặt nền móng cho tiến trình dân chủ ở Myanmar, bao gồm phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị, ban hành luật lao động mới cho phép đình công và thành lập công đoàn, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái… Trong đó, việc hủy bỏ lệnh quản chế bà Aung San Kuu Kyi và đối thoại với phe đối lập là một nỗ lực đột phá của chính quyền Thein Sein, giúp dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt áp đặt lên đất nước.
Đặc biệt, Thein Sein đã lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, với quyết định bất ngờ về việc đình chỉ xây đập Myitsone, một dự án liên doanh với Trung Quốc, vì những lo ngại về tác động nghiêm trọng đối với hạ nguồn sông Irrawaddy. Quyết định được đưa ra vào tháng 6.2011 khiến Bắc Kinh choáng váng bởi đó là lần đầu tiên chính quyền Myanmar mạnh dạn nói không với Trung Quốc, nước từ lâu là một đồng minh và nhà tài trợ không thể thiếu. Nó cũng đánh dấu quá trình chuyển trọng tâm quan hệ từ Trung Quốc sang phương Tây.
Mặc dù tiến trình cải cách hứa hẹn tước bớt quyền lực của giới quân sự, nhưng chính quyền của Thein Sein đã không đảo ngược nó, như những gì đang diễn ra sau cuộc bầu cử ngày 8.11. Kết quả thất bại hẳn nhiên không nằm ngoài dự đoán của giới quân sự. Vì thế, sự can đảm của Thein Sein và quân đội Myanmar trong việc chấp nhận mất đi quyền lực đáng được ghi nhận. Đó là dũng khí của người cầm quân dám đưa ra quyết định triệt thoái khi con đường phía trước chỉ hứa hẹn toàn đau khổ, bất công và tụt hậu cho nhân dân.
Và nếu như cuộc bầu cử Myanmar được ví như khoảnh khắc Nelson Mandela của Aung San Suu Kyi, thì chắc chắn Thein Sein sẽ chiếm vị trí lịch sử ngang hàng với F.W.de Klerk, vị tổng thống mở đầu cho sự kết thúc của chế độ Apartheid ở Nam Phi.
Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi đối thoại
Theo AFP, lãnh đạo đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập Aung San Suu Kyi hôm qua 11.11 đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Thein Sein, Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann kêu gọi đối thoại hoà giải dân tộc vào tuần tới. “Thực thi một cách hoà bình và ổn định ý chí của nhân dân, như được thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 8.11, là điều sống còn đối với phẩm giá quốc gia”, bà Suu Kyi viết. Bộ trưởng Thông tin Ye Htut cho hay ông Thein Sein đã đồng ý đối thoại và cuộc gặp gỡ sẽ được tiến hành sau khi kết quả chính thức được công bố. Tính đến hôm qua 11.11, NLD đã giành được 163 ghế trong tổng số 182 ghế được công bố ở hạ viện và thượng viện, bao gồm cả ghế nghị sĩ của bà Suu Kyi.
|
Sơn Duân