APEC thảo luận bên lề vấn đề Biển Đông
Bất chấp tuyên bố của nước chủ nhà Philippines, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Manila vẫn sẽ thảo luận không chính thức về vấn đề Biển Đông.
APEC thảo luận bên lề vấn đề Biển Đông
Bất chấp tuyên bố của nước chủ nhà Philippines, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Manila vẫn sẽ thảo luận không chính thức về vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Manila ngày 10-11 – Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp báo ngày 10-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết quan chức các nước vẫn sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông bên lề hội nghị ở Manila diễn ra sau một tuần nữa.
“Các cuộc thảo luận đa phương (về vấn đề Biển Đông) sẽ diễn ra bên lề hội nghị hoặc trong các cuộc gặp. Đó là vấn đề Mỹ luôn thảo luận khi gặp gỡ các đối tác và đồng minh khu vực” – ông Toner nhấn mạnh.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Lula del Rosario thông báo APEC sẽ không chính thức đề cập vấn đề Biển Đông do đây là diễn đàn kinh tế chứ không phải chính trị.
Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng tuyên bố Bắc Kinh “hi vọng APEC sẽ không thảo luận các vấn đề nhạy cảm” và “mong các bên tôn trọng ý nghĩa kinh tế và thương mại của APEC”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua thư điện tử, giáo sư Renato DeCastro thuộc ĐH De La Salle (Philippines) nhận định chính quyền Manila, dù đang căng thẳng với Bắc Kinh, quyết định không đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình chính thức vì muốn thể hiện vai trò nước chủ nhà và tổ chức hội nghị hiệu quả và thành công.
Nhưng chính quyền Tổng thống Benigno Aquino cũng hiểu rõ rằng Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khu vực chắc chắn sẽ không tránh né vấn đề Biển Đông khi hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đang khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.
Về việc Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) xác định có thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện bác bỏ đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, tại Manila, hôm qua Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cho rằng “Philippines phải có trách nhiệm hàn gắn quan hệ với Trung Quốc”!
Ông Vương Nghị mô tả vụ kiện “là nút thắt đã cản trở sự phát triển của quan hệ Trung Quốc – Philippines”. “Chúng tôi không muốn nút thắt này ngày càng siết chặt và chết cứng. Để nới lỏng và mở nút thắt này, chúng tôi phải nhìn về phía Philippines – ông Vương Nghị đá quả bóng về phía Philippines – Người gây ra rắc rối phải là người giải quyết. Chúng tôi hi vọng Philippines sẽ có sự lựa chọn hợp lý”.
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện cho đến khi “có kết thúc hợp lý”.
“Đòi hỏi chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc là quá đáng và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh – Nếu đường chín đoạn không bị phản đối, chúng tôi có thể sẽ mất 80% diện tích vùng đặc quyền kinh tế của mình (vào tay Trung Quốc)”.
Không chỉ ở APEC, chắc chắn vấn đề Biển Đông cũng sẽ là đề tài rất nóng bỏng tại Hội nghị ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia), diễn ra từ ngày 21 đến 22-11.
Theo dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị ASEAN do Hãng tin Kyodo News công bố, lãnh đạo các nước Đông Nam Á khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”.
Dự thảo tuyên bố chung cho biết các lãnh đạo ASEAN “kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp và leo thang căng thẳng trên Biển Đông”.
Theo dự thảo, các nhà lãnh đạo kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm tăng tốc đàm phán để lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), điều mà Bắc Kinh vẫn đang cố tình trì hoãn.
Indonesia cũng đòi kiện Trung Quốc Hôm qua, theo Reuters, chính quyền Jakarta cũng tuyên bố sẵn sàng kiện Trung Quốc ra Toà án hình sự quốc tế (ICC) để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vì nó liếm sâu vào quần đảo Natuna của Indonesia. Ông Luhut Panjaitan – bộ trưởng các vấn đề chính trị, pháp lý và xã hội Indonesia – khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Natuna là không có cơ sở pháp lý. “Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với Trung Quốc. Chúng tôi muốn tìm một giải pháp trong tương lai gần thông qua đối thoại. Nhưng nếu không được, chúng tôi sẽ kiện ra ICC – ông Luhut Panjaitan cảnh báo – Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua đối thoại. Nhưng đường chín đoạn là vấn đề đối với không chỉ chúng tôi mà còn xâm phạm lợi ích của cả Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines”. |