30/11/2024

Ai Cập xài máy dò bom giả

Việc phát hiện máy dò bom cầm tay ở Sharm el-Sheikh thực chất chỉ là thiết bị dò tìm bóng đánh golf đã khiến dư luận càng thêm phẫn uất về việc đảm bảo an ninh tại Ai Cập.

 

Ai Cập xài máy dò bom giả

 

Việc phát hiện máy dò bom cầm tay ở Sharm el-Sheikh thực chất chỉ là thiết bị dò tìm bóng đánh golf đã khiến dư luận càng thêm phẫn uất về việc đảm bảo an ninh tại Ai Cập.


 

 

 

Một thiết bị dò bom GT200 được đem ra kiểm tra tại Thái Lan năm 2010 sau khi bị nghi là đồ giả - Ảnh: AFP
Một thiết bị dò bom GT200 được đem ra kiểm tra tại Thái Lan năm 2010 sau khi bị nghi là đồ giả – Ảnh: AFP

Thông tin gây hoang mang cho hàng ngàn du khách nước ngoài đang bị mắc kẹt tại bán đảo Sinai dù chính quyền Anh và Ai Cập đã ra sức trấn an rằng họ sẽ làm mọi cách để đảm bảo an toàn cho du khách.

Theo tờ Independent, bảo vệ tại các khách sạn thuộc khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh đã sử dụng thiết bị dò bom giống với loại do một cặp đôi lừa đảo người Anh bán ra.

Các phóng viên nước ngoài mô tả các nhân viên bảo vệ rà khắp hành lý của khách bằng một thiết bị hình hộp cầm tay, giải thích rằng thiết bị sẽ giúp “xe hơi không phát nổ”. Thiết bị không có màn hình cũng như pin, ngoại trừ một chiếc ăngten giống loại gắn trên xe hơi.

“Những thứ đó chẳng phát hiện được gì và chỉ tạo cảm giác an ninh giả tạo cho hành khách. Nhóm Nhà nước Hồi giáo khi lên kế hoạch tấn công sẽ biết rằng những thiết bị này chẳng có tác dụng bảo vệ tại các chốt kiểm soát

Paul Beaver (chuyên gia an ninh)

Chỉ là tay cầm gắn ăngten

Chuyên gia an ninh Paul Beaver cho biết thiết bị ngớ ngẩn này là một phiên bản của những thiết bị giả đã được bán cho nhiều chính phủ trong một vụ lừa đảo bị phanh phui cách đây hai năm.

Năm 2013, James McCormick bị kết án 10 năm cho ba tội lừa đảo vì đã bán một số lượng lớn thiết bị dò bom giả ADE 651 cho Chính phủ Iraq trị giá đến 38 triệu USD.

Cùng năm đó, một người tên Gary Brown cũng bị phạt 7 năm tù vì bán hơn 1.000 máy GT200 được quảng cáo có thể phát hiện bom, ma tuý, ngà voi và tiền.

 Đến cuối năm ngoái, cặp vợ chồng lừa đảo Sam Tree bị kết án 3 năm tù vì chế tạo một thiết bị giả lấy cảm hứng từ những máy dò trên và bán trên mạng với giá đến 2.000 USD mỗi chiếc.

Chính phủ Thái Lan cũng nằm trong số nạn nhân của cặp đôi này khi mua đến sáu chiếc “gậy thần kỳ” Alpha 6 được quảng cáo có thể tìm thấy trẻ em mất tích. Các thiết bị này, được cho là cải tiến từ máy dò bóng đánh golf, đã bị chính quyền Anh cấm xuất khẩu.

Chính quyền Ai Cập có vẻ đã cải tiến các thiết bị này thành phiên bản với tên gọi C-Fast và sử dụng khắp Sharm el-Sheikh. Trong đề xuất cách đây bốn năm, các nhà khoa học quân sự Ai Cập thậm chí khẳng định thiết bị này có thể phát hiện bất cứ vật liệu nào từ cách xa 500m và sử dụng… năng lượng tĩnh từ cơ thể người cầm.

“Đây chỉ là thứ rác rưởi. Chúng không hoạt động. Chẳng có gì là khoa học bên trong cả” – CNN dẫn lời nhà cố vấn an ninh Anh Paul Biddiss. Sau khi xem xét hình ảnh các thiết bị này, ông Biddiss cho biết chưa từng có thiết bị dò bom nào có thiết kế hay “công nghệ” ăngten như thiết bị này. “Dùng súng nước có thể còn dò được bom hơn là thiết bị này” – ông giễu cợt.

Bộ Ngoại giao Ai Cập thừa nhận họ biết thông tin về những máy dò bom này nhưng chống chế rằng còn nhiều biện pháp an ninh khác được triển khai.

“Trên khắp khu nghỉ dưỡng, chúng tôi sử dụng máy dò kiểu sân bay, chó nghiệp vụ, khám người, máy phát hiện kim loại, an ninh cá nhân, cảnh sát, máy quay CCTV để đảm bảo an toàn cho du khách – AFP dẫn lời người phát ngôn bộ này – Chúng tôi sẽ điều tra lo ngại về những thiết bị này (nhưng) chúng tôi không nâng cảnh báo tại khu nghỉ dưỡng”.

Trước đó, truyền thông phương Tây từng la làng về an ninh lỏng lẻo tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Ai Cập như thiết bị quét hành lý thường xuyên hư hỏng, kiểm tra hời hợt tại các lối vào khu vực tiếp nhiên liệu, thực phẩm.

Một du khách Anh kể lại rằng anh từng được đề nghị trả 20 bảng để khỏi phải xếp hàng và kiểm tra hành lý tại sân bay Sharm el-Sheikh.

Máy bay không có lỗi kỹ thuật

Lãnh đạo hãng sản xuất máy bay Airbus, ông Fabrice Bregier, cho biết họ không nhận thấy có bất cứ lỗi kỹ thuật nào trong vụ rơi máy bay A321 của Hãng Kogalymavia ở bán đảo Sinai khiến 224 hành khách thiệt mạng.

“Nhưng chúng ta cần đợi kết luận từ cuộc điều tra” – ông Bregier cẩn thận cho biết. AFP dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết các chuyên gia trong cuộc, ngoại trừ các chuyên gia Ai Cập, đều nghiêng về giả thiết có bom trên máy bay.

Trong khi đó, Điện Kremlin nói rằng lệnh cấm du lịch đến Ai Cập sẽ kéo dài ít nhất vài tháng do lo ngại khủng bố.

“Không thể thay đổi triệt để hệ thống an ninh, bảo vệ và kiểm soát trong một tuần hay một tháng” – chánh văn phòng của Tổng thống Vladimir Putin nói. Đồng thời nhấn mạnh rằng Ai Cập không những cần cải thiện an ninh của khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh mà còn ở khu nghỉ dưỡng Hurghada và các sân bay tại Cairo. Hôm 10-11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đề cập khả năng chiếc A321 rơi do bị khủng bố.

Truyền thông Ai Cập đổ cho “âm mưu Anh – Mỹ”

Tại Ai Cập, truyền thông phản ứng mạnh mẽ việc Anh và Mỹ khăng khăng nói rằng máy bay Nga bị đánh bom. Nhiều tờ báo thậm chí tức giận cho rằng đây là âm mưu nhằm xua đuổi du khách và phá hoại kinh tế Ai Cập.

“Hỡi những kẻ âm mưu, Ai Cập sẽ không cúi đầu trước áp lực và sẽ đứng lên chống lại khủng bố phương Tây” – tờ nhật báo El-Watan viết.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc phủ nhận sự khủng hoảng trong nước và đổ lỗi cho “bàn tay nước ngoài” là chuyện không hiếm ở Ai Cập xuất phát từ trình độ giáo dục kém, sự thiếu minh bạch của chính phủ, hạn chế phát ngôn…

TRẦN PHƯƠNG ([email protected])