29/11/2024

Choáng với “xã hội hoá” đầu năm học

Dù không muốn, phụ huynh cũng phải đóng khoản tiền cho nhà trường, để có chỗ gửi con cái đảm bảo.

 

Choáng với “xã hội hoá” đầu năm học

 

Dù không muốn, phụ huynh cũng phải đóng khoản tiền cho nhà trường, để có chỗ gửi con cái đảm bảo.




Dù việc thu tiền xã hội hóa trong năm học 2014-2015 đã bị UBND tỉnh Bến Tre “tuýt còi”, nhưng năm học 2015-2016 Trường Mầm non huyện Ba Tri lại tiếp tục thu tiền xã hội hóa. Trong ảnh: thư phản ảnh và biên bản về việc thu tiền xã hội hóa tại trường do phụ huynh cung cấp - Ảnh: Mậu Trường
Dù việc thu tiền xã hội hoá trong năm học 2014-2015 đã bị UBND tỉnh Bến Tre “tuýt còi”, nhưng năm học 2015-2016 Trường Mầm non huyện Ba Tri lại tiếp tục thu tiền xã hội hoá. Trong ảnh: thư phản ảnh và biên bản về việc thu tiền xã hội hoá tại trường do phụ huynh cung cấp – Ảnh: Mậu Trường

 

 

Thời gian qua, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Mầm non thị trấn Ba Tri (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) bức xúc cho biết: liên tiếp hai năm học vừa qua, đầu năm họ phải đóng một khoản tiền lớn (từ 1 – 3 triệu đồng) để đầu tư phòng học, trang thiết bị cho nhà trường.

Đầu năm đã đóng 
tiền “khủng”

Anh H.N.N. (ngụ thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có con học tại Trường Mầm non thị trấn Ba Tri phân bua: đầu năm học 2014 – 2015, ngoài khoản tiền học phí và một số khoản bắt buộc phải đóng khác, vợ chồng anh phải chắt chiu, vay mượn để đóng những khoản tiền mà theo anh là rất vô lý.

Cụ thể, theo anh N., anh phải “tự nguyện” đóng 3 triệu đồng tiền xã hội hóa thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh trường, và đại diện Mặt trận Tổ quốc thị trấn Ba Tri. Mang tiếng là “tự nguyện” nhưng mức phí được đóng theo định mức.

Mức cao nhất đối với trẻ ở độ tuổi nhà trẻ 25 – 36 tháng là 3 triệu đồng; mức thấp nhất là 1 triệu đồng đối với trẻ ở độ tuổi 4 tuổi. Vẫn theo anh N., qua báo cáo kết quả hoạt động năm học 2014 – 2015 của ban đại diện cha mẹ học sinh, việc chi tiêu chủ yếu tập trung vào xây dựng thêm một phòng học cho nhà trường, với tổng mức đầu tư hơn 570 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền huy động từ phụ huynh trong năm học 2014 – 2015 chỉ được 353 triệu đồng nên không đủ trả cho nhà đầu tư.

Đầu năm học 2015 – 2016, anh Tr., có con học lớp D2 của trường này, cho biết đầu năm anh cũng đã phải đóng thêm 3 triệu đồng ngoài tiền học phí và một số khoản khác. Nhiều phụ huynh khác có con gửi trường này trong năm học 2015 – 2016 đều xác nhận: đầu năm phải đóng thêm 3 triệu đồng tiền xã hội hoá.

Theo anh Tr., trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, khoản tiền này được thông báo là để sử dụng vào việc trả tiếp tiền xây phòng học cho nhà trường, hết hơn 73 triệu đồng.

Ngoài ra, trong cuộc họp tổng kết nguồn thu chi xã hội hoá năm học 2015 – 2016 được tổ chức vào ngày 21-8-2015, nhà trường đã đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ để bổ sung một số trang thiết bị phục vụ cho việc học như: đồ chơi cho nhà trẻ (hơn 21 triệu đồng), CPU (hơn 43,7 triệu đồng), quạt máy (hơn 1,2 triệu đồng)…

Tuy nhiên, một thời gian sau khi đóng khoản tiền đó, anh Tr. được trường trả lại 1 triệu đồng.

Tiếp tục thu để trả nợ?

Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Ba Tri – cho biết: đứng trước nhu cầu phát triển giáo dục mầm non ở thị trấn Ba Tri năm học 2014 – 2015, ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Mầm non thị trấn Ba Tri đứng ra vận động xã hội hóa để xây dựng thêm một phòng học nữa.

Phụ huynh đã đồng ý đóng 3 triệu đồng/học sinh cho ban đại diện cha mẹ học sinh trường, Mặt trận Tổ quốc thị trấn.

Sau đó có nhiều phản ảnh về việc thu khoản tiền này, nên UBND tỉnh Bến Tre và Sở GD-ĐT Bến Tre đã không cho vận động xã hội hoá cơ sở vật chất ở trường, đồng thời yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh, xử lý những cá nhân vi phạm.

Tuy nhiên, do trong năm học 2014 – 2015, việc xã hội hóa xây dựng mới một phòng học tại Trường Mầm non thị trấn Ba Tri đã hoàn thành 80%, nên không thể bỏ giữa chừng.

Do đó, ban đại diện cha mẹ học sinh trường và Mặt trận Tổ quốc thị trấn đã tiếp tục làm kiến nghị về huyện uỷ trình bày vấn đề trên. Sau đó UBND huyện Ba Tri có công văn trình UBND tỉnh xem xét lại sự việc, để tiếp tục việc xã hội hoá tại Trường Mầm non thị trấn Ba Tri.

UBND tỉnh xét thấy nhu cầu chính đáng nên mời phụ huynh của trường có đóng góp khoản tiền trên họp lấy ý kiến. Cuối cùng, Mặt trận Tổ quốc thị trấn Ba Tri và ban đại diện cha mẹ học sinh trường được đứng ra thu khoản tiền đó, để tiếp tục hoàn tất việc xây thêm phòng học.

Sau đó, thu tiền phụ huynh năm học 2015 – 2016 là để tiếp tục trả nợ cho việc xây phòng học còn dang dở năm trước. Số tiền dôi ra thì huyện uỷ và phòng giáo dục yêu cầu nhà trường trả lại cho phụ huynh.

Bà Hằng cho biết thêm việc xã hội hoá tại Trường Mầm non thị trấn Ba Tri trên cơ sở thoả thuận thu vừa đủ chi, không lạm thu.

Sai ngay từ đầu!

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Vậy, phó trưởng phòng văn hoá – xã hội (Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre), khẳng định việc xã hội hóa tại Trường Mầm non thị trấn Ba Tri là sai ngay từ đầu. Sau khi nhận được phản ảnh của HĐND huyện Ba Tri, UBND tỉnh đã cho xác minh, sau đó có công văn yêu cầu nhà trường ngừng ngay việc thu tiền xã hội hoá của phụ huynh, xử lý những cá nhân vi phạm.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc tiếp tục thu tiền xã hội hoá trong năm học 2015 – 2016 tại trường mầm non nói trên, trong khi trước đó một năm, tỉnh đã có văn bản khẳng định việc thu này là trái với quy định hiện hành, ông Trần Văn Vậy khẳng định: tỉnh không có bất kỳ văn bản hay chủ trương tiếp tục thu tiền xã hội hoá trong năm học này. UBND tỉnh sẽ cho các ban ngành kiểm tra lại việc thu tiền xã hội hoá tại Trường Mầm non thị trấn Ba Tri.

MẬU TRƯỜNG ([email protected])