Sao phải ra nước ngoài mổ?
Gần đây, tiền vệ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) vừa sang Singapore điều trị do chấn thương nghiêm trọng: vỡ sụn chêm, bị đứt đến ba dây chằng chéo sau, chéo trong, chéo ngoài với chi phí hàng trăm triệu đồng.
Sao phải ra nước ngoài mổ?
Gần đây, tiền vệ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) vừa sang Singapore điều trị do chấn thương nghiêm trọng: vỡ sụn chêm, bị đứt đến ba dây chằng chéo sau, chéo trong, chéo ngoài với chi phí hàng trăm triệu đồng.
Thủ môn Lê Văn Trường của U-19 Việt Nam khi đang phẫu thuật nội soi khớp vai tại Bệnh viện Sài Gòn ITO. Trường bị chấn thương nặng trong một giải đấu và phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sài Gòn Ito hồi đầu tháng 9-2015 – Ảnh do BV cung cấp |
Trong khi đó, các bác sĩ Việt Nam khẳng định những chấn thương thường gặp ở các vận động viên, đặc biệt là cầu thủ, hoàn toàn có thể điều trị thành công ở trong nước.
Với tay nghề, kinh nghiệm và trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất của ngành chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Việt Nam, các bác sĩ hoàn toàn có thể điều trị thành công và chăm lo sức khỏe cho vận động viên nước nhà với chi phí bằng 1/10 chi phí điều trị tại Singapore |
Bác sĩ NGUYỄN TRỌNG ANH |
Những nỗi lo
Kể về lý do phải ra nước ngoài điều trị, tiền vệ Tài Em (Đồng Tâm Long An) nói: “Hết mùa giải V-League 2004, tôi bị chấn thương đầu gối. Bác sĩ kết luận tôi bị vỡ sụn chêm và giãn dây chằng đầu gối. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, tôi quyết định sang Singapore phẫu thuật nội soi với kinh phí do Đồng Tâm Long An chi trả. May mắn tôi được gặp bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm nên vết thương chóng lành. Tôi phẫu thuật đầu năm 2005, vài tháng sau đã thi đấu trở lại được ngon lành”.
Chia sẻ về lý do chọn Singapore để mổ, Anh Khoa bộc bạch: “Sau khi đến Singapore, tôi cũng không an tâm bởi được kết luận là rất nặng vì quá phức tạp. Bác sĩ nói trước khi mổ chỉ có 30% hi vọng thành công.
Một tháng sau đó, khi tái khám bác sĩ Tan Jee Lim (người mổ cho Anh Khoa – PV) cho hay hi vọng chơi bóng trở lại là 60%. Có thể tôi không chơi bóng đá chuyên nghiệp được nữa, nhưng chắc rằng tôi sẽ không trở thành phế nhân. Chứ còn mổ ở trong nước thì sợ là… đi đứt”.
Một tuyển thủ quốc gia đề nghị không nêu tên cũng kể lại chuyện buồn của mình khi không thể theo đuổi nghiệp bóng đá lâu dài. Gần chục năm trước, anh bị đứt dây chằng đầu gối, phẫu thuật tại một bệnh viện lớn. Sau khi phẫu thuật, anh tập co duỗi nhưng cực khó và gần như không thể co gập lại.
Thắc mắc với bác sĩ phẫu thuật cho mình thì được trả lời: “Tôi nối dây chằng cho em hơi ngắn là muốn cho em tập co duỗi. Một thời gian dây chằng ấy sẽ bình thường”. “Nghe lời, tôi về tập vật lý trị liệu tích cực theo chỉ dẫn của vị bác sĩ này.
Nghiệt ngã thay, dẫu tập kiên trì nhưng cái gối vẫn giở chứng, không chịu co gập theo ý muốn. Ngay cả việc di chuyển cũng khó chứ đừng nói đến chuyện gập đầu gối lại. Tôi đành nói lời từ biệt cùng bóng đá đỉnh cao sớm để tìm việc khác mưu sinh” – tuyển thủ này nhớ lại.
Việt Nam thua ở cách… phục vụ
Khi được hỏi Việt Nam đã có thể điều trị được các chấn thương của các vận động viên Việt Nam thường gặp chưa, TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), khẳng định những kỹ thuật điều trị chấn thương trong thể thao như chấn thương dây chằng chéo trước, chéo sau, dây chằng bên, khoa y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 và các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Nguyễn Tri Phương, thậm chí nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có thể thực hiện được.
Trong khi đó, bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM, cho biết mỗi năm tại Việt Nam có hàng trăm vận động viên thể thao bị chấn thương. Hầu hết các vận động viên điều trị trong nước, chỉ khoảng chục người đi qua nước ngoài điều trị (thường là Singapore).
Theo bác sĩ Huy Đổng, về mặt bằng y tế không thể phủ nhận Singapore có cơ sở, nền tảng dịch vụ tốt hơn Việt Nam. Tuy nhiên một số cơ sở y tế tại Việt Nam hiện đại không kém Singapore. Về chuyên môn, nhiều bác sĩ trong nước được học tập, tu nghiệp ở nước ngoài.
Nhưng dù vậy, một số bệnh viện chưa có tư duy dịch vụ, phục vụ, chưa xem bệnh nhân là thượng đế. Chưa kể, vận động viên sang nước ngoài điều trị vì còn có những yếu tố khác như có tổ chức nào đó hỗ trợ, có yếu tố quảng bá…
Cũng phải lưu ý là khi ra nước ngoài điều trị, người bệnh có thể được điều trị tốt nhưng vấn đề theo dõi, phục hồi sau đó không đơn giản.
Đơn cử, đến nay chưa có đội banh nào đủ tiền cho cầu thủ điều trị dài hơi đến khi phục hồi, những cầu thủ này đều tự điều trị phục hồi tại địa phương, vì chưa có sự liên thông giữa các bệnh viện của Singapore và Việt Nam để theo dõi tiếp tục các ca bệnh.
Một ca mổ chỉ đánh giá được 50% kết quả từ cuộc phẫu thuật, 50% còn lại nằm ở việc theo dõi, phục hồi, hỗ trợ, tập luyện.
Quan trọng việc tập luyện sau mổ
Với việc điều trị phẫu thuật một chấn thương thể thao chuẩn mực phải qua các giai đoạn: cấu trúc giải phẫu bị tổn thương phải được điều trị triệt để lúc phẫu thuật, thời gian 4-8 tuần sau mổ phải đảm bảo lành mô tốt.
Sau đó đến giai đoạn phục hồi chức năng và sức mạnh như người bình thường. Giai đoạn kế tiếp là có thể luyện tập lại những động tác của môn thể thao, cũng như có thể luyện tập lại thể thao. Cuối cùng là tham gia thi đấu và phục hồi hoàn toàn phong độ thể thao đỉnh cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Anh – phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM, nếu một trong những khâu trên không đảm bảo thì không thể gọi là điều trị thành công dù kết quả phẫu thuật tốt đến mấy.
Thời gian qua, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp và vận động viên đỉnh cao bị chấn thương nặng được phẫu thuật và điều trị thành công tại Việt Nam.
Các ca chấn thương của cầu thủ đều do các bác sĩ ở phía Nam thuộc Hội Y học thể thao TP.HCM, khoa y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM và Trung tâm ASMC Bệnh viện Sài Gòn ITO phẫu thuật.
Ở phía Bắc, các vận động viên, cầu thủ… bị chấn thương được các bác sĩ của Bệnh viện Y học thể thao, Viện 103, Viện 108 đảm trách phẫu thuật.
Tổn thương nặng hay gặp Khớp gối được giữ vững bởi 4 dây chằng: chéo trước, chéo sau, bên trong và bên ngoài. Tổn thương đa dây chằng khớp gối là tổn thương rất nặng, hay gặp do tai nạn giao thông kiểu xe máy đè lên chân và thỉnh thoảng gặp ở chấn thương thể thao. Tại Việt Nam, việc điều trị đứt nhiều dây chằng khớp gối đã có nhiều bước tiến. Gần đây chúng tôi điều trị cho một bệnh nhân nam, 42 tuổi, đang đi xe máy tay ga với tốc độ khoảng 40 km/giờ, lách một chú chó và tự té, xe máy đè lên chân phải. Sau cú ngã, bệnh nhân không thể tự đứng dậy, được sơ cứu tạm thời và chuyển về đơn vị y học thể thao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Qua thăm khám, chúng tôi ghi nhận bệnh nhân bị bán trật khớp gối với đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong khiến khớp gối lỏng lẻo, gối sưng to, nhiều máu tụ trong gối. Chúng tôi không điều trị ngay mà theo dõi biến chứng tắc động mạch duy nhất nuôi chân phải từ gối trở xuống (động mạch khoeo) trong 2 tuần kết hợp các loại thuốc giảm phù nề, kháng viêm, giảm đau, tan máu tụ. Khi chắc chắn động mạch khoeo an toàn với siêu âm doppler, sau nhiều ngày theo dõi và hết máu tụ, chúng tôi chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) để khẳng định chẩn đoán và lập kế hoạch phẫu thuật phục hồi. Chúng tôi đã nội soi tái tạo dây chằng chéo sau, dây chằng chéo trước, đính lại chỗ bám dây chằng bên trong khớp gối bằng kỹ thuật tiến bộ: có thể thấy rõ và định vị chính xác chỗ bám dây chằng vào xương, kiểm soát được mũi khoan để tránh khoan vào động mạch bằng nội soi 2 cổng sau khớp gối. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng kỹ thuật tạo gân ghép với phương thức cố định mới cho đường kính gân lớn nhất với chiều dài gân thích hợp. Gân ghép chúng tôi sử dụng là gân chân ngỗng (hamstring) lấy từ bệnh nhân, ít gây ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt và thể thao. Sau khi trải qua 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã được tái tạo dây chằng chéo trước và sau, đính lại dây chằng bên trong khớp gối và chờ thời gian hồi phục với chế độ vật lý trị liệu sát với lịch tái khám. Đáng mừng là bảo hiểm y tế đã chi trả cho các tổn thương nặng nề này. |