04/01/2025

Vì sao du học sinh không về ?

Câu hỏi “Vì sao 13 cháu du học, 12 cháu không về?” của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hoà(TP.HCM) sáng 2-11 tại diễn đàn Quốc hội một lần nữa thu hút sự quan tâm, mổ xẻ của nhiều người.

 

Vì sao du học sinh không về ?

 

Câu hỏi “Vì sao 13 cháu du học, 12 cháu không về?” của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hoà (TP.HCM) sáng 2-11 tại diễn đàn Quốc hội một lần nữa thu hút sự quan tâm, mổ xẻ của nhiều người.




Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin về du học các trường ĐH Pháp - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin về du học các trường ĐH Pháp – Ảnh: Như Hùng

Dường như không khó trả lời khi trò chuyện với chính những du học sinh đã từng phân vân giữa hai ngã rẽ: ở lại hay trở về…

Về: chỉ có lý do là gia đình

PGS.TS Trương Anh Hoàng (Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ thời điểm gần 10 năm trước khi nhận bằng tiến sĩ ngành công nghệ thông tin tại Na Uy, ông cũng từng có ý định ở lại, tiếp tục thực hiện dự án nghiên cứu theo lời mời của thầy hướng dẫn.

Sau này, vì lý do gia đình, ông về nước, nhưng trong thâm tâm khi ấy thực chất vẫn nung nấu sau khi giải quyết xong việc cá nhân sẽ trở lại Na Uy.

Còn TS Đỗ Thành Trung (32 tuổi, hiện công tác tại Công ty Vinaconex) chia sẻ dù từng có ý định ở lại sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp, nhưng lựa chọn cuối cùng của anh lại là trở về quê hương.

TS Trung lý giải lý do quan trọng và có ý nghĩa lớn nhất cho quyết định trở về chính là gia đình.

Dù đánh giá lạc quan môi trường làm việc ở VN có nhiều thách thức, cơ hội – là một trong những lý do để trở về – nhưng TS Đỗ Thành Trung cũng thẳng thắn cho rằng trải nghiệm thực tế công việc trong nước cho anh thấy rõ phương thức làm việc của tổ chức, cá nhân người lao động còn chưa chuyên nghiệp, thiếu tính cạnh tranh lành mạnh, không có tinh thần phối hợp làm việc tập thể.

“Chưa kể, môi trường xã hội còn nhiều rào cản như hiện tượng “con ông, cháu cha”, cơ chế xin cho còn quá nặng nề, mức đãi ngộ so với mức sống chưa đảm bảo… dẫn đến người lao động không chuyên tâm làm việc” – TS Trung nhận định.

Ở: điều kiện sống và làm việc vượt trội

PGS Trương Anh Hoàng cho biết ông nhận thấy môi trường làm việc tại nước ngoài thuận lợi hơn hẳn cho mục tiêu muốn chuyên tâm nghiên cứu.

“Ở Na Uy – nơi tôi làm nghiên cứu sinh, các giáo sư hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình có thể chuyên tâm vào công việc khi mức lương đảm bảo được cho cuộc sống của cả gia đình. Trong khi đó về nước, mức lương và môi trường làm việc hạn chế hơn nhiều, khó chuyên tâm vào việc nghiên cứu và thường phải tìm thêm cơ hội công việc bên ngoài…” – ông Hoàng nói.

Cũng vậy, anh Dũng Lê (26 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH La Trobe – Úc) lý giải quyết định ở lại vì ngoài môi trường làm việc lý tưởng, nhiều cơ hội phát triển thì điều kiện sống cùng các dịch vụ công đảm bảo cho anh có được cuộc sống dễ chịu, thoải mái hơn rất nhiều so với việc về nước.

Trong số những người ở lại, có những người rất giỏi làm chuyên ngành nghiên cứu giảng dạy, muốn ở lại vì có điều kiện làm việc, cống hiến trong môi trường khoa học chuyên nghiệp thực thụ, không phải bận tâm suy nghĩ đến cuộc sống mưu sinh thường nhật.

Trong khi đó, Võ Duy Khang, giám đốc công nghệ Công ty Zappasoft – Úc, học bổng toàn phần tại ĐH Carnegie Mellon – Mỹ và là tác giả quyển sách Pro iOS App Performance Optimization được xuất bản tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới năm 2009, cho rằng dù môi trường kinh tế, kinh doanh tại VN đã dần thoáng hơn nhưng mọi thứ vẫn còn diễn ra khá chậm.

Ngoài ra, những bạn chọn con đường nghiên cứu sâu về các ngành nghiên cứu (cả lý thuyết lẫn ứng dụng) đều khó tìm thấy cơ hội phát triển khi quay về VN.

Phần vì công tác nghiên cứu chưa nhận được sự quan tâm đúng mức (chẳng hạn phần lớn các trường ĐH chưa được cung cấp đủ tự do học thuật, hỗ trợ kinh phí và thời gian… cho những dự án cần thiết), phần vì vẫn còn khoảng cách nhất định giữa môi trường, nguồn lực trong nước và nước ngoài.

Những kiến thức như big data (tạm dịch: dữ liệu lớn), trí tuệ nhân tạo, máy học (machine learning)… vẫn còn khá mới mẻ đối với trong nước.

“Ngoài ra, tôi cho rằng những lý do sau đây cũng phần nào khiến du học sinh chùn bước trước quyết định về nước: môi trường giáo dục chưa đủ tốt và điều này liên quan đến chuyện con cái sau này, môi trường sống còn nhiều bất ổn (ô nhiễm không khí, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn ở mức báo động, kẹt xe nghiêm trọng và tỉ lệ tai nạn giao thông cao…)” – Duy Khang cho biết.

* T.N.T. (27 tuổi, thạc sĩ kinh tế ĐH UC Davis – Mỹ, hiện sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ):

“Không về” hay “chưa về”?

Tôi nghĩ chúng ta nên phân chia chính xác là du học sinh “không về” với “chưa về”, bởi tôi biết một số bạn quyết định ở lại nước ngoài làm việc trong khoảng thời gian nhất định để tích lũy kinh nghiệm làm việc, hoàn thiện vốn tiếng Anh…

Những bạn du học tự túc thì có áp lực “thu hồi vốn” mà gia đình đã chi trả cho mình. Cá nhân tôi thì chọn con đường “không về” vì tôi từng nếm trải nhiều “trái đắng” trong khoảng thời gian ba năm làm việc tại VN sau khi tốt nghiệp ĐH tại nước ngoài.

Tôi từng đầu quân vào một công ty nhà nước với niềm tin mạnh mẽ rằng mọi thứ đang dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, nhất là khi VN là một quốc gia đang hội nhập mạnh mẽ. Nhưng tôi nhanh chóng rơi vào trạng thái lạc lõng khi luôn hoàn thành công việc sớm so với các đồng nghiệp.

Trong các buổi họp cơ quan, khi tôi góp ý thẳng thắn (dĩ nhiên là tôi không “thẳng như ruột ngựa” mà vẫn tìm cách nói sao cho thuyết phục, dễ nghe) thì sau đó vẫn bị xì xầm, tẩy chay và tất nhiên buồn hơn là những góp ý của tôi chẳng nhận được sự đồng cảm, lắng nghe từ đồng nghiệp lẫn cấp trên.

Cũng cần nói thêm, tôi đã phải thử việc trong khoảng thời gian khá dài trước khi được công ty trên ký hợp đồng, điều đó càng khiến tôi nghi ngại về tính minh bạch trong quá trình tuyển dụng.

Tôi rời công ty trên và trở thành giảng viên thỉnh giảng một trường ĐH lớn. Vì là ĐH công nên mức thu nhập ở đây khá thấp.

Tôi đi dạy nhưng không thấy niềm vui trong công việc do cách dạy và học ở VN quá khác so với ở nước ngoài. Sinh viên ở đây quen với việc được “mớm bài” và mất khả năng tự học, tự đọc… còn các giảng viên miệt mài chạy sô (phần vì lý do tài chính, phần vì do lịch dạy trường phân công…).

Tôi chỉ mới tốt nghiệp hệ thạc sĩ nên tự thấy bản thân còn thiếu rất nhiều kiến thức chuyên môn, thế nhưng tôi không đào đâu ra thời gian để nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, bổ sung kiến thức thực tế… Và tôi quyết định nghỉ dạy vì thấy công việc này không đem lại nhiều giá trị cho mình.

Tôi hiện làm công tác tư vấn cho một công ty lớn tại Mỹ, một quyết định nhận được sự ủng hộ của tất cả người thân. Tôi nhớ ngày bản thân quyết định về nước lập nghiệp, cha mẹ tôi đã giận rất nhiều. Giờ tôi hiểu mọi thứ đều có lý do.

CÔNG NHẬT ghi

NGỌC HÀ – CÔNG NHẬT