Tật cắm móng
Nếu không để ý, không điều trị đúng cách, tình trạng móng quặp có thể dẫn tới hỏng móng hoàn toàn.
Tật cắm móng
Nếu không để ý, không điều trị đúng cách, tình trạng móng quặp có thể dẫn tới hỏng móng hoàn toàn.
Sơ suất là bỏ móng
Anh Nguyễn Sơn Đ. (33 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) phải đến Bệnh viện Quân y 103 vì cái móng chân mưng đầy mủ. Tại đây anh Đ. nhập viện điều trị với kháng sinh kết hợp, sau đó hủy bỏ móng. Anh cho biết móng chân của mình đã bị “bệnh” từ 3 – 4 tuần nay. Ban đầu anh chỉ cảm thấy hơi đau ở vùng mé của ngón chân cái bên phải, nhưng anh không quan tâm lắm. Sau đó ít lâu, mép móng chân cứ đau dần và đỏ ửng lên; mấy ngày tiếp theo ở chỗ đau có dịch mủ chảy ra. Lúc này anh Đ. mới nhìn kỹ, thấy dịch mủ đã lan đến 1/3 chiều dọc móng chân. Bàn chân anh không thể nhét vào giày được nữa. Đi khám, bác sĩ kết luận anh bị nhiễm trùng vết cắm móng, hoá mủ và bắt buộc phải bỏ móng.
Cần điều trị sớm
Trường hợp của anh Nguyễn Sơn Đ. được gọi là tật cắm móng hay móng quặp. Đây không phải là rối loạn bệnh lý nghiêm trọng, chỉ là một tật do sự rối loạn phát triển của móng chân gây ra.
Bình thường, móng chân có giường móng hay mầm móng ở phía chân móng, nó là phần tiếp giáp với thịt của ngón chân. Móng chân sẽ mọc dài ra, từ chân móng đi tới đỉnh móng. Thông thường móng chân sẽ dài ra về chiều dọc chứ ít khi phát triển thò sang ngang hai bên. Nhưng ở một số người bị tật cắm móng, móng chân vẫn phát triển dài ra theo chiều dọc, đồng thời phát triển thêm theo chiều ngang. Lúc này hai mép của móng vượt quá phần diện tích cho phép, buộc chúng phải cắm vào phần thịt gây phản ứng viêm cấp tính. Một số người còn có hiện tượng móng quặp xuống dưới, dẫn đến viêm càng nặng hơn. Tật này thường quan sát rõ vào mùa thu đông, da của phần ngón chân trở nên khô và kém đề kháng hơn so với thông thường.
Tình trạng nói trên sẽ không nặng và không phải bỏ móng nếu như phát hiện sớm, kịp thời và chăm sóc đúng cách, như: không chạy nhảy khi phát hiện ra móng chân bị cắm móng, chỉ đi lại nhẹ nhàng, lựa chọn những đôi giày rộng thay vì giày bó – hoặc tốt nhất là đi dép. Với bàn chân bị cắm móng, không được lội nước bẩn, tạm thời không tham gia các môn thể thao vận động mạnh, nên giữ khô móng chân thường xuyên. Khi có hiện tượng nhiễm trùng cần chấm một vài giọt dung dịch sát trùng như betadin. Với các trường hợp nhẹ, có thể nảy một góc của móng, đặt vào đó một chút bông ẩm có sát trùng để định hướng lại sự phát triển của móng.
Hiện tại không có thuốc chữa được tật này. Một số nơi có dùng dụng cụ bẻ móng để uốn móng ra ngoài, nhưng đó không là biện pháp dứt điểm bởi móng cắm hay móng quặp là do định hướng sai trong quá trình phát triển ở ngay từ chân móng. Cách chữa duy nhất triệt để ở các trường hợp vừa và nặng, đó là làm tiểu phẫu. Bác sĩ sẽ cắt một phần móng theo chiều dọc, cắt cả chân móng, thân móng và đỉnh móng ở phần móng bị cắm xuống. Sau chừng 2 tuần, vết phẫu thuật sẽ khô và trả lại móng bình thường. Có những trường hợp tái phát sau đó 5 – 10 năm, hoặc không bao giờ bị nữa.
BS Yên Lâm Phúc