10/01/2025

Tại sao người trẻ chưa thích đọc sách?

Quan tâm việc đọc sách của giới trẻ, một phụ huynh đã làm cuộc khảo sát nhỏ với các bạn bè trên Facebook của con mình …

 

Tại sao người trẻ chưa thích đọc sách?

 

Quan tâm việc đọc sách của giới trẻ, một phụ huynh đã làm cuộc khảo sát nhỏ với các bạn bè trên Facebook của con mình …




Bạn trẻ đến tìm hiểu về sách tại gian hàng giới thiệu sách Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh
Bạn trẻ đến tìm hiểu về sách tại gian hàng giới thiệu sách Nhà văn hoá Thanh niên, quận 1, TP.HCM – Ảnh: Châu Anh

Quan tâm việc đọc sách của giới trẻ, một phụ huynh đã làm cuộc khảo sát nhỏ với các bạn bè trên Facebook của con mình và chia sẻ nỗi lo lắng về người trẻ ngày nay không dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

Khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.

Đó là kết quả cuộc khảo sát online mà tôi thực hiện với 60 bạn trẻ độ tuổi 18-30, đa số vẫn còn đi học trong danh sách kết bạn trên Facebook của con tôi để tìm hiểu giới trẻ hôm nay có đọc sách và đọc những sách gì. Kết quả này cho thấy đọc sách chưa là lựa chọn hàng đầu của người trẻ hiện nay.

Ít đọc và thường chỉ đọc sách giải trí

Mức độ đọc sách của các bạn trẻ mà tôi khảo sát cũng không nhiều. Số đông (31,7%) chỉ đọc sách 1-2 giờ/tuần.

Chỉ có 25% cho biết thường đọc sách trên 4 giờ/tuần và các bạn này thường nằm trong nhóm đã đi làm. Do thời gian dành cho đọc sách không nhiều và không đều đặn nên có nhiều bạn khi được hỏi quyển sách đọc gần đây nhất thì trả lời không nhớ hoặc không có đọc.

Loại sách các bạn trẻ thường đọc cũng là vấn đề đáng quan tâm, khi hơn phân nửa (51,7%) cho biết đọc sách chủ yếu để giải trí nên đã chọn đọc truyện ngôn tình, trinh thám, giả tưởng, truyện tranh…

Bạn T.T.T.H., sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, cho biết chỉ dành khoảng 1 giờ/tuần đọc sách và lựa chọn thể loại ngôn tình để giải trí vì dễ hiểu, gần gũi với tâm lý tình cảm của mình.

Em N.M.U., học sinh một trường THPT quốc tế, dành 1-2 giờ cho việc đọc sách trong tuần và lựa chọn thể loại trinh thám để giải trí sau những giờ học căng thẳng. Với các bạn đã đi làm, thời gian dành cho đọc sách thường nhiều hơn và loại sách chọn đọc phần lớn phục vụ nâng cao kiến thức, phục vụ công việc.

Như bạn V.T.T. H., nhân viên Trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm, dành 4 giờ/tuần để đọc và lựa chọn loại sách self-help (loại sách tự giúp bản thân) để tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân trong công việc.

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ hoạ: Tấn Đạt

Tạo thói quen đọc sách cho người trẻ

Theo các bạn trẻ này, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến họ ít đọc sách, đó là không có thời gian (áp lực học hành căng thẳng, Facebook chiếm nhiều thời gian…) và đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây chán.

Nhiều bạn đang còn đi học nói rằng ở trường chỉ có học, quan hệ với thầy cô chỉ là sự truyền đạt một chiều, nhồi nhét nên dễ căng thẳng, mệt mỏi. Về nhà ba mẹ ít quan tâm, trò chuyện vì bận công việc nên các bạn thường tìm đến những hoạt động tương tác ảo trên mạng để giải tỏa những bức xúc, phiền muộn và cả tâm tư tình cảm của mình.

Theo tôi, nhà trường, gia đình và xã hội hãy cùng quan tâm phối hợp chặt chẽ để đưa người trẻ đến với sách nhiều hơn, bởi thói quen đọc sách sẽ ảnh hưởng không chỉ đến tính cách mà cả sự thành công của các bạn trẻ sau này.

Về phía nhà trường, nên giảm nhẹ việc học theo cách đọc chép, thầy cô cần khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách và hướng dẫn các em nên đọc sách gì và đọc sao cho có hiệu quả để mở rộng kiến thức.

Nhà trường cũng nên tổ chức các câu lạc bộ bình sách, mời các học giả nói chuyện về ảnh hưởng của sách đến thành công của họ như thế nào, từ đó truyền cảm hứng và tạo niềm đam mê cho các em.

Bên cạnh đó cần khôi phục hoạt động thư viện nhà trường thực chất vì hiện nay nhiều thư viện nhà trường hoạt động cầm chừng, lấy lệ.

Mỗi gia đình phải tạo thói quen đọc sách cho con từ khi còn nhỏ bằng cách cho con tiếp xúc với sách sớm trước khi làm quen với các thiết bị điện tử như tivi, máy vi tính.

Tốt nhất mỗi gia đình nên có một kệ sách, tủ sách nhỏ và cha mẹ nên làm gương cho con về chuyện đọc sách. Giáo sư Ngô Bảo Châu từng chia sẻ: phòng khách nhà ông chỉ có kệ sách, không có tivi nên các con ông ưa đọc sách.

Đối với xã hội, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để giới trẻ tiếp cận sách nhiều hơn như dễ dàng trong các thủ tục mượn sách tại các thư viện lớn, các nhà xuất bản nên có chính sách giảm giá sách cho học sinh, sinh viên…

Và mong rằng sắp tới khi đường sách Nguyễn Văn Bình hoàn thành, TP.HCM sẽ có một không gian đủ rộng và thoải mái để các bạn có hoàn cảnh khó khăn có thể đến đó mượn đọc tại chỗ, xem như một hình thức khuyến khích người trẻ tiếp cận với sách nhiều hơn.

Khi được hỏi sau khi đọc sách các bạn muốn chia sẻ, thảo luận cùng ai nhất, 65% cho biết chỉ muốn thảo luận cùng bạn bè vì rất dễ nói chuyện, 23,3% nói không chia sẻ với người khác.

Chỉ có 8,3% chọn chia sẻ cùng gia đình, thường là cha mẹ. Còn số người chia sẻ với thầy cô cực kỳ hiếm hoi, chỉ 3,4%.

Điều đó cho thấy đa số bạn trẻ không được nhà trường, thầy cô định hướng, khuyến khích để biết nên đọc sách gì cũng như giải đáp những thắc mắc, giúp hiểu rõ hơn các vấn đề trong sách.

Và như vậy rõ ràng các bạn trẻ đang cô đơn trong chính ngôi nhà, ngôi trường của mình, không tìm được sự chia sẻ từ thầy cô, gia đình và các em tự mò mẫm cùng nhau.

NGUYỄN THỊ HẠNH