29/11/2024

Ký điều ước nào dân phải được biết

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), có những điều ước quốc tế đã ký kết rồi nhưng khi người dân cần thông tin về điều ước đó thì không cơ quan nhà nước nào trả lời.

 

Ký điều ước nào dân phải được biết 

 

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), có những điều ước quốc tế đã ký kết rồi nhưng khi người dân cần thông tin về điều ước đó thì không cơ quan nhà nước nào trả lời. 




Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: Việt Dũng

Chiều 5-11, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ để thảo luận về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), từ trước đến nay, nguyên tắc của chúng ta là những quy định nào của pháp luật VN khác với điều ước quốc tế mà VN đã tham gia ký kết thì áp dụng theo các quy định của điều ước quốc tế, có nghĩa là có quyền ký kết trước và sửa đổi pháp luật trong nước sau.

Do đó, lần này cần phải sửa lại để phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Ông đề nghị cần nghiên cứu để thể hiện rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ trong việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế (những loại nào Chính phủ trực tiếp ký kết, Chủ tịch nước ký kết, những loại nào Quốc hội phê chuẩn…).

“Đặc biệt là vai trò giám sát của Quốc hội. Hiện nay VN ký kết rất nhiều với quốc tế nhưng thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao thì không thể biết hết được” – ông Thảo nhận định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng đang có thực tế là có những điều ước quốc tế đã ký kết rồi nhưng khi người dân cần thông tin về điều ước đó thì không cơ quan nhà nước nào trả lời, không biết hỏi ai.

“Tôi đề nghị khi ký kết bất kỳ điều ước quốc tế nào đều phải công bố cho dân biết, nguyên tắc là nhân dân phải được biết” – ông Nghĩa nói.

Với những điều ước quốc tế đã ký kết nhưng nằm trong phạm vi “không công bố” thì phải bảo đảm theo nguyên tắc công dân được tiếp cận thông tin mà Hiến pháp 2013 đã quy định. Nghĩa là nếu người dân có yêu cầu thì phải được cung cấp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị luật phải quy định rõ đầu mối cung cấp thông tin, chỉ định cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời dân về yêu cầu này, trong thời hạn 15 ngày.

Vấn đề này cũng là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội): “VN ký rất nhiều, thậm chí là ký rất nhanh nhưng thực hiện thế nào thì chưa rõ.

Ngay cả trong báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật cũng không thấy nói rõ là trong thời gian này VN đã ký kết, tham gia bao nhiêu hiệp định, công ước, kết quả thực hiện thế nào”.

Bà Thanh đề cập hạn chế của luật hiện hành là thiếu quy định về việc lấy ý kiến, tham vấn các đối tượng có liên quan trước khi ký kết, vì vậy dự luật lần này cần quy định rõ vấn đề này, trong đó thể hiện cụ thể thủ tục, quy trình, đầu mối lấy ý kiến, tham vấn.

Dự báo thời tiết không đúng, trách nhiệm đến đâu?

Cùng ngày 5-11, dự thảo Luật khí tượng thủy văn đã được Quốc hội thảo luận lần cuối trước khi bấm nút thông qua vào ngày 23-11. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung vào dự thảo luật này nguyên tắc: việc tác động vào thời tiết phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu vấn đề trong quá trình thảo luận ở tổ về dự thảo Luật khí tượng thủy văn cũng như khi lấy ý kiến ở địa phương, có ý kiến rất phổ biến về trách nhiệm dự báo, cảnh báo của khí tượng, thuỷ văn.

Nếu như dự báo, cảnh báo không đúng, không chính xác sẽ gây thiệt hại rất lớn, thậm chí thiệt hại sinh mạng của người dân nhưng “trách nhiệm của anh đến đâu?”. 

Mặc dù báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nêu ý kiến trên rất xác đáng, đồng thời đã tiếp thu đưa vào dự thảo luật các quy định liên quan đến trách nhiệm về dự báo, cảnh báo của khí tượng thuỷ văn, tuy nhiên ông Sơn vẫn cho rằng cần quy định trách nhiệm cụ thể và rõ ràng hơn.

L.KIÊN – V.SỰ – V.V.THÀNH ([email protected])