Khổ vì học tại Trường trung cấp Y dược Hà Nam
Tại Gia Lai, dù chưa được UBND tỉnh cấp phép liên kết đào tạo nhưng Trường trung cấp Y dược Hà Nam vẫn tổ chức tuyển sinh, mở cơ sở đào tạo và tiếp nhận học viên.
Khổ vì học tại Trường trung cấp Y dược Hà Nam
Tại Gia Lai, dù chưa được UBND tỉnh cấp phép liên kết đào tạo nhưng Trường trung cấp Y dược Hà Nam vẫn tổ chức tuyển sinh, mở cơ sở đào tạo và tiếp nhận học viên.
Cơ sở phân hiệu Ninh Thuận của Trường trung cấp Y dược Hà Nam thuê lại của Trường trung cấp Y tế Ninh Thuận để hoạt động – Ảnh: M.Trân |
Còn ở phân hiệu Ninh Thuận của trường này, dù đã hoàn thành khoá học từ đầu năm 2015 nhưng đến nay học viên vẫn chưa được nhận bằng tốt nghiệp.
Sau khi bị phát hiện, 130 học viên ở Gia Lai rơi vào tình thế khốn đốn, đi không được mà ở cũng không xong.
Trường đào tạo “chui”, học viên khốn đốn
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai Phạm Ngọc Thạch cho biết đã yêu cầu chấm dứt việc liên kết đào tạo giữa Trường trung cấp Y dược Hà Nam với Trường cao đẳng nghề số 21 (Bộ Quốc phòng) vì tổ chức liên kết đào tạo “chui”, tổ chức tuyển sinh và dạy học khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục.
Theo Sở GD-ĐT Gia Lai, dù chưa có giấy phép nhưng từ tháng 9-2014 Trường trung cấp Y dược Hà Nam vẫn tự ý đăng thông tin tuyển sinh, tiếp nhận học viên vào học.
Đầu tháng 8-2015 khi phát hiện thông tin tuyển sinh trái phép, Sở GD-ĐT Gia Lai đã thanh tra và xác định có tổng cộng 130 học viên đã được làm thủ tục cho nhập học, đóng học phí và học tại cơ sở TP Pleiku của Trường trung cấp Y dược Hà Nam.
Đại diện nhà trường giải thích đã linh động tiếp nhận học viên trong khi chờ đợi được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương cho mở cơ sở. Về phía Trường cao đẳng nghề số 21, đơn vị này cho biết đã liên kết với Trường trung cấp Y dược Hà Nam tiếp nhận 130 học viên hai lớp gồm trung cấp y và trung cấp dược. Tuy nhiên cả hai bên đều chưa có hồ sơ liên kết.
Sau khi bị Sở GD-ĐT yêu cầu chấm dứt hoạt động “chui” tại cơ sở của mình, ngày 7-9 Trường trung cấp Y dược Hà Nam thông báo ngưng hoạt động tại Gia Lai, chuyển toàn bộ 130 học viên về cơ sở tại Đắk Lắk để tiếp tục theo học. Sự thay đổi đột ngột, trái ngược thông tin tuyển sinh ban đầu về việc tổ chức học tại địa bàn Gia Lai đã khiến nhiều học viên ngỡ ngàng.
Hầu hết học viên dự học đều có hộ khẩu tại Gia Lai, khi đăng ký theo học đều mong muốn được học gần nhà để có điều kiện tiết kiệm chi phí, thuận tiện đi lại. Tuy nhiên sau khi được nhà trường thông báo, nhiều học viên đã phản ứng gay gắt. Nhiều học viên cho biết đã theo học hơn một năm, nay buộc phải chuyển qua tỉnh Đắk Lắk thì rất bất tiện, khi đến trường đề nghị rút hồ sơ, lấy lại học phí thì không được nhà trường chấp thuận.
Học viên L.T.T. – lớp trung cấp y sĩ K3Y4 – nói: “Lớp em lúc đầu có 150 học viên, nhưng đến học kỳ 2 còn lại 80 người. Để được vào học, chúng em phải đóng 10 triệu đồng học phí cho năm học đầu tiên, nhưng do cơ sở trường chưa ổn định nên chỉ trong một năm học mà cả lớp phải di chuyển qua ba cơ sở khác nhau, rất mệt mỏi và ảnh hưởng việc học hành. Nay nhà trường thông báo chuyển qua Đắk Lắk thì cả lớp phản ứng rất căng thẳng”.
Trong khi đó, một học viên khác cho biết khi buộc phải chuyển qua Đắk Lắk, Trường trung cấp Y dược Hà Nam có hứa với học viên sẽ hỗ trợ tiền xe, tiền thuê nhà trọ ban đầu nhưng học viên vẫn không đồng ý, nhiều em đã quyết định bỏ học hoặc chuyển qua một trường khác tại Gia Lai để đăng ký học lại từ đầu.
Phân hiệu của trường này tại Gia Lai – Ảnh: Bá Dũng |
Học xong vẫn không… tốt nghiệp
Gia Lai là vậy, còn nhiều học viên khoá 1 (2013 – 2015) của trường này phân hiệu Ninh Thuận dù đã hoàn thành khoá học từ đầu năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận bằng tốt nghiệp.
Khóa này đào tạo hai hệ: văn bằng 2 (148 học viên) và chính quy (177 học viên). Đến nay, chỉ có 12 học viên hệ văn bằng 2 (ngụ Bình Thuận) được cấp bằng tốt nghiệp (vào tháng 1-2015), còn lại 136 học viên bị ngưng cấp bằng. Ở hệ chính quy, học viên bị dời lịch thi từ tháng 5 sang giữa tháng 11-2015.
Anh Đặng Minh Hảo, học viên hệ văn bằng 2, cho biết theo chương trình đào tạo thì học viên khóa này được cấp bằng tốt nghiệp từ đầu năm 2015, nhưng từ đó đến nay sau nhiều lần hẹn nhà trường vẫn không cấp bằng.
“Gần nhất là ngày 25-10 trường hẹn cấp bằng tốt nghiệp, nhưng khi đến vẫn không có. Chúng em đã hoàn thành khoá học, trong đó có thời gian thực tập. Nhưng không biết vì sao trường nói còn thiếu thực tập nên yêu cầu học viên phải đi thực tập một tháng rưỡi nữa mới được cấp bằng” – anh Hảo lo lắng.
Trao đổi về việc này, ông Trần Tuấn Hùng – trưởng phân hiệu Ninh Thuận của Trường trung cấp Y dược Hà Nam – cho biết trong vòng một năm qua phân hiệu đã bị Sở GD-ĐT cùng Sở Y tế, Sở Lao động – thương binh và xã hội Ninh Thuận phối hợp thanh tra bốn lần.
Việc trường chưa cấp bằng tốt nghiệp cho các học viên khoá 1 vì kết luận thanh tra cho rằng trường thiếu nội dung chương trình đào tạo nên yêu cầu học viên phải thực tập thêm một tháng rưỡi.
Ông Hùng còn cho biết phân hiệu Ninh Thuận đang thuê cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên của Trường trung cấp Y tế tỉnh Ninh Thuận, không có con dấu nên mọi việc liên quan đến pháp nhân đều do Trường trung cấp Y dược Hà Nam quyết định, vì vậy hoạt động của phân hiệu rất khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Linh – phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận – cho biết theo kết luận thanh tra số 37 ngày 8-1-2015 của sở, phân hiệu của Trường trung cấp Y dược Hà Nam tại Ninh Thuận vi phạm về chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng trúng tuyển, tuyển sinh ngành dược sĩ khi chưa có mã ngành, giáo viên thỉnh giảng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bộ máy điều hành và quy chế làm việc phân hiệu chưa rõ ràng.
Theo ông Linh, các vi phạm trên đã được khắc phục dần nhưng vẫn còn một số nội dung chương trình đào tạo chưa đạt yêu cầu, nên phân hiệu đã bị ngừng tuyển sinh khoá 3 để đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện.
“Sau khi công bố kết luận thanh tra liên ngành, khi nào phân hiệu khắc phục các vi phạm thì sở mới cho phân hiệu cấp bằng tốt nghiệp cho học viên khoá 1 và tuyển sinh khoá 3” – ông Linh nói.
Đào tạo để đi xuất khẩu lao động Liên quan những sai phạm của Trường trung cấp Y dược Hà Nam phân hiệu Ninh Thuận, ông Lê Đình Cẩn – trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh – cho rằng phân hiệu này được lập ra (tháng 8-2013) với đề án đào tạo y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ lành nghề ở trình độ trung cấp phục vụ xuất khẩu lao động ngành y dược. Tuy nhiên, đến nay chưa có học viên nào được xuất khẩu lao động. “Nếu Trường trung cấp Y dược Hà Nam không đào tạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lao động ngành y tế thì đặt phân hiệu ở Ninh Thuận làm gì, trong khi tại tỉnh đã có trường trung cấp y tế (từ năm 2010) đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ trung cấp. Hiện Trường trung cấp Y dược Hà Nam lại thuê cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên của Trường trung cấp Y tế Ninh Thuận để hoạt động ba năm qua cũng là một bất cập trong phê duyệt đào tạo trung cấp chuyên nghiệp” – ông Cẩn nói. |