10/01/2025

Học thêm ở nơi dạy “chui” sẽ bị kỷ luật?

Đây là một trong những biện pháp Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.

 

Học thêm ở nơi dạy “chui” sẽ bị kỷ luật?

 

Đây là một trong những biện pháp Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.




Một lớp học tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: C.Thành
Một lớp học tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng – Ảnh: C.Thành

Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản quy định học sinh bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên khi đăng ký học thêm tại các cơ sở, cá nhân không có giấy phép tổ chức dạy thêm sẽ bị xem xét đánh giá về mặt hạnh kiểm.

Đây là một trong những biện pháp Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tại tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc xử phạt học sinh (HS) là không thuyết phục. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hải – phó Phòng giáo dục THCS, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng – về vấn đề trên.

* Xin ông cho biết chủ trương của sở liên quan tới việc xử phạt HS học tại các cơ sở dạy thêm không có giấy phép có từ khi nào?

– Nội dung mà văn bản Sở GD-ĐT Lâm Đồng đưa ra ngày 20-10: xem xét xử lý HS về mặt hạnh kiểm nếu học thêm tại các cơ sở không có giấy phép, không phải là lần đầu tiên được triển khai. Trước đó, đầu năm 2013 sở cũng đã có văn bản với nội dung tương tự. Trong quá trình triển khai không có vấn đề gì nảy sinh. Hiện giờ chúng tôi chỉ triển khai tiếp nội dung từ văn bản đưa ra năm 2013.

* Có ý kiến cho rằng việc quản lý cơ sở, cá nhân dạy thêm là trách nhiệm của cơ quan quản lý, vì vậy việc xử phạt HS trong vấn đề này là thiếu cơ sở và không thuyết phục.

– Đúng là việc kiểm tra, xử phạt những cơ sở, cá nhân dạy thêm trái phép là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Riêng với HS, chúng tôi chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức, vì nhiều em còn lơ là, không để tâm tới vấn đề này, gây khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn việc dạy “chui” tại một số nơi.

Tôi ví dụ: trong nhà trường chúng tôi đã gửi thông báo các địa chỉ, danh sách thầy cô được phép dạy thêm, yêu cầu các em lưu tâm không đăng ký học thêm ngoài danh sách. Tuy nhiên, thực tế là nhiều HS rất ít để ý tới, nên khi sự vụ xảy ra ngoài kỷ luật cơ sở, còn phải phê phán hành vi của các em để tuyên truyền giáo dục.

* Như vậy quan điểm của sở sắp tới là vẫn xử lý những HS học thêm tại các cơ sở sai phép?

– Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần có hình thức kiểm điểm những HS vi phạm quy định trên. Tuy nhiên, tôi nhắc lại là từ năm 2013 tới nay chúng tôi chưa từng xử lý HS nào vi phạm, chỉ khuyến cáo các em chú ý chọn nơi để học thêm, và giới thiệu các cơ sở có phép để các em đăng ký học.

Sắp tới, chúng tôi sẽ mạnh tay hơn trong việc này. Trong trường hợp HS vi phạm, chúng tôi sẽ báo về nhà trường, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đưa sai phạm của HS vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm. Tôi khẳng định đây chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí để xem xét đánh giá bậc hạnh kiểm của các em.

Dư luận cho rằng kỷ luật, hạ bậc hạnh kiểm các em về hành vi trên là hoàn toàn chưa chính xác. Bộ GD-ĐT cũng mới yêu cầu chúng tôi gửi các văn bản liên quan tới việc xem xét hạnh kiểm đối với HS học tại các cơ sở dạy thêm “chui”. Chúng tôi đã gửi các văn bản liên quan nhưng chưa có giải trình gì, vì bộ chưa yêu cầu.

Xử phạt học sinh là không thuyết phục!

* “Tôi đang cho con học thêm tại một lớp học phụ đạo có phép. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng dù các cháu học tại nơi không phép, mà sở lấy việc đó để xem xét hạnh kiểm học sinh học là việc làm không thuyết phục. Làm như vậy thì tội cho các cháu lắm”.

Bà NGUYỄN THỊ HUYỀN
(phụ huynh học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt)

* “Trong các đợt họp phụ huynh hai năm nay, chúng tôi chưa từng được nhà trường phổ biến về việc học thêm nơi không phép thì học sinh sẽ bị xem xét hạ bậc hạnh kiểm. Nếu quy định trên được áp dụng thì tôi cho đây là quy định rất vô lý.

Việc đi học thêm là quyền chính đáng của học sinh. Còn chỗ dạy thêm có phép hay không phép là việc của nhà trường, của cơ quan quản lý. Tại sao lại có chuyện đem việc này ra xem xét về phẩm chất, đạo đức để đánh giá bậc hạnh kiểm học sinh? Hiện giờ chủ yếu tôi cho con đi học tại nhà một số thầy cô mà cháu tự chọn, thấy phù hợp với cách học của mình mà thôi, còn có phép hay không phép không phải việc của chúng tôi!”.

Bà TRẦN NHƯ NGỌC
(phụ huynh học sinh Trường THCS & THPT Tây Sơn, Đà Lạt)

CHÍNH THÀNH