Trần nợ công phải giảm nữa
02/11/2015Hôm qua (2.11), tại phiên thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng cân đối thu, chi ngân sách nhà nước rất căng thẳng trong năm nay và 2016.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội:
Trần nợ công phải giảm nữa
Hôm qua (2.11), tại phiên thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng cân đối thu, chi ngân sách nhà nước rất căng thẳng trong năm nay và 2016.
Trong giờ giải lao, BáoThanh Niên đã phỏng vấn ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, về vấn đề này.
* Thưa ông, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh nói nguồn vốn cho đầu tư phát triển năm sau chỉ còn 45.000 tỉ đồng? Vì sao ngân sách rơi vào tình trạng cạn kiệt như vậy?
– Trong thực tiễn, kể cả quốc gia có nền kinh tế rất mạnh, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) bao giờ cũng khó khăn. Nó là cân đối giữa nhu cầu chi, trong đó có nhu cầu chi về đầu tư, chi thường xuyên (liên quan đến tiền lương, an sinh xã hội), trong khi thu lại không dễ gì, nhất là liên quan đến những chính sách như nếu tăng thuế thì ít người dân đồng tình, nói giảm thuế thì dễ. Đối với VN thì càng khó khăn hơn. Trong năm qua, chúng ta thực hiện chính sách giảm gánh nặng về thuế, cũng như thực hiện miễn, giảm, tạm hoãn để các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Cho nên huy động thuế vào ngân sách giảm. Giai đoạn trước đây, 2006 – 2010, huy động thuế vào ngân sách khoảng 24,6%, giai đoạn này chỉ đạt khoảng 21 – 22% thôi, thậm chí năm 2015, huy động thuế vào GDP chỉ chiếm 19,4%.
|
Các nguồn như thuế thu nhập DN giảm nhanh: từ 32% xuống 28%, rồi, năm 2016 chỉ còn 20%. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân cũng giảm theo. Phần lớn các nước khi giảm thuế thu nhập DN, họ sẽ điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân để bảo đảm sự hài hoà. Còn chúng ta cả hai đều giảm, thậm chí thuế GTGT cùng với thuế xuất nhập khẩu cũng giảm. Thứ hai là giá dầu, năm nay giỏi lắm chỉ 50 USD/thùng, cho nên nguồn thu hụt 63.000 tỉ đồng, trong đó có 31.000 tỉ do giá dầu thô trực tiếp, 19.000 tỉ là do các sản phẩm từ dầu giảm, cộng với xuất nhập khẩu dầu giảm.
* Nhưng trong khi cân đối NSNN quá khó thì người dân cũng dễ thấy, việc tiết kiệm, giảm chi không được thực hiện mà vẫn thấy tiền chi lãng phí: xây dựng bảo tàng, xe công, lễ tiết…?
– Đó là câu chuyện đã xảy ra và người dân đều nhìn thấy. Nhưng thực sự cũng có những hoạt động tiết kiệm như về giảm chi thường xuyên đã cắt ngay từ khâu dự toán là 10% rồi, cộng với các khoản chi hội nghị, khánh tiết… Chúng tôi đã dự thảo một nghị quyết mà để ngày mai (3.11), Quốc hội sẽ thảo luận có những điểm rất cụ thể như giảm tối đa những hội nghị không cần thiết; thực hiện cơ chế khoán đối với xe công.
Ta cứ nói có mấy chục nghìn xe công, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, xe công không chỉ xe cho công chức, mà còn xe cứu thương, xe rác, xe quân đội, công an… Nếu tính số lượng xe công để giảm được thì không nhiều. Chi phí cho xe công đó, chúng ta có dám dừng tất cả xe chở rác không? Có dám dừng tất cả xe cứu thương không? Cho nên nhiều khi chỉ đưa ra con số sẽ khiến người dân hiểu 45.000 xe là chỉ để chi cho quan chức.
* Ở các nước khi khó khăn về NSNN, họ sẽ giảm chi công rất mạnh, thậm chí sa thải hàng loạt cán bộ công chức?
– Cái gì cũng có hai mặt. Chúng ta đã bắt đầu tinh giản biên chế, cứ 2 người nghỉ hưu mới 1 người vào, chúng ta làm có lộ trình và làm từ từ. Cần nhớ, trong hoạt động nếu làm gì có tạo thành cú sốc thì cũng không được, nếu không sẽ có biểu tình. Chúng ta không thể sa thải hàng loạt, không thể cắt ngay việc đào tạo cho đầu vào vì đội ngũ trẻ, sinh viên ra trường, có nhiều người rất tài năng thì phải tuyển dụng để thay thế. Chúng ta cứ làm từ từ, và đến một giai đoạn nào đó thì bộ máy sẽ tinh giản.
Thoái vốn không phải để… “ăn”
* NSNN rất khó khăn hiện nay, phải chăng cũng có phần quan trọng do lãng phí, thất thoát lớn và kém hiệu quả trong đầu tư công?
– Chúng ta phải cương quyết để nâng cao hiệu quả đầu tư, phải thực hiện minh bạch, công khai. Trong luật đầu tư công đã có thay đổi rất căn bản. Và tới đây trong nghị quyết phải giải quyết rất căn bản bằng cơ chế chính sách. Khi cơ chế chính sách được xử lý tốt thì mới tránh được.
* Hiện nay Chính phủ cho bán cả cổ phần nhà nước ở những DN có lợi nhuận lớn để bù đắp, sau này, không còn những nguồn như vậy thì làm thế nào, thưa ông?
– Đây là những khoản thu mang tính cá biệt không phải thường xuyên. Nhưng cũng bù đắp vào ngân sách như do giá dầu sụt giảm. Ở đây, giá dầu bị lũng đoạn, không thể tồn tại giá dầu như thế mãi được, mà cũng phải đến lúc thay đổi, bởi bản thân nước xuất khẩu dầu không chịu được và chỉ mang tính chất chính sách. Thoái vốn chỉ đột xuất và chỉ bố trí 1.000 tỉ vào để bù hụt thu ngân sách T.Ư, còn 3.000 tỉ vẫn đầu tư phát triển. Thoái vốn để đầu tư phát triển, chứ không phải để “ăn” nên không ngại chuyện đó.
* Theo ông, giải pháp nào căn cơ để đảm bảo cân đối NSNN?
– Tới đây chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn cách xây dựng dự toán NSNN. Chúng ta xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay nợ 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Trong xây dựng dự toán còn có xây dựng dự toán theo phương thức cuốn chiếu, là 1 năm dự toán, 2 năm dự báo, có nghĩa là 3 năm và có 2 cột dự báo dựa trên kế hoạch 5 năm. Và đầu tư công, tới đây sẽ thảo luận thì người ta sẽ biết tổng đầu tư công là bao nhiêu, từng địa phương là bao nhiêu, cho các chương trình như thế nào.
* Những số liệu được công bố cho thấy, nợ công đang dần tới ngưỡng mất an toàn. Liệu trong tương lai gần có phải điều chỉnh trần nợ công?
– Quan điểm của tôi là không bao giờ, chỉ giảm thôi. Ngay trong định hướng năm 2020 thì trần nợ công phải giảm nữa, không phải 65%/GDP và bội chi cũng phải giảm nữa, theo thông lệ quốc tế. Có như thế thì mới bảo đảm trong tương lai được.
Mạnh Quân
(thực hiện)