10/01/2025

Thảm nạn máy bay Nga rơi ở Ai Cập: Vẫn chưa loại trừ khả năng khủng bố

Các chuyên gia bắt đầu điều tra thảm nạn máy bay của Hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập.

 

Thảm nạn máy bay Nga rơi ở Ai Cập: Vẫn chưa loại trừ khả năng khủng bố

 

 

 

Các chuyên gia bắt đầu điều tra thảm nạn máy bay của Hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập.



 

Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail (bìa phải) thị sát hiện trường vụ máy bay rơi - Ảnh: AFPThủ tướng Ai Cập Sherif Ismail (bìa phải) thị sát hiện trường vụ máy bay rơi – Ảnh: AFP
Ngày 1.11, tờ Le Monde dẫn lời giới chức Ai Cập cho biết đã tìm thấy những phần thi thể của 163 nạn nhân và cả 2 hộp đen của máy bay Airbus A321-200, số hiệu KGL-9268 của Hãng Kogalymavia và sẽ nhanh chóng tiến hành khai thác dữ liệu. Đây sẽ là những cơ sở quan trọng nhất để xác nhận nguyên nhân tai nạn thảm khốc vào ngày 31.10, làm toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng.
Máy bay bị mất liên lạc chỉ 23 phút sau khi cất cánh từ thành phố du lịch Sharm el-Sheikh (Ai Cập) để bay đến St.Petersburg (Nga). Theo chính quyền Cairo, việc tìm kiếm hiện được tập trung vào một vùng bán kính hơn 15 km tại khu vực đồi núi al-Hassana ở phía bắc Sinai.
Tối 1.11, Hãng tin Sputnik dẫn lời Trưởng ban Hàng không liên bang Nga Viktor Sorochenko cho biết theo các dấu hiệu tại hiện trường như phạm vi trải rộng của mảnh vỡ và thi thể thì có thể thấy máy bay đã bị nổ tung ngay trên không trung. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm là còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào.
Không lâu sau khi máy bay rơi, nhóm Hồi giáo vũ trang Ansar Beit al-Maqdis có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố “đã gây nên vụ rớt máy bay” để trả đũa chiến dịch không kích IS của Nga tại Syria. Nhóm này hoạt động rất mạnh tại bán đảo Sinai, đặc biệt là ở khu vực phía bắc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Nga Maxime Sokolov đã lập tức bác bỏ tuyên bố trên.
Giới quan sát cũng tỏ ra không tin tưởng khả năng chân rết của IS tại Sinai đã bắn hạ máy bay. Tờ Le Soir dẫn lời chuyên gia Gérard Feldzer giải thích: “Việc bắn hạ một máy bay đang ở độ cao hơn 9.000 m như của Kogalymavia đòi hỏi những điều kiện rất phức tạp, bao gồm hệ thống radar và tên lửa có tầm bắn xa. IS hiện không thể đáp ứng những điều kiện này”. Còn theo chuyên gia về các tổ chức Hồi giáo cực đoan Charles Lister, hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất hiện nay của IS là Igla SA-18 có tầm bắn tối đa 3 km, chỉ bằng 1/3 so với độ cao vào thời điểm chuyến bay KGL-9268 bắt đầu mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu.
Dù vậy, giới điều tra vẫn không loại trừ khả năng chuyến bay KGL-9268 bị khủng bố bằng cách đặt bom vào hành lý vì các sân bay ở Ai Cập bị cho là thường không kiểm tra nghiêm ngặt hành lý ký gửi. Để phòng ngừa mọi nguy cơ, một số hãng hàng không như Air France (Pháp), Lufthansa (Đức) và Emirates (UAE) vừa thông báo tạm ngưng bay ngang bán đảo Sinai.
Một giả thuyết khác là máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Le Monde dẫn lời giới chức Ai Cập cho biết rằng ngay trước khi mất tín hiệu, cơ trưởng chuyến bay KGL-9268 đã thông báo hệ thống liên lạc gặp vấn đề. Còn theo trưởng nhóm điều tra của Ai Cập Ayman al-Mokadem, cơ trưởng đã yêu cầu được hạ cánh ở sân bay gần nhất.
Chiếc máy bay gặp nạn đã được khai thác từ hơn 18 năm và từng qua tay nhiều hãng hàng không trước khi được Kogalymavia mua lại. Nga ngày 1.11 thông báo mở cuộc điều tra Hãng Kogalymavia về nghi vấn “cung cấp dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn”. Ngoài ra, các nhà điều tra cũng giữ mẫu xăng ở sân bay Samara, miền nam Nga, nơi máy bay gặp nạn tiếp liệu ngay trước khi bay sang Ai Cập.
Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Moscow để điều tra vụ việc. Hiện ông Putin đã điều 5 máy bay đến hiện trường để chuyên chở lực lượng cứu hộ, chuyên gia và vận chuyển thi thể nạn nhân.

Lan Chi