Tín hữu là người cảm nghiệm hành động cứu độ của Thiên Chúa trong đời mình
Sau ba tuần nhóm họp, Thượng Hội đồng Giám mục đã kết thúc Khoá Thường lệ thứ 14 về chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay” với Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 25-10-2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Tín hữu là người cảm nghiệm hành động cứu độ của Thiên Chúa trong đời mình”
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
trong Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục, 25-10-2015
Sau ba tuần nhóm họp, Thượng Hội đồng Giám mục đã kết thúc Khoá Thường lệ thứ 14 về chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay” với Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 25-10-2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Cả ba bài đọc của Chúa nhật này đều cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa là tình phụ tử của Ngài được biểu lộ cách rõ ràng nơi Chúa Giêsu.
Ngay giữa thảm họa của đất nước, người dân bị kẻ thù trục xuất, tiên tri Jeremia loan báo “Chúa đã cứu dân Ngài, số còn sót lại của Israel” (31,7). Tại sao ngài cứu họ? Vì Người là Cha của họ (x. câu 9); và vì là Cha, nên Ngài chăm sóc con cái mình và đồng hành với họ, nâng đỡ “người mù và kẻ què, phụ nữ mang thai và những người lam lũ” (31,8). Tình phụ tử của Ngài mở ra cho họ một con đường phía trước, con đường đầy an ủi sau bao nhiêu nước mắt và buồn tủi lớn lao. Nếu dân chúng trung thành, nếu họ kiên trì tìm kiếm Thiên Chúa, cả khi ở trong đất của ngoại bang, Thiên Chúa sẽ đổi cảnh bị giam cầm của họ thành tự do, nỗi cô đơn của họ thành sự hiệp thông: những gì hôm nay dân chúng gieo trong nước mắt, ngày mai họ sẽ gặt hái trong niềm vui (x. Tv 125,6).
Cùng với Thánh vịnh, chúng ta cũng đã bày tỏ niềm vui vì được Chúa cứu rỗi: “Miệng chúng tôi đầy ắp tiếng cười, và lưỡi chúng tôi rộn tiếng reo vui” (câu 2). Một tín hữu là người đã cảm nghiệm hành động cứu độ của Thiên Chúa trong đời mình. Chúng ta là những mục tử, đã cảm nghiệm nỗi khó nhọc khi gieo hạt giống, có khi gieo trong nước mắt, và niềm vui vì ân huệ của một mùa thu hoạch vượt cả sức mạnh và khả năng của chúng ta.
Đoạn trích thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu. Người cũng “bị yếu đuối bủa vây” (5,2), để có thể xót thương những ai đang u mê, lầm lạc. Chúa Giêsu là vị Thượng tế thánh thiện và vô tội, nhưng vị Thượng tế ấy cũng đã mang lấy sự yếu hèn của chúng ta và bị cám dỗ như chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi (x. 4,15). Vì thế Người là trung gian hoà giải của giao ước mới và vĩnh cửu, đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay được liên kết trực tiếp với bài đọc thứ nhất: cũng như dân Israel được giải thoát nhờ tình phụ tử Thiên Chúa, thì anh Bartimê cũng được giải thoát nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vừa rời khỏi thành Jericho. Dù đã bắt đầu cuộc hành trình quan trọng nhất đi lên Jerusalem, Người vẫn dừng lại để đáp lại tiếng kêu của Bartimê. Chúa Giêsu xúc động vì lời anh cầu xin và Ngài đặt mình vào trong hoàn cảnh của anh. Ngài không bằng lòng với việc bố thí cho anh, mà muốn đích thân gặp gỡ anh. Ngài không chỉ thị hay trả lời gì, nhưng lại hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51). Có vẻ như đó là một câu hỏi vô nghĩa: người mù có thể ước muốn điều gì khác nếu không phải là được nhìn thấy? Nhưng với câu hỏi thẳng thắn này, trực tiếp nhưng vẫn tôn trọng, Chúa Giêsu cho thấy Ngài muốn nghe được nhu cầu của chúng ta. Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta về cuộc đời chúng ta, hoàn cảnh thực sự của chúng ta, để không có gì giấu kín với Người. Sau khi chữa lành cho Bartimê, Chúa nói với anh: “Đức tin của anh đã chữa anh” (câu 52.). Thật đẹp biết bao khi thấy Chúa Giêsu ca ngợi đức tin của Bartimê và tin tưởng anh. Chúa Giêsu tin vào chúng ta, hơn là chúng ta tin tưởng chính mình.
Có một chi tiết thú vị. Chúa Giêsu bảo các môn đệ gọi Bartimê đến. Họ nói với người mù hai câu mà Chúa Giêsu sử dụng trong phần sau của bài Tin Mừng. Đầu tiên họ nói với anh: “Hãy vững tâm!”, nghĩa là “Hãy có đức tin, hãy can đảm lên!”. Thật vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu mới đem lại cho con người sức mạnh để đối mặt với những tình cảnh khó khăn nhất. Câu thứ hai là “Đứng dậy!”, như Chúa Giêsu đã nói với rất nhiều bệnh nhân mà Ngài đã cầm tay và chữa lành. Môn đệ của Chúa Giêsu không làm gì khác hơn là lặp lại những lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn anh ta đến thẳng với Chúa, mà không giảng dạy gì cả. Ngày nay cũng vậy, và nhất là ngày nay, các môn đệ Chúa Giêsu được mời gọi dẫn mọi người đến với Lòng thương xót cứu độ của Chúa. Khi tiếng kêu của nhân loại, như tiếng kêu của Bartimê, trở nên mạnh mẽ hơn, không có cách đáp lại nào khác hơn là làm cho lời đáp của Chúa Giêsu trở thành lời đáp của chính chúng ta, và trên hết, hãy bắt chước trái tim của Chúa. Những hoàn cảnh khổ đau và xung đột là để Thiên Chúa tỏ lòng thương xót. Ngày nay là thời của lòng thương xót!
Nhưng có một số cám dỗ đối với những người theo Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng cho thấy ít nhất có hai cám dỗ. Không có môn đệ nào dừng lại như Chúa Giêsu đã làm. Họ cứ bước đi như chẳng có gì xảy ra. Nếu anh Bartimê bị mù thì họ bị điếc: vấn đề của anh không phải là vấn đề của họ. Điều này có thể là một mối nguy cho chúng ta: gặp những vấn đề liên tục, chúng ta thấy tốt hơn là cứ bước đi thay vì để cho mình bị làm phiền. Như thế, cũng giống như các môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu, nhưng không nghĩ như Người. Chúng ta ở trong nhóm của Người, nhưng con tim của chúng ta không mở ra. Chúng ta đã mất đi lòng thán phục, tâm tình biết ơn và sự nhiệt tình, và có nguy cơ trở nên chai lì với ân sủng. Chúng ta có thể nói về Chúa và làm việc cho Chúa, nhưng lại sống xa cách trái tim của Chúa, trái tim luôn vươn tới những ai bị tổn thương. Cám dỗ đó là một “nền linh đạo ảo tưởng”: chúng ta có thể băng qua sa mạc của nhân loại mà chẳng nhìn thấy ở đó thực sự có những gì; nhưng chỉ nhìn thấy những gì chúng ta muốn thấy. Chúng ta có khả năng đưa ra những quan điểm về thế giới, nhưng chúng ta lại không chấp nhận những gì Chúa đặt ra trước mắt chúng ta. Một đức tin không biết cắm rễ trong đời sống của dân chúng thì vẫn mãi cằn khô và, thay vì xây nên những ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo ra những sa mạc khác.
Có một cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một “đức tin theo lịch trình”. Chúng ta có thể cùng đi với dân Chúa, nhưng lại có lịch trình của riêng mình, ở đó mọi thứ đều được sắp đặt: chúng ta biết sẽ đi đâu và mất bao lâu; mọi người đều phải tôn trọng nhịp điệu của chúng ta và mọi vấn đề đều gây phiền toái cho chúng ta. Chúng ta có nguy cơ giống như nhiều người mà bài Tin Mừng nói đến: họ sốt ruột và quát nạt anh Bartimê. Trước đó không lâu, họ cũng đã xẵng giọng với các trẻ em (x. 10,13), và bây giờ đến lượt người hành khất mù: bất cứ ai làm phiền chúng ta hay không xứng với chúng ta đều bị loại trừ. Còn Chúa Giêsu lại muốn đón nhận, nhất là những ai đang sống bên lề và đang kêu xin Người. Họ cũng giống như Bartimê, họ có đức tin, vì ý thức mình cần được cứu, đó là cách tốt nhất để gặp Chúa Giêsu.
Cuối cùng, Bartimê đã đi theo Chúa Giêsu (x. câu 52). Anh không chỉ được nhìn thấy lại, mà còn gia nhập cộng đoàn những người đi theo Chúa Giêsu.
Các nghị phụ Thượng Hội đồng thân mến, chúng ta đã bước đi với nhau. Xin cảm ơn anh em vì chúng ta đã chia sẻ với nhau một con đường và mắt vẫn hướng nhìn về Chúa Giêsu và anh chị em của chúng ta, trong khi tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng chỉ cho thời đại chúng ta để có thể loan báo mầu nhiệm của tình yêu gia đình.
Chúng ta hãy bước theo con đường Chúa muốn. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ánh mắt chữa lành và cứu độ, biết tỏa sáng, vì nhớ lại ánh sáng đã soi chiếu mình.
Chúng ta đừng bao giờ để cho mình bị mờ tối bởi bi quan hay tội lỗi, nhưng hãy tìm kiếm và nhìn ngắm vinh quang Thiên Chúa, vinh quang toả sáng nơi những con người đang sống.
Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: Website Hội đồngGiám mục Việt Nam