Dân Trung Quốc lo không nuôi nổi con thứ hai
Bắc Kinh tuyên bố kết thúc chính sách sinh một con. Người dân hồ hởi nhưng không dám quyết định sinh thêm con vì cuộc sống hiện nay quá đắt đỏ.
Dân Trung Quốc lo không nuôi nổi con thứ hai
Bắc Kinh tuyên bố kết thúc chính sách sinh một con. Người dân hồ hởi nhưng không dám quyết định sinh thêm con vì cuộc sống hiện nay quá đắt đỏ.
Gánh nặng người già nay đã hiển hiện ở Trung Quốc – Ảnh: Reuters |
“Không chỉ một mình tôi đánh giá liệu sự thay đổi này có quá muộn hay không, mọi sự thay đổi ở Trung Quốc đều không diễn ra dễ dàng |
DƯƠNG THỤC (người lao động nhập cư sống ở Bắc Kinh) |
Báo South China Morning Post dẫn lời giới chuyên gia cho rằng việc nới lỏng chính sách sinh con cũng chỉ có thể bổ sung thêm 2,1 triệu trẻ mỗi năm. Số này vẫn chưa đủ bù đắp cho tình trạng dân số đang già đi rất nhanh ở đất nước này, ít nhất là trong vài chục năm nữa.
Nhà phân tích thuộc Công ty tư vấn Horizon Insight, ông Vương Bồi cho biết có thể mất từ 20 – 25 năm nữa Trung Quốc mới có thể chứng kiến được hiệu quả của việc thay đổi chính sách này, với điều kiện các cặp vợ chồng người Trung Quốc phải sẵn sàng sinh thêm con thứ hai.
Thay đổi muộn màng
Giới chuyên gia nhận định mục tiêu của chính sách cho sinh hai con nhắm vào việc giảm bớt những căng thẳng về lực lượng lao động trong nền kinh tế Trung Quốc. Có khoảng 100 triệu gia đình sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách này.
Nhưng nhà xã hội học của Đại học Bắc Kinh, ông Lữ Kiệt Hồ nhấn mạnh sẽ mất thời gian dài mới biết luật này có ảnh hưởng như thế nào.
Theo ông Lữ, các cặp vợ chồng sinh trong thập niên 1970 có thể còn muốn sinh con thứ hai, nhưng giới trẻ sinh trong thập niên 1980 và 1990 hiện nay có xu hướng “không muốn sinh vội”.
Thực tế là cuối năm 2013, Bắc Kinh đã thử áp dụng chính sách cho phép sinh con thứ hai trong một bộ phận dân cư. Tuy nhiên đến tháng 6-2015, cũng chỉ có 1,5 triệu trong 11 triệu cặp vợ chồng nộp hồ sơ sinh con thứ hai.
Sau đó, ngày càng nhiều học giả, chuyên gia kêu gọi chính quyền cải cách chính sách, cho rằng chính sách một con đã lỗi thời và nó chính là nguyên nhân khiến cho lực lượng lao động của Trung Quốc đang thu hẹp rất nhanh.
Một số ý kiến cho rằng việc thay đổi lần này là “quá ít, quá trễ” để có thể bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực mà chính sách một con hà khắc, kéo dài hơn 30 năm qua gây ra cho nền kinh tế và xã hội của nước này.
Năm 2012, lần đầu tiên trong hơn 30 năm, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm. Và Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã trở nên “già trước giàu”.
Ông Vương Phong, chuyên gia hàng đầu về sự thay đổi trong nhân khẩu học và xã hội ở Trung Quốc, cho rằng quyết định lần này của chính phủ là “sự kiện lịch sử có thể làm thay đổi thế giới”. Nhưng ông cũng cảnh báo những thách thức về xã hội người già ở Trung Quốc vẫn còn đó.
Thật tuyệt nhưng…
Người dân Trung Quốc đón nhận thông tin với cảm xúc trái chiều nhau. Nhiều gia đình hồ hởi vì giờ đây có thể có thêm con mà không lo vi phạm luật pháp. Nhưng nhiều gia đình cũng khẳng định không sinh thêm vì gánh nặng chi phí sống ở thành thị giờ đây quá cao.
Giá nhà ở thành thị cao ngất ngưởng, bị giới hạn trong chăm sóc y tế và giáo dục công, ô nhiễm không khí cũng như gánh nặng gia đình, phải chăm sóc cha mẹ già đã khiến nhiều cặp vợ chồng ngần ngại khi nghĩ đến việc tăng thành viên trong gia đình.
Đối với người lao động nhập cư, họ thừa nhận rất thích chính sách hai con nhưng lại không dám mơ khi nghĩ đến túi tiền. Một người lao động nhập cư ở Bắc Kinh tên Dương Thục cho biết ở nơi cô làm việc có nhiều người trẻ đã tốt nghiệp các đại học hàng đầu Trung Quốc nhưng họ không hồ hởi khi nói đến chuyện sinh con vì với mức lương khoảng 5.000 nhân dân tệ (790 USD)/tháng hiện nay, họ đang sống rất chật vật, không thể nuôi thêm con do chi phí sống cao ngất ngưởng ở Bắc Kinh.
Trên mạng xã hội Weibo, nhiều cư dân khác cũng đồng quan điểm với Dương Thục. “Tôi có một con gái, hai vợ chồng làm quần quật cũng chỉ đủ nuôi bé ăn học, làm sao dám sinh thêm đứa nữa” – một cư dân họ Phùng viết từ Quảng Châu.
Từ Thượng Hải, giám đốc một chi nhánh doanh nghiệp của Hong Kong, ông Lục Kỳ Lực nói rằng ông và những người cùng độ tuổi 40 không muốn sinh thêm con thứ hai vì đã… lớn tuổi. Sinh thêm đứa con buộc họ phải nghĩ đến các vấn đề như sức khoẻ, thu nhập và tương lai của gia đình.
Ông Lục than phiền rằng chính sách một con kéo dài hơn 30 năm qua đã làm tổn thương thế hệ như ông và những người lớn hơn. Bởi ngay khi còn trẻ, họ đã rất muốn sinh thêm con thứ hai nhưng bị ngăn cấm.