04/01/2025

Hụt ngân sách vì chi quá nhiều

Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công đang ngày càng phình ra? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, phân tích:

 

Hụt ngân sách vì chi quá nhiều

 

Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công đang ngày càng phình ra? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, phân tích:




Nguồn: Bộ Tài chính - Dữ liệu: L.Thanh - Đồ họa: Tấn Đạt
Nguồn: Bộ Tài chính – Dữ liệu: L.Thanh – Đồ hoạ: Tấn Đạt
Tiến sĩ Phạm Thế Anh             - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tiến sĩ Phạm Thế Anh
– Ảnh: Nguyễn Khánh

– Theo các thống kê của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách và nợ công VN trong những năm gần đây liên tục có xu hướng tăng nhanh. Cùng với thâm hụt ngân sách cao là sự gia tăng nhanh của nợ công.

Cần lưu ý rằng có rất nhiều khoản chi tiêu công được để ngoài bảng hạch toán ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án đầu tư phát triển.

Do vậy, những con số ở trên chưa phản ánh đầy đủ mức độ trầm trọng của thâm hụt ngân sách ở VN hiện nay.

Ngoài ra, mặc dù những năm qua đôi khi Chính phủ VN phải đứng ra trả nợ thay, hoặc bảo lãnh trả nợ thay cho các doanh nghiệp nhà nước mất khả năng thanh toán, nhưng những khoản nợ có nguy cơ cao trở thành nợ công từ các doanh nghiệp này đều không được hạch toán vào nợ công chính thức.

* Chính phủ đang tính toán đi vay nợ mới để cơ cấu lại khoản nợ cũ. Theo ông, đây có phải biện pháp an toàn?

– Thâm hụt ngân sách cao đi kèm với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh là nguyên nhân chính khiến Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế, để đảo nợ.

Tức là vay nợ mới với ưu điểm lãi suất thấp hoặc kỳ hạn dài hơn để trả cho các khoản nợ cũ. Thật ra, đảo nợ hay tái cơ cấu nợ công chỉ là những mỹ từ dùng trong trạng thái cấp bách của ngân sách. Theo tôi, kế hoạch phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trên thị trường quốc tế (khoảng 3 tỉ USD theo đề xuất của Chính phủ) nhằm tái cơ cấu nợ công chưa phải là giải pháp an toàn trong bối cảnh tỉ giá bất ổn như hiện nay.

Lãi suất quốc tế có thể thấp hơn đôi chút nhưng nếu thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp tục diễn ra và đồng USD mạnh lên khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thắt chặt tiền tệ thì gánh nặng trả lãi nợ công sẽ vô cùng bất lợi.

* Nhiều ý kiến lo chi thường xuyên (trong đó một phần là chi cho bộ máy) hiện quá cao. Nếu không giảm được nguồn này thì sẽ khó giải quyết bài toán thiếu hụt ngân sách, nợ công?

– Cần phải nhận thức rõ ràng thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu.

Tổng thu ngân sách nhà nước và viện trợ trung bình trong bốn năm gần đây đạt khoảng 24% GDP, với tốc độ tăng khoảng 10,4% mỗi năm. Trong cùng thời gian đó, tổng chi ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc lên tới 31,5% GDP. Đáng lưu ý, trong hai năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.

Thực tế, cắt giảm chi tiêu công chủ yếu nhằm vào cắt giảm chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên – nhân tố được coi là có ít đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn – lại chưa được chú trọng.

* Theo ông, việc bán vốn tại doanh nghiệp nhà nước có giải quyết được vấn đề?

– Nguyên nhân chính của thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công tăng nhanh chủ yếu xuất phát từ việc chi tiêu cao, thiếu hiệu quả và còn có yếu tố lãng phí.

Tuy nhiên, các biện pháp Chính phủ VN đang thực hiện lại phần nhiều tập trung tìm kiếm các nguồn thu tạm thời và chưa chú trọng đúng mức về các khoản chi lãng phí ở các địa phương. “Vay nóng” Ngân hàng Nhà nước, bán doanh nghiệp và tài sản nhà nước hay phát hành trái phiếu ngắn hạn… đều chỉ là các biện pháp xoay xở tạm thời.

Tài sản nhà nước là hữu hạn và việc vay mượn tiền từ Ngân hàng Nhà nước để chi tiêu cần phải sớm được minh bạch nếu không muốn nền kinh tế lại phải trải qua giai đoạn lạm phát cao, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp như trong những năm gần đây.

Khi chi tiêu công chưa được cắt giảm một cách bền vững thì dù có tăng được nguồn thu trong nước thế nào, bán được bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước và phát hành thành công trái phiếu quốc tế ra sao cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Do vậy, chỉ có cải cách chi tiêu công mới mong duy trì được an toàn nợ công trong tương lai.

Theo tôi, cần nghiên cứu nhất thể hóa cơ quan Đảng và chính quyền giúp giảm bộ máy hành chính cồng kềnh, trùng lắp và thiếu hiệu quả. Cắt giảm chi tiêu công của Chính phủ là việc làm rất khó khăn bởi nó thường gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm có lợi ích liên quan. Tuy nhiên, đây là một việc không thể né tránh nếu muốn duy trì an toàn tài khóa trong tương lai.

   Ảnh: Duyên Phan
   Ảnh: Duyên Phan

* Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Cần truy địa chỉ gây thâm hụt ngân sách

Quản lý ngân sách VN đang có trục trặc về phân cấp. Chúng ta nói hằng năm bội chi ngân sách VN 5% GDP, nếu bóc tách phân cấp mức thâm hụt 5% này thì sẽ biết ngay địa chỉ đang gây thâm hụt là ở đâu. Và thực tế, bài toán thâm hụt ngân sách đang nằm chủ yếu từ các địa phương.

Các địa phương nhận trợ cấp ngân sách được phân bổ xuống mà không có động lực cũng như phát huy hiệu quả hơn nguồn vốn nhận được. Việc phân cấp ngân sách diễn ra nhanh nhưng các điều kiện đi kèm như năng lực của bên được phân cấp, năng lực thực thi, giám sát, giải trình trách nhiệm… không theo kịp.

Thực thi các quy định quá lỏng lẻo, chế tài kém. Chúng ta có Luật đầu tư công, có Luật nợ công nhưng các luật này không được áp dụng một cách chặt chẽ, không phát huy tác dụng.

Chưa kể, hiện đang thiếu cơ quan và một cơ chế giám sát độc lập hữu hiệu, dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa cơ quan thực thi và cơ quan giám sát. Khi xảy ra tình trạng sử dụng ngân sách kém hiệu quả, chúng ta cũng thiếu luôn cơ chế giải trình trách nhiệm độc lập.

Cần quy trách nhiệm cụ thể từng cá nhân chịu trách nhiệm với việc sử dụng khoản tiền đó chứ không thể để cơ quan chủ quản đứng ra giải trình tất cả. Phải quy được trách nhiệm cá nhân mới giảm được lãng phí quốc gia.

N.BÌNH ghi

CẦM VĂN KÌNH ([email protected])