04/01/2025

Các tổ chức Công giáo Tiến hành

Chúng tôi giới thiệu 24 tổ chức Công giáo Tiến hành là những đoàn hội mà người tín hữu giáo dân có thể tham gia. Đây là chương 19 trong cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2015.

 

CÁC TỔ CHỨC CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

 

Chương này gồm 3 phần chính sau đây:

1. Giới thiệu chung về các tổ chức Công giáo Tiến hành.

2. Giới thiệu riêng về một số tổ chức được nhiều giáo phận đón nhận.

3. Liệt kê danh sách người đại diện các đoàn thể và giới Tông đồ Giáo dân thuộc TGP. TP.HCM, nhiệm kỳ 2011-2016, như một thí dụ cụ thể về Công giáo Tiến hành trong 1 giáo phận.

1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÁC TỔ CHỨC CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

1.1. Lược sử và tổ chức

Công giáo Tiến hành (CGTH) được hiểu là việc tông đồ của giáo dân do hàng giáo phẩm hướng dẫn.

Phong trào Tông đồ Giáo dân khởi sự vào năm 1927 với việc thành lập các phong trào như Thanh Lao Công (JOC), Nữ Thanh Lao Công (JOCF) ở Bỉ (1928) và Pháp (1929), Thanh Sinh Công (JEC, 1930), Thuỷ Thủ Trẻ Công giáo (JMC, 1930) và tiếp theo là các phong trào dành cho các gia đình, các giới, các nghề nghiệp…

CĐ. Vaticanô II đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người giáo dân trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng qua sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam actuositatem. Người giáo dân phục vụ trong mọi hoạt động của Giáo Hội giữa lòng trần thế, nhất là trong các lĩnh vực của đời sống thường ngày nên họ có thể làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong mọi lĩnh vực của đời sống và đem Người đến cho mọi người trong xã hội. Hiệu quả truyền giáo cao hay thấp tuỳ thuộc rất nhiều vào sự hoạt động tích cực của người tín hữu giáo dân. Vì thế, họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn bởi các vị lãnh đạo của Giáo hội toàn cầu cũng như của Giáo hội địa phương.

Ở Việt Nam, ngày 7/12/1956, bản Hiến chương CGTH Việt Nam được Toà Thánh phê chuẩn và cho thi hành. Năm 1957, HĐGMVN đã mua căn nhà số 72/12 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, Sài Gòn (nay là 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP.HCM) làm trụ sở và văn phòng cho CGTH Việt Nam và biệt thự Thánh Tâm ở Đà Lạt làm nơi huấn luyện. HĐGM cũng đã lập ra một uỷ ban lo về CGTH toàn quốc mà Chủ tịch là TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình, sau đó bầu linh mục giám đốc CGTH và các giáo dân làm thành Ban Chấp hành Trung ương CGTH toàn quốc. Ở cấp giáo phận, cũng có một Ban Chấp hành gồm các linh mục và giáo dân để thúc đẩy CGTH trong các xứ đạo.

1.2. Các hội đoàn CGTH

CGTH Việt Nam bao gồm các hội đoàn và các tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo của Giáo Hội để thăng tiến xã hội và làm vinh danh Chúa. Các hội đoàn chia làm hai loại: chuyên biệt (dành cho một giới tính, hạn tuổi, ngành nghề, môi trường hoạt động nào đó) và không chuyên biệt (chung cho mọi thành phần giáo dân).

Về chuyên biệt: dành cho cấp lãnh đạo trong giáo xứ: Hội đồng Mục vụ giáo xứ. Dành cho giới trí thức: Sinh viên Công giáo, Thanh Sinh Công, Thanh Lao Công, Thanh niên Thánh nghiệp, Hiệp hội Giáo chức Công giáo, Pax Romana. Dành cho thiếu nhi và giới trẻ: Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Hướng Đạo sinh Công giáo, Hiệp hội Thánh Mẫu, Nghĩa Sinh. Dành cho nữ giới: Hội Con Đức Mẹ, Các Bà mẹ Công giáo. Dành cho nam giới: Hội Liên minh Thánh Tâm, Bác ái Vinh Sơn, Cursillos. Dành cho các giới riêng biệt như văn nghệ sĩ, giáo chức, vận động viên thể thao, thánh nhạc với các ca đoàn, cho các em giúp lễ như Thiếu Nhi Cung Thánh, Giáo lý viên…

Về không chuyên biệt: Legio Mariae, Gia Đình Phạt Tạ, Dòng Ba Đa Minh (Huynh đoàn Đa Minh), Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Cát Minh, Hiệp hội Bác ái Quốc tế tại Việt Nam (AIC), Hiệp hội Giới trẻ Con Đức Mẹ, Hiệp hội Mến Thánh giá Tại thế, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót…

Ngoài ra, CGTH còn bao gồm nhiều tổ chức chuyên biệt như: Caritas Việt Nam cho các việc bác ái xã hội, Trung tâm ATAS (Âm thanh và Ánh sáng) cho hoạt động truyền thanh, phim ảnh, Uỷ ban Giáo dục cho các hoạt động giáo dục trong các trường tư thục Công giáo, Uỷ ban Báo chí Xuất bản cho các hoạt động truyền thông xã hội. Các ca đoàn trong mỗi giáo xứ cũng là những tổ chức mang tính CGTH vì các ca viên không phải chỉ phục vụ cho các lễ nghi phụng tự nhưng còn được khuyến khích để dùng tiếng hát, lời ca, âm nhạc loan báo Tin Mừng Nước Trời.…

Tất cả các hội đoàn và tổ chức này đã đóng góp rất nhiều vào việc đem Tin Mừng của Đức Kitô đến với mọi người, mọi giới cũng như góp phần vào việc làm phát triển đời sống vật chất và tinh thần của người dân sống trong xã hội.

1.3. CGTH trong thiên niên kỷ mới

Trong cuốn Niên Giám này, chúng tôi xin giới thiệu một số tổ chức, hội đoàn hoặc phong trào CGTH về các điểm cơ bản như: nguồn gốc, tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động, tổ chức sinh hoạt, tình trạng hiện nay, địa chỉ liên lạc. Những thông tin này hy vọng sẽ giúp cho các vị lãnh đạo giáo quyền biết nên tổ chức các hội đoàn nào trong địa phương của mình, vừa giúp cho tín hữu xác định được sự chọn lựa của mình trước khi tham gia CGTH, vừa giúp cho Nhà nước hiểu rõ hơn CGTH chỉ là những hoạt động bình thường của người Công giáo sống trong xã hội. Hướng đến thiên niên kỷ mới, HĐGMVN muốn tích cực đảm nhận trách nhiệm của mình với CGTH. Các tổ chức, hội đoàn, phong trào CGTH sẽ được Uỷ ban Giám mục về Giáo dân và các uỷ ban hữu quan hướng dẫn cách tích cực và đúng đắn hơn.

Với số lượng đoàn viên lên đến hơn 500.000 người trong số gần 6,5 triệu người Công giáo, đáng lý các tổ chức này phải là những nguyên tố tích cực trong công cuộc PAH ở Việt Nam. Tuy nhiên trong cả trăm năm qua, tỷ lệ người Công giáo Việt Nam không phát triển được 1% dân số, điều này chứng tỏ các đoàn viên CGTH chưa tích cực đóng góp cho công cuộc truyền giáo. Phần trách nhiệm này thuộc về những vị lãnh đạo của các tổ chức và hội đoàn, nhưng trên hết vẫn là của HĐGM và các uỷ ban trực thuộc, trước khi nói đến trách nhiệm của từng tín hữu giáo dân hoặc những khó khăn do hoàn cảnh đất nước gây nên.

Những năm gần đây, chính quyền đã hiểu rõ hơn hoạt động tôn giáo của các đoàn thể và phong trào này nên đã cho phép một số tiếp tục sinh hoạt. Hơn nữa, nhiều người đã nhận ra rằng trong khi mức sống vật chất tăng cao, thì đạo đức tinh thần của một bộ phận người dân Việt Nam đang có nguy cơ bị sút giảm do sự cuốn hút của cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ qua các phim ảnh xấu, sách báo đồi truỵ, do tiến trình toàn cầu hoá về kinh tế và về cả văn hoá… Tình trạng sa sút này biểu lộ qua các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm cắp, mại dâm, tội phạm hình sự, các án ly hôn, số người phá thai mỗi năm một tăng cao… Sự góp mặt của các phong trào CGTH quả thật là một nhu cầu cần thiết để giúp cho xã hội Việt Nam ổn định và phát huy những nội lực quý giá của từng con người.

Bước sang giai đoạn Tân PAH kể từ năm 2015 này, chúng ta hy vọng các người có trách nhiệm của CGTH biết liên kết và cộng tác với nhau cách chặt chẽ hơn, biết đưa vào trong chương trình huấn luyện đoàn viên các bài học sống động, thực tế để thăng tiến con người và cộng đồng hơn là các sinh hoạt mang tính vui chơi, trình diễn hoặc thuần tuý chỉ là những bài kinh ở nhà thờ, biết tổ chức những hoạt động cụ thể để đem Phúc Âm đến cho những người nghèo khổ, khuyết tật, mồ côi, bệnh hoạn hay bị gạt ra ngoài lề xã hội như ĐGH Phanxicô mời gọi trong tông huấn “Niềm vui Phúc Âm”.

Mỗi tổ chức và hội đoàn Công giáo thực thụ không bao giờ mang hình thức tranh chấp với các đoàn thể khác trong lòng Giáo Hội hoặc với các tổ chức xã hội khác. Trái lại, các tham dự viên hay hội viên, đoàn viên, với tư cách là Kitô hữu, nhờ ân sủng của Chúa và sự cố gắng của bản thân, sẽ sống hết mình để trở thành men, thành muối, góp phần vào sự phát triển của xã hội và thế giới.

 

2. GIỚI THIỆU  RIÊNG VỀ MỘT SỐ TỔ CHỨC ĐƯỢC NHIỀU GIÁO PHẬN ĐÓN NHẬN

Trong tinh thần ấy, chúng tôi xin giới thiệu một số tổ chức và hội đoàn CGTH sau đây:

1. Hội đồng Mục vụ giáo xứ.

2. Thiếu Nhi Thánh Thể.

3. Hùng Tâm Dũng Chí.

4. Thanh Sinh Công.

5. Hướng Đạo Công giáo.

6. Giới Trẻ Con Đức Mẹ.

7. Hiệp Hội Thánh Mẫu (Hiệp Sống).

8. Legio Mariae (Đạo Binh Đức Mẹ).

9. Các Bà Mẹ Công giáo.

10. Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

11. Huynh Đoàn Đa Minh (Dòng Ba Đa Minh).

12. Phan Sinh Tại Thế (Dòng Ba Phan Sinh).

13. Dòng Ba Cát Minh.

14. Hiệp hội Giáo dân Bác Ái.

15. Caritas Việt Nam.

16. Khôi Bình Việt Nam.

17. Gia đình Cùng Theo Chúa.

18. Gia Đình Chúa.

19. Hiệp hội Bác ái Quốc tế tại Việt Nam (AIC),

20. Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế.

21. Ca đoàn Công giáo.

22. Phong trào Cursilo.

23. Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót.

24. Giáo lý viên.

Trên đây chỉ là một số ít những tổ chức CGTH mà Ban Biên soạn đã nhận được bài viết trong thời gian qua. Chắc chắn còn nhiều tổ chức khác sẽ được giới thiệu sau này. Trong sự phát triển của GHVN và đất nước, các tổ chức CGTH rất cần có mặt để giúp người giáo dân Công giáo sống Phúc Âm thật sự giữa lòng dân tộc Việt Nam.

2.1. HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ (HĐMVGX)

2.1.1. Tình trạng hiện nay

Tổ chức quan trọng nhất trong sinh hoạt dành cho giáo dân chính là HĐMVGX vì đây là tổ chức gồm những người lãnh đạo, chi phối mọi hoạt động trong giáo xứ.

GHCGVN hiện nay có 2.867 giáo xứ, và hầu hết giáo xứ đều có HĐMVGX, nhưng không phải giáo phận nào cũng tổ chức được HĐMVGX như nhau theo một quy định rõ ràng. Có những giáophận đã có quy chế HĐMVGX chặt chẽ, nhưng cũng có giáo phận chưa có quy chế này.

HĐGMVN, ngay từ lúc đầu  thành lập Uỷ ban Giáo dân (năm 1980) đã nghĩ đến việc soạn thảo một quy chế chung và thống nhất cách tổ chức HĐMVGX trong toàn thể GHCGVN, nhưng công việc này cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

TGP. TP.HCM cũng mới chỉ chính thức công bố Quy chế HĐMVGX vào cuối khoá thường huấn linh mục tháng 8/2015 với Bản Quy chế ký ngày 01/06/2015.

Một tài liệu duy nhất của Hội Thánh hoàn vũ có đề cập đến HĐMV trong giáo xứ, đó là bộ Giáo luật 1983, nhưng cũng chỉ nói rất chung chung chứ không có ý đưa ra một định nghĩa: “Nếu Giám mục giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng Linh mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập HĐMV, do cha sở chủ toạ, và trong đó các tín hữu cùng với những người chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ vũ sinh hoạt mục vụ. HĐMV chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do giám mục giáo phận đã ấn định” (x. Giáo luật 1983, điều 536).

2.1.2. Đôi dòng lịch sử (x. Sưu tầm từ – http://www.dunglacflorida.com)

Trong lịch sử GHVN, Hội đồng này đã tồn tại từ rất lâu, có thể nói từ khi hạt giống Tin Mừng được rao giảng tại Việt Nam, và được gọi bằng rất nhiều tên khác nhau tuỳ từng miền như: Ban Chức việc, Ban Trùm họ, Ban Quới chức, Hội đồng Giáo xứ… Đó là một nét đặc thù của GHVN.

Khoảng thế kỷ thứ 17, tại Việt Nam, Ban Trùm họ hay Ban Quý chức là một tổ chức được các cha thừa sai thiết lập nhằm trợ giúp cho các ngài trong việc truyền giảng Tin Mừng. Các ban này được chính thức công nhận tại công nghị Phố Hải (Hội An) năm 1672, dưới sự chủ toạ của Đức cha Lambert de la Motte. Trong khoản 4 của công nghị này có nói như sau: “Nơi nào có nhiều bổn đạo, mà không có linh mục hoặc thầy giảng, kgiảng thì phải chọn một người khôn ngoan, đức hạnh để viếng thăm kẻ liệt lào, rửa tội cho trẻ thơ hoặc những người gần sinh thì, và phải gửi tên người đó về cho giám mục hoặc btrên địa phận”.

Như vậy, lúc mới được thành lập, tại mỗi xứ đạo chỉ có một người được chọn vào chức vụ này. Và lúc ấy người ta dùng danh từ “Ông Trùm” để gọi những người giữ chức vụ trên. Về sau, trong một số xứ đạo bổ sung thêm nhiều người và được gọi là Ban Chức việc. Đến thế kỷ 19, hầu như xứ đạo nào cũng có ban này, và được gọi bằng nhiều tên khác nhau, tuỳ từng vùng. Lúc đó ban này là trung gian giữa cha sở và giáo dân, đồng thời làm thành hội đồng để góp ý kiến với cha sở và phân chia trách nhiệm trong giáo xứ.

Sang thế kỷ 20, Ban Trùm họ hay Ban Quý chức được phổ biến tại Gp. Tây Đàng Trong (năm 1924) và Gp. Quy Nhơn (năm 1953). Năm 1943, công đồng Hà Nội đã nhìn nhận tính hiệu quả của những ban này trong hoạt động.

Thiết lập và cơ chế

Tiêu chuẩn đầu tiên và trên hết mà Giáo luật đưa ra cho những người được đề cử vào HĐMV phải là những người trổi vượt về đức tin, có hạnh kiểm tốt và khôn ngoan. Đây là một tiêu chuẩn mang tính tôn giáo, có lẽ cũng đã được tham khảo từ một đoạn văn trong thư của thánh Phaolô, đoạn nói về việc tuyển chọn các kỳ mục và các giám quản: Kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng. Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, biết tự chủ. Người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối (1Tm 3,2-4).

Ngoài ra, về mặt thời gian, giáo luật khuyên nên thiết lập HĐMV theo một hạn kỳ nhất định, nhưng hạn kỳ đó là do giám mục giáo phận ấn định.[8]

Dựa vào những tiêu chuẩn cơ bản trên đây mà hiện nay, chúng ta thường thấy ở Việt Nam, cách thức tuyển chọn các thành viên vào trong HĐMVGX dưới hình thức phiếu bầu rất dân chủ, dưới sự chủ toạ của cha sở. Giáo dân trong xứ đạo đề cử những ứng viên trổi vượt, sau đó cũng chính họ bầu chọn những vị đại diện cho họ. Sau khi đã được bầu chọn, thường cha sở sẽ đệ trình danh sách lên đức giám mục giáo phận, sau đó là lễ nhậm chức của Hội đồng mới này.

Về cơ cấu của các HĐMVGX hiện nay, thì không có hạn định số người tham gia, tuỳ theo từng giáo xứ. Thế nhưng, cho dù xứ lớn hay xứ nhỏ ba chức vụ chính thường không thể thiếu: đó là vị chủ tịch (hay có nơi gọi là ông chánh trương), vị thư ký và vị thủ quỹ. Chính tại điểm này mà chúng ta thấy rằng, ở Việt Nam không có sự phân chia giữa HĐMV và Hội đồng Kinh tế theo như Giáo luật quy định, nhưng HĐMV đảm nhiệm luôn việc quản lý kinh tế của giáo xứ.

2.1.3. Vài điểm cơ bản về HĐMVGX

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu vài điểm cơ bản về HĐMVGX theo Quy chế của TGP.TP.HCM như một tham khảo cho các địa phương khác.

Định nghĩa

HĐMVGX, theo thói quen gọi tắt là HĐGX, là cơ chế gồm những giáo dân thuộc giáo xứ được mời gọi và tuyển chọn để hợp lực cộng tác với linh mục chánh xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ, xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông, giải quyết những vấn đề, giải toả những bất đồng, nhằm góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đồng tư tế phụng thờ Thiên Chúa, sống, làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay (x. Giáo luật, điều 536, 537).

Thành phần

HĐMVGX gồm có Ban Thường vụ và các uỷ viên.

Ban Thường vụ gồm có: (1) Chủ tịch, (2) Phó Chủ tịch nội vụ, (3) Phó Chủ tịch ngoại vụ (4) Thư ký, (5) Thủ quỹ.

Tuỳ hoàn cảnh giáo xứ lớn nhỏ, có thể thêm phó cho các chức vụ, hoặc một thành viên có thể kiêm hai chức vụ.

Các uỷ viên gồm các đại diện các đơn vị mục vụ trong truyền thống Giáo Hội, là các khu xóm của giáo xứ, các ban ngành mục vụ, các giới và hội đoàn tông đồ, tất cả đều nhằm cùng nhau thi hành sứ vụ tư tế, ngôn sứ và phục vụ, mỗi đơn vị theo điều kiện riêng của mình. Mỗi đơn vị mục vụ có ban điều hành mà truyền thống các nơi còn gọi là ban chấp hành, ban trị sự.

Lĩnh vực hoạt động

Nhằm xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn sống và làm chứng cho Tin Mừng, một cộng đồng tư tế phụng thờ Thiên Chúa, một cộng đồng bác ái phục vụ con người, công việc mục vụ giáo xứ được tổ chức theo bốn lĩnh vực sau đây:

(1) Lĩnh vực giáo lý, gồm những công tác liên quan đến việc tổ chức giảng dạy, giáo dục đức tin cho các lớp tuổi, các giới và hội đoàn tông đồ;

(2) Lĩnh vực phụng tự, gồm các công tác liên quan đến phụng vụ, bí tích, cầu nguyện, tĩnh tâm, hành hương, dẫn lễ, giúp lễ, đọc Sách Thánh trong các thánh lễ, ca đoàn, khánh tiết, trật tự trong các buổi lễ;

(3) Lĩnh vực phục vụ, gồm các công tác tông đồ, truyền giáo, bác ái xã hội, khuyến học, xây dựng sự hợp nhất và đại kết, phát triển và thăng tiến con người, gia đình và xã hội, đặc biệt về mặt tinh thần, đạo đức.

(4) Lĩnh vực quản trị tài sản giáo xứ,

Có thể tổ chức mỗi lĩnh vực có một, hoặc ít nhiều ban mục vụ, như lĩnh vực phục vụ có thể gồm Ban mục vụ Gia đình, Ban Caritas – Bác ái Xã hội, Ban Truyền giáo… Mỗi ban mục vụ có ban điều hành riêng. Trưởng ban là thành viên của HĐMVGX.

Nhiệm vụ

(1) Nắm bắt tình hình giáo xứ, nhất là về đời sống đức tin và phong hoá, cùng với linh mục chánh xứ hoạch định chương trình mục vụ, đề ra phương thức và phân công thực hiện;

(2) Quan tâm phối hợp hài hoà các sinh hoạt và các công tác của các đơn vị mục vụ, trong sự tôn trọng tính tự lập của từng đơn vị và trong tinh thần liên đới, tương trợ và hiệp thông; góp phần giải quyết những vấn đề, giải toả những bất đồng trong giáo xứ;

(3) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, và báo cáo kết quả trong các phiên họp;

(4) Hợp lực với linh mục chánh xứ trong việc quản trị tài sản giáo xứ (x. Giáo luật, điều 537);

(5) Quan tâm bồi dưỡng và nâng cao năng lực làm việc tập thể và phục vụ trong yêu thương.

Quyền lợi

Quyền lợi khi còn sống

(1) Quyền được huấn luyện, bồi dưỡng qua tĩnh tâm, học hỏi, nhằm nâng cao năng lực phục vụ;

(2) Hằng năm, bồi dưỡng, tĩnh tâm chuẩn bị, và mừng trọng thể lễ Bổn mạng HĐMVGX; linh mục chánh xứ dâng lễ cầu nguyện cho tất cả các vị phục vụ giáo xứ ở các cấp, đương nhiệm và đã mãn nhiệm;.

(3) Cộng đoàn giáo xứ có bổn phận trân trọng, biết ơn và cầu nguyện cho những người đã đóng góp công sức cho giáo xứ, nhưng phải tránh những hình thức phô trương, ganh đua danh vọng.

(4) Khi hoàn thành nhiệm vụ cách mỹ mãn, sẽ được cấp vi bằng: Toà Giám mục cấp cho các thành viên Ban Thường vụ và các Trưởng Ban điều hành giáo khu, linh mục chánh xứ cấp cho các thành viên khác.

Điều 20. Quyền lợi khi qua đời

(1) Hằng năm, trong tháng các linh hồn, giáo xứ dâng lễ cầu nguyện cho các thành viên HĐMVGX đã qua đời;

(2) Khi một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời trong giáo xứ, Ban Thường vụ đến viếng xác, giáo xứ trích quỹ xin một lễ, thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng;

(3) Khi một thành viên đã mãn nhiệm qua đời ngoài giáo xứ, xin một thánh lễ, và thông báo cho cộng đoàn cầu nguyện.

Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn tuyển chọn vào HĐMVGX

(1) Là tín hữu đã chịu phép Thêm Sức, đã ghi danh trong giáo xứ ít là một năm, có đời sống gương mẫu, phù hợp với giáo huấn và đường lối của Giáo Hội, không bị ngăn trở về Giáo luật;

(2) Có những đức tính nhân bản cần cho chức vụ, như tinh thần phục vụ, biết làm việc tập thể;

(3) Có năng lực cần cho chức vụ, như sức khoẻ, trình độ văn hoá, những kỹ năng chuyên môn;

(4) Có thời giờ dành cho công việc chung;

(5) Đối với Ban Thường vụ, từ 30 đến 70 tuổi, nam hoặc nữ. Có thể cứu xét trường hợp đặc biệt. Đối với các uỷ viên, tuỳ hoàn cảnh, có thể mở rộng hạn định tuổi.

(6) Toàn giáo phận sẽ tổ chức bầu cử chung, 4 năm một lần.

Sinh hoạt

(1) Ban Thường vụ, có thể cả các Trưởng Ban điều hành giáo khu, họp định kỳ mỗi tháng một lần, và họp bất thường khi linh mục chánh xứ triệu tập, hoặc do linh mục quyết định, hoặc do đa số thành viên đề nghị và được linh mục chánh xứ chấp thuận;

(2) HĐMVGX có thể 3 tháng một lần họp định kỳ, 6 tháng một lần họp mở rộng với toàn thể các Ban điều hành các đơn vị mục vụ (giáo khu, ban mục vụ, giới và hội đoàn), để thông tri tình hình và nhu cầu mục vụ của giáo xứ, kiểm điểm các công tác mục vụ, hoạch định chương trình mục vụ, phân công và phối hợp thực hiện;

(3) Các Ban Điều hành các đơn vị mục vụ sinh hoạt theo nội quy của mỗi đơn vị.

Nội quy của giáo xứ

(1) Tuỳ hoàn cảnh, mỗi giáo xứ có thể hình thành nội quy riêng triển khai quy chế HĐMVGX này, xác định chi tiết về việc tổ chức và điều hành giáo xứ, các giáo khu, và các ban mục vụ, về việc tuyển chọn… Có thể chọn một vị thánh tử đạo Việt Nam làm bổn mạng cho HĐMVGX.

(2) Nội quy trước hết xác định các sinh hoạt giáo xứ và định hướng mục vụ nhằm mời gọi mọi thành phần góp sức thực hiện, và qua nỗ lực chung, cùng nhau xây dựng tình đoàn kết huynh đệ và tinh thần hiệp thông trong giáo xứ và trong giáo phận, làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa là Cha chung mọi người.

(3) Nội quy cần được giáo dân góp ý và linh mục chánh xứ phê chuẩn. Nội quy có thể hình thành sau khi đã trao đổi và thống nhất cơ bản trong giáo hạt hoặc trong liên hạt.

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn tổng hợp

 

 

2.2. PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ (TNTT)

Nguồn gốc và lịch sử

Phong trào TNTT bắt nguồn từ Hội Cầu nguyện bên Pháp do các linh mục Léonard Cros và Ramadière khởi xướng giữa thế kỷ XIX. Lấy tinh thần Đạo Binh Thánh Giá, nhưng thay vì dùng vũ khí vật chất là gươm giáo, phong trào dùng vũ khí tinh thần theo 4 khẩu hiệu truyền thống: cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ. Thay vì bảo vệ thánh địa vật chất, phong trào bảo vệ đền thờ thiêng liêng là tâm hồn của các em thiếu nhi, tâm hồn của giới trẻ.

Đến đầu thế kỷ XX, nhờ linh mục Bessière S.J., Hội Tông đồ Cầu nguyện dành cho giới trẻ chính thức được thành lập tại Pháp năm 1917, với đường lối căn bản: nhắm vào trẻ em, có tính cách quốc tế theo ý Hội Thánh Thể ở Lộ Đức, và nhấn mạnh tính cách truyền giáo.

Ở Việt Nam, phong trào được thành lập đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1929 do hai linh mục Léon Paliard và Paul Uzureau, Tu hội Xuân Bích, mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể. Phong trào được hàng giáo phẩm và giáo dân nhiệt liệt hưởng ứng nên đã phát triển mau chóng khắp nơi trên toàn quốc trong suốt thập niên 30: Huế (1931), Sài Gòn (1931), Phát Diệm (1932), Thanh Hoá (1932), Vinh (1935), Vĩnh Long (1935), Quy Nhơn (1936), Bùi Chu (1937), Thái Bình (1937), Bắc Ninh (1938)… Tuỳ theo lứa tuổi từ nhỏ tới lớn, Nghĩa Binh được chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh và Hậu Binh.

Cuộc di cư năm 1954 đã làm phát triển rộng lớn hơn nữa Nghĩa Binh Thánh Thể ở miền Nam. Năm 1957, HĐGMVN đã bổ nhiệm linh mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên uý đầu tiên. Sinh hoạt Nghĩa Binh bắt đầu đòi hỏi đổi mới cho phù hợp với tâm lý giới trẻ. Cùng lúc với tinh thần đổi mới của CĐ. Vatican II, phong trào đã thêm vào sinh hoạt cầu nguyện thuần tuý của Nghĩa Binh Thánh Thể một đường lối mới: giáo dục trẻ và dùng phương thức sinh hoạt trẻ vào trong các hoạt động. Vì thế, bản Nội quy thống nhất được ra đời và đổi tên Nghĩa Binh Thánh Thể thành phong trào TNTT Việt Nam.

Năm 1971, HĐGM phê chuẩn bản Nội quy mới. Năm 1972, Đại hội Toàn quốc Về đất hứa 1 tổ chức tại Bình Triệu quy tụ khoảng 2.000 huynh trưởng. Vào thời điểm này, các giáo phận phía Nam có tới 140.000 đoàn viên và 3.800 huynh trưởng trong 650 xứ đoàn của 13 giáo phận. Ở miền Bắc, phong trào TNTT vẫn tiếp tục hoạt động chủ yếu là sinh hoạt giáo lý và đạo đức.

Sau năm 1975, phong trào lan rộng và phát triển mạnh mẽ nơi cộng đồng Công giáo Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Úc, Hoa Kỳ, Canada…

Mục đích, tôn chỉ và phương pháp giáo dục

Phong trào TNTT là đoàn thể CGTH quy tụ các em thiếu nhi quanh Chúa Giêsu nhằm mục đích giáo dục các em về 2 phương diện: tự nhiên siêu nhiên. Tự nhiên là đào luyện thành người công dân tốt, siêu nhiên là huấn luyện thành người Kitô hữu hoàn hảo. Phong trào TNTT còn đoàn ngũ hoá và hướng dẫn giới trẻ loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô và góp phần xây dựng xã hội. Nền tảng giáo dục của Phong trào là Lời Chúa trong Thánh Kinh và giáo huấn của GHCG. Phong trào giúp các em nhận thấy Chúa Giêsu Thánh Thể đang tiếp tục cách kỳ diệu Mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh trong cuộc đời mỗi người, Người là lý tưởng của phong trào.

Để cụ thể hoá mục đích trên, phong trào mời gọi mọi đoàn viên sống theo các tôn chỉ sau:

– Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng cách cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cách riêng làm tông đồ cho giới trẻ: “Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 12).

– Yêu mến và tôn kính Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, để nhờ Mẹ, chúng ta đón nhận và đem Chúa vào đời một cách tuyệt hảo.

– Tôn kính các Thánh Việt Nam, noi gương và nên chứng nhân Tin Mừng Chúa Kitô như các ngài.

– Yêu mến và vâng phục vị đại diện Chúa Kitô, là Đức Giáo hoàng, thủ lãnh của TNTT, đồng thời cầu nguyện và thực hiện những ý chỉ hằng tháng của ngài.

– Thăng tiến con người nhân bản. Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam.

Từ các tôn chỉ này, phong trào đã tạo cho mình phương pháp giáo dục siêu nhiên thật độc đáo:

* Khơi nguồn Thánh Kinh và khơi nguồn Thánh Thể: cuộc đời Chúa Giêsu từ thuở thơ ấu, thời ẩn dật và bước đường rao giảng Tin Mừng đã trở nên nguồn suối chất liệu phong phú trong việc giáo dục giới trẻ trở nên giống Chúa Kitô: sống ngoan, sống hy sinh, sống chinh phục, sống dấn thân, sống phụng sự như Người. Không những thế, phong trào còn mời gọi giới trẻ sống thánh, qua phương pháp Khơi nguồn Thánh Thể, trong đó, Chúa Giêsu Thánh Thể trở thành mặt trời của một ngày sống, trở thành trung tâm điểm của cả cuộc đời người đoàn viên TNTT, qua việc dâng ngày, rước lễ, làm việc lành và dâng đêm mỗi ngày.

* Mặt khác, phong trào cũng tận dụng các phương pháp giáo dục tự nhiên như Hàng đội tự trị, Giáo dục tiệm tiến, Vào sa mạc (Trại Huấn luyện), Sinh hoạt Trẻ, và Hội họp. Từ một nhóm trẻ ô hợp, Hàng đội tự trị sẽ đưa các em vào đội ngũ trật tự, biết phân công trách nhiệm, nắm vững cơ cấu tổ chức, sống hoà đồng và phục vụ công ích. Giáo dục tiệm tiến đáp ứng sự hợp lý trong việc huấn luyện: đi từ dễ đến khó, phân chia lứa tuổi và trình độ, những điều học trước sẽ giúp hiểu biết những điều học sau. Bước chân Vào sa mạc (Trại Huấn luyện), các em sẽ học được tinh thần tháo vát, tự lập và khắc phục bản thân vì phải xa rời đời sống tiện nghi hằng ngày, và hơn thế nữa, cảm nghiệm được tinh thần phó thác vào Ban Huấn luyện, tinh thần đồng đội trong đời sống lều trại và các sinh hoạt huấn luyện. Sinh hoạt Trẻ đem lại niềm vui cho tâm hồn các em qua những bài hát, vũ điệu, băng reo và trò chơi, trong đó, các em sẽ được nuôi dưỡng bằng tinh thần lạc quan, yêu đời, bằng những tình cảm thiêng liêng đối với gia đình, học đường, Giáo Hội và quê hương… Cuối cùng, Hội họp mang lại bầu khí xum vầy, cùng nhau nhìn lại những gì đã thực hiện, cùng nhau phân công những gì đang thực hiện, cùng nhau chia sẻ những gì sẽ thực hiện và cùng nhau học hỏi thăng tiến bản thân và đoàn thể

Tổ chức, sinh hoạt và huấn luyện

Nếu ngày xưa Nghĩa Binh Thánh Thể chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh và Hậu Binh, thì ngày nay, Phong trào TNTT dựa theo lứa tuổi chia ra làm các ngành Ấu Nhi, Thiếu Nhi, Nghĩa Sĩ và Hiệp Sĩ. Ba ngành Ấu, Thiếu, Nghĩa được huấn luyện theo Chương trình Thăng tiến với các bộ môn: kiến thức Thánh Kinh, đời sống Tôn giáo, suy niệm Phúc Âm, hiểu biết Phong trào, chuyên môn.

Ngành Ấu Nhi: từ 7 đến 9 tuổi, quàng khăn màu xanh lá mạ, với châm ngôn Ngoan. Phong trào dùng cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu làm khung cảnh huấn luyện Ấu Nhi. Các em sẽ học gương vâng lời của Chúa, sẽ cảm nhận ơn cha nghĩa mẹ và tình anh chị em trong gia đình.

Ngành Thiếu Nhi: từ 10 đến 13 tuổi, quàng khăn màu xanh biển, với châm ngôn Hy sinh. Cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu sẽ là khung cảnh huấn luyện Ngành Thiếu. Các em sẽ theo chân Chúa đi lên đền thờ năm 12 tuổi, trở về Nazareth sống “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và đạo đức”. Tình yêu thương và lòng hy sinh thắt chặt hạnh phúc của Thánh Gia: Thánh Giuse cần cù lao động nuôi sống gia đình, Đức Maria hiền lành thương người, luôn chăm sóc và hướng dẫn con trẻ, Chúa Giêsu một lòng vâng phục và giúp đỡ cha mẹ

Ngành Nghĩa Sĩ: từ 14 đến 17 tuổi, quàng khăn màu vàng tươi, với châm ngôn Chinh phục. Cuộc đời công khai rao giảng của Chúa Giêsu rất phù hợp cho khung cảnh huấn luyện Ngành Nghĩa. Ở lứa tuổi này, các em đã bước vào đời, cảm nghiệm được tình bạn bè, hàng xóm láng giềng, lòng yêu nước và tinh thần phục vụ tha nhân. Các em sẽ bước theo chân Chúa, học hỏi sự khôn ngoan, lòng nhân từ độ lượng và nhất là tinh thần dấn thân làm chứng cho chân lý qua đời sống gương mẫu và yêu thương.

Ngành Hiệp Sĩ: từ 18 tuổi trở lên, quàng khăn màu nâu, với châm ngôn Dấn thân. Bài Giảng Trên Núi, tức Tám Mối Phúc Thật, trở thành Hiến chương của ngành Hiệp Sĩ. Vào đời, trở nên muối men ướp đời, người hiệp sĩ quảng đại dấn thân phục vụ Giáo Hội và xã hội. Họ có thể là nhóm người cùng ngành nghề, cùng một trường đại học, hoặc có thể là những công nhân cùng một nông trường, xí nghiệp. Với tài năng và tâm trí, họ sẵn sàng nhập cuộc kiến tạo cộng đoàn xứ đạo và xây dựng quê hương…

Huynh Trưởng: từ 18 tuổi trở lên, quàng khăn màu đỏ viền vàng, với châm ngôn Phụng sự. Trước khi bước vào cuộc đời Huynh Trưởng chính thức, người trẻ phải qua thời gian tập sự gọi là Dự Trưởng (quàng khăn màu hồng viền đỏ). Cuộc đời Thánh Gioan Tẩy Giả là khung cảnh huấn luyện Dự Trưởng. Cũng như thánh nhân, người Dự Trưởng can đảm chọn đời sống “dọn đường cho Chúa đến”, sẵn sàng bước vào con đường phụng sự của một người Huynh Trưởng (HT) chính thức.

Khung cảnh huấn luyện HT chính thức tức HT cấp I là cuộc hành trình Về Đất Hứa của dân Do Thái. Cuộc đời của Môsê hướng dẫn dân Chúa khỏi ách nô lệ Ai Cập là hình ảnh của người HT,  người có trách nhiệm dẫn đưa các em thiếu nhi thoát khỏi những tật xấu, thú vui thấp hèn của xã hội để đến cùng Chúa.

Lên đến cấp II và cấp III, người HT được huấn luyện chuyên ngành. Khung cảnh huấn luyện cấp II Ngành Ấu là cánh đồng Bêlem; cấp II Ngành Thiếu là cuộc hành trình lên Giêrusalem chịu thương khó của Chúa Giêsu; cấp II Ngành Nghĩa là Biến cố Phaolô ngã ngựa ở Damas.

Khung cảnh huấn luyện cấp III Ngành Ấu là cuộc hành trình của Ba Vua Phương Đông tìm Chúa Hài Đồng; cấp III Ngành Thiếu là Cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu; cấp III Ngành Nghĩa là các cuộc hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô.

Trợ tá

Trước đây, phụ tá cho các cha tuyên uý là các thầy, các dì trợ uý, ngày nay, có thêm Trợ tá. Với kinh nghiệm dồi dào của đời sống gia đình cũng như cuộc sống xã hội, người trợ tá là nguồn tương trợ tuyệt vời mỗi khi người HT cần đến. Người trợ tá không những mang vai trò hướng dẫn tinh thần, cố vấn góp ý, mà còn là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa Đoàn TNTT và phụ huynh cũng như cộng đoàn xứ đạo. Hơn nữa, người trợ tá nếu tham dự các Khoá Huấn luyện của phong trào, sẽ trở thành những huấn luyện viên đáng tin cậy và tạo nền móng vững chắc cho các sinh hoạt huấn luyện tại địa phương.

Tuyên uý

Vì là một đoàn thể CGTH, Đoàn TNTT cần có linh mục tuyên uý. Tuyên uý là người có nhiệm vụ hướng dẫn đời sống đạo đức và cử hành các nghi lễ phụng vụ cho các đoàn viên TNTT.

Kết luận: Ai trong chúng ta cũng thấy cha mẹ trong các gia đình ngày nay đang hết sức lo lắng cho tương lai của con cái họ, vì các trẻ em bị cám dỗ, lôi kéo bởi những tệ nạn xã hội nhan nhản khắp nơi. Để góp phần với xã hội, hỗ trợ việc giáo dục thiếu nhi trong các gia đình và xứ đạo, việc thành lập Hội đoàn TNTT trong hoàn cảnh hiện tại rất cần thiết vì giới trẻ và thiếu nhi không phải chỉ là tương lai của Giáo Hội mà còn là tương lai của xã hội nữa.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lm. Giuse Phạm Quốc Tuấn

2.3. PHONG TRÀO HÙNG TÂM DŨNG CHÍ (HTDC)

Lược sử

Phong trào HTDC (Mouvement Coeurs Vaillants – Âmes Vaillantes) chính thức khai sinh do việc HĐGM Pháp, năm 1936, yêu cầu linh mục Gaston Courtois thành lập Phong trào Hùng Tâm (Mouvement Coeurs Vaillants). Một năm sau, năm 1937, cũng linh mục Courtois lập ngành nữ, Phong trào Dũng Chí (Mouvement Âmes Vaillantes).

Đồng sáng lập viên phong trào phải kể đến thầy Jean Pihan (cũng còn có tên Jean Vaillant, “Tagada”) được coi như là “lý thuyết gia” của phong trào.

Đến năm 1966, kỷ niệm 30 năm thành lập, phong trào đã có mặt trên 50 quốc gia. Một Đại hội Quốc tế Phong trào HTDC họp tại Rôma vào dịp kỷ niệm này, đã đổi tên thành Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (Mouvement International d’Apostolat des Enfants, viết tắt là M.I.D.A.D.E.).

Ngay từ những năm 1938-1939, các nhà truyền giáo Pháp đã đưa phong trào Hùng Tâm Dũng Chí sang các nước chịu ảnh hưởng của Pháp:

Tại châu Phi: Sénégal, Dakar, Ziguin, Guinée, Soudan, Côte d’Ivoire, Gabon, Congo, Dahomey, Madagascar…

Tại châu Á: Hàn Quốc, Hong Kong, Cambodia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Sri Lanka, Việt Nam…

Từ đó xuất hiện tờ báo riêng: tờ Báo Hải Ngoại (Feuillets d’Outre-Mer) 1947; sau đổi thành tờ Giao Điểm (Carrefours) 1956; và một Văn phòng Quốc tế của Phong trào (C.I.M.: Commission International du Mouvement) được thiết lập.

Theo thống kê năm 1987, phong trào M.I.D.A.D.E. có mặt trên gần 50 quốc gia: Phi Châu 21, Mỹ Châu 12, Âu Châu 6, Á Châu 9 (không có Lào, Cambodia và Việt Nam vì từ năm 1975, các hiệp hội không còn).

Tại Việt Nam, vùng Chợ Lớn, Sài Gòn, Đà Lạt là những nơi có HTDC sớm nhất. Năm 1942, Hà Nội đã có Đoàn HTDC. Trước tháng 4/1975, 9 giáo phận có HTDC: Sài Gòn, Xuân Lộc, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn, Kontum, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Huế, và quy tụ trên 30.000 thiếu nhi. Hiện nay có một Đoàn HTDC sinh hoạt rất mạnh và rất “Việt Nam” tại Hoa Kỳ, do các Trưởng Hùng Dũng Đà Nẵng thành lập và hướng dẫn.

Bản chất

Tổ chức HTDC (viết tắt là Hùng Dũng) là một “phong trào”, chứ không phải là một “đoàn” như các hội đoàn khác. Hay muốn nói hội đoàn, thì đó là một hội đoàn “mở”, có bản chất “mở”: vì đó là một hội đoàn thiếu nhi hướng về quần chúng thiếu nhi, cho quần chúng thiếu nhi! Khẩu hiệu sống của Hùng Dũng là: “Càng đông càng tốt”. Các trưởng, các đoàn viên được huấn luyện để phục vụ các em ở ngoài đoàn.

Châm ngôn

– Đi đến với mọi thiếu nhi đang sống ở bất cứ môi trường nào.

– Quan tâm và tôn trọng tất cả những gì làm nên đời sống của thiếu nhi.

– Tìm phát triển khả năng tổ chức và hoạt động của tuổi thiếu nhi.

– Tin tưởng vào khả năng làm việc tông đồ “của thiếu nhi, cho thiếu nhi”.

Để thực hiện những điều đó, phong trào dành ưu tiên cho sách báo thiếu nhi. Trong thực tế, khởi đầu phong trào là do một tờ báo viết hoàn toàn cho thiếu nhi của cha Gaston Courtois: tờ “Báo Hùng Tâm” (“Journal Coeurs Vaillants”) ra ngày 8/12/1929. Các độc giả tí hon thi nhau đọc, rất khoái… Và tự cho mình là “các Hùng Tâm”. Đúng là hợp với tuổi khoái “người hùng”, các em Hùng Tâm tự kết đoàn lại theo chiều hướng thích “lập nhóm” của các em.

Từ sau khi phong trào được chính thức thiết lập, năm 1936, tờ báo tiên khởi đã được thay thế bằng nhiều báo khác phong phú hơn, hợp từng lứa tuổi hơn, đặc biệt ở Pháp. Tại Việt Nam, có tờ Tre Xanh của HTDC Sài Gòn (Ngã Sáu) và tờ Huynh Trưởng Hùng Dũng ở Đà Nẵng.

Lm. Antôn Trần Văn Trường

 

2.4. PHONG TRÀO THANH SINH CÔNG VIỆT NAM (TSC)

Nguồn gốc

Năm 1920, Đức Hồng y Cardjin, người Bỉ, tổ chức CGTH chuyên biệt với phong trào Thanh Lao Công. Phong trào này dần dần lan sang Pháp và các nước khác.

Theo gương đó, một vài thanh sinh (sinh viên, học sinh) ở nhiều học đường Pháp, giữa hoàn cảnh thả lỏng và đời sống phóng túng của giới học sinh, sinh viên thời đó, đã nhận ra được bộ mặt mới của đạo Công giáo và trách nhiệm phải đem đời sống đạo đức vào môi trường sinh viên, học sinh. Vì thế, phong trào TSC ra đời để đưa giới sinh viên, học sinh về gần với Phúc Âm.

Giống với hoàn cảnh chiến tranh ở Âu Mỹ thời đó, tại Việt Nam, sinh viên, học sinh cũng bị mất thăng bằng và xáo trộn. Vì thế, phong trào TSC Việt Nam đã có mặt.

Từ năm 1937, các sư huynh La San đã âm thầm thành lập và phát triển phong trào tại hầu hết các trường do các sư huynh điều khiển.

Đến năm 1956, một số sinh viên các phân khoa và các trường công tư trong đô thành Sài Gòn cùng nhau nghiên cứu và học hỏi đường lối của phong trào do cha Đỗ Long Bộ làm tuyên uý.

Tôn chỉ

Tôn chỉ của phong trào TSC là Kitô giáo hoá môi trường học đường, đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống sinh viên, học sinh, tức là xây dựng một thế hệ trẻ biết yêu chân-thiện-mỹ vì Thiên Chúa.

Mục đích và phương hướng

– Làm cho toàn thể thanh sinh ý thức được ơn gọi riêng của mình và những vấn đề cá biệt của giới mình trong ánh sáng đức tin.

– Phát triển ý thức trách nhiệm tông đồ của họ trong môi trường họ sống.

– Đem Phúc Âm vào đời tư cũng như vào toàn thể môi trường học đường.

– Hoạt động để cải tạo, thánh hoá môi trường học đường.

Đường lối hoạt động

TSC hoạt động theo phương pháp “xem – xét – hành động” và theo đường lối sau:

– Phục tùng và cộng tác với hàng giáo phẩm.

– Luôn luôn liên kết với Chúa Kitô.

– Hoạt động nhằm vào tầng lớp sinh viên, học sinh, quyết tâm làm cho tầng lớp này chuyển mình đi vào tinh thần Phúc Âm.

– Mọi hoạt động TSC đều phải được tổ chức trên bình diện môi trường.

– Phải luôn luôn có mặt trong mọi cơ cấu, mọi hình thức sinh hoạt có liên quan đến giới sinh viên, học sinh hầu có thể đóng vai trò là “Men trong bột” của mình.

– Hoạt động với và cho giới học sinh, sinh viên theo phương pháp của Phong trào.

Tình trạng Phong trào

Phong trào đã hiện diện trên khắp lãnh thổ: 12 liên đoàn, khoảng 100 đoàn (tại 35 tỉnh) với số đoàn viên khoảng 4.500.

Ngày đáng ghi nhớ

Ngày 20/4/1964, HĐGMVN đã nhóm họp tại Đà Lạt và quyết định chấp nhận TSC là phong trào hoạt động tông đồ có tính cách toàn quốc cho giới sinh viên, học sinh. Cũng từ ngày này, phong trào TSC là một phong trào CGTH chuyên biệt của GHVN.

Phong trào sau năm 1975

Sau những năm sinh hoạt nhỏ và chỉnh đốn lại tổ chức của phong trào cho phù hợp với tình hình sinh viên, học sinh, hiện nay, phong trào đã có 6 đơn vị (đoàn) với 200 thành viên dự bị và chính thức.

Do điều kiện kinh tế và nhu cầu sinh hoạt gia đình, các trưởng TSC đã phải phân tán khắp nơi trên đất nước và đó đây trên thế giới nên phong trào TSC Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Do vốn giáo lý còn nông cạn, một số đoàn tự nhận thấy giờ suy niệm và chia sẻ Lời Chúa còn thiếu chiều sâu. Mỗi đơn vị đều có một sư huynh hoặc một trưởng làm cố vấn để giúp suy niệm chia sẻ Lời Chúa và kiểm điểm đời sống cho có chất lượng. Thỉnh thoảng, Đoàn cũng nhận những bản tin của Phong trào do Văn phòng vùng châu Á hoặc của TSCVN/NO-LA gửi đến.

 

Ông Nguyễn Trí Dũng

 

2.5. HƯỚNG ĐẠO CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1926-1975) (HĐCGVN)

Nguồn gốc và lịch sử

Phong trào Hướng Đạo (HĐ) do huân tước Baden Powell (B.P.) of Gilwell khai sinh năm 1907 tại Anh. Tôn chỉ và phương pháp hướng đạo đặt trên căn bản 3 cuốn sách:

Sách Sói Con (The wolf cub’s handbook).

Hướng đạo cho trẻ em (Scouting for boys).

Đường thành công (Rovering to success).

Phương pháp giáo dục của B.P. đã hướng dẫn trẻ em và mau chóng phát triển trên khắp thế giới. Cuộc Họp bạn HĐ Thế giới lần I năm 1920 tại Olympia, Anh, với 34 quốc gia tham dự và Họp bạn Thế giới lần XVIII tại Hà Lan năm 1995 với 180 nước tham dự, năm 1999 tại Chilê và năm 2003 tại Thái Lan.

Đến hôm nay, HĐ có mặt tại 216 nước với 40 triệu hướng đạo sinh.

Hướng đạo Việt Nam (HĐVN)

Từ năm 1930, phong trào HĐVN đã có trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Năm 1932, HĐ được chính thức thành lập tại Đông Dương.

Ngày 7/2/1946, ông Hoàng Minh Giám, Đổng lý Văn phòng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, duyệt y “Quy định Nội lệ” HĐVN.

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Hội trưởng Danh dự Hội HĐVN. Ngày 9/2/1953, bản Quy trình Nội lệ lần II được chính quyền đương thời phê duyệt. Ngày 7/5/1957, HĐVN được tổ chức HĐ Thế giới công nhận chính thức.

Đến cuối năm 1974, trên khắp miền Nam có 12.432 hướng đạo sinh với 4 ngành: ngành Ấu: từ 8-12 tuổi, ngành Thiếu: từ 13-15 tuổi, ngành Kha: từ 16-18 tuổi, ngành Tráng: từ 19-25 tuổi.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, các đơn vị HĐ vẫn âm thầm sinh hoạt. Từ năm 1990 đến nay, ở thủ đô Hà Nội, các cựu Hướng Đạo Sinh sinh hoạt dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ. Miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam, nhất là vùng TP.HCM và các tỉnh phụ cận cũng bắt đầu sinh hoạt dưới nhiều hình thức trong tinh thần tôn trọng luật pháp. Tại TP.HCM, các đơn vị đoàn, liên đoàn cũng sinh hoạt tích cực để đóng góp vào việc lành mạnh hoá giới trẻ.

Lịch sử Hướng đạo Công giáo Việt Nam

Thời khởi thuỷ: 1926-1930: phong trào HĐ đến Việt Nam lúc khởi thuỷ do một số giáo sĩ thừa sai trong Hội Thừa Sai Paris (MEP).

– Năm 1926, đơn vị HĐ đầu tiên được tổ chức tại trường trung học Albert Sarraut Hà Nội.

Sau đó: lần lượt một số đơn vị được thành lập ở các xứ đạo do các giáo sĩ người Pháp và được các trưởng người Pháp điều hành như: Hà Nội có nhà thờ chính toà ở phố Nhà Chung, nhà thờ Hàm Long do linh mục Depaulis (cố Hương); nhà thờ Cửa Bắc, ở Sơn Tây, do linh mục Laubies; ở Hải Phòng do linh mục Larmurier; ở Nam Định do linh mục Vacquier (cố Cao).

Trụ sở: Trụ sở HĐCG đặt tại Nhà Chung Hà Nội (1926).

– Từ lúc khởi thuỷ (1926) đến lúc hội nhập với Hội HĐVN (1930-1932), HĐCG luôn luôn vẫn là một thành viên của Hội HĐVN.

Mục đích

Quy chế HĐCG được thông qua trong Đại Hội đồng HĐVN và được Đức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn ngày 8/1/1965, xác định như sau: HĐCGVN theo đuổi hai mục đích:

Giáo dục: HĐCGVN áp dụng phương pháp HĐ để theo đuổi tôn chỉ giáo dục Công giáo (xác định trong thông điệp Representati in Terra, 31/12/1929).

Tông đồ: HĐCGVN thực hiện lời hứa hướng đạo và đứng trong tổ chức CGTH.

HĐCGVN đứng trong CGTH Việt Nam với tư cách là một hội đoàn phụ tá (x. Hiến chương CGTHVN, chương 7, đ. 30, đoạn B. 3) và chịu sự điều khiển của Bộ Tổng uỷ viên Hội HĐVN.

Đặc điểm phong trào HĐ

HĐ là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên đặt căn bản sự tự nguyện, không hoạt động và cổ vũ về mặt chính trị. Hoạt động được mở ra cho tất cả mọi thanh thiếu niên không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch. Mục đích căn bản của HĐ là giáo dục trẻ trở thành những người công dân hữu ích cho tổ quốc và xã hội.

Phương pháp giáo dục

Để duy trì mục tiêu và nguyên lý của phong trào HĐ, các phương pháp sau đây được áp dụng:

– Dùng luật và lời hứa để giáo dục.

– Cung ứng nhiều loại sinh hoạt như: trò chơi, cắm trại, thám du…

– Học hỏi qua thực hành.

– Dùng đời sống ngoài trời làm môi trường sinh hoạt.

– Dùng phương pháp hàng đội để huấn luyện trẻ có cơ hội biết lãnh trách nhiệm.

– Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cùng với tình hữu nghị và sự thông cảm quốc tế.

– Đồng phục hướng đạo là phương tiện giáo dục hữu hiệu và đa dụng.

Gs. Giacôbê Lê NgỌc BỬu

 

 

2.6. PHONG TRÀO GIỚI TRẺ CON ĐỨC MẸ (HỘI CON ĐỨC MẸ) (CĐM)

Nguồn gốc

Hội CĐM được chính Đức Mẹ ân cần thiết lập khi hiện ra với Thánh nữ Catherine Labouré, thuộc Tu đoàn Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, năm 1830, tại nguyện đường ở số 140, rue du Bac, Paris, Quận 7, Pháp. Năm 1838, cha Aladel, một linh mục Lazarist, đã thành lập thử nghiệm các nhóm trẻ CĐM đầu tiên tại các trung tâm từ thiện của Nữ Tử Bác Ái tại Pháp, dành cho thanh thiếu nữ.

Hội đã được Đức Giáo hoàng Pius IX ban hành sắc lệnh phê chuẩn ngày 20/6/1847. Ngày 19/7/1850, Bề trên Tổng quyền dòng Thừa Sai và Tu đoàn Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn được đặt làm Tổng Tuyên uý và Tuyên uý của Hội CĐM. Ngày nay, Hội được gọi là Giới Trẻ Con Đức Mẹ để mở rộng cho cả nam lẫn nữ.

Tại Việt Nam, Hội CĐM được các Nữ Tử Bác Ái tại Gia Định (nay là số 10 Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) thành lập ngày 7/9/1932 trong Gp. Sài Gòn, và đã phát triển trên khắp nước Việt Nam.

Trước năm 1975, Hội CĐM có mặt tại nhiều giáo xứ ở miền Nam, một số ở miền Bắc và miền Trung. Sau năm 1975, Hội tạm ngưng sinh hoạt. Khoảng 10 năm gần đây, Hội sinh hoạt trở lại và đang trong giai đoạn khôi phục. Hiện tại, Hội đã xác định được vị thế xứng đáng của các con cái Mẹ Maria trên quê hương Việt Nam thân yêu này, với khoảng 2.500 thành viên tại 56 giáo xứ trên khắp ba miền đất nước, cho cả hai giới nam và nữ, chia theo 3 nhóm tuổi: Bình minh: 8-11 tuổi, Hoan ca: 12-15 tuổi, Ánh sáng: 16 tuổi trở lên.

Bản chất

Hội mang tính chất chung của các phong trào CGTH, hoạt động thuần tuý tôn giáo trên phạm vi quốc tế, quốc nội và được đặt nền tảng trên các giáo xứ thuộc các giáo phận.

Mục đích và tôn chỉ

* Đức Maria muốn quy tụ những người trẻ để họ:

– Được giáo dục về nhân bản và Kitô giáo để trở thành người tốt và người Công giáo trưởng thành.

– Có khả năng truyền giáo: tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội bằng đời sống đạo đức, việc phục vụ và dạy giáo lý khi có thể.

* Phương hướng hoạt động

Sống thành nhóm: sống huynh đệ theo tinh thần Phúc Âm.

Chiêm ngắm: biết nhìn vào cuộc sống: học biết nhìn mình và người khác dưới cái nhìn Phúc Âm, nghĩa là cái nhìn của Chúa Giêsu.

Nhờ thế, người trẻ CĐM biết:

– Nhìn những gì xảy ra trong cuộc đời mình với cái nhìn đức tin để khám phá ra tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi mình.

– Nhìn người khác vượt lên trên những dáng vẻ bên ngoài, cách riêng những người nghèo khổ về vật chất và tinh thần.

Phục vụ: là con đường truyền giáo tốt nhất.

Tổ chức

Giới trẻ giáo dân là lực lượng chủ lực của Hội. Ngoài thành phần giới trẻ (nam, nữ), Hội còn có những thành viên đã trưởng thành ở bậc gia đình hoặc độc thân, chấp nhận một cách sống đúng quy luật và cam kết tuân theo linh đạo cũng như kế hoạch của Hội. Qua Mẹ Maria, mọi thành viên phải ra sức khám phá vai trò tích cực của Mẹ và của bản thân đương sự, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong việc cộng tác trực tiếp vào mầu nhiệm cứu độ nơi Đức Kitô và Giáo Hội của Người.

Theo nội quy hiện nay, cha chính xứ là cha linh hướng của Giới trẻ CĐM tại giáo xứ.

Thực hành cụ thể

Hội luôn đồng hành với giới trẻ, sống tình liên đới và sống Phúc Âm bằng cách hành động cùng với người khác ngay trong môi trường sống hàng ngày. Hội tham gia hoạt động trực tiếp trong sinh hoạt giáo xứ như: quét dọn nhà thờ, giúp lễ, ca đoàn, dạy giáo lý hay dấn thân trong các môi trường xã hội bằng cách chăm chỉ học tập các nhân đức của Mẹ Maria hầu thăng tiến bản thân, môi trường và xã hội…, nhất là để thánh hoá giới trẻ và làm cho tuổi trẻ có ý nghĩa hơn. Ngoài ra, hội viên còn tham gia hoặc tổ chức các công tác từ thiện, bác ái, thăm viếng, giúp đỡ những người nghèo, tàn tật, neo đơn, ốm đau, già cả… Tất cả đều quy về mục đích mở mang Nước Chúa trong chính lòng người, góp công xây dựng giáo xứ, cải thiện cuộc sống bằng mọi phương thức hiện có của thời đại…

 

2.7. HIỆP HỘI THÁNH MẪU (HHTM)

Nguồn gốc: năm 1563, Cha Jean Leunis S.J., đã sáng lập HHTM Truyền Tin đầu tiên cho các sinh viên đại học Rôma. Năm 1578, Đức Grêgôriô XIII hợp thức hoá HHTM theo Giáo luật và ban nhiều đặc ân. Ngày 27/9/1948, Đức Piô XII ra sắc chỉ “Bis Saeculari” (Hai Thế Kỷ), chính thức công nhận HHTM là hội đoàn CGTH. Sắc chỉ này có giá trị giống như Luật chung HHTM.

Tại Việt Nam, năm 1895, HHTM được thành lập đầu tiên tại trường Taberd Sài Gòn và các trường Sư huynh La San trong nước. Năm 1934, HHTM được thành lập tại Phát Diệm và năm 1937 tại Bùi Chu. Đến năm 1955, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, phụ trách giáo dân di cư, đã kêu gọi thành lập HHTM cho giới thanh thiếu niên tại các trại định cư. Năm 1957, Nữ Đoàn Bác Ái và Thanh Thiếu niên HHTM được thành lập tại Sài Gòn. Năm 1967, HHTM thế giới chấp thuận “Những nguyên tắc chung” để canh tân theo hướng mới của CĐ. Vatican II và đổi tên thành “Những Cộng đồng Sống Kitô”. Năm 1968, HHTM Việt Nam đã chấp thuận bản “Tân Quy luật HHTM Việt Nam” và đã được HĐGMVN chấp thuận ngày 5/1/1969. Từ năm 1955-1992, Lm. Giacôbê Nguyễn Minh Lý làm giám đốc HHTM.

Danh hiệu: HHTM hay những Cộng đồng Sống Kitô, gọi tắt là “Hiệp Sống”, là sự liên kết các tín hữu cùng một lứa tuổi, cùng một ý muốn nên thánh và làm chứng cho Đức Giêsu bằng cách noi gương Thánh Mẫu Maria.

Mục đích: HHTM nhằm ba mục đích chính: thánh hoá bản thân hội viên, góp phần cải thiện xã hội, dấn thân phục vụ Hội Thánh.

Sinh hoạt: về tu đức, hội họp và công tác của hội viên:

Hằng ngày: thực hành các việc để hình thành một nếp sống đạo vững chắc như: dâng ngày vào buổi sáng và cám ơn vào buổi tối, đọc và suy niệm 10 kinh Mân Côi, kinh Hoà Bình, dự lễ, rước lễ, làm một việc bác ái cụ thể kèm theo lời nguyện tắt.

Hằng tuần: họp nhau theo từng Đội-Nhóm để cầu nguyện luân phiên tại gia đình, làm công tác tông đồ và bác ái được phân công như: quét dọn nhà Chúa, thăm lương dân, các gia đình rối, bệnh nhân liệt giường, cầu nguyện cho người mới qua đời…

Hằng tháng: xưng tội vào đầu tháng, tham dự thánh lễ của Đoàn và giờ chầu Thánh Thể “Cùng Mẹ Thờ Chúa”, tham dự buổi họp Đoàn để cầu nguyện cho nhau, học sống Lời Chúa, báo cáo công tác và nhận công tác tông đồ bác ái mới.

Hằng năm: tham dự các buổi tĩnh tâm hay linh thao, dọn tâm hồn để mừng Lễ bổn mạng Đoàn và các lễ trọng khác của Đức Mẹ, học tập để tuyên hứa lên bậc hội viên.

Tôn chỉ: “Hiệp sống xin vâng để phụng sự”. Hội viên hợp nhất thành một cộng đoàn, để giúp nhau sống tinh thần Xin Vâng của Chúa Giêsu như Mẹ Maria, cùng nhau phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân theo linh đạo HHTM.

Biệt hiệu: “Đến với Chúa Kitô nhờ Mẹ Maria” (Ad Christum per Mariam). Câu này được viết tắt là X.P.M. và trở thành biệt hiệu của HHTM. Biệt hiệu này được in trên cờ hiệu cùng các văn bản liên quan đến HHTM.

Dấu hiệu: Dấu hiệu của hội viên hình lục lăng, tượng trưng cho thế giới, ở giữa hình lục lăng có ba chữ XPM chồng lên nhau. Dấu hiệu của huynh trưởng có hình ngôi sao sáu cánh, ở giữa ngôi sao là dấu hiệu hội viên HHTM. Hai dấu hiệu được phân biệt theo màu xanh lá cây và xanh biển đậm.

Tình hình HHTM hiện nay

Giám đốc:

– Lm. Đa Minh Đinh Văn Vãng (từ 1992)

Cơ sở: HHTM hiện có hai cơ sở được Toà Tổng Giám mục TP.HCM trao cho linh mục Đa Minh Đinh Văn Vãng quản lý:

– Nguyện đường Trung ương:

3-5 Mai Khôi, P.7, Q. Tân Bình. Đt: 08 38638334.

– Trụ sở Trung ương:

129B Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình. Đt: 08 38659028.

Thực trạng

– Trước năm 1975, HHTM đã có mặt tại nhiều giáo phận miền Nam Việt Nam như: Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Xuân Lộc, Phú Cường, Sài Gòn, Long Xuyên…

– Do hoàn cảnh xã hội, từ năm 1975 đến nay, HHTM tại các giáo phận vẫn đang ở trong tình trạng cầm chừng, sinh hoạt chủ yếu về mặt đạo đức tại nhà thờ. Riêng tại Gp. TP.HCM, từ năm 1992 đến nay, HHTM đã bắt đầu có các sinh hoạt thường xuyên hằng tháng cấp Liên đoàn Giáo phận tại nguyện đường Trung ương HHTM. Ngoài kinh nguyện, hội viên còn được hướng dẫn học sống Lời Chúa và làm các công tác tông đồ bác ái.

– Hiện nay, Gp. TP.HCM đã có 36 xứ đoàn thuộc 26 giáo xứ trong 10 giáo hạt có HHTM. Tổng số hội viên là 3.100, được phân chia thành hai là Liên đoàn Bác ái Thánh Mẫu và Liên đoàn Giới trẻ Thánh Mẫu:

+ Liên đoàn Bác ái Thánh Mẫu: có 2.500 hội viên thuộc 17 xứ đoàn. Tại mỗi giáo xứ, các đoàn Phụ huynh HHTM, Nữ đoàn Bác ái HHTM, Gia trưởng Hiền mẫu HHTM, Học sống Lời Chúa HHTM… sẽ liên kết với nhau thành một Liên đoàn Bác ái Thánh Mẫu.

+ Liên đoàn Giới trẻ Thánh Mẫu: có 600 đoàn viên thuộc 21 xứ đoàn (15 Đoàn Giới trẻ TM và 6 Đoàn Gia đình Trẻ TM).

Hoạt động: từ năm 1997, HHTM Trung ương kết hợp với Hội Phụ Nữ phường 7 và quận Tân Bình sử dụng Trụ sở HHTM làm điểm dạy nghề… Tại đây, Hội đã liên tục mở các khoá dạy nghề phổ thông như: cắt may, uốn tóc, gia chánh, cắm hoa và vi tính văn phòng… Các hội viên HHTM cũng được khuyến khích làm các công tác tông đồ truyền giáo và bác ái xã hội tại địa phương.

Học tập: để các Hội viên HHTM có điều kiện học tập về Linh đạo HHTM, học sống Lời Chúa trong các buổi sinh hoạt hội họp, Ban Huấn luyện đã soạn thảo và phổ biến một số tài liệu học tập như: “Hiệp hội Thánh Mẫu Canh tân” (gồm những nguyên tắc chung và Tân Quy luật HHTM), “Hiệp sống Xin vâng Phục vụ” (Luật sống Giới trẻ Thánh Mẫu), “Giao lưu Hiệp sống”, “Hiệp sống Nguyện cầu”, “Hiệp sống Lời Chúa theo Chúa Nhật”.

Lm. Đa Minh Đinh Văn Vãng,

Giám đốc HHTM

 

 

2.8. LEGIO MARIAE (Đạo Binh Đức Mẹ)

Danh hiệu và nguồn gốc

Legio Mariae là một hội đoàn của người Công giáo, được Giáo Hội phê chuẩn, hoạt động theo tinh thần chiến đấu của người lính, dưới sự chỉ huy của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội để chống lại những gì là ác đức, xấu xa (Thủ Bản, số 1 & 5).

Legio Mariae tự phát hình thành vào ngày 7/9/1921, do một nhóm giáo dân thiện nguyện tại Dublin, Ireland.

Mục đích

* Thánh hoá hội viên bằng việc cầu nguyện với tinh thần và nhân đức của Mẹ Maria.

* Hoạt động tông đồ dưới sự lãnh đạo của giáo quyền địa phương bằng cách xây dựng những quan hệ tốt trong xã hội, nhằm mục tiêu đưa “men Tin Mừng đến với bột nhân loại”.

Tổ chức

Hội đoàn Legio Mariae được tổ chức tương tự như quân đội Rôma. Đơn vị các cấp từ cơ bản là presidium, concilium, senatus curia. Các hội viên được gọi là chiến sĩ.

Mỗi presidium “nhóm, đội” đều có hai cấp “sĩ quan” “quân binh”. Cấp sĩ quan gồm: cha linh giám, anh (chị) trưởng, phó, thư ký, thủ quỹ. Cấp quân binh, ngoài các hội viên hoạt động thường xuyên, còn có 3 loại khác: hội viên danh dự, hội viên tán trợ (giáo sĩ hay giáo dân) và hội viên hoạt động cấp cao.

Điều kiện gia nhập

Mọi tín hữu Công giáo sống đạo đức, có tinh thần Legio Mariae hay ít là có ước muốn và sống tinh thần đó, sẵn sàng chu toàn nhiệm vụ theo nội quy đòi hỏi, đều có quyền gia nhập Legio Mariae.

Hoạt động

Hoạt động đặc trưng nhất của Legio Mariae chính là việc tham dự hội họp presidium hàng tuần thật đều đặn, đúng giờ và hoàn thành công tác như: thăm viếng bệnh nhân, an ủi người nghèo khổ, làm việc bác ái… Các chiến sĩ Legio Mariae luôn thi hành công tác tông đồ với lòng can đảm và trung thành tuyệt đối, hết sức nhẫn nại dù gặp khó khăn thử thách. Trong buổi họp presidium hàng tuần, các chiến sĩ chia sẻ cho nhau các “thành tích chiến đấu” cách khiêm tốn, chân thành.

Hiện nay, tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi xứ đạo, Hội Legio Mariae vẫn tiếp tục hoạt động và đã đem lại nhiều hiệu quả tốt đẹp cho cộng đồng giáo xứ cũng như xã hội.

 

2.9. CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO

Lược sử

Đầu tháng 5/1850, Bà Bilhem, một giáo dân ở Lille, Pháp, đã có sáng kiến quy tụ một số các bà mẹ cùng nhau quyết tâm mỗi ngày đọc một kinh kính Đức Mẹ Maria, có ý dâng con cái mình cho Đức Nữ Trinh bảo trợ. Đó là khởi điểm của Hội Các Bà mẹ Công giáo (CBMCG) sau này. Tinh thần này lan dần từ Lille tới Paris. Cha Theodore Ratisbonne, linh mục Gp. Paris, đã đệ đơn lên Toà Thánh và ngày 11/3/1856, ĐGH Piô IX đã ký sắc chỉ cho phép thành lập Tổng hội CBMCG trên toàn thế giới. Trụ sở của Tổng hội đặt tại dòng Đức Mẹ Sion: 21, rue Notre Dame des Champs, Paris 6, France.

Mục đích

CBMCG đồng tâm nhất trí hợp chung nguyện vọng, cùng với Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria, cầu xin Chúa chúc lành cho con cái và gia đình, để được gia tăng ân sủng cho chính bản thân.

Tổ chức

Tại mỗi giáo xứ, tất cả các phụ nữ đã lập gia đình đều có thể là hội viên của Hội CBMCG, họp thành đoàn hội. Mỗi đoàn hội có bà hội trưởng, phó hội trưởng, thư ký, thủ quỹ và các cố vấn. Các bà trong mỗi khu xóm họp thành một toán, có toán trưởng và thư ký.

Các hội viên mặc đồng phục áo dài trắng với khăn choàng xanh và mang cờ đoàn, phù hiệu trong các cuộc rước kiệu hay đại lễ.

Sinh hoạt

* Để tu thân và giáo dục con cái theo tinh thần Phúc Âm, CBMCG quyết tâm:

– Cùng nhau học hỏi, chung lời cầu nguyện, xin ơn thánh hoá bản thân, trở nên người mẹ đảm đang và gương mẫu trong gia đình.

– Cùng nhau chung sức đắp xây những toà nhà tinh thần hùng mạnh cho xã hội.

– Góp phần gây dựng một lực lượng đạo đức sâu rộng gồm những người mẹ hiền của gia đình.

– Quyết lòng củng cố và duy trì nền tảng gia đình, tạo nên những phần tử hữu ích cho Giáo Hội và xã hội.

– Dạy dỗ và nêu gương cho con cái không bao giờ lãng quên công ơn cha mẹ.

* Ngoài ra, CBMCG còn tuỳ khả năng và hoàn cảnh gia đình, cộng tác với các linh mục trong giáo xứ để hoạt động tông đồ và bác ái xã hội.

* Riêng tại Việt Nam, từ năm 1960, cha giám đốc, thừa lệnh HĐGM, đã chọn Thánh Mônica, thân mẫu Thánh Augustinô, làm Bổn mạng của Hội CBMCG Việt Nam (x. Thủ Bản, số 6). Mỗi ngày, hội viên đọc bản kinh cầu nguyện cho con cái theo mẫu chung của Hội (x. Thủ Bản, số 5).

 

2.10. GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) là sự hợp nhất của hai Đoàn Thể CGTH: Liên Minh Thánh Tâm và Gia Đình Phạt Tạ.

1.      LIÊN MINH THÁNH TÂM

Năm 1883, phong trào Liên Minh Thánh Tâm được Cha Edouard Hamon, Dòng Tên, sáng lập tại Canada, dành riêng cho nam giới, lấy tinh thần cầu nguyện và sự nhiệt thành của Hội Tông đồ Cầu nguyện làm nền tảng cho phong trào. 

Tại Việt Nam, năm 1942 được cha Gerard Gagnon (tên Việt Nam là Nhân) dòng Chúa Cứu Thế, thuộc Tỉnh Dòng Saint Anne De Beaupré – Canada phát động tại Hà Nội

Năm 1946, Hội Liên Minh Thánh Tâm được thành lập tại Giáo xứ Thái Hà, ấp Nam Đồng, Hà Nội. Hai năm sau ngày thành lập, năm 1948, Cha Gagnon trao lại trách nhiệm điều hành phong trào cho Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ. Năm 1950, Hội đã thực hiện Lễ tuyên hứa đầu tiên.

Sau năm 1954, Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ (1917 – 1984) tiếp tục xây dựng và phát triển Phong trào Liên Minh Thánh Tâm tại miền Nam Việt Nam.

 2. GIA ĐÌNH PHẠT TẠ

Năm 1945, Cha Phêrô Phạm Tuấn Binh thuộc Gp. Vĩnh Long được Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Giám mục giáo phận cho phép thành lập Hội Phạt Tạ để tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu.

Sau khi Cha Phêrô Binh qua đời, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri được phép của Đức Cha Phêrô tiếp tục phổ biến tinh thần tôn sùng và phạt tạ Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu nhằm thực thi việc Tôn Trái Tim Chúa làm Vua trong các gia đình và truyền bá Hội Phạt Tạ trong các Địa phận.

Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri đã tổ chức được Hội Phạt Tạ trong 43 họ đạo thuộc địa phận Vĩnh Long, 28 họ đạo thuộc địa phận Sài Gòn, 27 họ đạo thuộc Địa phận Cần Thơ – Long Xuyên và 6 họ đạo thuộc địa phận Cambodge.

Năm 1953, do thấy Hội sinh hoạt mang tính chất gia đình, nên Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục đã đổi tên Hội thành Đoàn thể Gia Đình Phạt Tạ.

 

GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

– Năm 1999, Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (Hồng y năm 2003) nhận thấy hai đoàn thể đều nhắm đến việc cổ động lòng tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu, nên ngày 14/4/1999, ngài quyết định sáp nhập hai đoàn thể này thành một Hội Đoàn CGTH, dành cho cả hai giới nam và nữ và lấy tên gọi chính thức là Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm. Ngài đã giao cho cha Gioan Baotixita Võ Văn Ánh phụ trách hợp nhất hai đoàn thể.

– Ngày 19/3/2011, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chính thức bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng làm Tổng linh hướng với danh xưng đầy đủ là Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu

– Ngày 20/3/2012, ngài bổ nhiệm cha Đaminh Trần Đức Công, đặc trách hỗ trợ Phát triển Ơn gọi và Truyền giáo của Đoàn thể.

I. TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH – LINH ĐẠO

A. Tôn chỉ

Hợp nhất với Chúa Giêsu yêu thương cứu độ nhân loại

GĐPTTTCG là một tổ chức tông đồ giáo dân. Chuyên về cầu nguyện và làm việc tông đồ, trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu, Đấng yêu thương và cứu độ nhân loại. Gia đình lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa và đời sống hiệp thông thường xuyên với Chúa làm nền tảng cho mọi hoạt động tông đồ của mình, bước theo Chúa yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự sống dồi dào cùng sự phát triển toàn diện và vững bền của gia đình nhân loại, làm đường lối hoạt động tông đồ của mình.

B. Mục đích

Loan truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

GĐPTTTCG hướng đời sống cầu nguyện và mọi hoạt động tông đồ vào mục đích loan truyền Tin Mừng sự sống và tình thương của Chúa, cùng kiên trì nỗ lực chung sức với mọi người vun đắp lối sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại, bắt đầu từ gia đình mình.

C. Linh đạo

“Lấy Tình yêu đáp lại Tình yêu”

GĐPTTTCG quyết tâm tiến bước trên đường tình yêu của Chúa nhằm thắp lên ngọn lửa yêu thương của Chúa trong lòng mọi người, mọi gia đình, mọi môi trường sống, để cộng tác với Chúa, biến đổi tất cả trở nên muối, nên men, và ánh sáng Tin Mừng sự sống và tình thương của Chúa trong lòng xã hội hôm nay. Nhờ đó GĐPTTTCG trở thành Giáo hội tại gia, Giáo hội Chúa Giêsu hiện diện ở giữa dân Người, Giáo hội vì loài người.

Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu có nghĩa là:

– Đền tạ những sai sót lỗi lầm mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa.

– Ý thức tín thác hoàn toàn vào tình yêu và Lòng Thương Xót vô biên của Chúa đối với gia đình nhân loại.

– Và quyết tâm loan báo Tin Mừng cùng mở rộng Nước Chúa là Nước chan hoà ánh sáng chân lý và tình yêu, ánh sáng an bình.

II. ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP

– Cá nhân:

+ Nam và nữ giới từ 18 tuổi trở lên trong các gia đình Công giáo.

+ Tự nguyện gia nhập, hoạt động theo tinh thần và điều lệ của Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm.

+ Sau sáu tháng tập sự, có hạnh kiểm tốt, có lòng đạo đức, có nhiệt tâm phục vụ, tình nguyện gia nhập và tuyên hứa theo nghi thức GĐPTTTCG sẽ trở thành Đoàn viên chính thức.

– Tập thể: Thành viên tại các giáo xứ, học tập và sinh hoạt theo Nội Quy của đoàn thể, sau 06 tháng tập sự, được sự cho phép của cha chánh xứ sẽ chính thức tuyên hứa gia nhập Đoàn thể GĐPTTTCG Việt Nam trong một Thánh lễ, để chính thức trở thành một Xứ đoàn của đoàn thể.

III. SINH HOẠT ĐOÀN THỂ

1. Nền tảng sinh hoạt

a. Tông đồ cầu nguyện:

– Biết Phúc Âm hoá đời sống gia đình và ơn gọi.

– Biết thánh hoá bản thân và gia đình.

– Chuyên cần cầu nguyện.

b. Tông đồ dấn thân:

            ● Chứng nhân Tin Mừng:

– Kiện toàn đời sống đức tin: Khám phá – Tuyên xưng – Cử hành – Chia sẻ đức tin

– Trang bị – Sống và rao giảng Lời Chúa.

– Cộng tác vào việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất Giáo hội, phục vụ sứ mạng truyền giáo.

– Trau dồi, thực thi Giáo lý Giáo hội Công giáo.

            ● Chứng nhân tình yêu:

– Sống theo mẫu gương Gia đình Thánh Gia.

– Đồng cảm, phục vụ và chia sẻ cho người bất hạnh, không phân biệt đối tượng, tôn giáo.

2. Sinh hoạt thường kỳ

GĐPTTTCG tại các Xứ đoàn, khi đi vào ổn định sẽ có các chương trình sinh hoạt chung trong tháng như sau:

            ● Hằng ngày:

– Đoàn viên đọc Kinh Dâng Mình và Kinh Dâng Ngày cho Chúa.

– Đọc Kinh Lạy Cha, mười Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh hoặc suy gẫm một mầu nhiệm Mân Côi, cầu nguyện theo ý chung của gia đình.

            ● Thứ Sáu hàng tuần:

– Cộng đoàn suy ngắm đàng Thánh giá, thực hiện Giờ Kinh Đền Tạ luân phiên, giờ Kinh Tôn Vương Thánh Tâm Chúa Giêsu tại các gia đình.

            ● Thứ Sáu đầu tháng:

– Chầu đền tạ Thánh Thể, tham dự Thánh lễ Đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

– Sinh hoạt Đoàn thể (họp mặt đoàn viên và Ban chấp hành xứ đoàn).

            ● Hàng tháng: Ban chấp hành các cấp họp thường kỳ để báo cáo hoạt động.

            ● Hàng năm: Ban chấp hành các cấp họp tổng kết hoạt động.

3.      Bổn mạng: Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lễ Kitô Vua Vũ Trụ .

 

4.      Cơ cấu tổ chức

a) Linh mục đồng hành:

– Tổng Linh hướng: Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng

– Linh mục Đặc trách Hỗ trợ Phát triển Ơn gọi và Truyền giáo: Lm. Đaminh Trần Đức Công

b) Đại diện Ban chấp hành GĐPTTTCG VN:

Trưởng Ban chấp hành: Ô. Giuse Huỳnh Bá Song. Địa chỉ liên hệ: 21/9/3 Lý Chính Thắng, P.8, Q.3. Đt: 0908 145879 – Email: [email protected]

● Ngày 12/11/2014 nhân Đại hội kỷ niệm 15 năm ngày Hợp nhất- Hình thành- Phát triển Đoàn thể (1999-2014) tổ chức tại giáo xứ Tân Hưng, giáo hạt Hóc Môn, TGP. TP.HCM, đại diện của BCH GĐPTTTCG các giáo phận trong cả nước và Campuchia, dưới sự chứng kiến của quý cha linh hướng đoàn thể tại các giáo phận, đã chính thức bầu ra BCH GĐPTTTCG VIỆT NAM, nhiệm kỳ 2014 – 2020 do ông Giuse Huỳnh Bá Song làm Trưởng Ban.

– Phó ban chấp hành và các uỷ viên: gồm Trưởng Ban chấp hành hoặc vị đại diện đoàn thể tại các giáo phận hiện đang có sinh hoạt GĐPTTTCG.

● Căn cứ báo cáo tổng kết kỷ niệm 15 năm sau quá trình hợp nhất, hình thành và phát triển đoàn thể. Đến năm 2014, GĐPTTTCG VN có 39.978 đoàn viên, sinh hoạt tại 329 xứ đoàn, gồm 319 xứ đoàn thuộc 18/26 giáo phận trong cả nước, và 10 xứ đoàn tại 2 giáo phận PnomPenh và Kompongcham (Vương Quốc Campuchia). Riêng tại Gp. TP.HCM có 10.730 đoàn viên đang sinh hoạt tại 118 xứ đoàn.

 

 

2.11. HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH (Dòng Ba Đa Minh)

Nguồn gốc

Từ ban đầu, dòng Thánh Đa Minh có 3 ngành: Dòng Nhất là những anh em linh mục và tu sĩ nam, Dòng Nhì là các nữ đan sĩ chiêm niệm, Dòng Ba gồm những nữ tu hoạt động sống cộng đoàn và những giáo dân sống giữa đời. Ngày nay Gia đình Đa Minh bao gồm tất cả dòng Anh Em Thuyết Giáo, các nữ Đan viện Đa Minh, các Hội dòng nữ Đa Minh, các Tu hội đời và các Huynh đoàn các Linh mục và Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh (HĐGDĐM).

Bản chất

Giáo dân Đa Minh là những Kitô hữu được Chúa Thánh Thần tác động để sống theo tinh thần và đoàn sủng của Thánh Đa Minh, được sáp nhập vào Dòng bằng một cam kết đặc biệt theo quy chế riêng của họ (Luật chung HĐGDĐM, số 2).

Mục đích (Luật riêng HĐGDĐM Việt Nam, số 3)

– Hiệp thông trong đức tin và giúp nhau sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu, tức là thông dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Đức Kitô;

– Siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm tìm hiểu chân lý và nhiệt tâm thi hành sứ vụ tông đồ trong Giáo Hội và giữa lương dân tuỳ theo hoàn cảnh riêng.

Cơ cấu tổ chức

– Các giáo dân Đa Minh trong mỗi giáo xứ họp thành một Huynh đoàn. Nhiều Huynh đoàn hợp thành Liên huynh. Nhiều Liên huynh hợp thành một Miền.

– Đứng đầu mỗi Huynh đoàn là Đoàn trưởng và Ban Phục vụ, gồm (tối thiểu 3, tối đa 11 người): 1 trưởng, 2 phó, 2 huấn đức, một thư ký, 1 thủ quỹ, 2 tông đồ, 2 bác ái xã hội.

– Mỗi Huynh đoàn thường có một tu sĩ Đa Minh linh hướng (trong hoàn cảnh có thể, Luật riêng HĐGDĐM. VN, số 62a) do huynh đoàn thỉnh nguyện và được bề trên giám tỉnh bổ nhiệm.

– Tại mỗi giáo phận, có vị đặc trách giáo phận và ban phục vụ giáo phận.

– Mỗi tỉnh dòng có vị đặc trách tỉnh và ban phục vụ tỉnh.

Sinh hoạt

HĐGDĐM hoạt động theo Luật chung và Luật riêng (Luật chung do Bộ Tu sĩ châu phê và Luật riêng do bề trên tổng quyền dòng Anh Em Thuyết Giáo phê chuẩn), tham dự vào sứ vụ tông đồ của dòng bằng việc học hành, cầu nguyện và giảng thuyết tuỳ theo hoàn cảnh riêng của người giáo dân, cụ thể qua việc:

– Sống hiệp thông huynh đệ theo tinh thần 8 Mối Phúc Thật.

– Chuyên chăm suy niệm Lời Chúa.

– Cố gắng tham dự Thánh lễ hằng ngày.

– Năng lãnh nhận bí tích Hoà giải và hoán cải tâm hồn theo tinh thần Tin Mừng.

– Nguyện kinh Thần vụ chung, cầu nguyện riêng và đọc kinh Mân Côi.

– Chuyên cần học hỏi chân lý và suy tư những vấn đề thời đại dưới ánh sáng đức tin.

– Tôn kính Mẹ Maria theo truyền thống của dòng; sùng mộ, noi gương Thánh Đa Minh và Thánh Catarina Siena.

– Tham dự những ngày tĩnh tâm định kỳ.

– Tích cực tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội và sẵn sàng cộng tác với các đoàn thể tông đồ khác.

Hiện tình: HĐGDĐM VN hiện có 84.500 đoàn viên trên toàn quốc.

Địa chỉ liên hệ: Cha Tổng Phụ trách Giacôbê Phạm Văn Phượng O.P., 190 Lê Văn Sỹ, P.10, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM.

VPTD. ĐMVN

 

 

2.12. PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) (Dòng Ba Phan Sinh)

Nguồn gốc

Thánh Phanxicô đã lập dòng Ba Phan Sinh Tại Thế (PSTT) vào năm 1221. Bản luật đầu tiên rất ngắn gọn cũng ra đời năm đó. Năm 1978, ĐTC Phaolô VI đã sửa đổi bản luật cho phù hợp với tinh thần CĐ. Vaticanô II. Đây là bản luật hiện hành được áp dụng cho toàn thể anh chị em PSTT trên thế giới.

Bản luật gồm 3 chương với 26 điều. Chương I: giới thiệu vị trí của dòng PSTT trong Giáo Hội và trong đại gia đình Phan Sinh. Chương II: nói về nếp sống của người PSTT đối với Chúa, với bản thân và với tha nhân. Nét đặc biệt là sự dấn thân của người PSTT để làm cho xã hội được hoàn hảo, công lý được nêu cao, lao động cần cù được quý trọng, gia đình được chăm lo chu đáo, mọi thụ tạo được coi trọng, và người người trở nên sứ giả bình an. Chương III: nói về sinh hoạt trong các huynh đệ đoàn, từ việc tổ chức điều hành đến việc sinh hoạt và những điều kiện phải có để được gia nhập dòng.

Danh xưng và bản chất

Theo tên gọi thì đây là một dòng có luật pháp, hiến chương, nội quy được Toà Thánh phê chuẩn. Các thành viên, sau khi tìm hiểu, sẽ trải qua một thời gian huấn luyện dài trước lúc được cho tuyên khấn tạm và vĩnh viễn. Gọi là Phan Sinh, vì những anh chị em này muốn sống theo tinh thần huynh đệ và hèn mọn của Thánh Phanxicô thành Assisi (1180-1226) và quyết tâm hiến mình phục vụ Nước Chúa giữa đời. Gọi là Phan Sinh Tại Thế, vì anh chị em không sống trong tu viện như các tu sĩ dòng nhất hay trong các đan viện như các chị em dòng nhì Thánh Clara, mà sống giữa đời như mọi người, tìm cách thánh hoá chính mình và góp phần xây dựng một thế giới công bình, huynh đệ, thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Trong thực tế, họ muốn trở nên những thành phần tích cực trong Giáo Hội và xã hội.

Tổ chức và sinh hoạt

Anh chị em PSTT sống thành từng huynh đệ đoàn. Mỗi huynh đệ đoàn thường có khoảng 30 đoàn viên. Ở mỗi cấp địa phương, miền hay quốc gia đều có ban điều hành, được gọi theo tinh thần Thánh Phanxicô là ban phục vụ. Người Kitô hữu nào cũng có thể xin gia nhập dòng PSTT, và nếu được ơn Chúa gọi, sẽ từ từ đi qua các giai đoạn huấn luyện, để tuyên khấn với nội dung: tuân giữ Phúc Âm Chúa Giêsu theo cách thức Thánh Phanxicô, trong bậc giáo dân hay giáo sĩ, tạm thời hay vĩnh viễn. Đây là cách tuân giữ trọn vẹn.

Ngoài các sinh hoạt đạo đức, dòng PSTT còn làm các công tác tông đồ xã hội như: chăm sóc các người khuyết tật, già cả neo đơn, cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai, thăm viếng các bệnh nhân…

Hiện tình nhân sự

Dòng PSTT đã có gần 800 năm lịch sử. Hiện nay, dòng có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới và có nhiều đóng góp cho Giáo Hội và xã hội.

Tại Việt Nam, dòng hiện diện tại Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng số là 3.200 thành viên lớn tuổi và 1.450 thành viên trẻ tuổi.

Địa chỉ liên lạc

Lm. Irênê Nguyễn Thanh Minh, OFM

3 Mai Thị Lựu, Phường Đakao,

Q.1, Tp.HCM. Đt: 08 38222294.

Hoặc liên hệ với huynh đệ đoàn tại địa phương nơi mình ở.

Lm. Irênê NguyỄn Thanh Minh, OFM

 

2.13. DÒNG BA CÁT MINH

Bản chất

Dòng Ba Cát Minh là một hiệp hội những Kitô hữu dấn thân theo đuổi sự hoàn thiện Phúc Âm ở giữa đời, theo đường lối tu đức dòng Cát Minh của Thánh Têrêxa Avila.

Qua nghi thức mặc áo dòng, nhất là qua lời tuyên hứa và lời tuyên khấn, các thành viên dòng Ba Cát Minh hoàn toàn thuộc gia đình dòng Cát Minh. Tuy có khác biệt trong nếp sống, nhưng họ đều là con cái của dòng. Với tước hiệu ấy, trong tình huynh đệ, họ hiệp thông với những ơn ích thiêng liêng, tham dự vào cùng một ơn gọi và cùng một sứ mạng của dòng trong Giáo Hội.

Thể theo ơn gọi của dòng Cát Minh, các thành viên Dòng Ba được mời gọi nên thánh theo đoàn sủng và giáo huấn của các Đấng Sáng Lập dòng với những đặc điểm như: lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, thực hành nguyện ngắm, khổ chế do việc từ bỏ mình, quảng đại trong đức ái huynh đệ và nhiệt thành làm việc tông đồ. Các giá trị này được thực hiện trong cuộc sống thân tình với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và dưới sự phù trợ từ mẫu của Mẹ.

Dòng Ba thường gồm những nhóm được tổ chức thành huynh đoàn, sống và biểu lộ sự hiệp thông trong cùng một lý tưởng. Họ giúp đỡ nhau về phần thiêng liêng, và vì lợi ích chung, họ giữ mối liên hệ với toàn dòng.

Sinh hoạt

Trung thành với lời mời gọi và gương của Chúa trong việc cầu nguyện liên tục, theo huấn từ căn bản trong bộ luật tiên khởi của dòng Cát Minh là “suy niệm Luật Chúa ngày đêm và tỉnh thức cầu nguyện”. Trên tất cả mọi sự, các thành viên chọn cách sống trước sự hiện diện của Chúa và không ngừng nỗ lực thi hành thánh ý Người.

Với mục đích đó, họ cố gắng không ngừng trau dồi và thực hành tâm nguyện trong bầu khí trầm tĩnh nội tâm. Họ nguyện gẫm mỗi ngày ít là nửa giờ. Họ để tâm lắng nghe Lời Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh và trong việc đọc sách thiêng liêng, “ngõ hầu tăng thêm sự hiểu biết thâm sâu về Đức Kitô” (x. Pl 3,8) mà họ kín múc nơi nguồn mạch đích thật của nền tu đức Kitô giáo và của dòng Cát Minh.

Tại Việt Nam – Hội được thành lập vào năm 1907. Cha linh hướng đầu tiên của Hội là linh mục Albert Delagnes.

Địa chỉ liên lạc:

Đan Viện Cát Minh

33 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM.

2.14. HIỆP HỘI GIÁO DÂN BÁC ÁI

Lược sử

Cộng đoàn Bác ái đầu tiên do chị Marthe Robin và cha Georges Finet thành lập ngày 2/10/1936, tại Châteauneuf de Galaure, thuộc Gp. Valence, nước Pháp.

Cộng đoàn Bác ái là một Hiệp hội Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, không phải dòng tu, không phải tu hội, không có tu phục, không có lời khấn. Tất cả thành viên đều được thánh hiến cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, qua ân sủng của phép Rửa tội và tận hiến cuộc sống mình cho Đức Giêsu qua Mẹ Maria, để nhờ Mẹ, họ sống trọn vẹn bí tích Rửa Tội của mình theo linh đạo của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort.

Giai đoạn khởi đầu (1936-1986): không có hiến chương, các thành viên chỉ tự nguyện sống như một gia đình.

Từ 1986-1996: soạn thảo hiến chương và được Hội đồng Giáo hoàng Đặc trách Giáo dân cho thử nghiệm.

Ngày 8/12/1999, Toà Thánh chuẩn nhận vĩnh viễn hiến chương với chữ ký của Đức Hồng y J.F. Stafford, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Đặc trách Giáo dân.

Bản chất

Các Trung tâm Bác ái là những cộng đoàn gồm những tín hữu cả nam lẫn nữ, theo gương các Kitô hữu tiên khởi, đặt của cải vật chất, tinh thần và thiêng liêng làm của chung. Trong cùng một Thánh Thần, họ sống lời tuyên hứa của họ để cùng Mẹ Maria là Mẹ, thể hiện gia đình của Thiên Chúa nơi trần gian, dưới sự hướng dẫn của một linh phụ, trong một nỗ lực không ngừng thực thi bác ái giữa họ với nhau và đồng thời bằng đời sống cầu nguyện và lao động giữa thế giới, họ làm chứng nhân cho Ánh sáng Bác ái và Tình thương, theo sứ điệp lớn lao của Đức Kitô là Vua, Tiên tri và Tư tế.

Nhân sự

Cộng đoàn Bác ái là một gia đình, trong đó:

Linh phụ là người cha của gia đình, không phải bề trên.

– Anh (chị) phụ trách cũng không phải là bề trên.

– Các thành viên có thể là nam hay nữ độc thân tận hiến, người goá bụa tận hiến cùng với con cái (nếu muốn), cả gia đình cha mẹ và con cái tận hiến.

Mục đích

* Tổ chức những tuần cấm phòng căn bản với thời gian là 5 ngày, trong sự thinh lặng hoàn toàn, dành cho những ai muốn củng cố đức tin hầu tìm gặp Thiên Chúa. Sau đó, tiếp tục tổ chức những tuần phòng chuyên sâu dành cho những ai đã tham dự các cuộc tĩnh tâm căn bản trước đó, cũng trong 5 ngày.

* Phục vụ trong các trường học, để qua lời cầu nguyện của các em học sinh, sẽ hỗ trợ cho việc tĩnh tâm cũng như cho đời sống các Cộng đoàn Bác ái trên thế giới.

Hoạt động chính

Phục vụ những người đến tĩnh tâm để giúp họ gặp được Chúa và được Chúa Thánh Thần đổi mới. Vì vậy, mỗi nhà phải có Linh phụ để giúp tĩnh tâm và các thành viên để đón tiếp và cầu nguyện cho người tĩnh tâm.

Điều kiện tuyển chọn

Trình độ văn hoá: 12/12

Mọi giáo hữu có thiện chí, quân bình, trưởng thành nhân bản và Kitô giáo.

Trụ sở Trung ương

26330 Châteauneuf de Galaure (Drôme) – France

B.P.11.85, rue Geoffroy de Moirans.

Đt: (33) 04 75687900; Fax: (33) 04 75686691

Web site: www.foyer-Châteauneuf.com

Email: [email protected]

Số cộng đoàn, cơ sở

Trên thế giới hiện có 77 Trung tâm Bác ái.

Ở Việt Nam: Hiện nay có 3 cộng đoàn:

– Cộng đoàn Bác ái Bình Triệu (GP. TP.HCM).

– Cộng đoàn Bác ái Cao Thái (GP. TP.HCM).

– Cộng đoàn Bác ái Phú Dòng (GP. Xuân Lộc).

2.15. CARITAS VIỆT NAM

Nhận thức

Từ Caritas, nguyên ngữ Latinh, (Anh ngữ: Charity), có nghĩa là bác ái, yêu thương cách quảng đại, hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu, là một đòi buộc của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội.

Chính trong tinh thần trách nhiệm ấy mà tổ chức Caritas của Giáo Hội đã năng nổ hoạt động dựa trên những đòi hỏi của Tin Mừng, để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và huynh đệ, trong đó, người nghèo, người bị bỏ rơi, thấy được một viễn ảnh tươi sáng xứng với nhân phẩm của mình.

Caritas đặt nền tảng trên Thánh Kinh và thần học sau đây: Thiên Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương và giàu lòng lân tuất: suối nguồn Caritas. Đức Kitô và sứ điệp của Ngài: một đòi buộc và niềm cổ vũ cho Caritas. Chúa Thánh Thần, Thần Khí ban sự sống, chữa lành và cứu thoát: nhựa sống của Caritas. Giáo Hội: cộng đoàn phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, yếu kém về thể xác và tinh thần.

Lịch sử

Giáo Hội khuyến khích thành lập tổ chức Caritas trong các nước ở các châu lục. Ở châu Âu, có nhiều nước đã lập nên Caritas quốc gia như Caritas Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, nước nào có những hội đoàn hoạt động về bác ái, xã hội rồi thì không cần lập thêm Caritas, như nước Pháp đã có: Hội Truyền bá Phúc Âm, Hội Thánh Hài Đồng, Secours Catholique…; ở Đức có tổ chức Missio, Adveniat…; ở Hoa Kỳ có Viện trợ Công giáo (CRS: Catholic Relief Service). Tại Rôma, Toà Thánh thành lập cơ quan điều khiển và phối hợp chung: Caritas Internationalis (Caritas Quốc tế). Caritas Quốc tế được thành lập năm 1951 với 146 tổ chức thành viên cấp quốc gia. Trụ sở đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Rome, Italy.

Caritas Việt Nam (CVN)

Đầu năm 1965, HĐGM miền Nam Việt Nam chỉ định Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, đặc trách CVN. Ngài bổ nhiệm linh mục G.B. Hồ Văn Vui làm Giám đốc.

Caritas các giáo phận

Năm 1966, Linh mục Giám đốc nhờ Đức cha Đặc trách giới thiệu với các giám mục địa phận. Trong thời gian ngắn, các địa phận ở miền Nam thành lập xong tổ chức Caritas và gửi danh sách về CVN. Tên của giáo phận đặt sau tên Caritas để gọi, thí dụ: Caritas Huế, Caritas Sài Gòn…

Mỗi Caritas đều có văn phòng hoạt động theo chương trình chung của CVN đề ra là lo việc cứu trợ các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, người nghèo khổ… Phương tiện hoạt động trước tiên nhờ Toà Thánh giúp đỡ và các nguồn viện trợ đến từ Pháp, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ… Nhờ đó mạng lưới Caritas khắp nơi hoạt động liên tục, đều đặn…

Năm 1968, Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền đặc trách CVN thay thế Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi mãn nhiệm. Ngài tiếp tục nâng đỡ CVN, nhất là nhắm đến các kế hoạch phát triển lâu dài, như mở rộng các thí điểm truyền giáo.

Cùng trong năm 1968, Toà TGM Sài Gòn đứng tên, thế cho CVN, mua 2 căn nhà số 1 đường Trần Hoàng Quân, Quận 5, gần khu chợ An Đông, để làm trụ sở chính thức. Tại trụ sở này, Ban Chấp hành họp hàng tuần, Ban Nghiên cứu làm việc bán thời gian và có Văn phòng Thư ký thường trực.

Năm 1969, vì nhu cầu chuyên môn đòi hỏi trong các hoạt động xã hội, nên CVN cộng tác với trường Cán sự Xã hội của Tu đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, mở 2 khoá đào tạo cán bộ sơ cấp 6 tháng và Caritas địa phận gửi người đến học tập. Sau khi học xong, các cán sự xã hội về làm việc hoặc trong các Văn phòng, các Trung tâm Caritas, hoặc mở phòng phát thuốc, nhà dạy trẻ em nghèo, nhà dạy cắt may.

Năm 1972, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được chỉ định đặc trách CVN. Ngài bắt tay mở rộng hoạt động bác ái, xã hội bằng việc thành lập một cơ quan điều hợp các tổ chức lẻ tẻ lại, gọi là Hội Hợp tác để Xây dựng lại Việt Nam gọi tắt là COREV (Cooperation pour la Réédification du Vietnam). Hội này gồm các thành viên: CVN, Hội Hồng Thập Tự VN, Tổng Liên đoàn Lao Công VN, CRS Hoa Kỳ… Hội mới này được Đức cha Henri Lemaỵtre, Khâm sứ Toà Thánh, chúc lành và yểm trợ đắc lực. Hội xây dựng được nhiều làng định cư mới, nhiều trung tâm xã hội trong các làng di dân.

Đầu tháng 7/1974, Caritas VN mở kỳ Đại hội Thường niên. Trong kỳ họp này, linh mục Phêrô Trương Trãi, Gp. Nha Trang, được cử làm giám đốc, bắt đầu giai đoạn mới của CVN.

Đến tháng 6/1976, CVN được lệnh tạm ngưng hoạt động và giao cơ sở cho Uỷ ban Quân quản TP. HCM, cùng với các cơ quan bác ái, xã hội, y tế, giáo dục của GHVN.

Trong kỳ họp Hội nghị Thường niên tháng 10/2000, HĐGMVN đã quyết định thành lập Uỷ ban Giám mục về Bác ái Xã hội. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội đã xin lập lại CVN. Nhờ những hoạt động tích cực cho những người nghèo khổ, bệnh tật, những nạn nhân của thiên tai như bão lụt, dịch bệnh, nghiện ngập, CVN được Nhà nước cho phép hoạt động trở lại qua quyết định số 941/TGCP-CP, ngày 2/7/2008 với tư cách pháp nhân chính thức và Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn là vị giám đốc đầu tiên cho giai đoạn mới này. Trong vòng 2 năm, tất cả 26 giáo phận của GHCGVN đã lập được Văn phòng Caritas giáo phận với nhiều hoạt động hiệu quả để giúp đỡ người nghèo trong đất nước. CVN không chỉ là một tổ chức bác ái xã hội nhưng còn là một đoàn thể CGTH để giúp người tín hữu sống tình bác ái của Chúa Kitô và loan báo Phúc Âm cứu độ cho mọi người.

Tôn chỉ và mục đích

– Bảo vệ nhân phẩm: Phẩm giá con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26) và luôn quy hướng về Đấng Tạo Hoá. Mọi tương quan  giữa con người phải được xây dựng trên nền tảng chính yếu đó.

– Cổ vũ tình liên đới: Con người chỉ có thể sống và phát triển trong các mối tương quan gia đình, nghề nghiệp, xóm làng, xã hội và trong sự giao lưu với các nền văn hoá và tôn giáo khác. Caritas nhìn nhận và tôn trọng sự dị biệt phong phú này và khao khát hoạt động cho tình liên đới của mọi người trong xã hội.

– Caritas dấn thân hoạt động để tạo điều kiện xây dựng đời sống công bình, huynh đệ, tôn trọng mọi quyền lợi căn bản của con người, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống.

Tổ chức

Tổ chức Caritas ra đời nhằm phối hợp cách hữu hiệu những hoạt động của các tín hữu Công giáo và mọi người thiện chí để thực hiện các mục đích nêu trên. Caritas là một hiệp hội từ thiện công khai, gồm trung ương điều hành, các tổ chức thành viên giáo phận và Caritas giáo xứ. Thành viên gồm các cá nhân, cơ quan, đoàn thể, hiệp hội. Bổn phận và trách nhiệm giữa trung ương, các thành viên và Caritas địa phương được quy định bởi nguyên tắc bổ trợ. Caritas khuyến khích sự dấn thân tự nguyện trong các giáo xứ, hiệp hội, đoàn thể và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cộng tác giữa những người thiện nguyện và những người chuyên môn, có nghiệp vụ.

Hoạt động

– Caritas hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.

– Caritas hoạt động theo nhu cầu. Caritas là một tổ chức từ thiện tư đảm nhận các công tác xã hội. Caritas cứu trợ những người gặp hoàn cảnh khốn cùng, nghèo khổ, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.

– Caritas là một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Việc quản trị phải chặt chẽ, trong sáng và được công khai hoá. Chú ý đến tính hiệu năng, kinh tế và lợi nhuận.

– Caritas dựa trên sự cộng tác: Caritas tôn trọng sự dấn thân khác nhau và độc lập của các giáo xứ, hiệp hội, cá nhân và các đoàn thể tương trợ. Caritas Việt Nam luôn sát cánh với các cơ quan từ thiện khác, tư cũng như công và liên hệ trực tiếp với Caritas Quốc tế để trợ giúp người nghèo trên toàn thế giới và cộng tác với các chương trình cứu tế khác của Giáo Hội.

 

2.16. GIA ĐÌNH KHÔI BÌNH  VIỆT NAM

Linh đạo

Linh đạo Khôi Bình do Chân phước Linh mục Ađôn Khôi Bình (Adolph Kolping, 1813-1865, người Đức) sáng lập năm 1846, nhằm giúp các tín hữu giáo dân nên thánh bằng cách thể hiện gương mặt cụ thể của Chúa Giêsu giữa xã hội. Thể hiện bằng con đường “THĂNG TIẾN XÃ HỘI” theo Tin Mừng. Thăng tiến xã hội là làm cho xã hội này từng giây từng phút (hic et nunc) tốt đẹp hơn về ba phương diện: tâm linh, tinh thần, vật chất. Thăng tiến xã hội về chiều kích tâm linh là làm sao ngày càng có nhiều người tin yêu Chúa hơn. Về chiều kích tinh thần là làm sao trau dồi những đức tính căn bản như lòng yêu thương, sự vị tha, tính trung thực, sự quảng đại… Về chiều kích vật chất là làm sao tạo điều kiện tiện nghi hơn cho con người sống đúng với phẩm giá của mình. Việc thăng tiến xã hội là chuyện đội đá vá trời, mênh mông vô tận. Tuy nhiên, ta chỉ cần thực hiện ba đặc tính sau đây là mặc nhiên ta đang thực hiện việc thăng tiến xã hội:

Tính tại thế:

Người tín hữu sống đức tin giữa môi trường xã hội cụ thể, giữa đời thường với gánh nặng cơm áo gạo tiền và lao động nghề nghiệp. Cần chu toàn nhiệm vụ của một người ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, học sinh,…

Tính gia đình:

Mọi thành viên Khôi Bình trong giáo xứ liên hệ, đoàn kết hiệp thông giúp đỡ lẫn nhau, xem nhau như anh chị em trong cùng một gia đình. Đó là gia đình Khôi Bình.

Tính Giáo Hội

Mọi thành viên Khôi Bình phải có lập trường giáo hội công giáo vững chắc. Yêu mến và trung thành với giáo hội như với mẹ thân yêu của mình.

Linh đạo Khôi Bình được đặt trên ba chân đế vững chắc: Sứ điệp của Chúa Kitô, Giáo huấn về xã hội của GHCG, tư tưởng của cha Thánh Khôi Bình. Linh đạo được thực hành theo kim chỉ nam “Giúp người để người tự giúp”, nghĩa là giúp cần câu hơn là giúp cá. Chìa khoá thành công là “muốn thăng tiến xã hội, trước tiên phải thăng tiến chính mình”.

 

Lịch sử và phát triển Khôi Bình Việt Nam

Đấng sáng lập

Linh mục Robert Henrich, Đồng Hành Khôi Bình tổng giáo phận Freiburg, đã gieo hạt giống Khôi Bình đầu tiên tại giáo xứ Thanh Đa, TGP. TP.HCM vào năm 1990. Cha xứ Đaminh Nguyễn Đình Tân đã tích cực hưởng ứng và lập nhóm Bác Ái. Nhờ ơn Chúa, hạt giống này đã sinh hoa kết quả trĩu nặng gồm 20 giáo phận từ Nam chí Bắc với gần 7.000 thành viên. Ngày 25/11/2002, HĐGMVN đã chính thức công nhận Khôi Bình là một đoàn thể CGTH. Ngày 12/11/2007, Ban Tôn giáo Chính phủ chuẩn thuận cho Khôi Bình được phép hoạt động. Ngày 07/12/2010, Bộ Công An đã cấp dấu mộc tròn cho Khôi Bình. Ngày 27/11/2009, Ban Tôn Giáo Tp.HCM đã chấp thuận Trung tâm Khôi Bình Việt Nam đi vào hoạt động. Hiện nay, gia đình Khôi Bình giáo xứ gặp nhau mỗi tuần một lần để chia sẻ Lời và Bánh.

 

Ban Quản Gia (ban Điều Hành)

Ban Quản gia gồm 1 linh mục đồng hành và 1 Gia trưởng.

– Năm 1998: Lm. Phi Khanh Vương Đình Khởi và anh Phaolô Hoàng Gia Khánh.

– Năm 1999: Lm. Boscô Nguyễn Văn Đình và anh Gioan Nguyễn Chính Kết.

– Năm 2003-2012: Lm. Giuse Trương Vĩnh Phúc và anh Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa

Ban quản gia hiện nay: Lm. Đaminh Nguyễn Đình Tân, Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa (Gia trưởng), Phó gia trưởng Đamianô Đinh Ngọc Thiệu (phó gia trưởng), Giuse Nguyễn Quang Vinh (Quản lý), Thư ký Maria Phạm Thị Thuý Lan (Thư ký), Anrê Trần Thành Tâm (uỷ viên đặc trách giới trẻ).

Địa chỉ liên lạc:

Trung Tâm Khôi Bình Việt Nam

số 9-9A, đường An Phú Đông 12, KP 5, P. An Phú Đông, Q. 12, Tp.HCM.

ĐT. 8 3719 8391. Email: [email protected]

Website: www.khoibinhvietnam.com. Facebook: www.facebook.com/khoibinhvietnam

 

 

2.17. GIA ĐÌNH CÙNG THEO CHÚA

Nguồn gốc

Gia đình Cùng Theo Chúa là:

– Một hiệp hội tông đồ giáo dân, phục vụ việc loan báo Tin Mừng cho các gia đình Kitô hữu, nhằm canh tân đời sống theo Lời Chúa, trong Chúa Thánh Thần, qua đó góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội.

– Một phong trào Giáo Hội mới, được khai sinh tại Philippines năm 1981, và đã được Toà Thánh chính thức chuẩn nhận ngày 25/4/2005.

– Gia Đình Cùng Theo Chúa (GĐ.CTC) tại Việt Nam được Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình chúc lành và cho phép hiện diện tại TGP. TP.HCM vào năm 1993, qua sự giới thiệu của linh mục Tổng Đại diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh.

Sau 20 năm, GĐ.CTC đã được gần 2.000 thành viên, phục vụ trong 10 giáo phận. Theo dòng thời gian đó là: TGP TP.HCM (1993), TGP. Hà Nội (1996), Nha Trang (1996 – nhưng hiện nay tạm ngưng), Kontum và Phú Cường (1998), TGP Huế (2002), Quy Nhơn (2003), Phát Diệm (2008), Hưng Hoá (2009), Bùi Chu (2013), Cần Thơ (2013).

GĐCTC tại Việt Nam là thành viên thứ 12 của Đại Gia Đình COUPLES FOR CHRIST-FOUNDATION FOR FAMILY AND LIFE, do Anh Frank Padilla sáng lập tại Philippines năm 1981, và đã được Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân chuẩn nhận năm 2005. Hiện nay anh Frank Padilla là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, Nhiệm kỳ 2.

Mục đích và phương hướng

Canh tân cá nhân; canh tân gia đình; canh tân Giáo Hội và canh tân xã hội.

Một trong những mục tiêu cơ bản của GĐ.CTC là góp phần nâng cao đời sống của Giáo Hội, cách riêng trong giáo xứ, trợ giúp cho linh mục quản xứ và phục vụ cộng đoàn.

GĐ.CTC là GIA ĐÌNH của các Gia đình, qui tụ mọi người trong gia đình, từ lòng mẹ tới lòng đất trong một cộng đoàn toàn cầu.

Là một hiệp hội giáo dân phục vụ các gia đình, GĐ.CTC không chỉ chăm sóc cho các đôi vợ chồng, nhưng còn quan tâm đến mọi thành phần khác của gia đình trong mọi lứa tuổi và hoàn cảnh.

Cho nên, bên cạnh những đôi vợ chồng đều là thành viên của cộng đoàn, còn có các nhánh gia đình, bao gồm:

– các Nữ TỳTôi Tớ Cùng Theo Chúa, là những anh chị đã lập gia đình nhưng vì nhiều lý do khác nhau chỉ có thể đi một mình (hoặc là goá bụa, một người đi làm xa hay chưa muốn cùng đi…)  hoặc không lập gia đình và trên 40 tuổi.

– các Nhánh Trẻ là Thiếu Nhi Cùng Theo Chúa, Thiếu Niên Cùng Theo Chúa, Độc Thân Cùng Theo Chúa (chưa kết hôn và dưới 40 tuổi).

Gia đình Cùng Theo Chúa mang những nét đặc trưng sau đây:

1) Nuôi dưỡng sự canh tân thiêng liêng ở chiều sâu, bao gồm việc hoán cải bản thân, phát triển mối tương giao mật thiết với Chúa Giêsu và sống trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

2) Hướng đến các cặp vợ chồng, cách riêng những người đang vươn lên trong đời sống Kitô hữu.

3) Liên tục cung cấp sự nâng đỡ và đào luyện cho các thành viên, ý thức rằng các chương trình huấn luyện tựa như những hạt giống và cần một quá trình lâu dài, gian khổ để lớn lên.

4) Tập trung vào công việc loan báo Tin Mừng để đáp ứng lời Giáo Hội mời gọi giáo dân tích cực tham gia xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất và phát triển con người toàn diện.

Chúng tôi làm gì? Ở đâu?

Trước hết, chúng tôi sinh hoạt tại gia đình

Các gia đình luân phiên họp tại nhà nhau, thờ phượng Chúa, học hỏi Lời Chúa và chia sẻ đời sống. Mục đích là giúp nhau lớn lên trong đức tin và đức mến, không chỉ đối với Thiên Chúa mà còn đối với anh chị em của mình, nhằm củng cố các gia đình là Giáo hội tại gia.

+ Các gia đình trong giáo xứ được quy tụ thành từng Nhóm Gia đình, gồm từ 4 đến 7 cặp vợ chồng hay thành viên, gặp nhau hai tuần một lần tại nhà.

+ Mỗi Nhóm được một cặp vợ chồng phục vụ như Người Dẫn Đường (“Leader“) chăm sóc, để cùng nhau (1) thờ phượng Chúa với lời ca, Lời Chúa và lời nguyện; (2) chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp Lectio Divina hay chia sẻ đời sống; (3) thân hữu, nghĩa là ngồi lại với nhau quanh chút bánh nước, trao đổi tin tức, công việc của nhau để hiểu biết nhau hơn. Chúng tôi không có rượu bia trong các buổi họp của Nhóm Gia đình.

+ Vào tuần lễ đầu tiên và thứ ba trong tháng, Nhóm Gia đình sinh hoạt chung với các Nhóm khác trong và ngoài giáo xứ để tham gia một sinh hoạt chung được gọi là Cộng đoàn thờ phượng và học hỏi Giáo lý Hội Thánh Công giáo.

Sau đó, chúng tôi sinh hoạt tại giáo xứ,

·      để tham gia phụng vụ Thánh lễ, chầu Thánh Thể và các sinh hoạt chung như một thành viên tích cực của giáo xứ.

·      tuỳ khả năng, chúng tôi phục vụ giáo xứ trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng ưu tiên trong mục vụ gia đình.

Chúng tôi sinh hoạt trong Cộng đoàn

+ Hàng tháng có Cộng đoàn Thờ Phượng và Học hỏi Giáo lý Hội Thánh Công giáo

+ Cộng đoàn huấn luyện thành viên dự bị và bồi dưỡng thành viên chính thức, đào tạo các Người Phục Vụ-Dẫn Đường (các huynh trưởng).

+ Hàng năm có Ngày Gia Đình (dịp Tết), Ngày Chủ Đề trong từng giáo phận, Ngày Sinh Nhật Cộng đoàn tại địa phương và cho cả nước như một cuộc hành hương Đức Mẹ La Vang sau lễ Mẹ Lên Trời.

Liên hệ mục vụ

* Văn phòng mục vụ của GĐ.CTC

Tổng Phục vụ CTC Quốc tế: Anh Frank Padilla

Phục Vụ CTC Việt Nam: Anh Gioan Phêrô Tạ Đình Vui

Linh Mục Đồng Hành CTC Việt Nam: Lm Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh

website: www.giadinhctcvn.org. Email: [email protected]

 

2.18. GIA ĐÌNH CHÚA (GĐC)

Nguồn gốc

– Từ bản chất tình yêu Chúa Ba Ngôi.

– Từ gương mẫu Gia đình Thánh Gia.

– Từ Lời Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

– Từ lời mời gọi của Giáo Hội: “Thiên Chúa là Cha chung muốn mọi người phải làm nên một gia đình và sống với nhau như anh em” (HCMV-HTTG 24).

– Dưới sự soi dẫn của Thánh Thần, một số Kitô hữu giáo dân Việt Nam, đã liên kết với nhau thành một Cộng đoàn GĐC. Sống với nhau theo gương cộng đoàn tiên khởi (Cv 2,42-46), sinh hoạt trước năm 1975.

Danh hiệu: Cộng đoàn Gia đình Chúa (còn gọi là Gia đình Thiêng Liêng).

Những người sáng lập: Một nhóm anh em giáo dân và anh Vinh Sơn Bùi Văn Minh (…) (xuất thân từ Tu hội Nagia).

Tôn chỉ: “Nên thánh qua ơn gọi gia đình”.

Mục đích: Liên kết các gia đình Kitô hữu thành những nhóm nhỏ, sống tình Gia đình Chúa. Theo gương Cộng đoàn Tiên khởi (x. Cv 2,42-46) để thánh hoá bản thân và canh tân gia đình.

Linh đạo: “Sống và giúp người khác sống với Chúa là Cha, với nhau và với mọi người là anh chị em, con Cha trên trời. Theo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô”.

Nền tảng:

– Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

– CĐ. Vaticanô II.

– Giáo huấn của Giáo Hội (Tông huấn Kitô hữu giáo dân, Tông huấn Gia đình của ĐGH Gioan Phaolô II).

– Khuôn mẫu Thánh gia Nazareth.

Hoạt động và công tác chính

Hoạt động:

– Mỗi tuần hoặc hai tuần, các nhóm nhỏ GĐC họp nhau lại để chia sẻ Lời Chúa và đời sống ơn phúc của mỗi thành viên. Hiệp thông ca ngợi chúc tụng ơn Chúa, giúp nhau sống Lời Chúa một cách triệt để hơn, nhất là thể hiện đức ái với nhau và với mọi người.

– Tổ chức tĩnh tâm cho các cặp vợ chồng, cho các giới: người cha, người mẹ, con cái…

– Tổ chức các lớp trau dồi nhân bản, nâng cao về giáo lý, học hỏi sâu Lời Chúa, cho các liên nhóm, theo vùng hay theo từng miền tuỳ theo nhu cầu từng địa phương.

– Tổ chức các khoá huấn luyện dành cho anh chị em có thiện chí phục vụ và truyền giáo theo phương cách linh đạo GĐC.

Công tác chính:

– Xây dựng và phát triển Cộng đoàn GĐC trên các giáo phận, liên kết từ 10-12 hộ gia đình Kitô hữu (cặp vợ chồng) thành một GĐC cơ bản.

– Con cháu của các anh chị em trong GĐC cũng được kết thành các GĐC trẻ.

– Những người có hoàn cảnh riêng cũng được liên kết, sống thành nhóm nhỏ như những GĐC, tự vươn lên và giúp nhau sống tâm tình con cái cùng một Cha.

– Cộng tác với Ban Mục vụ Gia Đình các giáo phận, giáo xứ giúp thăng tiến Hôn nhân Gia đình.

Các hoạt động khác:

– Tư vấn Hôn nhân Gia đình.

– Cộng tác với các giáo xứ tổ chức lớp giáo lý Hôn nhân và Dự tòng.

Địa chỉ liên lạc:

Anh Ngô Văn Hiền

số 1 Văn Cao, Phú Thạnh, Tân Phú, Tp.HCM.

Đt: 8 38612719 – 0903 751024.

Trụ sở chính tại Việt Nam:

Tu hội Gia đình Nagia:

Số 4B, Gx. Khiết Tâm, Thủ Đức, Tp.HCM

Đt: 08 38963117.

Linh mục linh hướng: G.B. Hoàng Văn Minh (Bề trên Tu hội Gia đình Nagia).

 

 

2.19. HIỆP HỘI BÁC ÁI QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM (AICVN)

Nguồn gốc: Hiệp hội Bác ái Quốc tế tại Việt Nam, đã được chính Thánh Vinh Sơn khởi xướng tại Giáo xứ Châtillon nước Pháp năm 1617, để cứu giúp những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần trong giáo xứ. Ngày 08/12/1617 Thánh Vinh Sơn chính thức thành lập Hiệp hội Bác ái và đặt dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. ĐGH Piô IX đã ban phép lành cho Hiệp Hội qua bản Tông thư ký ngày 16/7/1850.

Hiệp Hội này đã được Giáo Hội công nhận và các thành viên hoạt động theo bản luật mà Thánh Vinh Sơn đã soạn thảo và được Đức Tổng Giám mục Lyon phê chuẩn. Hiệp Hội nhanh chóng phát triển trên nước Pháp và lan qua các nước khác. Đến nay đã hiện diện trên 53 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á với tổng số trên 150.000 thành viên.

Tại Việt Nam: Năm 1996 Hiệp Hội Bác Ái được dì Tư Béatrice Nguyễn thị Mỹ và các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Tỉnh dòng Việt Nam thành lập và có tên là Hiệp hội Bác ái Vinh Sơn. Hiện nay đổi tên là Hiệp hội Bác ái Quốc tế tại Việt Nam.

Hiện nay Hội có 65 nhóm, rải rác trên toàn quốc với số thành viên 1.124 người.

Các bà Bác ái Miền Thành phố hiện nay gồm có 9 nhóm với 115 thành viên.

Trụ sở đặt tại 42 Tú Xương, P.7, Q.3, Tp.HCM.

2. Đặc tính:

Ngay từ đầu, khi Thánh Vinh Sơn mới thành lập Hiệp Hội này, ngài đã vạch ra một đường hướng cụ thể cho Hội, và xác nhận đây là những phụ nữ giáo dân làm việc từ thiện giữa đời, chính vì thế mà trải qua các thời đại, Hiệp Hội vẫn duy trì những tính chất riêng và coi đây như một đặc thù.

Được Giáo Hội nhìn nhận: Thuộc về Giáo Hội. Các thành viên qua việc phục vụ, làm chứng cho đức tin và lòng yêu mến đối với Giáo Hội.

Công việc của phụ nữ: Thánh Vinh Sơn muốn trao công việc này cho phụ nữ.

Hiệp Hội có tổ chức: Để hoạt động cho có hiệu quả và bền vững, Hiệp Hội tổ chức theo từng cấp, cấp Địa Phương, cấp Quốc Gia và cấp Quốc Tế.

Là một hoạt động xã hội: Quan tâm đến mọi hoàn cảnh trong xã hội, mọi người, mọi lứa tuổi, hợp tác với các cơ quan chức năng và các Hiệp Hội khác.

Nâng cao nhân phẩm: Đáp ứng mối quan tâm của Giáo Hội về vấn đề phát triển toàn diện  con người. Khám phá nội lực cá nhân, khôi phục lại niềm tin.

Hoạt động theo nhóm: Hoạt động theo cơ cấu cộng đoàn, phát huy tài năng, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ và chia sẻ trách nhiệm theo tinh thần đoàn kết.

Mục đích: Tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là cội nguồn và mẫu gương bác ái, cùng hợp tác để phục vụ người bất hạnh về tinh thần và thể xác.

Tinh thần: Thực hành ba nhân đức Khiêm nhường, Đơn sơ và Bác ái khi phục vụ người nghèo như Thánh Vinh Sơn đã dạy.

3. Đường Hướng Chung và Các Sinh Hoạt Nhóm

Nhiệm vụ của các thành viên Bác Ái:

1. Thăm viếng người nghèo, hỗ trợ vật chất và mọi hình thức giúp đỡ khác trong hoàn cảnh khác nhau…

2. Quan tâm đến đời sống đạo của họ, việc dạy giáo lý, lãnh nhận các Bí Tích và  tình đoàn kết giữa các xóm làng.

Phục vụ giáo xứ: Quan tâm phục vụ người nghèo trong giáo xứ. Hợp tác với các cộng đoàn trong giáo xứ để thể hiện việc làm hữu ích.

Sinh hoạt nhóm: Các thành viên họp hàng tháng. Chia sẻ Tin Mừng, học hỏi về Thánh Vinh Sơn. Phát huy vai trò phụ nữ cũng như giúp nâng cao hiểu biết cho người phụ nữ.

Sinh hoạt khác: Mở các khoá tập huấn, giúp các thành viên các nhóm được thăng tiến, tự tin, làm quen với chương trình học hỏi Tin Mừng, Linh đạo của Thánh Vinh Sơn, hầu có tinh thần phục vụ người nghèo tốt hơn.

Điều kiện gia nhập hội:

– Là người nữ trưởng thành.

– Có lòng yêu thương người nghèo.

Cha linh hướng: Phêrô Trần Quốc Hưng Long (Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn).

Nữ tu cố vấn tâm linh: Béatrice Nguyễn Thị Mỹ (Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn).

 

2.20. HIỆP HỘI MẾN THÁNH GIÁ TẠI THẾ

 

(HIỆP HỘI NAM NỮ TÍN HỮU MẾN THÁNH GIÁ ĐỨC GIÊSU KITÔ, CHÚA CHÚNG TA)

 

Lược sử:

Ngay khi mới khởi sự công việc truyền giáo tại Viễn Đông, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Đàng Trong, đã mời gọi mọi người, nam cũng như nữ, giáo dân, tu sĩ, và giáo sĩ cộng tác với ngài trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhất là cho lương dân và các tín hữu sống xa lìa Chúa (x. Bts II-III)

Sau khi lập Hội Tông đồ tại Ayutthaya, Thái Lan năm 1664 và trước khi lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài, Việt Nam năm 1670, Đức Cha Pierre Lambert đã khai sinh Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế ở Ayutthaya, gồm những nam nữ tín hữu sống linh đạo Mến Thánh Giá giữa đời để góp phần Phúc Âm hoá thế giới. Ngài soạn thảo một bản quy luật, xác định mục đích, điều kiện và sinh hoạt của các thành viên. Năm 1678, Hiệp hội này đã được Toà Thánh nhìn nhận và chúc lành.

Cũng như dòng nữ Mến Thánh Giá, Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế (MTG/TT) được thông dự vào Linh đạo và Đặc sủng của Đấng Sáng Lập (x. GL 303).

Bổn mạng: lễ kính Thánh Giuse (19/3)

Tước hiệu: lễ Suy tôn Thánh giá (14/9)

Linh đạo: Hướng trọn lòng trí và cuộc sống vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và mầu nhiệm Thập giá cứu độ của Người bằng một tình yêu phi thường.

Châm ngôn: “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”.

Mục đích: Thánh hoá bản thân, gia đình và thế giới.

Hoạt động chính: là những tông đồ tích cực cộng tác với hàng giáo sĩ và dòng nữ Mến Thánh Giá để xây dựng nhiệm thể Đức Kitô tại địa phương, dưới sự hướng dẫn của vị chủ chăn giáo phận.

Nhân sự: hiện nay có 10.042 hội viên thuộc 12 Hội dòng Mến Thánh Giá trong 10 giáo phận.

 

2.21. CA ĐOÀN CÔNG GIÁO

GHCGVN hiện nay (2015) có 2.867 giáo xứ. Mỗi giáo xứ đều có ít nhất là 1 ca đoàn, giáo xứ lớn có 4-5 ca đoàn và mỗi ca đoàn chịu trách nhiệm ca hát cho một thánh lễ trong giáo xứ. Ngoài ra còn có những ca đoàn không thuộc một giáo xứ nào vì gồm nhiều thành viên ở các nơi khác nhau, và đi hát giúp cho các xứ đạo khác nhau. Mỗi ca đoàn trung bình có khoảng 20 ca viên. Ca đoàn đầy đủ 4 bè (Soprano, Alto, Tenore, Basso) có khoảng 30-50 ca viên. Có đoàn lớn đến 50-70 thành viên. Nói như thế để chúng ta có thể hình dung ra số lượng người tham dự ca đoàn trong cả nước có thể lên tới cả 100.000 người. Số lượng đó đáng cho những người có trách nhiệm trong Giáo Hội quan tâm và có những hướng dẫn thích hợp cho các hoạt động PAH.

Định nghĩa

Ca đoàn là một tập thể các tín hữu, nhờ vào khả năng chuyên môn của họ về âm nhạc, được tuyển chọn giữa cộng đồng Dân Chúa để thi hành thừa tác vụ ca hát trong các nghi lễ Phụng vụ.

Vai trò

Là những người cử hành Phụng vụ cùng với linh mục và các thừa tác viên khác, ca đoàn đóng một vai trò nồng cốt là làm thế nào để lời ca tiếng hát của mình tăng thêm sự tưng bừng và linh động mà không làm mất đi vẻ tôn nghiêm, trang trọng và đạo đức của các nghi lễ Phụng vụ. Vai trò ca hát này đã được Thánh bộ Nghi lễ đề cao: “Lễ nghi Phụng vụ sẽ mang hình thức cao quý hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, khi mỗi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự. Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thuý hơn; mầu nhiệm Phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng ca, và tinh thần của con người cũng dễ dàng được nâng cao hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình” (x. Thánh bộ Nghi lễ, Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, ban hành ngày 5/3/1967, số 5).

Ở số 16, Thánh bộ Nghi lễ còn xác nhận thêm: “Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành Phụng vụ mà toàn thể cộng đồng biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát”.

Nhiệm Vụ

Để có thể sắm đúng vai trò nồng cốt trên đây, Ca đoàn phải chu toàn ba nhiệm vụ Phụng vụ chính của mình, đó là hát đúng những phần dành riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, hát thay cho cộng đoàn khi họ chưa được tập luyện đủ và giúp cho cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát.

Quan niệm sai lầm

Tuy nhiên nhiều thành viên ca đoàn  vẫn nghĩ rằng tham dự ca đoàn là để ca hát theo ý thích và khả năng của mình, chứ không phải là để cùng sinh hoạt trong 1 tập thể và  để cùng giúp nhau trong đời sống đạo đức cũng như xã hội.

Hơn nữa có người còn lầm tưởng rằng ca đoàn chỉ để phục vụ nghệ thuật thánh nên thích chọn hát những bài hát mới lạ, có phối âm hay, trình diễn đẹp, dùng những nhạc cụ hoặc chơi những tiết điệu theo ý thích của mình mà không chú ý đến cộng đồng dân Chúa mới đóng vai trò chính trong phụng vụ.

Cuối cùng rất nhiều thành viên ca đoàn cho rằng mình không phải thuộc hội đoàn CGTH nào nên không quan tâm đến việc truyền giáo hay PAH.

Giáo Hội nhắc nhở

Bản chất Giáo Hội là truyền giáo nên mọi hoạt động của Hội Thánh trong trần thế đều hướng về mục đích PAH và diễn tả bản chất này (x. CĐ. Vaticanô II, Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes, và Sắc lệnh Tông đồ giáo dân Apostolicam actuositatem).

Trong bài diễn từ nhân dịp Đại Hội lần thứ 10 của các Ca đoàn Hát Thánh ca trong Nhà thờ, ngày 6/4/1970, ĐGH Phaolô VI còn xác quyết thêm rằng vai trò của các Ca đoàn thực sự rất hữu ích và bất khả thay thế, không chỉ trong lĩnh vực ca hát mà còn trong lĩnh vực sinh hoạt cộng đoàn: “Ở cấp bậc nào, người ta cũng cần đến sự hiện diện của các bạn. Khả năng, óc nhận xét, thiện chí của các bạn lúc nào cũng có thể giúp ích cho nhà thờ hay cho họ đạo của các bạn, ngay cả những khi các bạn không họp nhau lại để ca hát hay trình tấu. Nhiệm vụ của các bạn vẫn quý giá và bất khả thay thế… Các bạn hãy vui vẻ, phấn khởi, ân cần và nhiệt tâm chu toàn sứ mệnh này!”

“Hội Thánh quý trọng và sẽ không ngừng tuyên dương và vui sướng nhìn nhận sự hỗ trợ lớn lao của họ (Ca đoàn) mang lại, giúp cho công việc Tông đồ của Hội Thánh được hữu hiệu… Khi họ chu toàn đầy đủ phận sự Phụng vụ của họ, họ không những chỉ đem lại vẻ mỹ quan hơn cho tác động thánh và gương mẫu tuyệt hảo cho tín hữu mà thôi, nhưng họ còn đem về cho chính họ một lợi ích thiêng liêng đích thực” (x. Đỗ Vi Hạ, Ca đoàn, một nhân tố sống động của cộng đồng Dân Chúa, 2001).

Giáo Hội mời gọi

Để có thể chu toàn thừa tác vụ Phụng vụ một cách hiệu quả, Ca đoàn trước hết phải là những con người đạo đức, có đức tin và biết sống xứng đáng niềm tin của mình. Đây là điều kiện tiên quyết, bởi vì nếu là những người không có đức tin, làm sao họ có thể hiểu thấu để rồi diễn tả lời kinh Phụng vụ được.

Các thành viên của Ca đoàn cũng cần phải có đời sống cầu nguyện, để những lời ca tiếng hát họ cất lên trong tâm tình cầu nguyện sẽ có giá trị và giúp cộng đoàn cùng cầu nguyện với họ. Mặc dù khi thi hành thừa tác vụ Phụng vụ, Ca đoàn chỉ phục vụ nhưng không (không nhận thù lao), họ vẫn phải luôn ý thức về ý nghĩa cao cả của sự hy sinh dấn thân này để làm việc hăng say hơn trong tinh thần đạo đức sốt sắng. Mỗi ca viên đừng quên rằng họ không phải chỉ là ca sĩ cho con người nhưng còn là ca sĩ của Thiên Chúa và cho Thiên Chúa nữa.

Bên cạnh những phẩm giá đức tin và tinh thần cầu nguyện, Ca đoàn còn phải mặc lấy cho mình những giá trị nhân bản. Họ phải là những con người lịch sự, biết tôn trọng kẻ khác qua cung cách cư xử lịch thiệp, tế nhị, qua lời ăn tiếng nói thanh tao, nhã nhặn, và ngay cả qua cách ăn mặc trang nhã, kín đáo.

Muốn cho Ca đoàn mình đạt tới một trình độ cao và hát cho đúng nghệ thuật theo yêu cầu của Giáo Hội là “âm nhạc dùng trong Phụng vụ phải có tính nghệ thuật đích thực”, mỗi thành viên phải tự học hỏi, tự huấn luyện mình thêm về những chuyên môn và kỹ thuật mà vị trí của mình đòi buộc.

Địa chỉ liên lạc:

Uỷ ban Thánh nhạc trực thuộc HĐGMVN

Lm. Rocô Nguyễn Kim Duy, Tổng Thư ký,

Trung tâm Mục vụ TGP. TP.HCM

6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé. Q.1, Tp.HCM

 

2. 22. PHONG TRÀO CURSILLO

Giới thiệu: Phong trào Cursillo (PT Cursillo) là một phong trào của Giáo Hội, bằng phương pháp riêng, giúp người ta có thể sống và chia sẻ những điều căn bản để trở nên Kitô hữu đích thực. Phương pháp này giúp họ khám phá và chu toàn ơn gọi riêng của mình và thúc đẩy việc hình thành các nhóm Kitô hữu nồng cốt làm dậy men môi trường sống của họ bằng Phúc Âm.

(Cursillo có nghĩa là “một khoá học ngắn ngày”)

Mục đích:

PT Cursillo nhằm làm dậy men Phúc Âm nơi các môi trường và ra sức tạo một cộng đồng Kitô hữu nơi gia đình, lối xóm, nơi làm việc hoặc bất cứ nơi nào người ta sống một phần đời sống của họ.

Danh xưng: Phong Trào Cursillo Sài Gòn

Điều hành: PT Cursillo sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám mục TGP. TP.HCM và sự điều hợp của Ban Phục vụ (gồm có cha linh hướng và một số giáo dân) do Đức Tổng Giám Mục bổ nhiệm.

Thành viên: Là Kitô hữu được thành viên của Phong Trào giới thiệu và tự nguyện tham dự Khoá Cursillo do PT Cursillo tổ chức và tiếp tục sinh hoạt “ngày thứ tư” trong các Nhóm Thân Hữu.

Bổn mạng: lễ Thánh Phaolô Tông đồ, (25/1).

Ban phục vụ: gồm cha linh hướng (linh mục đồng hành), trưởng ban, trưởng trường lãnh đạo, trưởng khối tiền cursillo, trưởng khối khoá ba ngày, trưởng khối hậu cursillo, thủ quỹ và thư ký.

Quy chế hoạt động:

Ban Phục vụ soạn thảo quy chế hoạt động, phân công, xác định phận vụ, ấn định sinh hoạt thường kỳ của Ban cũng như của Phong trào trong Tổng Giáo phận.

Bản quy chế cần sự thống nhất và thông qua Toà Tổng Giám Mục.

Bản quy chế, khi cần có sự thay đổi, cũng cần sự thống nhất và thông qua Toà Tổng Giám Mục.

Linh hướng: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Giáo, SOLT

Trưởng ban Phục vụ: Đa Minh Vũ Đức Thịnh, Email: [email protected],

98/94/28 Thăng Long, P.5, Q. Tân Bình.

 

2.23. CỘNG ĐOÀN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã loan báo Năm Thánh ngoại thường. Ngày 11/4/2015, ngài ban hành tông sắc Dung mạo lòng thương xót, công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, kéo dài từ ngày 8/12/2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đến ngày 20/11/2016, lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ. 

Nguồn gốc:

 Ngày 22 tháng 02 năm 1931: Tại Tu viện Plock (Balan) Nữ tu Helene Faustina Kowalska (1905 – 1938) nhận Thông điệp về Lòng Chúa Thương Xót.

 Năm 1980 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia)

 Ngày 30 tháng 4 năm 2000, trong Thánh Lễ tuyên Thánh cho Thánh nữ Faustina, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.

 Ngày 02 tháng 4 năm 2008 Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, khai mạc Hội nghị Thế giới lần thứ nhất về Tông đồ Lòng Chúa Thương Xót.

 Ngày 28 tháng 9 năm 2008, linh mục Micae Sopocko (1888 – 1975), cha giải tội và Linh hướng cho Thánh nữ Faustina, người đầu tiên có công truyền bá Lòng Chúa Thương Xót, được tôn phong Chân phước.

 Năm 2001 phong trào Lòng Chúa Thương Xót có mặt tại Việt Nam. Năm 2004 bắt đầu có nhiều nhóm Cầu nguyện – sùng kính Lòng Chúa Thương Xót ở một số nhà thờ. Năm 2006 Phong trào Lòng Chúa Thương Xót lan rộng khắp cả nước. Ngày 1 tháng 6 năm 2008, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Mimh Mẫn, Tgm. TGP. TP.HCM, chính thức công nhận Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP. TP.HCM  là 1 trong 27 đoàn hội của Tổng Giáo phận.

Tên gọi (Danh hiệu): Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót.

Tôn chỉ: Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương Xót” (Lc 6,36).

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Quyết tâm:

Chiêm ngưỡng và noi gương Lòng Chúa Thương Xót nơi Chúa Giêsu và thực thi lòng thương xót.

Quyết tâm thực hành 14 mối thương người.

Phương thế:

1.  Thỉnh cầu Lòng Chúa Thương Xót

2.  Tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót.

3.  Thực hành lòng thương xót.

Mục đích:

1.  Giúp hoán cải, thánh hoá bản thân và các thành viên trong gia đình.

2.  Cầu nguyện cho bản thân, kẻ tội lỗi và người đau khổ.

3.  Loan truyền Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho mọi người (không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, trí thức hay bình dân, tôn giáo, tín ngưỡng…).

Hệ thống tổ chức:

Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót có ba cấp: giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Ở mỗi cấp dưới sự hướng dẫn của Cha Linh hướng, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót có một Ban chấp hành (gồm Trưởng Ban chấp hành, Phó trưởng Ban chấp hành, thư ký, thủ quỹ). Ban chấp hành cấp giáo hạt và cấp giáo phận có thêm năm uỷ viên chuyên môn (Uỷ viên Tuyên huấn, Uỷ viên Bác ái – Xã hội, Uỷ viên Phát triển, Uỷ viên Thông tin – Liên lạc (Truyền thông).

Đoàn viên mặc đồng phục Nam: áo trắng dài tay, quần sẫm mầu, đeo phù hiệu. Nũ: áo dài trắng hoặc đỏ đô, cổ cao, quần trắng, phù hiệu và có cờ Đoàn trong các cuộc rước kiệu và đại lễ.

Điều kiện gia nhập: Thành phần gồm mọi Kitô hữu (linh mục, tu sĩ, giáo dân) đến tuổi trưởng thành, không phân biệt giới tính, đoàn thể, khuynh hướng, trình độ, tài năng… muốn đạt đến cùng đích là được kết hợp với Thiên Chúa.

 Đoàn viên tông đồ: Những Kitô hữu từ 18 tuổi, am hiểu tôn chỉ và mục đích sẽ được chính thức gia nhập Cộng đoàn theo một nghi thức tận hiến cho Lòng Chúa Thương Xót và lời Tuyên hứa: 

Nội dung 5 lời tuyên hứa:

1.      Tuân giữ việc Sùng kính Lòng Chúa Thương Xót mỗi ngày.

2.      Tuân giữ ngày Chúa Nhật, và giúp người khác cũng tuân giữ.

3.      Không nói những điều lỗi đức trong sạch và làm cho người khác cũng đừng nói những điều ấy.

4.      Giữ đức tiết độ, không vướng mắc các tệ nạn xã hội.

5.      Vâng phục các huấn lệnh của Giáo Hội.

– Đoàn viên cầu nguyện: Những Kitô hữu và những anh chị ngoài Kitô giáo không phân biệt tuổi tác, gia đạo mà chưa thể giữ trọn bản Quy chế, nhưng có lòng muốn tham gia các sinh hoạt của Cộng đoàn.

Sinh hoạt:

– Mỗi ngày (lúc 15g), đoàn viên CĐ Lòng Chúa Thương Xót quy tụ tại nhà thờ hoặc nhà nguyện, cùng nhau làm giờ Tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót cùng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.

– Ban chấp hành cấp Hạt và cấp xứ họp định kỳ mỗi tháng một lần, cấp giáo phận họp hai lần mỗi tháng (họp nội bộ và họp mở rộng, chương trình họp theo quy chế của CĐ).

Hiện tình:

CĐ. Lòng Chúa Thương Xót có mặt trên 17 giáo phận với khoảng 75.259 đoàn viên (Tông đồ và cầu nguyện), có 09 cộng đoàn cấp giáo phận đã được Đấng Bản quyền chuẩn nhận là một Đoàn thể Tông đồ Giáo dân trong Giáo phận:

1.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót TGP. TP.HCM: 6.850 Đoàn viên (Đv)

2.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Thanh Hoá: 8763 Đ v.

3.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Bùi Chu: 26.000 Đv

4.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Bà Rịa: 5.923 Đv.

5.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Hưng Hoá: 1.400 Đv.

6.      Hội Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Phan Thiết: 4.000 Đv.

7.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Ban Mê Thuột: 5.000 Đv.

8.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Vĩnh Long: 3.000 Đv.

9.      CĐ. Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Bắc Ninh: 3.050 Đv.

Địa chỉ liên lạc:

Lm. Gioan.B. Võ Văn Ánh, Tổng Linh hướng CĐ.LCTX VN (tạm thời).

Nhà Thờ Tân Định, 289 Hai Bà Trưng, P.8, Q.3, TP.HCM.

 

2.24. GIÁO LÝ VIÊN

    Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay có 62.388 giáo lý viên trong 26 giáo phận, chưa kể các giáo lý viên trong các cộng đồng Công giáo hải ngoại. Có thể nói, ngoài Hội đồng Mục vụ Giáo xứ giữ vai trò lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động trong giáo xứ, các giáo lý viên có 1 vai trò quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ đức tin cho giới trẻ cũng như thúc đẩy công cuộc Phúc Âm hoá trong cộng đồng giáo xứ, giáo phận. Vai trò này đã được Giáo Luật 1983 xác định  và được nhiều văn kiện của Giáo Hội nhắc đến.

     Tuy nhiên tình trạng hiện nay là các giáo lý viên không có được một quy chế rõ ràng, thống nhất trong các giáo phận hay trong các giáo xứ của cùng một giáo phận. Họ làm việc và được đối xử tuỳ theo tầm nhận thức của cá nhân cha xứ hơn là sự đón nhận của cộng đồng giáo xứ và của các cấp bậc cao hơn trong giáo phận và Giáo hội. Chúng tôi hy vọng rằng: trong tương lai gần, Uỷ ban Giáo dân phối hợp với Uỷ ban Giáo lý Đức tin và Uỷ ban Truyền giáo trực thuộc HĐGMVN có thể soạn thảo 1 Quy chế Tổng quát cho các giáo lý viên và mỗi xứ đạo có thể có quy chế giáo xứ để xác định quyền lợi và bổn phận của giáo lý viên cho xứng đáng với lòng nhiệt thành và công sức của họ.

1. Định nghĩa: giáo lý viên là ai?

– Giáo lý viên (GLV) là những người chia sẻ sứ mạng của Hội Thánh, sứ mạng quan trọng nhất, đó là Rao giảng Tin Mừng. “Việc dạy giáo lý được Hội Thánh coi là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của mình” (Tông huấn Dạy Giáo lý (DGL), số 1).

– “GLV là những giáo dân có trình độ và có đời sống đạo hạnh, dưới sự hướng dẫn của các nhà truyền giáo, hiến thân lo giảng dạy Giáo lý Tin mừng, tổ chức các cử hành Phụng vụ và các việc bác ái” (Gl. 785.1) 

– “GLV là một giáo dân được GH đặc cử tùy theo nhu cầu địa phương, để làm cho Đức Kitô được nhận biết, yêu mến và noi theo” (Hd. GLV.1).

b. Ơn gọi GLV: mỗi tín hữu trong Hội Thánh đều được Chúa Thánh Thần mời gọi góp phần làm cho Nước Chúa mau đến. Ơn gọi GLV không những bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, mà còn do lời mời gọi đặc biệt của Chúa Thánh Thần, “một đặc sủng được Hội Thánh nhìn nhận và uỷ nhiệm” (Hd.GLV.2).

– Như thế, ta có thể tóm tắt:

+ GLV là người được Thiên Chúa yêu thương mời gọi.

+ GLV là người hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu.

+ GLV là người sống theo Lời Chúa dạy.

+ GLV là người có khẳ năng chia sẻ niềm tin cho người khác.

+ GLV là người gắn bó với Hội Thánh và được Hội Thánh sai đi.

2. Thành phần giáo lý viên

“Do chức vụ của mình và ở các cấp bậc khác nhau, các vị Chủ chăn (Đức Giám Mục) có trách nhiệm trên hết trong việc nâng cao, hướng dẫn và phối trí việc dạy giáo lý… Đối với các linh mục và tu sĩ nam nữ, đó là lãnh vực đặc biệt cho việc tông đồ. Ở một cấp độ khác, các phụ huynh, các giáo lý viên và tất cả mọi người, ở mọi trình độ khác nhau, đều có trách nhiệm rõ rệt trong việc giáo dục lương tâm các tín hữu. Việc giáo dục này rất quan trọng cho đời sống Giáo Hội và xã hội (DGL.16).

* Linh mục thi hành sứ mạng rao giảng

– Linh mục là người được tuyển chọn, tấn phong và trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ. “Các linh mục là người mắc nợ mọi người về việc truyền thông cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã được nhận nơi Chúa” (CĐ. Vaticanô II, Sắc lệnh về Đời sống Linh mục, số 4).

– Có nhiều hình thức giảng Lời Chúa, trong đó việc tổ chức dạy giáo lý thường xuyên, cho mọi người là một nhu cầu không thể không có. Cho dù hoàn cảnh nào, công việc bận rộn, thiếu nhân sự, thiếu tài liệu… không được xao nhãng việc huấn giáo.

– Linh mục cần quan tâm tổ chức dạy giáo lý: tạo mô hình và điều hành các lớp giáo lý, tuyển chọn và huấn luyện GLV, yểm trợ và khích lệ các lớp giáo lý. Quan tâm đặc biệt các lớp giáo lý Dự tòng.

* Tu sĩ thi hành sứ mạng rao giảng

Tu sĩ là người tận hiến đời mình để hoàn toàn sống cho Chúa và cho tha nhân. Sống cho Chúa là thực thi các ý định của Chúa, sống cho tha nhân giúp họ thăng tiến đời sống tâm linh, để xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

– Ý định của Thiên Chúa là: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15). Toàn Giáo hội, mỗi người đều thực hiện ý Chúa, thì trong cương vị tu sĩ càng phải đem hết khả năng của mình để rao giảng Tin Mừng.

– “Giáo hội muốn tăng cường sự hiện diện tích cực của các cộng đoàn tu sĩ trong kế hoạch mục vụ của Giáo hội địa phương” (DGL. 65): nghĩa là tu sĩ hợp tác với các chủ chăn trong giáo xứ và giáo phận để giảng dạy giáo lý cho thanh thiếu niên nhi đồng. “Qua dòng lịch sử, các tu sĩ nam nữ đã rất tận tụy trong hoạt động dạy giáo lý và hoạt động của họ hết sức hữu hiệu và thành công” (DGL. 65).

– Cần tích cực chuẩn bị: “Cha khuyên các con hãy tích cực chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho nhiệm vụ dạy giáo lý”. Sự chuẩn bị qua 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn học tập Thần học Kinh Thánh, nhất là môn Sư phạm Giáo lý.

+ Giai đoạn trước khi dạy, hãy soạn bài kỹ, nắm vững và thuộc nội dung, tìm cách trình bày mạch lạc.

Cuộc đời dâng hiến có ý nghĩa thật tròn đầy là: kiện toàn chính mình trong việc học hỏi và sống Lời Chúa, đồng thời thông truyền đức tin cho nhiều tâm hồn.

* Giáo dân thi hành sứ mạng rao giảng

“Giáo dân, vì là thành phần của Giáo hội, nên có ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các bí tích khai tâm Kitô giáo và các ơn huệ của Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng cho họ và thúc giục họ thi hành sứ vụ này. Các Kitô hữu làm cha mẹ phải là những giáolý viên đầu tiên cho con cái mình, không ai thay thế được (KTH.GD. 34).

– Toàn thể giáo dân có bốn phận thi hành công tác theo khả năng và vị trí từng người.

– Bậc cha mẹ ý thức nhiệm vụ giáo dục đức tin cho con cái.

– Những người trưởng thành, các thanh niên nam nữ đi tiên phong trong việc khai mở vào bảo vệ đức tin, thực thi qua vai trò huynh trưởng và giáo lý viên trong các hoạt động mục vụ giáo lý.

3. Nhiệm vụ của giáo lý viên

3.1. Trong Giáo Hội xét như mầu nhiệm, giáo lý viên là người phục vụ Chúa Kitô

Để diễn tả mầu nhiệm Giáo Hội, hiến chế Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II đã sử dụng những hình ảnh sống động gặp được trong Thánh Kinh: “Dân Thiên Chúa Cha; Thân Mình Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần”. Ba cách diễn tả, nhưng chỉ một Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu hình ảnh Dân Thiên Chúa Cha thấm đẫm yếu tố lịch sử, còn hình ảnh Đền Thờ Chúa Thánh Thần giầu yếu tố thiêng liêng, thì hình ảnh Thân Mình Chúa Kitô lại gần gũi với tất cả mọi thành viên của Giáo Hội. Chúa Kitô là Đầu và Giáo Hội là thân mình trong đó mỗi người là phần chi thể. Thánh Phaolô đã khéo dùng hình ảnh thân mình để minh hoạ cho sự liên kết sống động giữa mọi người trong Giáo Hội, kẻ việc này, người việc khác, kết liên hài hoà chung xây cho sự sống thăng tiến. Mầu nhiệm Giáo Hội là thế.

Cũng với hình ảnh này, nhưng ở quy mô nhỏ của Giáo Hội địa phương cấp giáo xứ, vốn được cấu trúc và phân công nhằm thăng tiến đời sống chung, mọi người tìm được vị thế xứng hợp cho mình. Chính ở đây và trong quy mô này, giáo lý viên được nhìn như người phục vụ Chúa Kitô: trong tinh thần là phục vụ Chúa Kitô, Thủ lĩnh của Giáo Hội và trong công việc là phục vụ Chúa Kitô nơi đối tượng mình giảng dạy để sự sống Thiên Chúa được lớn lên trong họ.

Dạy giáo lý cho ai là phục vụ Chúa Kitô trong kẻ ấy. Dạy giáo lý tân tòng là đem Chúa Kitô đến cho người khác; dạy giáo lý khai tâm là giúp cho Chúa Kitô lớn lên trong anh chị em mình; và dạy giáo lý hôn nhân cũng là để Chúa Kitô được triển nở sang thế hệ tiếp theo… Đây là điều then chốt trong linh đạo dành cho giáo lý viên. Không ai có thể cho đi điều mình không có. Vậy anh chị em hãy có Chúa Kitô sống động trong cuộc đời mình để có thể phục vụ Chúa Kitô cách hoàn hảo hơn nơi những người được trao cho mình trong công tác huấn giáo.

 

3.2. Trong Giáo Hội xét như hiệp thông, giáo lý viên là cộng tác viên của mục tử trong nhiệm vụ huấn giáo

Đã là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về và hướng về Chúa Kitô, thì theo bản chất đến từ bí tích Rửa Tội, ai cũng được mời gọi tham gia thi hành các nhiệm vụ trong Giáo Hội tùy theo bậc sống mình, sao cho nhịp sống chung được trải ra trong trật tự hài hoà. Có những nhiệm vụ chuyên biệt dành riêng cho một bậc sống, nhưng cũng có những nhiệm vụ tổng quát mở ra cho hết mọi người. Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyên biệt luôn cần đến sự cộng tác của nhiệm vụ tổng quát và ngược lại, nhiệm vụ tổng quát cũng cần được nhiệm vụ chuyên biệt sáng soi. Trong mỗi giáo xứ, nhiệm vụ giáo huấn thuộc về trách nhiệm mục tử, nhưng công trình lớn lao và bao quát ấy, một mình mục tử, dù tài năng đến mấy cũng không thể chu toàn được. Lực bất tòng tâm. Dù có ba đầu sáu tay, một mình không thể dựng xây công trình. Chính vì thế, cần đến sự cộng tác của nhiều người, không chỉ vì “đông tay thì vỗ nên kêu” mà còn vì đây là công trình chung của Giáo Hội.

Nếu nhiệm vụ giáo huấn nặng nề mà mỗi mục tử phải kê vai gánh vác kiểu “một mình mình biết, một mình mình hay”, thì cũng ở đó, đã mở ra cửa ngõ liên thông sang nhiệm vụ huấn giáo mà mục tử có thể chờ đợi sự cộng tác tích cực của các giáo lý viên. Như thế, khi tham gia giảng dạy các lớp giáo lý theo chuyên đề hay theo lứa tuổi tại các giáo xứ, giáo lý viên xứng đáng được nhìn nhận như là thừa tác viên huấn giáo và là cộng tác viên vào nhiệm vụ giáo huấn của mục tử tại địa phương. Đây chính là nét đẹp thể hiện sự hiệp thông Giáo Hội cách sống động. Xin cùng với các mục tử tại các giáo xứ gửi đến toàn thể anh chị em giáo lý viên lời cám ơn và lời khích lệ chân tình, vì sự cộng tác và sự hy sinh đóng góp của anh chị em trong trong suốt thời gian qua, cho công cuộc huấn giáo được triển nở và sự hiệp thông trong Giáo Hội được biểu lộ cụ thể đó đây.

 

3.3. Trong Giáo Hội xét như sứ vụ, giáo lý viên là nhà truyền giáo

Theo lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, ngày xưa các thừa sai đến đâu thì việc đầu tiên các ngài làm là giảng dạy giáo lý và kêu gọi sám hối rồi cử hành nghi thức rửa tội, khiến từ đó việc truyền giáo cũng đồng nghĩa với việc giảng dạy giáo lý, để hôm nay ta có quyền nói: giảng dạy giáo lý một cách nào đó cũng là hoạt động truyền giáo. Hoạt động truyền giáo và hoạt động huấn giáo có thể được hình dung như hai bước chân trước sau của cùng một nhịp đi. Có người phân biệt cách chí lý rằng: truyền giáo là nhằm rửa tội những người biết sám hối; còn huấn giáo là nhằm sám hối những người đã rửa tội rồi. Có người khác lại chia sẻ cách đơn giản hơn: truyền giáo ban đầu là dùng giáo lý đem Chúa đến cho người ta; còn tái truyền giáo là dùng giáo lý đem người ta trở về với Chúa. Cả hai cách phát biểu đều hay và đẹp, nhưng điều muốn ghi nhận ở đây là mối tương quan không thể tách rời giữa truyền giáo và huấn giáo.

Truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội. Không phải vì có Giáo Hội nên mới có sứ vụ truyền giáo, mà ngược lại, vì đã có sứ vụ truyền giáo nên mới có Giáo Hội để tổ chức thi hành. Vì Giáo Hội là truyền giáo, mà truyền giáo và huấn giáo bước song hành, nên tham gia công tác huấn giáo, giảng dạy giáo lý cũng là cộng tác vào công cuộc truyền giáo tại giáo xứ, cho có thêm người biết Chúa, biết tin nhận Chúa và biết sống đẹp lòng Chúa hơn.

Vâng, trong Giáo Hội sứ vụ, anh chị em giáo lý viên là những nhà truyền giáo đấy. Vậy anh chị em hãy luôn ghi nhớ khía cạnh sứ vụ này của Giáo Hội, để công tác huấn giáo của anh chị em được chu đáo và nâng cao, không chỉ bằng giáo án khúc chiết mà còn bằng chứng tá đức tin hằng ngày nữa. Giáo lý không chỉ được giảng dạy bằng lời nhưng còn bằng chính đời sống gương mẫu của giáo lý viên.

 

Anh chị em thân mến,

Trên trang mạng về linh đạo dành cho giáo lý viên, người ta đọc thấy lời cật vấn: tại sao vị trí của giáo lý viên trong giáo xứ lại quá nhạt nhoà? Câu hỏi đó lập tức nhận được hồi đáp là một tâm tình nhẹ nhàng mà thấm thía, đưa giáo lý viên từ băn khoăn về vị thế sang băn khoăn lớn hơn về ơn gọi, đồng thời hoạ lại thái độ ứng trực của các tiên tri thuở xưa, để động viên nhau trên đường phục vụ: “Con đây, vì Chúa đã gọi con”. Mong rằng đó cũng là tâm tình của mỗi giáo lý viên chúng ta trước ơn gọi đặc biệt này, một tâm tình sẵn sàng, cho dẫu bản thân mặt này mặt khác còn nhiều giới hạn hoặc điều kiện đời sống lúc này lúc khác vẫn thiếu đủ điều.

Xin Chúa chúc lành và ban thêm chí bền cho anh chị em trong công tác cao quý này.

+ GM Giuse Vũ Duy Thống

 

3. DANH SÁCH ĐẠI DIỆN CÁC ĐOÀN THỂ VÀ GIỚI TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN THUỘC TGP. TP.HCM, NHIỆM KỲ 2011-2016

Chúng tôi giới thiệu cách tổ chức và danh sách đại diện các đoàn thể và các giới thuộc TGP. TP.HCM, nhiệm kỳ 2011-2016 như một điển hình để các giáo phận tham khảo. Muốn biết thêm chi tiết về các tổ chức, các hội đoàn, các giới tông đồ, các giáo phận có thể liên lạc vị các vị đại diện của từng tổ chức sau đây.

A. Linh mục đặc trách Ban Giáo dân: Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng. ĐT: 0988 534953.

Email: [email protected]. Facebook: Nguyễn Văn Hưởng Ernest.

B. Uỷ viên thường trực Ban Giáo dân:

1. Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng ban, 81/92 Nguyễn Cửu Vân. P.17. Q. Bình Thạnh. Đt: 08 38982289 – 0913 124363. Email: [email protected]

2.   Phanxicô Xavier Nguyễn Thái, Phó ban, 386 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3. Đt: 0903 903721. Email: [email protected]

3. Maria Phạm Thị Thuý Lan, Thư ký, 205 Phạm Văn Hai. P.5, Q. Tân Bình. Đt: 0982 424862.

Email: [email protected]

4. Maria Nguyễn Thị Ngọc, Thủ quỹ, 453/31 Lê Văn Sỹ. P.12, Q.3. Đt: 01677 139005. Email: [email protected]

C. Đại diện các đoàn thể

1. Legio Mariae

Linh giám: Lm Phêrô Nguyễn Công Danh

Đaminh Đỗ Ngọc Phác, 450A Điện Biên Phủ, P.21, Q. Bình Thạnh, Đt: 0909 394135, Email: [email protected]

Giuse Trần Văn Minh. Đt: 01214 960678. Email: [email protected]

2. Hội Các Bà Mẹ Công giáo

Tổng Linh hướng: Lm. GB. Võ Văn Ánh

Đại diện: Maria Nguyễn Thị Ngọc.

Têrêxa Hồ Thị Xuân Hương. ĐT: 0909 906325, Email: [email protected]

3. Giới Trẻ Con Đức Mẹ

Linh hướng: Lm. Vinh Sơn Vũ Đức Liêm

Đại diện: Têrêsa Nguyễn Thị Thơ, 250/1bis Hai Bà Trưng, P. Tân Định, Q.1. ĐT: 08 38251667 –

0932 030255. Email: [email protected]

Giuse Huỳnh Thái An, Đt: 0903 133486. Email: [email protected]

Giuse Nguyễn Thiên Bình: Đt: 0933 035399. Email: [email protected]

4. Thanh Sinh Công

Linh hướng: Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ

Đại diện: Phêrô Trương Thiên Phú, 160/73A Vườn Lài; P.Tân Thanh; Q. Tân Phú. Đt: 0933 000791. Email: [email protected]

Trang. Đt: 0905 801716. Email: [email protected]

5. Hướng Đạo Công Giáo

Linh hướng: Lm. Vinhsơn Trần Văn Hoà, Đt: 08 38584807. Email: [email protected]

Đại diện: Antôn Nguyễn Quang Linh, 476/32 Huỳnh Văn Bánh, P.14; Q. Phú Nhuận. ĐT: 0909 683377. Email: [email protected];

Maria Võ Thanh Thuỷ: Đt: 0947 755772. Email: [email protected]

Vinh Sơn Trần Khắc Thực: Đt: 0908 851475. Email: [email protected]

6. Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình

Tổng Linh nguyền: Lm. Phanxicô Assisi Lê Quang Đăng

Đại diện: Đaminh Trần Văn Bính, 133/1485 Lê Đức Thọ, P.13, Q.Gò Vấp. Đt: 0906 642482. Email: [email protected]

7. Gia Đình Cùng Theo Chúa

Tổng Linh hướng: Lm. GB Huỳnh Công Minh.

Đại diện: Gioan P. Tạ Đình Vui, 01 Công xã Paris, Q.1. Đt: 08 38272899. Email: [email protected]; [email protected]; [email protected]

8. Gia Đình Chúa

Linh hướng: Lm. GB Hoàng Văn Minh

Đại diện: Giuse Ngô Văn Hiền, Số 1 Văn Cao, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú. Đt: 0903 751024. Email: [email protected]

9. Gia Đình Phúc Âm

Phụ trách: Lm. Giuse Nguyễn Văn Thanh, Gx. Bình Thuận, Hạt Tân Sơn Nhì

Đại diện: Phạm Đức Long. Đt: 0908 559432 – 0902 572255. Email: [email protected]

10. Gia Đình Khôi Bình

Đồng Hành: Lm. Đaminh Nguyễn Đình Tân

Đại diện: Giuse Nguyễn Quang Vinh, 147 Thích Quảng Đức, P.4, Q. Phú Nhuận. Đt: 08 39953346 – 0913 989389, Email: [email protected]; vinhnguyen957 @gmail.com

11. Hiệp Hội Thánh Mẫu

Tổng giám huấn: Lm. Đaminh Đinh Văn Vãng

Đại diện: Maria Hoàng Thị Nhiễu. 881/12 Cách MạngTháng Tám.P7.Q.TB. Đt: 0983043997.

Email: [email protected]

12. Hiệp Hội Bác Ái Vinh Sơn

Cố vấn Tâm linh: Nt. Beatrice Nguyễn Thị Mỹ

Đại diện: Maria Phạm Thị Bích, 56/28C Thích Quảng Đức, P.5, Q. Phú Nhuận. Đt: 08 62921867 – 0906 565953, Email: [email protected]; [email protected]

13. Dòng Phan Sinh Tại thế Việt Nam (Secular Franciscan Order)

Trợ uý: Lm. Giuse Đặng Minh Tuấn, OFM.

Đại diện: Maria Nguyễn Hoàng Mỹ, 55E Trần Quang Khải, P. Tân Định, Q.1. Đt: 0908 267085. Email: [email protected]

14. Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh

Đặc trách: Lm. Benedicto Vương Thuật. Email: [email protected]

Đại diện: Đaminh Trần Văn Ngọc, 22/25 Mai Văn Ngọc, P.10, Q.Phú Nhuận. Đt: 0907 381828.

Email: [email protected]; [email protected]

15. Dòng Ba Cát Minh

Tổng Linh hướng: Lm. Felix Nguyễn Văn Thiện

Đại diện: Maria Trần Thị Hồng Trang, 322 Lô E, cư xá Thanh Đa, P.27, Q. Bình Thạnh. Đt: 08 35566558 – 01214 350010

Agata Đàm Thị Cúc. Đt: 0909 920313

16. Lòng Thương Xót Chúa

Tổng Linh hướng: Lm. GB Võ Văn Ánh

Đại diện: GB Maria Nguyễn Thế Vịnh, 1/40 Lê Đức Thọ, P. Tân Thới Hiệp, Q.12. Email: [email protected]; [email protected]

17. Phong Trào Cursillo

Linh hướng: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng.

Đại diện: Đaminh Vũ Đức Thịnh, 98/94/28 Thăng Long, P.5, Q.Tân Bình. Email: [email protected]

18. Gia Đình Tận Hiến

Linh hướng: Lm. Giuse Maria Lương Thiên Triều

Đại diện: Têrêsa Đinh Thị Vân Hoà, 79/2 Quang Trung, P.10, Q. Gò Vấp. Đt: 0908 441011. Email: [email protected]

19. Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tổng Linh hướng: Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng; Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ.

Đại diện: Giuse Huỳnh Bá Song, 21/9/3 Lý Chính Thắng, P.8, Q.3. Đt: 0908 145879. Email: [email protected]

Giuse Bùi Văn Luận, 14/8 Thống Nhất, P.16, Q.Gò Vấp. Đt: 0918 206271. Email: [email protected]

20. Thiếu Nhi Thánh Thể

Phụ trách: Lm. Giuse Phạm Đức Tuấn

Đại diện: Ninh Đức Thanh. Đt: 0908 542422. Email: [email protected] 

Cố vấn: PX. Trần Ngọc Lợi, 2076 Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8. Đt: 08 38568578 – 0938 894734. Email: [email protected]

Michael Nguyễn Quang Minh. Email: [email protected]

21. Hội Mân Côi

Linh hướng: Lm. GB Võ Văn Ánh

Đại diện: Têrêsa Đinh Thuỵ Miên, 21/8 Lý Chính Thắng, P.8, Q.3. Đt: 0908 267166. Email: [email protected]

22. Gia Đình Emmanuel

Linh hướng: Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Đại diện: Đaminh Đỗ Đình Tuấn. Đt: 0913 898499. Email: [email protected]

23. Giới Trẻ

Đặc trách: Lm. Gioan Lê Quang Việt

Văn phòng Mục vụ Giới trẻ TGP. TP.HCM: 180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. ĐT: (84) 08 39300599. Email:[email protected]

Đại diện: Michael Nguyễn Hữu Xuân Điềm, 213/5 Nguyễn Trãi, P.2, Q.5. ĐT: 0902 361476 – 0902 311476. Email[email protected]

24. Giới Doanh Nhân Công Giáo

Linh Hướng: Lm. Đaminh Nguyễn Đình Tân

Đại diện: PX Nguyễn Thái. Đt: 0903 903721

G.B. Trần Ngọc Đức. ĐT: 0906 967666. Email: [email protected]

25. Giới Y Tế Công Giáo

Linh hướng: Lm. Giuse Trần Văn Phát và Lm. Phêrô Giuse Maria Hà Thiên Trúc

Đại diện: Giuse Phan văn Dũng. ĐT: 0903 701502. Email: [email protected]

Têrêsa Phạm Chi Lan, 23 đường 15, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức. Đt:  0908 159841. Email: [email protected]

26. Giới Giáo Chức

Đồng hành: Lm. Giuse Trần Anh Thụ. Đt: 0908 168124. [email protected]; Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

Đại diện: Maria Nguyễn Kim Xuân, 37/4/36 Ngô Tất Tố, P.21, Q. Bình Thạnh. Đt: 08 38403030 -  0906 753053. Email: [email protected]

27. Giới Cao Niên

Linh hướng: Lm. Vincentê Đinh Trung Nghĩa, SJ

Đại diện: Micae Nguyễn Công Chánh, 155/10 Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh. Đt: 0934 040216

Matta Nguyễn Thị Hoa, 331/40D Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3. Đt: 08 39304021 – 0919 614898. Email: [email protected]

Trụ sở: Hội Cao Niên, số 171 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3 (Đắc Lộ), Tp.HCM

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, tổng hợp và cập nhật