06/01/2025

Xoá nợ thuế, nên hay không?

Thảo luận các dự thảo sửa đổi hai luật thuế tại tổ chiều 29.10, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khoản xoá nợ thuếcủa các doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân.

 

Xoá nợ thuế, nên hay không?

 

Thảo luận các dự thảo sửa đổi hai luật thuế tại tổ chiều 29.10, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khoản xoá nợ thuếcủa các doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân. Đồng thời, phải đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng với khu vực tư nhân.


 


Doanh nghiệp nhỏ, tư nhân cũng cần được đối xử bình đẳng về chính sách thuế - Ảnh: Ngọc ThắngDoanh nghiệp nhỏ, tư nhân cũng cần được đối xử bình đẳng về chính sách thuế – Ảnh: Ngọc Thắng
Theo tờ trình, kỳ này Chính phủ xin Quốc hội (QH) sửa đổi bổ sung hai luật gồm: luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các luật về thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, quản lý thuế). Cơ bản các đại biểu (ĐB) nhất trí với tờ trình về nội dung khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước; nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế.
Không thể xóa trách nhiệm
Riêng nội dung xoá nợ thuế, các ĐB tranh luận sôi nổi. Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật, Chính phủ đề xuất: “Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nếu số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ luỹ kế của DNNN thì được xem xét xoá nợ thuế. Xoá để giá trị thực tế vốn của nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại”.

 
 
Xóa nợ thuế, nên hay không? - ảnh 2

 

Mặc dù biết rằng truy thu nợ thuế cũng về ngân sách và khi cổ phần hoá, bán cổ phần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để nộp thuế cũng là về ngân sách nhưng thà minh bạch thì sẽ tốt hơn. Do đó không nên xoá nợ cho nhóm này, phải truy thu đến cùng và làm rõ trách nhiệm
Xóa nợ thuế, nên hay không? - ảnh 3
 

 

ĐB Trần Hoàng Ngân

 

 
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng nếu làm như vậy sẽ không đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các DN, các thành phần kinh tế như trong tinh thần của Hiến pháp. “Mặc dù biết rằng truy thu nợ thuế cũng về ngân sách và khi cổ phần hoá, bán cổ phần, tạo điều kiện cho DN hoạt động để nộp thuế cũng là về ngân sách nhưng thà minh bạch thì sẽ tốt hơn. Do đó không nên xoá nợ cho nhóm này, phải truy thu đến cùng và làm rõ trách nhiệm”, ĐB Ngân đề nghị. Bên cạnh đó, để QH có cơ sở thảo luận cho ý kiến, theo ĐB Ngân, cơ quan soạn thảo cần công bố rõ số nợ thuế xoá cho các DNNN này tương đương bao nhiêu tiền.
Phân tích kỹ hơn từ góc độ tài chính DN, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thận trọng đánh giá, việc xoá nợ thuế cũng có cái lợi cho nhà nước, bởi nếu không, DN phá sản, giải thể thì cũng coi như mất hết. Một DN nếu tính cả phần nợ thuế thì vốn chủ sở hữu âm, khi định giá để cổ phần hoá sẽ cực xấu, bán không ai mua còn nếu nhà nước xoá đi khoản đó, định giá tốt hơn, bán được thu được tiền. “Đó là về kỹ thuật thuế, còn ông giám đốc DN làm sai điều gì thì phải truy trách nhiệm. Không phải được xoá nợ thuế rồi thì xoá luôn trách nhiệm”, ĐB Trần Du Lịch nói.
Cho rằng cách phân tích này chưa thoả đáng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Các DN này lỗ mà sao lương lại cao vậy. Ai truy trách nhiệm những chuyện đó?”. Ông Lịch nói: “Như vậy là sai. Thế nên tôi mới đề nghị tách bạch 2 vấn đề này. Làm sai thì phải xử lý, nhưng vẫn phải tạo điều kiện để DN cổ phần hoá, cho tư nhân tham gia và phục hồi DN, còn cứ truy thu thuế sẽ khiến DN không thể bán được cổ phần, phải giải thể, phá sản”. Tuy nhiên, bà Tâm vẫn chưa hài lòng và thắc mắc: “Bây giờ DN còn đó mà chưa xử lý được, sau này bán đi rồi thì còn xử lý được ai?”.
ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng không đồng tình với đề xuất xoá nợ, bởi nó không có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, DNNN lúc nào cũng được ưu ái hơn. ĐB Dung đề xuất phải minh bạch nguyên nhân vì sao các DN này nợ thuế, do chủ quan hay khách quan và không nên áp một chính sách cào bằng cho tất cả các DN. “Chúng ta có cơ quan kiểm toán vấn đề lỗ lãi, tôi đề nghị đặt ra trách nhiệm trong vấn đề cổ phần hoá. Liệu những DN này có giống như Vinashin, Vinalines hay chỉ khác vì quy mô nhỏ hơn mà thôi?”, ĐB Dung lo ngại.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu: “DNNN cổ phần hoá mà được miễn thuế là không bình đẳng với các DN khác, đặc biệt khu vực tư nhân. Xoá thuế để cổ phần hoákhông khác gì khuyến khích trốn thuế. Vậy không ổn, nhà nước phải quản lý, nếu không sẽ có lỗi lớn”.
Cũng liên quan đến nợ thuế, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng, luật quản lý có nhiều chính sách bất cập, chưa phù hợp và bình đẳng đối với DN. Khi DN nợ nhà nước thì bị truy thu, xử phạt với lãi suất cao, còn trường hợp bị hoàn thuế chậm thì nhà nước không có chính sách gì cho DN trong việc này. Đặc biệt, có DN phải 6 tháng mới được hoàn thuế, nhiều khi lỗi của cơ quan thuế rất không công bằng.
Luật thuế chưa có hiệu lực đã sửa
Nằm trong chương trình thảo luận về thuế, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng luật Thuế giá trị gia tăng do trước kia không nghiên cứu kỹ nên không theo kịp tình hình, luật vừa sửa có hiệu lực chưa tròn 10 tháng. Còn luật Quản lý thuế sửa đổi đến 1.1.2016 mới có hiệu lực nhưng giờ đã lại sửa. “Thay đổi quá nhanh, làm cho DN bị động trong sản xuất, nhiều anh thất bại vì chính sách thay đổi nhiều và DN tỏ ra không hài lòng”, ĐB Khanh phản ánh.
ĐB Võ Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho biết khi đi tiếp xúc cử tri, nhiều người đặt câu hỏi vì sao, luật vừa sửa, chưa có hiệu lực đã sửa tiếp. “Điều đó nói lên là dự báo tình hình thiếu tính chính xác. Cân nhắc chưa kỹ. Tôi cho rằng có nhiều điều không phải muốn sửa là sửa vì làm đảo lộn kế hoạch, sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư”, ĐB Thoại nói.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung vừa được thông qua, chưa kịp có hiệu lực nay lại tiếp tục sửa thể hiện “sự manh mún trong nghiên cứu sửa đổi luật”. Thậm chí, theo ông Cương, việc sửa đổi lần này là để đối phó với tranh cãi về cách xác định thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua và để hợp pháp hoá kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại một số DN.
“Việc sửa đổi lần này dường như chỉ để tận thu thuế TTĐB đối với DN mà được cho là tăng thu cho NS bằng các quy định mập mờ, khó hiểu và việc thực hiện có thể được áp dụng một cách tuỳ tiện”, ông Cương nói. Theo ông, các nhà chính sách đã đi vào vòng luẩn quẩn vì lẽ thông thường khi tăng thuế thì lợi nhuận của DN giảm đi, các thuế khác, thuế thu nhập DN chắc chắn giảm, thuế thu nhập cá nhân có thể giảm khi thu nhập của người lao động giảm, rồi việc tận thu lợi nhuận còn lại của một số DN theo quy định cũng giảm. “Vậy tăng thu được thuế này lại làm giảm thu thuế khác thì rất luẩn quẩn mà gây khó khăn cho DN”, ông phát biểu.

Anh Vũ – Mạnh Quân