28/11/2024

Tình hình chính trị Campuchia tăng nhiệt

Campuchia đang đối diện nguy cơ căng thẳng mới sau những diễn biến đáng quan ngại gần đây liên quan đến phe đối lập.

 

Tình hình chính trị Campuchia tăng nhiệt

 

 

Campuchia đang đối diện nguy cơ căng thẳng mới sau những diễn biến đáng quan ngại gần đây liên quan đến phe đối lập.


 


Nghị sĩ đối lập Kong Saphea được đưa vào viện cấp cứu sau khi bị tấn công ngày 26.10 - Ảnh: The Phnom Penh PostNghị sĩ đối lập Kong Saphea được đưa vào viện cấp cứu sau khi bị tấn công ngày 26.10 – Ảnh: The Phnom Penh Post
Ngày 28.10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen có bài phát biểu được trực tiếp trên truyền hình đến toàn quốc về bầu không khí chính trị đang có dấu hiệu bất ổn mới ở nước này. Trong đó, ông lên án vụ tấn công 2 nghị sĩ thuộc đảng CNRP đối lập hôm 26.10, đồng thời chỉ trích đảng này đang cố gây bất ổn.
Reuters dẫn lời giới quan sát nhận định việc Thủ tướng Hun Sen phải lên truyền hình để kêu gọi kiềm chế cho thấy tình hình đang ngày càng nóng lên.
Tháng 7.2014, đảng cầm quyền CPP và CNRP đạt được thỏa thuận chính trị kết thúc một thời gian dài tranh chấp dữ dội do sự chống phá của phe đối lập. Trong đó, nhân vật số 2 của CNRP là ông Kem Sokha trở thành Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia. Tuy nhiên, trong năm nay, các thành viên CNRP liên tục có nhiều phát ngôn, hành động mang tính gây rối, đặc biệt là xuyên tạc vấn đề biên giới với Việt Nam. Điển hình như vụ nghị sĩ Hong Sok Hour đầu tháng 10 bị truy tố 3 tội danh gồm làm giả tài liệu công, sử dụng tài liệu giả mạo và xúi giục gây bạo động sau khi đăng tải điều khoản giả mạo về Hiệp ước phân định biên giới năm 1979 giữa Campuchia và Việt Nam.
Trước đó, cảnh sát Campuchia hồi tháng 9 cũng bắt ông Chhea Taing Sorn, Phó chủ tịch điều hành chi nhánh của CNRP ở huyện Pray Kabbas, tỉnh Takeo vì hành vi phát tán tài liệu có nội dung xuyên tạc, vu khống Việt Nam.
Sau những diễn biến trên, vào ngày 26.10, hàng ngàn người đã tập trung trước trụ sở Quốc hội Campuchia để yêu cầu cách chức ông Kem Sokha vì những hành động kích động, gây chia rẽ, bất ổn và thù hằn dân tộc của ông này và CNRP. Khi 2 nghị sĩ đối lập là Nhay Chamroeun và Kong Saphea rời khỏi quốc hội, họ đã bị một nhóm người quá khích chặn xe lôi ra ngoài và giẫm đạp dữ dội.
Hôm 28.10, Thủ tướng Hun Sen cực lực lên án vụ tấn công và khẳng định các thủ phạm sẽ bị trừng trị theo pháp luật. “Hành động này là không thể tha thứ”, Reuters dẫn lời ông Hun Sen nói, đồng thời khẳng định nhóm tấn công không thuộc những người ủng hộ CPP tham gia biểu tình.
Bên cạnh đó, tờ The Cambodia Daily dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Khieu Sopheak bác bỏ cáo buộc cảnh sát làm ngơ để 2 nghị sĩ CNRP bị đánh đập. “Chính quyền không ngu ngốc đến mức để các nghị sĩ bị tấn công ngay trước quốc hội”, ông Khieu Sopheak tuyên bố và cho biết thêm Bộ Nội vụ đã lập nhóm điều tra về vụ việc.
Cũng trong bài phát biểu hôm qua 28.10, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi dư luận bình tĩnh và chỉ trích CNRP đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trong thời gian ông công du đến trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) và thăm Pháp vừa qua. Gọi hành động này là “hèn hạ”, ông Hun Sen suy đoán rằng có thể chính các cuộc biểu tình của CNRP đã gây phẫn nộ, dẫn đến cuộc xuống đường đòi ông Kem Sokha từ chức hôm 26.10, theo Reuters.

 

Trọng Kha