06/01/2025

Tàu Mỹ sẽ tiếp tục áp sát đảo nhân tạo phi pháp

Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa, bất chấp phản ứng của nước này.

 

Tàu Mỹ sẽ tiếp tục áp sát đảo nhân tạo phi pháp

 

Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa, bất chấp phản ứng của nước này.




Tàu khu trục USS Lassen (gần) trong một cuộc tập trận - Ảnh: Hải quân MỹTàu khu trục USS Lassen (gần) trong một cuộc tập trận – Ảnh: Hải quân Mỹ
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”, AFP ngày 28.10 dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ khẳng định khi được hỏi về chuyến tuần tra của tàu khu trục USS Lassen áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đá Xu Bi thuộc Trường Sa.
Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng tỏ dấu hiệu Mỹ sẽ không dừng lại khi tuyên bố: “Chúng ta sẽ bay, đi tàu ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và cần hoạt động của chúng ta”. Tương tự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuy từ chối bình luận cụ thể về chiến dịch tuần tra ở Biển Đông của hải quân nhưng vẫn khẳng định: “Hải quân Mỹ luôn thực thi nghiêm túc trách nhiệm góp phần bảo đảm tự do hàng hải”. Theo ông Kirby, Mỹ luôn mong muốn quan hệ với Trung Quốc phát triển tốt đẹp nhưng đã và sẽ tiếp tục nêu vấn đề Biển Đông với nước này.

Chuyên gia Trung Quốc dọa đâm tàu

Về phần mình, sau khi triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus để phản đối về chuyến tuần tra nói trên trong ngày 27.10, giới chức, báo chí và chuyên gia Trung Quốc hôm qua tiếp tục lớn tiếng phản ứng. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Dương doạ rằng những cuộc tuần tra tiếp theo của tàu hải quân Mỹ “có thể gây ra sự cố”. Trong một trả lời phỏng vấn với CNN ngày 28.10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải nói hoạt động của Mỹ là “sự khiêu khích nghiêm trọng về quân sự lẫn chính trị”.
Hãng thông tấn Tân Hoa xã đăng bài bình luận đề cập nguy cơ xung đột và cảnh báo: “Mỹ không nên quá tự tin về khả năng lèo lái tránh xung đột”, còn tờ Hoàn Cầu thời báo nổi tiếng lớn giọng lâu nay thì viết thẳng là “Trung Quốc không sợ chiến tranh với Mỹ”.
Cũng không kém là giới chuyên gia quân sự nước này khi ông Lý Kiệt tại Viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định với tờ South China Morning Post rằng nước ông có thể điều tàu chiến đến tập trận trong khu vực hoạt động của tàu Mỹ và thậm chí đâm vào tàu Mỹ nếu cần. Ngoài ra, chuẩn đô đốc về hưu Dương Nghị, hiện là nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, lặp lại ẩn ý đe doạ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng rằng Trung Quốc có thể nhân chuyện này để tăng tốc xây dựng và có thể quân sự hoá các đảo nhân tạo phi pháp.
Trong cuộc họp báo ngày 27.10, ông Lục Khảng úp mở rằng nếu Washington “tiếp tục tạo căng thẳng trong khu vực”, Bắc Kinh có thể phải “gia tăng và đẩy mạnh các khả năng liên quan”.
Úc “có thể tuần tra cùng Mỹ”
Cũng trong ngày 28.10, nhiều nước trong khu vực tiếp tục đưa ra phản ứng về các diễn biến mới trên Biển Đông. Trong đó, Úc tỏ rõ ý định không muốn bị hiểu lầm là “về phe” Trung Quốc bằng cách hoãn một cuộc tập trận chung với nước này, dự kiến diễn ra ở Biển Đông vào tuần tới, theo trang tin News.com.au.
Ngoài ra, các nhà hoạch định quốc phòng tại Canberra đang xem xét nghiêm túc khả năng triển khai hải quân cùng Mỹ tiến hành các chuyến đi áp sát đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, một sĩ quan Úc tiết lộ với tờ The Wall Street Journal.
Một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản cũng lên tiếng ủng hộ động thái mới của Washington. “Tôi hiểu rằng hành động đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế có mối quan ngại chung về các hoạt động đơn phương”, Kyodo News dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu.
Trong khi đó, Hàn Quốc hôm qua 28.10 lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế mọi hành động gây ảnh hưởng tới ổn định, an ninh khu vực và giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, theo Yonhap. Tổng thống Indonesia Joko Widodo thì nhân tình hình hiện nay tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng xúc tiến Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giảm căng thẳng.
Việc Trung Quốc xây dựng hải đăng là không có giá trị
Ngày 28.10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN trước việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành 2 ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa của VN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định đây là những hoạt động không có giá trị.
Theo ông, VN đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là “TP.Tam Sa” và việc cái gọi là “chính quyền Tam Sa” tuyên bố hoàn thành xây dựng 2 ngọn hải đăng ở Hoàng Sa tiếp tục xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN. Hành động này đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm gia tăng căng thẳng, đe doạ nghiêm trọng hoà bình và ổn định ở khu vực.
“Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của VN đều không có giá trị”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh. “Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của VN, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC và chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên”, ông tuyên bố.
Trường Sơn
Theo tờ The Japan Times ngày 28.10, khu trục hạm USS Lassen mà Mỹ triển khai áp sát đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa thuộc biên chế Hạm đội 7, vốn phụ trách tây Thái Bình Dương. Đây là khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke có độ choán nước 9.200 tấn và chở theo 320 binh sĩ cùng trực thăng đa nhiệm MH-60R Sea Hawk. Tàu được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng Mk41-32 và 96 tên lửa đất đối không tầm trung SM-2 RIM66, tên lửa hành trình siêu thanh tầm xa BGM-109 Tomahawk hoặc tên lửa chống tàu ngầm RUM-139 VL-Asroc cũng như các loại súng và ống phóng ngư lôi khác.
Tính chung cả Hạm đội 7, đặt căn cứ tại Nhật Bản, thì lực lượng Mỹ tại tây Thái Bình Dương có 1 tàu sân bay, 80 – 100 tàu chiến, tàu ngầm, 150 -200 máy bay và 40.000 – 50.000 binh sĩ.
Trong khi đó, 2 tàu do Trung Quốc triển khai theo sát USS Lassen ngày 27.10 là khu trục hạm Lan Châu thuộc Hạm đội Nam Hải và tàu hộ vệ Đài Châu của Hạm đội Đông Hải. Hạm đội Nam Hải có địa bàn hoạt động ở Biển Đông, sở hữu tàu chiến nhiều hơn so với 2 hạm đội còn lại của hải quân Trung Quốc với ít nhất 4 khinh hạm, 9 khu trục hạm, 17 tàu hộ vệ, 23 tàu ngầm và 24 tàu đổ bộ. Đây cũng là hạm đội duy nhất của Trung Quốc được trang bị tàu ngầm năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân (4 chiếc). Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa lượng lớn tàu hải cảnh xuống Biển Đông trong thời gian qua. Bloomberg dẫn ước tính của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ cho hay Trung Quốc hiện có trên 200 tàu hải cảnh “thực thi pháp luật” ở Biển Đông.

Văn Khoa