10/01/2025

Thế giới bí ẩn của Bộ ngũ Cambridge

Thế giới đen tối của sự phản trắc, hoạt động nội gián và những bí mật xung quanh Nhóm gián điệp Cambridge được hé lộ qua những hồ sơ giải mật của MI5.

 

Thế giới bí ẩn của Bộ ngũ Cambridge

 

Thế giới đen tối của sự phản trắc, hoạt động nội gián và những bí mật xung quanh Nhóm gián điệp Cambridge được hé lộ qua những hồ sơ giải mật của MI5.


 


Kim Philby (đứng, bên phải) tại một cuộc họp báo năm 1951 - Ảnh: Daily MailKim Philby (đứng, bên phải) tại một cuộc họp báo năm 1951 – Ảnh: Daily Mail
Cho đến nay, hầu như mọi bí mật về danh tính các điệp viên Anh hoạt động cho Liên Xô thời Chiến tranh lạnh đã được liệt kê tường tận và những tình tiết xung quanh câu chuyện tưởng chừng như đã được công khai hoàn toàn.
Tuy nhiên, hồ sơ giải mật mới đây của Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5) đã giúp đào sâu hơn những bí mật chưa từng được biết đến của Nhóm gián điệp Cambridge (hay còn gọi là Bộ ngũ Cambridge), sau khi một số thành viên đột ngột biến mất vào thập niên 1950.
Kẻ chỉ điểm nguy hiểm
Theo tài liệu mới công bố, gián điệp hai mang Kim Philby và các đồng sự Guy Burgess, Donald Maclean đã được KGB (viết tắt từ Uỷ ban An ninh nhà nước Liên Xô) chiêu mộ trong lúc theo học tại Đại học Cambridge trong thập niên 1930, và trở thành một phần của nhóm gián điệp chủ chốt trực thuộc Bộ Ngoại giao Anh. Tuy nhiên, đến tháng 5.1951, bộ đôi Burgess và Maclean chuồn khỏi nước Anh trong lúc cuộc điều tra đang hé lộ dần những chứng cứ bất lợi đối với họ. Thế là những đồng sự còn lại, trong đó có điệp viên Cơ quan Tình báo đối ngoại (MI6) Philby, bị lọt vào vòng nghi ngờ.
Đến tháng 6, hồ sơ cho thấy Philby đã gửi tin báo đến Giám đốc MI6 Stewart Menzies để tố cáo những hành vi đáng nghi ngờ của những đồng sự, hòng chuyển hướng điều tra.
Trong khi đó, MI6 đáng lẽ phải phát giác thân phận thực sự của Philby là điệp viên hai mang từ sớm. Vào tháng 9.1945, cơ quan này đã không phát hiện một trong những hành vi nguy hiểm nhất của Philby, gây thiệt hại nghiêm trọng cho công tác phản gián của Anh.
Khi đó, phía Anh được nhà ngoại giao Liên Xô đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ Constantin Volkov liên hệ với ý định đào tẩu và đề nghị cung cấp thông tin chi tiết về khoảng 250 gián điệp Liên Xô đang ẩn nấp tại Anh, gồm cả Philby.
Một cách trùng hợp, Philby, lúc đó đã làm gián điệp cho Liên Xô khoảng 11 năm, được chỉ định xử lý vụ này và ông đã cố tình trì hoãn để KGB có thời gian hành động.
Một tài liệu tuyệt mật ngày 19.10.1945 giải thích chuyện gì đã xảy ra sau đó. Giới chức Anh đã 3 lần cố gắng liên lạc với Volkov nhưng thất bại, cuối cùng MI6 phát hiện ông này và vợ đã bị cưỡng bách rời khỏi Istanbul vào ngày 26.9 trên máy bay quân sự Liên Xô. May mắn cho Philby là Giám đốc MI6 Menzies, người có bí danh C, đã từ chối tiến hành cuộc điều tra vốn có thể làm lộ tẩy điệp viên hai mang này.
Tuy nhiên, cũng chính Philby đã vấp phải sai lầm chí tử làm đẩy nhanh thời khắc sụp đổ của Nhóm gián điệp Cambridge. Vào cuối thập niên 1940, các chuyên viên giải mã của Mỹ đã mở lại cuộc điều tra nhằm săn lùng một gián điệp tại sứ quán Anh ở Washington, kẻ đã tuồn những bức điện tín mật được trao đổi giữa Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt cho phía Liên Xô.
Các tài liệu mới giải mật cho thấy vào tháng 11.1949, chính Philby đã chỉ ra rằng có một nguồn cung cấp tin cho Liên Xô trà trộn bên trong Bộ Ngoại giao Anh, và người này thuộc dạng “học rộng tài cao”, từng được đào tạo ở những ngôi trường danh giá. Những thông tin trên cũng từng được viên tướng Liên Xô đào tẩu Walter Krivitsky tiết lộ trước đó. Có lẽ Philby chỉ muốn bảo vệ chính mình, nhưng không ngờ lời mách nước này đã đẩy đồng sự Maclean vào danh sách 6 cái tên bị nghi ngờ nhất.
Số phận bi đát
Từ đầu mối do Philby cung cấp, Burgess và Maclean, hai quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh, đã trốn khỏi nước này trên một con tàu chạy bằng hơi nước vào năm 1951, chỉ vài ngày trước khi Maclean bị thẩm vấn trong vụ điều tra điệp viên hai mang Homer (bí danh của Maclean).
Trong khi Maclean, đứng đầu Vụ Châu Mỹ của Bộ Ngoại giao, bị giám sát, đặc vụ đồng tính Burgess lại chẳng hề bị nghi ngờ bất chấp khuynh hướng lệch lạc về tình dục. “Burgess là một kẻ vô tổ chức và vô trách nhiệm đến mức khó có thể tin rằng ông ta lại được tuyển mộ làm công tác tình báo”, Hãng tin AFP dẫn lời của một cựu đồng nghiệp.
Vào ngày cả hai đào tẩu, 25.5.1951, họ ăn tối tại nhà Maclean với người vợ đang mang thai Melinda trước khi nhảy tàu trong đêm từ Southampton đến St Malo ở miền bắc Pháp. Maclean cũng kể lại Burgess đã uống đến mức say quên trời đất và trông thật sự đáng ngại. Một bức điện được Maclean gửi cho vợ mình từ Paris ngày 6.6 có đoạn: “Buộc phải rời đi gấp. Vô cùng xin lỗi em. Anh khá ổn. Đừng lo lắng em yêu. Anh yêu em. Hãy luôn yêu anh. Donald”.
Sự biến mất của bộ đôi này lập tức làm bùng nổ một vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử tình báo Anh, khi căng thẳng giữa phương Tây với Liên Xô dâng cao đến đỉnh điểm. Các cơ quan tình báo lập tức triển khai một cuộc điều tra đặc biệt để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Tất cả các nghi ngờ đều đổ về Kim Philby, bất chấp các nỗ lực “đâm sau lưng đồng đội” để hòng thoát tội. MI5 muốn thẩm vấn Philby, nhưng lãnh đạo của MI6 kháng cự. Đến tháng 7.1951, Philby từ chức và không hề có vết nhơ nào trong hồ sơ, trước khi đào ngũ sang Liên Xô vào năm 1963.
Gia đình của Maclean sau đó đã tìm cách đoàn tụ với ông ở Moscow và điệp viên này cũng tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, Burgess không thể nào hoà nhập được cuộc sống mới và ngày càng rượu chè bê tha vì nhớ nhà và người mẹ già đang bệnh tật.
Đến năm 1963, thành viên của Bộ ngũ Cambridge qua đời trong hoàn cảnh tha hương. Trong khi đó, một thành viên khác là Anthony Blunt, với bí danh Johnson, được phong tước hiệp sĩ vào năm 1956. Dù bị phát hiện hành tung vào đầu năm 1963, ông này đã xoay xở để thoát tội khi đề nghị cung cấp thông tin về KGB cho phía Anh. Blunt bị thu hồi tước hiệp sĩ vào năm 1979 và qua đời 4 năm sau đó.
Sự bất mãn của Mỹ
Các tài liệu mật tiết lộ sự chán ghét của giới chức Washington trước việc MI5 tuyển mộ hai nhân vật rượu chè be bét là Burgess và Maclean, và tình báo Mỹ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Anh hãy “dọn sạch sẽ” cơ quan mình.
Trước đó, trong lúc say xỉn, Burgess từng công khai danh tính 2 quan chức tình báo Anh ở Ma Rốc, trong khi Maclean phá tan hoang căn hộ của một nữ nhân viên thuộc Sứ quán Mỹ ở Cairo.
Maclean cũng từng buột miệng thừa nhận mình là người cộng sản khi nốc rượu, nhưng lời thú nhận này chưa bao giờ được xem là nghiêm túc cho đến khi thân phận của ông bị bại lộ.

 

Thụy Miên