28/11/2024

Kiếm tiền để được đến trường

Trong khi phần lớn học sinh được cha mẹ chăm lo, đưa đón, bảo bọc từ việc lớn tới việc nhỏ thì nhiều em khác phải bươn chải với đủ việc làm thêm, từ giúp việc nhà, phụ quán nhậu đến bán trà sữa… để kiếm tiền lo việc học.

 

Kiếm tiền để được đến trường

 

 

Trong khi phần lớn học sinh được cha mẹ chăm lo, đưa đón, bảo bọc từ việc lớn tới việc nhỏ thì nhiều em khác phải bươn chải với đủ việc làm thêm, từ giúp việc nhà, phụ quán nhậu đến bán trà sữa… để kiếm tiền lo việc học.




Đỗ Thị Kim Pho phụ bán quán nhậu sau giờ học từ năm lớp 6Đỗ Thị Kim Pho phụ bán quán nhậu sau giờ học từ năm lớp 6 – Ảnh: Lam Ngọc
Phụ bán hàng tới khuya
Vừa tan học, Nguyễn Đức Thắng (17 tuổi, lớp 10 Trung tâm GDTX Chu Văn An, Q.5, TP.HCM) vội vã lấy xe chạy nhanh về nhà thay quần áo để kịp tới chỗ làm ở một quán trà sữa từ 18 – 23 giờ. Phục vụ xong cho khách, Thắng chia sẻ: “Từ nhà em tới trường mất vài ki lô mét. Gần nhà em có trường tư nhưng vì học phí của trường cao nên em phải chịu khó học xa để tiết kiệm học phí. Với lại học ở trung tâm GDTX thời gian thoải mái hơn, em có thể tranh thủ để đi làm”.
Cúi mặt xuống đất, Thắng tâm sự: “Ba mẹ em phụ người ta bán hàng ở chợ. Không kể ngày đêm cứ có người gọi là đi làm. Nhiều hôm trời mưa lớn sấm sét ghê lắm, em về tới nhà đã gần 0 giờ, người ướt nhem mà ba mẹ vẫn chưa đi làm về. Đợi mãi hơn 1 giờ sau thấy ba mẹ về, gương mặt mệt mỏi và quần áo lấm lem. Tắm rửa xong ba mẹ đi ngủ luôn. Em hỏi sao ba mẹ không ăn cơm, ba mẹ bảo thôi để mai ăn. Nghe thế em thấy thương lắm, mũi cay xè nhưng không biết làm sao”.

 
 

Ông Nguyễn Quả, giám thị Trung tâm GDTX Chu Văn An, cho biết trung tâm có nhiều học sinh phải làm thêm kiếm tiền đi học. “Tôi thường dặn dò học trò. Các con làm bất cứ công việc gì để kiếm sống, để đi học được từ mồ hôi của các con thầy đều trân trọng. Nhưng tôi cũng luôn nhắc các em ở Sài Gòn này không đơn giản, nên làm việc gì cũng phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ”, ông xúc động nói. “Từ những đồng tiền kiếm được, nhiều học sinh của chúng tôi đã thi vào các trường đại học lớn và giành được cả học bổng. Bây giờ có em đã thành công và quay về trường thăm thầy cô”, ông tự hào nói.

 

 
Mỗi tháng Thắng nhận được lương 2,5 triệu cộng với tiền thưởng khoảng 500.000 – 700.000 đồng. “Mỗi lần nhận lương em vui lắm. Đi đường em phải dừng lại gọi điện về nhà hỏi ba mẹ thích ăn gì để con mua. Nhiều khi chỉ là mấy bọc hủ tiếu, bọc nui nhưng ba mẹ em vui ra mặt. Có lúc đóng học phí xong dư một ít tiền em lại tạt vào siêu thị mua muối, mắm, dầu ăn về cho mẹ…”, Thắng hồ hởi khoe. Rồi Thắng hồn nhiên nói về ước mơ của mình: “Học hết cấp 3 em sẽ thi trường sân khấu điện ảnh. Em thích làm diễn viên và thấy mình có chút năng khiếu”.

 
11 năm học – 3 lần gián đoạn
Nguyễn Thị Bích Vi đã 23 tuổi nhưng vẫn đang học lớp 12, Trung tâm GDTX Q.Tân Bình, TP.HCM. Vi quê ở Đà Lạt, một mình trụ học ở thành phố nên gặp nhiều khó khăn. Vi nói: “Em đi làm tự trang trải cuộc sống từ khi 12 tuổi. Học tới lớp 7 em nghỉ học đi phụ bán chè, đêm nhận thêm hành tỏi về nhà lột kiếm thêm thu nhập. Có khi ngồi lột cả đêm mắt cay vì hành và buồn ngủ nhưng em vẫn tự nhắc mình phải gắng kiếm được tiền để đi học lại”.
Vậy mà mấy năm sau Vi mới đăng ký tại trung tâm GDTX ở Đà Lạt học lại lớp 8. “Tới lớp 9 ở Đà Lạt không tổ chức lớp buổi tối, em một mình xuống Sài Gòn tìm việc. Ngay khi có việc làm thêm em mua hồ sơ đăng ký học lại lớp 9 tại Trung tâm GDTX Tân Bình. Tới nay đã gắn bó được hơn 4 năm”.
Dù bề ngoài tỏ ra cứng cỏi nhưng không ít lần Vi ứa nước mắt vì tủi thân: “Em nhớ nhất có lần tới nhà bạn chơi. Em mới chỉ tới cổng đã thấy cả nhà bạn có cả anh trai đang ăn cơm. Đứng ở ngoài em ứa nước mắt nghĩ đã bao lâu cả nhà không ăn chung một bữa cơm. Từ năm 12 tuổi hầu như em không ăn cơm chung. Kể cả ngày tết cũng không được trọn vẹn vì mẹ em vẫn phải đi làm”.
Để có tiền trang trải việc học, Vi phải làm thêm nhiều việc từ phụ quán cà phê, bán phô mai, làm nhân viên văn phòng… Nhưng Vi vẫn năng nổ tham gia công tác Đoàn, tham gia chiến dịch mùa hè xanh, là thành viên của CLB Ngòi bút trẻ… Vi tâm sự: “Năm nay vào đại học rất áp lực nên em hạn chế tham gia phong trào. Em tự đặt ra mục tiêu cho mình là phải cố học để thi đậu vào Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM”.
Bắt đầu học bài lúc 1 giờ sáng
Đỗ Thị Kim Pho (17 tuổi, quê Bến Tre, học sinh lớp 12, Trung tâm GDTX Chu Văn An, TP.HCM) là một nỗ lực hiếm thấy. Pho lên Sài Gòn phụ bán quán nhậu cho người quen từ năm học lớp 6: “Cứ nghỉ hè là em lên thành phố phụ việc để lấy tiền đóng học phí và mua sách vở cho năm học mới. Tới năm lớp 9 thì em lên ở hẳn. Một buổi đi học. Thời gian còn lại em phụ làm việc ở quán nhậu. Tiền lương được 1,7 triệu đồng/tháng em để dành đóng học phí. Còn lại gửi người quen để khi về quê mang tiền về cho mẹ”.
Pho tâm sự: “Công việc dù vất vả thế nào em cũng không sợ. Em chỉ buồn khi làm ở quán nhậu hay bị người ta mang ra đùa cợt”. Pho cho biết thêm: “Quán nhậu đóng cửa lúc 23 giờ 30 nhưng có khi quá 0 giờ khách mới về hết. Chúng em dọn dẹp tắm rửa xong gần 1 giờ sáng. Lúc ấy em mới có thời gian ngồi học bài…”.

Lam Ngọc