“Đậu thành rớt”, lỗi không ở thí sinh
Chưa mùa tuyển sinh nào có nhiều trường hợp thí sinh đậu thành rớt như năm nay. Hầu hết các trường hợp đậu thành rớt này đều do xác lập sai đối tượng, khu vực (KV) ưu tiên trong tuyển sinh.
“Đậu thành rớt”, lỗi không ở thí sinh
Chưa mùa tuyển sinh nào có nhiều trường hợp thí sinh đậu thành rớt như năm nay. Hầu hết các trường hợp đậu thành rớt này đều do xác lập sai đối tượng, khu vực (KV) ưu tiên trong tuyển sinh.
Để thí sinh tự chịu trách nhiệm về hồ sơ của mình thì cần có sự hỗ trợ thông tin đầy đủ từ nhiều phía. Trong ảnh: học sinh Đặng Lê Anh Thư, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM, kiểm tra lại hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 trước khi nộp cho trường – Ảnh: Như Hùng |
Sáng 26-10, Bùi Thiên Hoàng – học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), một trong sáu thí sinh rớt ĐH oan ức do trường tư vấn sai – đã đến Trường ĐH Luật TP.HCM làm thủ tục nhập học.
Vụ việc được giải quyết sau gần một tháng gia đình thí sinh làm đủ các thủ tục, chạy khắp nơi để kêu cứu.
Trường, sở sai, thí sinh phải chịu
Trước đó, thí sinh Bùi Thiên Hoàng là một trong sáu thí sinh được Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cấp giấy triệu tập trúng tuyển; nhưng đến lúc nhập học, nhà trường cho biết thí sinh không đủ điểm trúng tuyển do không có giấy tờ chứng minh thuộc diện ưu tiên.
Trong dữ liệu của Bộ GD-ĐT và trong hồ sơ nhập học, sáu thí sinh trên đều khai thuộc đối tượng ưu tiên 06 theo diện “con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế” (được cộng 1 điểm – PV). Tuy nhiên, các thí sinh này đều khẳng định không phải tự mình khai mà do hướng dẫn của nhà trường và công an địa phương.
Khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, các thí sinh đã nộp giấy tờ để được hưởng ưu tiên, và đều được bộ phận thu nhận hồ sơ của trường cùng hiệu trưởng trường THPT kiểm tra tính xác thực. Vì vậy, nhà trường đã nhập liệu cho các thí sinh này được hưởng ưu tiên đối tượng 06.
Trong văn bản Sở GD-ĐT Quảng Nam gửi Bộ GD-ĐT, sở cũng xác nhận việc nhận định sai hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên không phải do thí sinh, mà lỗi thuộc về đơn vị hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ.
Trường THPT nơi thí sinh Bùi Thiên Hoàng theo học và người trực tiếp thu nhận hồ sơ đều phải làm giải trình, kiểm điểm vì để xảy ra sai sót.
Hi hữu hơn, thí sinh Nguyễn Xuân Anh Tuấn (Quảng Ngãi) sau khi đã nhập học một tháng ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược – ĐH Huế lại nhận thông báo không đủ điểm đậu vào ngành học này. Tương tự các thí sinh nói trên, Tuấn đã ghi sai đối tượng ưu tiên (đối tượng 06).
Trước đó, hàng chục thí sinh nhận giấy báo đậu ĐH, nhưng khi đến các trường và khoa trực thuộc ĐH Huế làm thủ tục nhập học thì được trả lời là không đậu vì không đủ điểm! Lý do đang đậu thành rớt của hầu hết thí sinh là cộng nhầm điểm ưu tiên.
PGS.TS Lê Văn Anh, phó giám đốc ĐH Huế, cho biết những trường hợp sai đối tượng đều không phải do lỗi của ĐH Huế: “Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh phải chịu trách nhiệm hồ sơ lý lịch của mình. Các em tự kê khai sai đối tượng và KV ưu tiên của mình. ĐH Huế không nhận được hồ sơ mà chỉ nhận được danh sách từ các sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT chuyển vào. Các trường chỉ kiểm tra khi các em nhập học”.
Khiếu nại cũng không xong
Trong khi đó tại tỉnh An Giang, Sở GD-ĐT tỉnh này đã hiểu sai quy chế, dẫn đến việc xác định nhầm KV ưu tiên đối với hàng trăm thí sinh thuộc thị xã Tân Châu. Theo quy chế, thí sinh thuộc thị xã Tân Châu chỉ được hưởng KV1 hoặc KV2, không có KV2 – nông thôn.
Mới đây, thí sinh N.H.T. – học sinh Trường THPT Tân Châu (An Giang) – đến Trường ĐH Luật TP.HCM làm thủ tục nhập học theo giấy triệu tập của trường, nhưng nhà trường từ chối tiếp nhận hồ sơ với lý do trường hợp của thí sinh này chỉ được hưởng điểm ưu tiên 0,5 điểm (KV2), không được hưởng 1 điểm (KV2 – nông thôn) nên không đủ điểm trúng tuyển.
“Tôi đã đến Sở GD-ĐT An Giang khiếu nại và sở có công văn trả lời, khẳng định tôi thuộc KV2 – nông thôn. Nhiều học sinh Trường THPT Tân Châu, tỉnh An Giang đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH đều được hưởng 1 điểm ưu tiên KV2 – nông thôn theo quy định của Bộ GD-ĐT” – N.H.T. bức xúc.
Còn Trường ĐH Kinh tế quốc dân phải giải quyết tình huống ngoại lệ cho hàng chục thí sinh sai về đối tượng, KV ưu tiên làm ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển ban đầu. Trong đó, ngoài hơn 10 thí sinh sau khi trừ điểm ưu tiên do sai sót vẫn đủ điểm trúng tuyển, có hai thí sinh khi lùi về điểm ưu tiên thực tế thì từ “đậu thành rớt”.
Sai sót nhiều vì giao trường THPT nhập dữ liệu?
Các năm trước, việc nhập dữ liệu là của trường ĐH, CĐ. Những nhầm lẫn tương tự như trên được giải quyết trong cơ sở dữ liệu riêng của các trường ĐH, CĐ. Còn năm nay, việc này do các trường THPT thực hiện.
Thực tế, thí sinh được cấp tài khoản riêng để kiểm tra thông tin cá nhân trên hệ thống và kiểm tra danh sách thi, nếu thấy có sai sót thì phải báo ngay cho cán bộ của hội đồng thi hoặc nơi đăng ký xét tuyển để xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi không được nhập học, nhiều thí sinh liên lạc lại với trường THPT thì vẫn được khẳng định: thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên như đã khai ban đầu. Chính các trường THPT cũng không biết mình sai.
Khi thông tin về việc xác định danh mục các trường THPT trên địa bàn tỉnh An Giang được Sở GD-ĐT tỉnh này gửi về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT, thì nơi này lại không phát hiện sai và nhập dữ liệu sai này vô phần mềm quản lý thi THPT quốc gia năm 2015, dẫn đến sai sót. Như vậy thí sinh làm sao biết được mình sai để chỉnh sửa?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết sai sót về chế độ ưu tiên do nhiều nguyên nhân, nhưng số lượng sai năm nay tăng nhiều hơn mọi năm, một phần do việc nhập dữ liệu vào hệ thống được thực hiện từ trường THPT, dựa trên lời khai của thí sinh, mà không phải từ các trường ĐH, CĐ vốn “thuận tay” hơn trong công tác tuyển sinh.
“Để thí sinh chịu trách nhiệm về thông tin đã khai trong hồ sơ là cách tốt nhằm nâng cao nhận thức của thí sinh, khi các em đã đến tuổi lựa chọn con đường tương lai sau THPT. Nhưng để các em tự chịu trách nhiệm thì cần có sự hỗ trợ thông tin đầy đủ, tránh những sai sót đáng tiếc” – ông Điền nói.
Ông Điền cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét lại việc giao cho các trường THPT nhập dữ liệu của thí sinh vào hệ thống. Nên chuyển hồ sơ về cho các đơn vị chủ trì cụm thi để cụm thi nhập dữ liệu vào hệ thống, đảm bảo tính chính xác cao hơn.
Dồn hết trách nhiệm cho thí sinh! TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng quy chế tuyển sinh năm nay đã bỏ qua khâu rất quan trọng, do quy định các cụm thi không có chức năng và nhiệm vụ kiểm tra tính chính xác đối tượng, KV ưu tiên của thí sinh. Trách nhiệm kiểm tra dồn hết cho các trường ĐH và thí sinh trúng tuyển, mà khi đó đã quá muộn rồi. “Cần yêu cầu thí sinh nộp giấy tờ minh chứng thuộc đối tượng ưu tiên khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Bộ GD-ĐT phải chỉ đạo các sở GD-ĐT tập huấn kỹ cho cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ, hiểu rõ quy chế và phổ biến thông tin chính xác cho thí sinh. Việc chỉnh sửa thông tin về đối tượng, KV ưu tiên phải được thực hiện sớm, ngay trong giai đoạn chuyển hồ sơ về các cụm thi. Nếu phát hiện sai sót thì cần báo ngay cho thí sinh chỉnh sửa, đừng để đến lúc thí sinh nhập học mới kiểm tra. Riêng về KV ưu tiên đã có sẵn trong phần mềm quản lý thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, có mã trường THPT, mã xã… nên phần mềm hoàn toàn có thể xác định ngay thí sinh khai đúng hay sai” – ông Nghĩa nói. |