28/11/2024

Vân và giấc mơ cho cả nhà

Đã bảy năm nay Nguyễn Thị Ngọc Vân, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Ngọc (Đồng Nai), vừa là cô học trò trường làng, vừa là cô công nhân hạt điều.

 

Vân và giấc mơ cho cả nhà

 

Đã bảy năm nay Nguyễn Thị Ngọc Vân, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Ngọc (Đồng Nai), vừa là cô học trò trường làng, vừa là cô công nhân hạt điều.




Ba tháng hè, 6 giờ sáng Vân đã ra khỏi nhà đến xưởng điều, 6 giờ tối mới đạp xe về - Ảnh: Vũ Thủy
Ba tháng hè, 6 giờ sáng Vân đã ra khỏi nhà đến xưởng điều, 6 giờ tối mới đạp xe về – Ảnh: Vũ Thuỷ

12 năm liền Vân luôn là học sinh giỏi. Lớp 12 Vân là học sinh giỏi môn sinh học cấp tỉnh. Kỳ thi THPT quốc gia, điểm khối B của Vân là 24 điểm nhưng Vân chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào ngành sư phạm ĐH Đồng Nai “để gần nhà nhất, đỡ tốn chi phí ăn ở nhất”.

“Nếu có một điều ước, ước gì má và nội khoẻ, em gái được đi học

NGUYỄN THỊ 
NGỌC VÂN

Tuổi thơ nhọc nhằn

Vân ngồi giữa xưởng hạt điều nóng như rang, mọi thứ xung quanh đều cáu đen vì nhựa điều bao năm bám lại. Đôi chân cần mẫn đạp máy cắt, đôi tay bé nhỏ của Vân thoăn thoắt tra hạt điều vào lưỡi dao sắc lẻm, chưa một ngày ngơi nghỉ vì cố níu giữ giấc mơ cho mình cũng là giấc mơ đổi phận cho cả nhà: vào đại học.

Lúc còn đi học, nửa buổi học, nửa buổi làm nhưng hè đến Vân phải đi làm từ tinh mơ đến tối mịt, gần 12 giờ đồng hồ liên tục. Nói chuyện với Vân ở xưởng hạt điều, cái xô để cạnh đựng nhân điều đầy dần lên, đổi lại Vân sẽ nhận được tối đa 120.000 đồng tiền công lo cho cả nhà có bốn người.

Nhựa điều độc, chỉ cần dính vào da thịt nhiều là bỏng rộp nên Vân chỉ gỡ khẩu trang ra để nói chuyện chứ bình thường bịt kín mít.

Cha mẹ có năm người con, lúc Vân còn nhỏ xíu, cả nhà bảy người sống chung với bà nội và người cô. Cuộc sống nghèo khó, cha mẹ Vân chuyển xuống ở luôn trong một con thuyền trên sông La Ngà làm nghề kéo cá thuê.

Vân và em gái ở lại với bà nội và cô. Người cô ruột Nguyễn Thị Ánh Hồng (53 tuổi) – người phụ nữ lâu nay Vân vẫn gọi bằng má – đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để cưu mang hai đứa cháu. Ban đầu cô cũng đi kéo cá thuê rồi sau này đi bóc hạt điều.

Đến lớp 6, Vân theo cô đi bóc hạt điều thì cả nhà bốn người mới không chịu cảnh thiếu ăn.

“Bữa nào học là Vân đạp xe thẳng từ trường cấp II đến xưởng ăn cơm đùm cơm nắm với cô rồi vào làm, cấp III thì phải chạy về nhà thay áo dài. Mệt nhoài nhưng tối nào Vân cũng ráng học bài tới 11 – 12 giờ đêm” – bà Ánh Hồng kể.

Bà Hồng rớm nước mắt: “Nhà khó, lẽ ra cho Vân nghỉ hồi lớp 9. Nhưng cứ kêu nghỉ là nó khóc, mình làm mẹ cũng không đành lòng”. Em gái Vân vừa học xong lớp 9 nhưng đầu năm nay gia đình không thể xoay xở được học phí nên đã phải nghỉ học.

Cô Nguyễn Thị Thuỷ Tiên – giáo viên chủ nhiệm của Vân – cho biết thường ngày Vân khép kín, ít nói nhưng mấy tháng cuối học kỳ 2 ngày nào lên lớp Vân cũng ngồi khóc vì đến tiền đi thi cũng không có. Cô đã viết một lá thư ngỏ gửi các thầy cô và cha mẹ học sinh quyên được gần 2 triệu đồng để em làm chi phí đi thi bốn ngày trên Sài Gòn.

Ước gì…

Chúng tôi đến nhà Vân vào một sáng chủ nhật mưa như trút nước. Căn nhà gỗ cũ nát, ọp ẹp, xiêu vẹo tưởng như không thể chống chịu nổi với gió mưa. Quanh nhà toàn thau chậu hứng nước mưa dột khắp nhà. Những ngày mưa bão “má con, bà cháu chỉ biết ngồi run vì sợ nhà sập”.

Cái bàn học cũ kỹ chỉ có cây đèn học cũ, xung quanh treo đầy khẩu trang và nón cũ để đi bóc hạt điều. Một túi vải màu trắng đã ngả màu cũ mèm xếp trên bàn.

Hỏi ra mới biết nhà chỉ có một cái quạt, để cháu học bài khuya không bị muỗi đốt, bà nội đã lấy áo khoác cũ may túm lại thành cái rọ có dây cột sẵn bằng thun quần để cháu trùm vào chân. Bà nội Vân nay đã 85 tuổi, đau bệnh nặng nên chỉ nằm trên võng. Bà kể sáng nào Vân cũng nhịn ăn sáng đến trường chỉ để tiết kiệm tiền mua tập vở và thuốc thang cho má và bà.

Hỏi chuyện học hành rồi dự định, mắt Vân rơm rớm. Không dám ngồi trong nhà vì sợ má và bà nội thấy, Vân bước ra tựa cửa sau, bao nhiêu nghẹn ngào vỡ ra trong giọng nói và nước mắt giàn giụa.

Nghe trong đó bao sự giằng xé: “Bà nội bệnh, má cũng bệnh, em gái tôi vừa mới nghỉ học ở nhà đan giỏ bèo mỗi ngày chỉ kiếm được 20.000 đồng. Cứ nhìn má cả đời đi kéo cá, bóc hạt điều, đến lúc đau bệnh nằm xuống không có một đồng chữa bệnh là thấy mình không thể không học. Phải học để thay đổi cuộc sống của cả nhà”.

Vân nói ở Biên Hoà sẽ kiếm việc làm lo cho mình và gửi thêm về nhà. “Bây giờ em gái tạm nghỉ học. Nhưng sau này nó phải học tiếp hoặc đi học trường nghề” – Vân nói chắc nịch.

170 học bổng “Tiếp sức đến trường” khu vực Đông Nam bộ

Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, sở GD-ĐT 7 tỉnh Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM).

Tài trợ: Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường”, Quỹ khuyến học Vinacam, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Uỷ ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty bao bì Nam Long, Công ty TNHH giải trí Việt Com, Công ty TNHH Duy Lợi, Công ty Nụ Cười Vui và bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Trị giá 170 suất học bổng là 1,19 tỉ đồng, trao vào ngày 28-10.

VŨ THỦY – PHƯƠNG NAM