28/11/2024

Trung Quốc vạch ra “kế hoạch 5 năm” lần thứ 13

Hội nghị trung ương 5 khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc hôm qua tại Bắc Kinh, với trọng tâm vạch ra kế hoạch phát triển năm năm lần thứ 13.

 

Trung Quốc vạch ra “kế hoạch 5 năm” lần thứ 13

 

 

Hội nghị trung ương 5 khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc hôm qua tại Bắc Kinh, với trọng tâm vạch ra kế hoạch phát triển năm năm lần thứ 13.


 

 

Người dân Trung Quốc trông chờ vào những đợt cải cách đột phá của ban lãnh đạo đất nước, sau những bất ổn kinh tế kéo dài thời gian qua - Ảnh: Reuters
Người dân Trung Quốc trông chờ vào những đợt cải cách đột phá của ban lãnh đạo đất nước, sau những bất ổn kinh tế kéo dài thời gian qua – Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, hội nghị lần này sẽ xem xét các đề xuất về phát triển kinh tế và xã hội của đất nước từ năm 2016 đến 2020. Bản kế hoạch cuối cùng sau đó cần được Quốc vụ viện thông qua vào tháng 3 năm sau.

Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sẽ báo cáo kết quả lên Uỷ ban Trung ương Đảng.

Trọng tâm kinh tế

Truyền thông Trung Quốc cho hay hội nghị kéo dài bốn ngày, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bước vào giai đoạn “bình thường mới” khi tăng trưởng chậm lại.

Theo số liệu được công bố, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong quý 3-2015, lần đầu tiên tăng trưởng theo quý tụt xuống mức dưới 7% kể từ quý 2-2009, thời gian đỉnh cao của suy thoái toàn cầu. Thậm chí có những nhận định của các chuyên gia kinh tế phương Tây cho rằng số liệu công bố của Trung Quốc đã bị “tô hồng” để trấn an dư luận.

Nhà nghiên cứu Tiểu Tiểu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc viết trên tờ Nhân Dân Nhật Báo rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại cũng hợp lý và là chuyển biến cần thiết khi nền kinh tế đang trải qua sự điều chỉnh. Những số liệu yếu kém khác cũng gây thất vọng.

Sản xuất công nghiệp thấp hơn dự báo với chỉ số tăng trưởng tháng 9 thấp nhất trong vòng sáu tháng. Đầu tư vào tài sản cố định tiếp tục chậm lại.

Kế hoạch năm năm lần thứ 13 này được cho là nhận được sự chú ý của giới quan sát ở cả Trung Quốc và trên thế giới. Đến nay, chưa có nhiều thông tin chi tiết về kế hoạch này được công bố. Cũng như các kế hoạch năm năm trước đó, chỉ số tăng trưởng GDP sẽ được đề ra trong kế hoạch.

Truyền thông Trung Quốc dẫn dự báo thị trường cho biết mục tiêu tăng trưởng của nước này trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ vào khoảng 6,5 – 7%. Theo AFP, Trung Quốc là tác nhân chủ chốt của nền kinh tế thế giới và các nhà phân tích đang kêu gọi Bắc Kinh có sự cải tổ cơ cấu sâu rộng hơn để duy trì tăng trưởng lâu dài.

Các thách thức

Trong bài xã luận đăng hôm qua, tờ Nhân Dân Nhật Báo bình luận: “Trung Quốc đang bước vào thời kỳ chủ chốt của chủ nghĩa xã hội khi đang bước chậm dọc con đường trẻ hóa đất nước”.

Báo này cũng dẫn mục tiêu phát triển của Trung Quốc nói một xã hội thịnh vượng sẽ được xây dựng vào năm 2020. Điều đó có nghĩa là không chỉ có kinh tế tăng trưởng ổn định mà còn là bước nhảy đối với mức sống của người dân, bao gồm cả khoảng 70 triệu dân số nghèo ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề chưa được giải quyết như việc khói mù ô nhiễm đang bao phủ nhiều thành phố lớn của nước này. Truyền thông Trung Quốc nêu ra việc dân số trên 1,3 tỉ người của nước này cũng là một thách thức lớn.

Trong bài xã luận trên, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng Trung Quốc Lâm Bá Cường cho rằng tập trung vào tăng trưởng đã khiến nước này phớt lờ các tác động của việc phụ thuộc vào công nghiệp nặng dùng nguyên liệu than rẻ nhưng bẩn.

Theo ông, điều này cần phải thay đổi. “Chính phủ nên tìm giải pháp hạn chế dùng một số loại nhiên liệu, đặc biệt là than, để tiến tới việc thay đổi cấu trúc kinh tế”.

AFP dẫn lời giáo sư kinh tế Trường đại học Thanh Hoa Hồ An Cương nói các biện pháp cải thiện môi trường mạnh mẽ sẽ không thể tiếp tục bị coi nhẹ hơn so với tăng trưởng.

“Chúng ta cần tăng đầu tư vật liệu, nhưng chúng ta cũng cần tăng cường đầu tư cho môi trường nhiều hơn. Chúng ta cần bảo toàn năng lượng, nhưng cũng cần phát triển năng lượng xanh nhiều hơn” – ông nói.

“Vẫn còn phải chờ xem liệu Trung Quốc có chịu nổi cú “hạ cánh cứng” gây nhiều bất trắc trong thời gian 2016 – 2020. Theo đó, Trung Quốc hoặc trải qua một khoảng thời gian tăng trưởng trì trệ kéo dài, hoặc nền kinh tế sẽ có một cú hồi sinh năng động và tăng trưởng trở lại sau những cải cách đáng kể

Đánh giá của Ngân hàng Barclays

 

THU ANH