28/11/2024

Kỳ quặc như tặng phẩm ngoại giao

Tặng quà là nghi thức ngoại giao không thể thiếu trong quan hệ giữa các quốc gia và nhiều món quà trao nhau “độc đáo” đến mức người nhận không khỏi bối rối.

 

Kỳ quặc như tặng phẩm ngoại giao

 

 

Tặng quà là nghi thức ngoại giao không thể thiếu trong quan hệ giữa các quốc gia và nhiều món quà trao nhau “độc đáo” đến mức người nhận không khỏi bối rối.




Một chiến binh Kastom khoe ảnh hoàng thân Philip và đóng chiếc khố giống như món quà đã tặng ông - Ảnh: AFPMột chiến binh Kastom khoe ảnh hoàng thân Philip và đóng chiếc khố giống như món quà đã tặng ông – Ảnh: AFP
Thực tế cho thấy việc tặng quà cho các quan chức, lãnh đạo quốc gia, vốn không thiếu thốn những vật dụng đắt tiền và độc đáo, là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, mỗi khi đón khách quý đến thăm hoặc trong những dịp đặc biệt, giới hữu trách các nước luôn phải vắt óc nghĩ ra những món quà “không đụng hàng” để gây ấn tượng cũng như tỏ rõ thịnh tình. Kết quả là đã không ít lần người nhận phải “té ngửa”.
Theo tờ The Guardian, món quà “vô giá” mà hoàng thân Philip, chồng Nữ hoàng Elizabeth II, nhận được khi đến thăm cộng đồng người Kastom ở đảo quốc Vanuatu cách đây 5 năm là một chiếc khố bằng rơm. Đây là trang phục truyền thống của các chiến binh Kastom, nhưng điểm đặc biệt nhất là nó chỉ đủ lớn để che đúng… vùng nhạy cảm.
Bản thân Nữ hoàng Elizabeth II cũng thường được tặng nhiều món quà độc đáo. Trong đó, kỳ quặc nhất phải kể đến lần bà thăm Ireland năm 2011. Khi đó, Cristina Patino, chủ một trại ngựa nổi tiếng thế giới, đề nghị cho một con ngựa cái trong đàn ngựa hoàng gia phối giống với chú ngựa thuần chủng mang tên Big Bad Bob hoàn toàn miễn phí. Theo The Guardian, chi phí cho một lần “ăn nằm” với Big Bad Bob có giá tới 5.000 bảng Anh (khoảng 170 triệu đồng).
Trong khi đó, để cảm ơn Pháp vì hỗ trợ trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan năm 2013, chính phủ Mali đã tặng Tổng thống Francois Hollande một con lạc đà. Vì chưa thể đem con vật về nuôi tại Điện Elyseé, ông Hollande quyết định gửi lại nhờ một gia đình ở thành phố Timbuktu của Mali chăm sóc. Tuy nhiên, không lâu sau, lãnh đạo Pháp nhận được “hung tin”: thú cưng của ông đã bị gia đình này làm thịt. Để chữa thẹn, giới chức Mali phải điều động một con lạc đà khác “lực lưỡng hơn, khoẻ mạnh hơn” để thay thế.
Bộ sưu tập quà tặng của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush cũng không hiếm “hàng độc” như một cuốn cẩm nang dạy cách sống sót trong những tình huống tai nạn cùng 6 bình phân bón từ Brunei. Tuy nhiên, những món quà khiến gia đình Bush không bao giờ quên có lẽ là gần 150 kg thịt cừu của chính phủ Argentina và một con rồng Komodo từ Indonesia. Sau khi được chuyển từ Phòng Bầu dục đến Sở thú Cincinnati, chú rồng đã nhanh chóng “lên chức” khi có tới 30 rồng con.
Cố vấn thân cận của ông Bush khi còn tại vị là Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld thì từng nhận món quà vô cùng kinh dị từ ông Saddam Hussein nhiều năm trước khi hai bên trở thành tử địch không đội trời chung. Theo báo mạng Global Post, khi thăm Iraq vào năm 1983 với tư cách Đặc phái viên của Mỹ tại Trung Đông, ông Rumsfeld được ông Hussein tặng quà chào mừng là một đoạn phim quay cảnh lính Syria… cắn đứt đầu rắn và giết chó con. Mục đích là nhằm chứng minh cho Mỹ thấy sự tàn ác của chính quyền Syria, khi đó là đối thủ của Iraq.
Người kế nhiệm ông Bush, đương kim Tổng thống Barack Obama cũng từng nhận rất nhiều quà ngoại giao kỳ lạ, đến nỗi tờThe Washington Post từng phân loại 274 món quà ông nhận từ năm 2009 theo mức độ “vô duyên” của chúng. Trong đó có một suất bảo hiểm phòng khi bị cá sấu cắn từ Úc, một túi đựng đồ làm bằng vật liệu tái chế từ Pháp và một chiếc bàn đánh bóng bàn từ Anh nhưng lại sản xuất ở… Trung Quốc.

Danh Toại