08/01/2025

Giải mật về ‘thập niên nhục dục’ của Anh

Hàng trăm hồ sơ vừa giải mật đã vén màn những bê bối tình dục làm lung lay chính phủ của Thủ tướng Anh Harold Macmillan trong thập niên 1960.

 

Giải mật về ‘thập niên nhục dục’ của Anh

 

 

Hàng trăm hồ sơ vừa giải mật đã vén màn những bê bối tình dục làm lung lay chính phủ của Thủ tướng Anh Harold Macmillan trong thập niên 1960.




Từ trái sang: Chính trị gia Robert Boothby, trùm tội phạm Ronnie Kray và người tình Leslie Holt - Ảnh: AFPTừ trái sang: Chính trị gia Robert Boothby, trùm tội phạm Ronnie Kray và người tình Leslie Holt – Ảnh: AFP
Khoảng 400 hồ sơ của Văn phòng Nội các Anh và Cơ quan Tình báo nội địa MI5 vừa được giải mật lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua. Nhờ đó, dư luận đã có cái nhìn đầy đủ hơn về lý do tại sao nhiều nhà quan sát và sử gia gọi những năm 1960 là “thập niên nhục dục” của Anh.
Bê bối Profumo
Một trong những nguyên nhân khiến Thủ tướng Anh Harold Macmillan (1894 – 1986) từ chức vào tháng 10.1963 khi còn một năm nữa mới đến kỳ tổng tuyển cử và giữa lúc tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ vẫn đang cao là vụ bê bối chấn động của Bộ trưởng Chiến tranh John Profumo.
Theo hồ sơ của MI5, từ năm 1961, ông Profumo đã có quan hệ ngoài luồng với một người mẫu tên Christine Keeler, khi đó mới 19 tuổi. Điều đặc biệt nghiêm trọng là trong lúc tằng tịu với ông Profumo, cô Keeler cũng có quan hệ giường chiếu với tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Anh, Yevgeny Ivanov, người bị MI5 nghi ngờ là gián điệp. Thông qua sự giới thiệu của Keeler, Bộ trưởng Profumo trở nên khá thân thiết với Ivanov mà không hề biết rằng người kia là tình địch của mình.
Đến nay, các sử gia vẫn còn tranh cãi về việc liệu Ivanov có lợi dụng Keeler để moi bí mật quốc gia Anh từ miệng Profumo hay không; nhưng các tài liệu vừa giải mật cho thấy MI5 vô cùng lo lắng và theo dõi sát sao những buổi tiệc có sự xuất hiện của 3 người. Tuy nhiên, theo cuốn sách mới xuất bản mang tên A New History of Soviet Intelligence (tạm dịch: Lịch sử mới về tình báo Xô viết) của Giáo sư Anh Jonathan Haslam thuộc Đại học Cambridge, Ivanov đã thu được những bí mật vô cùng quan trọng từ sự hớ hênh của vợ chồng nhà Profumo. Cụ thể, Ivanov thường đến nhà Profumo chơi và được vợ ông mời vào phòng sách để chờ mỗi khi Bộ trưởng Anh chưa ra tiếp được ngay. Dĩ nhiên, bà vợ không hề biết chồng mình và “ông bạn quý hoá” cùng chia sẻ bạn tình là cô người mẫu trẻ trung. Thế là, Ivanov tha hồ dùng máy chụp ảnh bí mật chụp lại những tài liệu quan trọng mà Profumo để bừa bãi trên bàn làm việc, bao gồm cả hồ sơ về máy bay do thám X-15 mà Mỹ đang bí mật phát triển.
Đến năm 1962, Tùy viên Ivanov được triệu về nước, Bộ trưởng Profumo chấm dứt quan hệ với cô Keeler, còn MI5 cũng không làm lớn chuyện vì không muốn gây tai tiếng. Tuy nhiên, kiều nữ Keeler vẫn không bỏ “thói quen” quan hệ cùng lúc với nhiều người và vào tháng 12.1962, xảy ra một vụ nổ súng do ghen tuông liên quan đến các người tình của cô. Thế là, dư luận bắt đầu chú ý đến Keeler, cảnh sát vào cuộc và quá trình điều tra cuối cùng dẫn thẳng đến chuyện tình tay ba với Profumo và Ivanov.
Ban đầu, vị bộ trưởng bác bỏ mọi cáo buộc nhưng cuối cùng phải thừa nhận tất cả trước quốc hội và tuyên bố từ chức vào tháng 6.1963. Tác động của vụ này lớn đến mức Thủ tướng Macmillan phải theo chân ông 4 tháng sau đó. Bộ trưởng Profumo qua đời năm 2006, Tùy viên Ivanov mất trước đó 12 năm, còn bà Keeler đang sống lặng lẽ ở Anh.
Chính khách lưỡng tính, xã hội đen và phu nhân thủ tướng
Có thể nói những bi kịch trong sự nghiệp và đời tư của Thủ tướng Macmillan đều gắn liền với tình dục dù bản thân ông nổi tiếng là người đứng đắn. Theo tờ Mirror, một phần lớn hồ sơ vừa được giải mật đã tiết lộ về vụ bê bối liên quan đến chính khách nổi tiếng của đảng Bảo thủ là Robert Boothby (1900 – 1986), tình nhân của vợ ông Macmillan trong hàng chục năm. Tuy vợ chồng nhà Macmillan đã sống bên nhau từ khi kết hôn năm 1920 cho đến khi bà Dorothy qua đời năm 1966, nhưng hồ sơ của MI5 cho thấy bà đã ngoại tình với nghị sĩ Boothby từ năm 1930 và thậm chí giới tình báo nghi ngờ rằng con gái út nhà Macmillan thực chất là con của ông Boothby.
Hơn nữa, ông Boothby là người lưỡng tính và ngoài phu nhân thủ tướng, ông còn có quan hệ “mật thiết” với tên trùm tội phạm khét tiếng nước Anh trong những năm 1950 – 1960 là Ronnie Kray. Tờ Irish Examiner dẫn hồ sơ MI5 cho thấy vào đầu năm 1964, Bộ trưởng Nội vụ Henry Brooke vô cùng lo lắng khi nghe phong phanh về những bữa tiệc tình dục đầy trai trẻ do Boothby và Kray tổ chức. Khi đó, vụ bê bối Profumo vẫn đang ám ảnh đảng Bảo thủ trong khi dù đã rời quốc hội, nhưng Boothby vẫn là một nhân vật máu mặt của đảng, đồng thời khá thân thiết với nhiều nhân vật của Công đảng. Thậm chí, trong các bữa tiệc “nhớp nhúa” nói trên có sự tham gia của nghị sĩ Tom Driberg thuộc Công đảng.
Theo hồ sơ, Giám đốc MI5 Roger Hollis xác nhận Boothby có quan hệ với Kray lẫn bà Dorothy Macmillan. Tuy nhiên, ông Hollis trấn an Bộ trưởng Brooke rằng ông Boothby không có khả năng tiếp cận các bí mật quốc gia nên an ninh nước Anh không bị đe doạ.
Theo MI5, Kray đã giới thiệu một người tình đồng tính trẻ trung, điển trai tên Leslie Holt, vốn là trộm vặt, cho ông Boothby. Thế là Boothby thuê Holt làm tài xế riêng, tặng xe hơi Jaguar cùng nhiều món quà đắt tiền khác cho người tình trẻ. Khi ngài chính khách đã chán Holt, người này doạ công khai tất cả và Ronnie Kray phải ra mặt vừa điều đình vừa dọa dẫm hộ Boothby. Kết quả là Holt nhận “phí đền bù” 2.000 bảng Anh và được giữ chiếc Jaguar.
Tháng 7.1964, tờ Sunday Mirror bất ngờ tung bài trang nhất phanh phui đời tư của ông Boothby. Dĩ nhiên, chính trị gia này bác bỏ tất cả và do sức ép từ nhiều phía, tờ báo phải xin lỗi, rút bài, đồng thời bồi thường 40.000 bảng Anh. Tuy nhiên, dư luận vẫn hết sức chấn động về vụ này cộng thêm dư âm từ vụ Profumo là một trong những lý do khiến đảng Bảo thủ thất bại trước Công đảng trong kỳ tổng tuyển cử tháng 10.1964. Sau đó, ông Boothby trở nên sống ẩn dật hơn và không thể dùng ảnh hưởng của mình để che chắn cho các hoạt động tội phạm của Ronnie Kray nữa.
Đến năm 1969, tên trùm và người anh song sinh Reggie Kray bị tuyên án tù chung thân vì nhiều tội danh khác nhau, đánh dấu sự kết thúc của một thập niên đầy bê bối về đạo đức của các chính khách Anh.

Thuỵ Miên