08/01/2025

4.000 tỉ đồng tăng chất cà phê Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt quy hoạch phát triển cà phê giai đoạn 2016-2020, theo đó sẽ giảm bớt diện tích để nâng cao chất lượng và chú trọng đầu tư công nghệ chế biến.

 

4.000 tỉ đồng tăng chất cà phê Lâm Đồng

 

Tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt quy hoạch phát triển cà phê giai đoạn 2016-2020, theo đó sẽ giảm bớt diện tích để nâng cao chất lượng và chú trọng đầu tư công nghệ chế biến.




Lâm Đồng chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cà phê - Ảnh: Lâm ViênLâm Đồng chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cà phê – Ảnh: Lâm Viên
Nhận diện điểm yếu
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 2 cả nước với hơn 155.000 ha (chỉ sau Đắk Lắk), trong đó có 144.000 ha đang cho thu họach, sản lượng cà phê nhân năm nay ước đạt 379.000 tấn, nhưng giá cà phê lại đứng sau các tỉnh, thường thấp hơn từ 400 – 500 đồng/kg. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năng suất cà phê trung bình năm 2015 của tỉnh tuy có tăng nhưng chỉ đạt 2,62 tấn/ha, thấp hơn năng suất của nhiều địa phương, chủ yếu do kỹ thuật canh tác còn yếu. Bên cạnh đó, khâu chế biến (thô) và bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập.
Một cán bộ Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết đến nay vẫn còn không ít nông hộ ở Lâm Đồng giữ cách “ủ kín cà phê tươi” trước khi đưa ra phơi khô và chà bóc vỏ. Theo quy trình kỹ thuật, sau khi thu hái, cà phê tươi cần được phơi khô ngay trước khi sơ chế nếu là chế biến khô (không được lưu giữ quá 24 tiếng đồng hồ), hoặc đưa vào bóc vỏ ngay nếu là chế biến ướt. Chưa kể hiện vẫn còn tình trạng nhiều nông hộ hái cà phê xanh khiến chất lượng cà phê nhân giảm, ảnh hưởng đến uy tín của cà phê Lâm Đồng.
Những năm qua, Lâm Đồng chi khoảng 2 tỉ đồng/năm cho chương trình chế biến và bảo quản cà phê sau thu hoạch, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Tiến sĩ nông học Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận: “Lâm Đồng đang thiếu những mô hình chuỗi liên kết sản xuất UTZ Certified (cà phê tốt), Rainforest Allianci (liên minh rừng mưa), 4C (bộ quy tắc chung cho chương trình sản xuất, phát triển cà phê của một cộng đồng – the common code for coffee community)… Do đó năng suất, chất lượng của cà phê Lâm Đồng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng”.
Tập trung đầu tư chế biến
Mục tiêu đến năm 2020 Lâm Đồng là sản xuất cà phê mang lại hiệu quả cao và bền vững, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến với cơ cấu sản phẩm đa dạng. Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Tỉnh giữ ổn định diện tích cà phê đến năm 2020 khoảng 150.000 ha, nhưng nâng năng suất lên từ 3,1 – 3,2 tấn/ha để đạt tổng sản lượng 460.000 – 480.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, cố gắng nâng diện tích cà phê arabica Cầu Đất (Đà Lạt) và Lạc Dương từ 10% lên 15 – 20%”.
Ông Phạm S cho biết thêm tỉnh đang cố gắng nâng cao năng lực chế biến cà phê nhân đạt 90 – 95% tổng sản lượng, trong đó 70% được chế biến theo quy mô công nghiệp và 40% chế biến theo công nghệ chế biến ướt. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị phân loại, đánh bóng cà phê xuất khẩu. Song song đó kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm. “Lâm Đồng đang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cà phê Lâm Đồng ra thị trường thế giới; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nhiệp đến Lâm Đồng đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê”, tiến sĩ Phạm S nói.
Cần hơn 4.000 tỉ đồng
Theo quy hoạch, để thực hiện thành công cuộc “cách mạng” cho cà phê Lâm Đồng, dự kiến cần hơn 4.000 tỉ đồng vốn đầu tư. Trong đó, sẽ đầu tư nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu công suất từ 5.000 – 20.000 tấn/năm và nhà máy chế biến cà phê bột công suất 2.000 tấn/năm tại TP.Bảo Lộc. Xây dựng nhà máy chế biến cà phê hoà tan công suất 4.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Phú Hội, H.Đức Trọng.

Lâm Viên