09/01/2025

Phần con nỗi buồn

Đó không là lời than thở, trách cứ của cô tân sinh viên Phạm Thị Triều Tiên, khoa ngôn ngữ Anh Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho số phận của mình.

 

Phần con nỗi buồn

 

Đó không là lời than thở, trách cứ của cô tân sinh viên Phạm Thị Triều Tiên, khoa ngôn ngữ Anh Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho số phận của mình.




Tiên tranh thủ gắn lại thanh gỗ bị rơi ra để che chắn nước mưa khỏi tạt vào nhà trong lúc đợi anh trai đi làm về - Ảnh: A Lộc
Tiên tranh thủ gắn lại thanh gỗ bị rơi ra để che chắn nước mưa khỏi tạt vào nhà trong lúc đợi anh trai đi làm về – Ảnh: A Lộc

Đó là câu cảm thán của chúng tôi khi chứng kiến cảnh chưa kịp vui với tờ giấy báo trúng tuyển đại học thì ba Triều Tiên lỡ tay đánh mẹ bị chấn thương rồi tử vong tại bệnh viện. Căn nhà nhỏ liêu xiêu giờ chỉ còn hai anh em (Tiên 18 tuổi, người anh 23 tuổi) nương vào nhau mà sống.

“Hai anh em khóc hoài”

Hôm chúng tôi ghé thăm, hai anh em Phạm Thị Triều Tiên (tên thường gọi là Chè – ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) đang làm mâm cơm chiều cúng mẹ. Căn nhà gạch hai gian chừng 30m², các mảng tường xập xệ, nứt toác nhiều nơi, mái trước đã sụp từ lúc nào, đòn tay thì mục hết. Ở một góc nhỏ của gian nhà trước, bàn thờ mẹ Chè mới được lập, khói nhang nghi ngút. Minh Quốc (anh trai Chè) tình thiệt: “Để vậy lỡ nhà sập thì tụi tôi còn có đường chạy thoát”.

Đầu tháng 8-2015, được tin mẹ gặp nạn, Quốc bỏ việc ở Bình Dương chạy xuống TP.HCM cùng Chè chăm mẹ trong bệnh viện. Lúc đó, nhiều người khuyên nên đưa mẹ về nhà vì tình trạng nguy cấp khó qua khỏi nhưng anh em Chè nhất quyết không chịu. Tài sản có giá trị nhất trong nhà là hai con bò và đàn gà, Quốc về bán hết để chạy chữa cho mẹ. Dù vậy, cuối cùng bà cũng ra đi.

Về Bình Long cách đây gần 20 năm, ba mẹ Chè làm việc quần quật, sống kham khổ để nuôi con. Học đến lớp 10, Quốc quyết định tìm việc làm, nhường lại con đường đến trường cho em gái.

Mẹ Chè là công nhân vệ sinh. Xong việc buổi sáng, bà tất tả chạy đi làm tạp vụ cho một gia đình gần nhà để kiếm thêm. Ba Chè bị teo cơ chân đi lại khó khăn. Sau thời gian dài chỉ quanh quẩn với hai sào đất trồng cây ăn trái trước nhà, ông chuyển qua làm nhân công cho một xưởng nhang. Chị Nguyễn Thị Ninh (hàng xóm) nói: “Vợ chồng nhà ấy tiết kiệm lắm, bóng đèn điện cũng không dám mở lâu vì sợ tốn tiền. Nhà có bếp gas nhưng ít khi thấy nấu”.

Mẹ mất, số phận ba chưa biết thế nào, Quốc vừa gánh vác gia đình và em gái, vừa chăm ông bà nội đã già ở xóm trên, cả hai không còn lao động được, lại đau ốm sống nhờ vào tiền trợ cấp. Chị Ninh xót xa: “Từ hôm xảy ra chuyện đến nay, hai anh em nó khóc hoài, người gầy rạc đi. Con được học lên đại học vốn là nguyện vọng của mẹ Chè lúc sinh thời. Giờ trong căn nhà liêu xiêu chực đổ chỉ còn lại hai anh em, không biết sắp tới thế nào nữa, chỉ sợ Chè cũng dang dở chuyện học”.

Không từ bỏ

Chè nói lúc còn sống mẹ thường thủ thỉ: “Bên ngoại nghèo khó, không ai lên được đại học, giờ chỉ trông chờ mình con thôi nên ráng mà học”. Đôi mắt Chè đỏ hoe và thâm quầng vì khóc, mất ngủ. Chè kể: “Bữa biết tôi đạt điểm cao, mẹ vui lắm, đi khoe khắp làng trên xóm dưới, gặp ai cũng nói “con Chè sắp đi học đại học, bao nhiêu tiền tôi sẽ dành lo cho nó hết”. Mẹ còn dặn khi nào tìm được nhà trọ rồi về mẹ dẫn đi mua nồi nấu cơm mang lên. Vậy mà…”. Chè bỏ dở câu nói ở đó, quay mặt đi đưa tay quệt nước mắt.

Mảnh vườn trồng cao su và một ít măng cụt trước nhà vẫn chưa đến ngày thu hoạch. Hỏi Quốc sẽ làm gì để nuôi em gái ăn học, Quốc bảo chưa biết, trước mắt cứ ở nhà ai kêu gì làm nấy. Công ty cũ của mẹ muốn tạo điều kiện cho Quốc vô làm. Ngoài ra, Quốc cũng đang tính thuê đất trống gần nhà trồng lúa để có thêm thu nhập lo cho Chè. Nhưng mới chỉ là tính, giờ thì sửa lại chuồng bò cũ để chăm sóc năm con bò vừa mới nhận nuôi cho khách hàng với tiền công 350.000 đồng/tháng/con.

Về phần mình, dẫu vẫn còn thất thần trước tai ương bất ngờ nhưng Chè rất quyết tâm đi học. Chè cho biết sau khi ổn định chỗ trọ sẽ tìm việc làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, giảm nhẹ gánh nặng cho anh trai.

Hỏi có giận ba không, Chè bộc bạch: “Lúc đầu cũng giận, nhưng khi biết ba khóc riết thì tôi không còn giận nữa. Tôi đã bàn với anh hai, khi nào ra tòa sẽ làm giấy bãi nại cho ba, mong ba nhẹ tội, sớm được về nhà”. Ngừng một lúc Chè nói tiếp: “Từ hồi xảy ra chuyện, ba bị quản thúc và ở luôn trong xưởng nhang, mấy lần tôi mua đồ ăn ra thăm ba, thấy dáng ba gầy hơn trước nhiều. Ba cũng ít nói và thất thần như tôi thôi. Ba bảo thương mẹ nhiều lắm”. Nói đến đây, nước mắt Chè lại lăn dài trên má.

Ngày Chè khăn gói đến trường làm thủ tục nhập học, anh em Chè ra viếng mộ mẹ và ngồi ở đấy rất lâu. Trước khi Chè đi, Quốc dặn: “Ở nhà có anh lo rồi. Lên đó em ráng học thiệt tốt, không được vì khó khăn nào mà từ bỏ hết. Có vậy mẹ mới an nghỉ”. Chè lí nhí: “Dạ!” rồi lên đường.

Cô Huỳnh Thị Hồng Yến – phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Long – cho biết Triều Tiên là một cô bé lạc quan dù hoàn cảnh nghèo khó, lúc nào cũng tươi cười, hoà đồng với bạn bè. Trong học tập, Tiên rất cố gắng, thành tích luôn đứng tốp đầu của lớp, được bạn bè, thầy cô hết sức quý mến. Vừa rồi, nhà trường đã vận động một số cựu sinh viên của trường đóng góp được 10 triệu đồng hỗ trợ cho Tiên tiền phí đầu năm học, giúp em bước qua giai đoạn khó khăn ban đầu, vững bước đến giảng đường.