Cuộc giải cứu nghẹt thở của biệt kích Mỹ
Giới truyền thông ngày 25.10 đồng loạt đăng tải đoạn phim quay cảnh giải cứu con tin dưới làn đạn của đặc nhiệm Mỹ và lực lượng người Kurd ở Iraq.
Cuộc giải cứu nghẹt thở của biệt kích Mỹ
Giới truyền thông ngày 25.10 đồng loạt đăng tải đoạn phim quay cảnh giải cứu con tin dưới làn đạn của đặc nhiệm Mỹ và lực lượng người Kurd ở Iraq.
Đoạn phim được ghi lại bởi máy quay nhỏ gắn trên mũ một binh sĩ người Kurd tham gia cuộc đột kích giải cứu khoảng 70 con tin khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thị trấn Hawjia, miền bắc Iraq hôm 22.10. Theo NBC News, nhờ đoạn phim do giới chức Kurd công bố, dư luận được chứng kiến tận mắt những hình ảnh gay cấn trong chiến dịch nghẹt thở này.
Trước đó, Mỹ nhận thông tin tình báo cho thấy IS chuẩn bị hành quyết các con tin bị giam trong một toà nhà cũ ở Hawjia nên triển khai 30 biệt kích thuộc đơn vị tinh nhuệ Delta phối hợp 40 binh sĩ Kurd tiến hành giải cứu. Theo kế hoạch ban đầu, nhóm lính Mỹ chỉ đóng vai trò cố vấn nên họ ẩn nấp tại các vị trí kín đáo quanh toà nhà có hàng rào kẽm gai bao quanh để quan sát chiến cuộc. Tuy nhiên, các chiến binh Kurd bị hoả lực mạnh của IS áp chế và không thể tiếp cận ngôi nhà nên đã yêu cầu hỗ trợ và các biệt kích Delta quyết định hành động.
Mở đầu đoạn phim mới công bố là hình ảnh một nhóm binh sĩ lao vào toà nhà giữa hàng loạt tiếng súng nổ chát chúa. Tiếp theo là cảnh một số binh sĩ đứng gần cửa ra vào, tay lăm lăm súng hộ tống hàng chục con tin mặc áo thụng trắng, một số loang lổ máu, chạy chân trần ra ngoài. Những người này đều giơ tay lên trời, khuôn mặt đầy vẻ kinh hoàng. Một vài người hoảng hốt bịt tai trước tiếng súng và loạng choạng vấp ngã khi các biệt kích thúc giục họ mau bước tiếp bằng tiếng Ả Rập.
Người xem có thể thấy các bức tường đầy lỗ đạn, trên sàn vương vãi mảnh vỡ và vỏ đạn. Không thể phân biệt đâu là biệt kích Mỹ, đâu là binh sĩ người Kurd vì tất cả đều được trang bị súng có ống ngắm quang học quân trang giống nhau. Sau đó, một nhóm 8 binh sĩ xuất hiện bên trong toà nhà, di chuyển nhanh chóng qua một căn phòng có treo lá cờ đen của IS trên tường. Dọc hành lang là những cánh cửa sắt nặng nề được khoá kín. Lại một tràng tiếng súng vang lên và nhóm binh sĩ dừng lại trong phút chốc rồi tiếp tục di chuyển trước khi đoạn phim kết thúc. Sau cuộc đột kích, chiến đấu cơ Mỹ đã được triển khai để san bằng nhà tù nói trên.
Cũng trong chiến dịch giải cứu này đã có lính Mỹ đầu tiên tử trận tại Iraq kể từ năm 2011. AFP dẫn thông báo từ Lầu Năm Góc cho biết người này là thượng sĩ Joshua Wheeler, 39 tuổi, một biệt kích giàu kinh nghiệm từng nhiều lần được điều động tới Trung Đông. Wheeler trúng đạn sau khi chủ động lao về phía xảy ra đấu súng.
Ông được đưa bằng trực thăng tới bệnh viện ở TP.Irbill nhưng không qua khỏi, để lại vợ và 4 con. Đây cũng là trường hợp thương vong duy nhất của lực lượng giải cứu. IS không thông báo thiệt hại nhưng lực lượng người Kurd tuyên bố đã tiêu diệt 20 tay súng trong trận này. Trong số những người được giải cứu đa số là dân thường, khoảng 20 cảnh sát Iraq và cả một số binh sĩ IS bị buộc tội làm gián điệp.
Hạo Nhiên