10/01/2025

‘Trầy vi tróc vảy’ với luật mới

Sau gần 4 tháng có hiệu lực thi hành, luật Doanh nghiệp mới được kỳ vọng thông thoáng hơn nhưng trên thực tế lại đẩy nhiều doanh nghiệp đến khó khăn, thậm chí “trầy vi tróc vẩy” vì những quy định bất cập.

 

‘Trầy vi tróc vảy’ với luật mới

 

 

 

Sau gần 4 tháng có hiệu lực thi hành, luật Doanh nghiệp mới được kỳ vọng thông thoáng hơn nhưng trên thực tế lại đẩy nhiều doanh nghiệp đến khó khăn, thậm chí “trầy vi tróc vẩy” vì những quy định bất cập.




Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM - Ảnh: Khả HòaLàm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM – Ảnh: Khả Hoà
Quy định 30 ngày nhưng mất 9 tháng
 
 
Nhiều DN cũng than phiền về thủ tục phức tạp hơn, mất thời gian lâu hơn mới sử dụng được con dấu. Chị X., vừa mới thành lập một DN ở Q.7, kể chị phải chạy lên chạy xuống Sở KH-ĐT tới 3 – 4 lần để tìm hiểu thủ tục làm hồ sơ cho con dấu. “Tôi phải về tải trên mạng xuống mẫu đăng ký, rồi hì hụi soạn biên bản họp hội đồng quản trị, đóng dấu rồi đem lên nộp, mất cả tuần “trầy vi tróc vảy” mới xong cái thủ tục để xài được con dấu công ty”, chị X. kể.
 

Bà L.Ng, đại diện một công ty TNHH có vốn đầu tư nước ngoài, cả tuần nay cứ lên xuống Sở KH-ĐT TP.HCM để điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐT).

Công ty đã được cấp giấy CNĐT từ năm 2008 theo luật Đầu tư. Nay, khi cần điều chỉnh nội dung dự án và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (DN), bà được hướng dẫn phải tách thành 2 nội dung khác nhau trên giấy chứng nhận đăng ký DN và giấy CNĐT. Khổ nỗi, ngày trước vốn góp cũng là vốn điều lệ đã được ghi lên giấy CNĐT, vốn được góp theo tiến độ dự án khu nghỉ dưỡng 4 năm. Đến nay, dự án chưa ổn định được địa điểm nên các nhà đầu tư mới góp 500.000 USD; trong khi vốn điều lệ ghi trên giấy là 5 triệu USD. Giờ luật DN 2014 quy định vốn điều lệ phải được góp đủ trong 90 ngày. Sở KH-ĐT yêu cầu bà phải đi chỉnh vốn điều lệ xuống đúng thực tế. “Dự án mấy triệu USD kéo dài mấy năm, có nhà đầu tư nào chịu góp vốn một lần ngay từ đầu đâu? Luật mới ban hành “hồi tố” với DN thành lập theo luật cũ thì đang làm khó cho DN?” , bà ấm ức hỏi.
Chưa hết, bà đi điều chỉnh nội dung giấy CNĐT và đăng ký mã ngành tư vấn kỹ thuật xây dựng có phần thiết kế kết cấu thì Sở không đồng ý, cho rằng không có phần đó. Bà phải tìm kiếm tài liệu để chứng minh là ngành nghề công ty có hoạt động này. Trước đây, trong giấy CNĐT, bà chỉ ghi 4 dòng vắn tắt là đủ mô tả ngành nghề, nay bà phải liệt kê chi tiết một trang rưỡi để “nói cho rõ” ngành nghề của mình. Vì việc “nói qua nói lại” này mà bà mất 9 tháng mới nhận được giấy điều chỉnh giấy CNĐT, trong khi theo quy định chỉ 30 ngày.
Còn ông K., đi đăng ký kinh doanh sản xuất phần mềm nhưng tìm mờ mắt cả tuần mà trong bảng mã không thấy mã ngành nào phù hợp để ghi vào hồ sơ. Ông đến hỏi, cơ quan quản lý hướng dẫn những gì không có trong bảng mã thì tìm trong luật chuyên ngành. Ông tìm cũng không biết ghi làm sao.
Hai luật “giẫm chân” nhau
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, một trong những vướng mắc lớn nhất của luật Đầu tư là tình trạng “giẫm chân” lên luật DN. Lúc trước nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào VN chỉ cần làm giấy CNĐT “2 trong 1”: phần 1 có những nội dung giống như đăng ký kinh doanh DN trong nước, phần 2 là nội dung đăng ký đầu tư. Nay luật Đầu tư 2014 tách nội dung đăng ký kinh doanh của DN ra khỏi giấy CNĐT, chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư, còn việc thành lập sẽ theo luật DN.
Đồng thời, luật DN 2014 trên thực tế chưa tiện lợi cho DN và thủ tục đăng ký DN. Quy định trong luật mới tưởng như tháo gỡ khó khăn, giảm bớt thời gian cho DN nhưng hóa ra lại phức tạp và làm mất nhiều thời gian hơn. Chẳng hạn, luật cũ quy định giấy đăng ký kinh doanh có 10 nội dung, giờ rút lại 4 nội dung, không ghi ngành nghề trên giấy đăng ký. Tưởng ngắn gọn nhưng trên thực tế, trong hồ sơ giấy đề nghị đăng ký cũng phải ghi ngành nghề, điều lệ cũng ghi ngành nghề, thay đổi ngành nghề cũng phải đi thông báo. Cuối cùng, chỉ có một cái khác là ngành nghề không thể hiện trên giấy đăng ký kinh doanh, còn tất cả thủ tục vẫn làm y như luật cũ, cái bất tiện hay phiền hà đều giống như luật cũ.
Trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, chuyện ngành nghề, áp mã là trở ngại nhiều nhất. Lúc trước DN không phải làm công việc áp mã, mà chỉ ghi bán cái gì, con gì… bây giờ họ phải tự ghi ngành nghề và áp mã. Trong khi bảng mã dài cả chục trang, liệt kê cả ngàn ngành nghề, DN phải mất thời gian để rà tìm mã ngành nghề để áp vào. “Cứ hình dung thế này, thay vì hồi xưa, tôi buôn phế liệu thì nói buôn phế liệu, bán thịt heo thì nói bán thịt heo, cứ ghi vào vậy. Còn nay, cùng bán ô tô, lại phân ra là mã bán buôn ô tô, bán lẻ ô tô, rồi bán buôn phụ tùng, bán lẻ phụ tùng… rồi dò tìm trong “rừng” bảng mã dài dằng dặc để áp mã vào, mất thời gian gấp đôi lúc trước, đồng thời dễ bị Sở KH-ĐT trả hồ sơ đăng ký kinh doanh vì lý do áp mã ngành không đúng”, LS Xoa lấy ví dụ.
Theo các chuyên gia, những trường hợp DN bị “kẹt” vì lỗi chính sách, DN cũng đang mất thời gian, cơ hội kinh doanh trong khi vẫn phải trả chi phí nhân công, chi phí mặt bằng… Luật DN và luật Đầu tư mới được tuyên truyền là đã cởi trói cho đầu tư trong nước, là một đột phá mới để thúc đẩy, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, một số điểm còn rắc rối khiến DN đi “lùi” chứ chưa “tiến” theo kỳ vọng.

Hồng Sương