09/01/2025

Không quy định hợp đồng mua bán nhà sẽ gây bất an

Nếu bộ luật Dân sự (sửa đổi) không điều chỉnh hợp đồng mua, bán nhà, mà dùng luật Nhà ở điều chỉnh sẽ gây bất an trong xã hội.

 

Không quy định hợp đồng mua bán nhà sẽ gây bất an

 

 

Nếu bộ luật Dân sự (sửa đổi) không điều chỉnh hợp đồng mua, bán nhà, mà dùng luật Nhà ở điều chỉnh sẽ gây bất an trong xã hội.


 


Người dân tìm hiểu mua bán nhà đất ở một sàn giao dịch bất động sản	- Ảnh: D.Đ.MinhNgười dân tìm hiểu mua bán nhà đất ở một sàn giao dịch bất động sản – Ảnh: D.Đ.Minh
Đây là quan điểm của đại biểu (ĐB) Huỳnh Ngọc Ánh (Phó chánh án TAND TP.HCM) tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm qua về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi). Theo ĐB Ánh, luật Nhà ở rất bất cập trong câu chuyện sở hữu chủ xác lập từ khi giao tiền. “Sở hữu nhà cửa là phải đăng ký sở hữu, khi mua, bán phải đăng ký, phải nộp thuế trước bạ… nhưng luật Nhà ở chỉ nói “tiền trao cháo múc” là hợp pháp”, ĐB Ánh nói.
 
 
Không hài lòng vì nhận tài liệu quá muộn
Phát biểu trước Quốc hội sáng 24.10, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ sự không đồng tình về việc các cơ quan có trách nhiệm thực hiện không nghiêm túc các quy định về việc gửi tài liệu, hồ sơ dự án luật đến các ĐBQH. ĐB Hồng cho biết sáng 24.10, Quốc hội thảo luận BLDS (sửa đổi), nhưng trước đó đúng 1 ngày mới có tài liệu lên trên mạng và bản in chỉ đến tay ĐBQH ngay trước khi bước vào thảo luận.
 

Góp ý về vấn đề này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng cách giải quyết của BLDS còn có những điểm hạn chế. Luật Nhà ở quy định cụ thể rất nhiều các loại hợp đồng về nhà ở, như Hợp đồng mua, bán nhà ở, Hợp đồng tặng, cho nhà ở, Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ, cho thuê… Tuy nhiên, trong BLDS (sửa đổi) chỉ quy định là: Hợp đồng mua, bán nhà ở và Hợp đồng cho thuê nhà ở thì được thực hiện theo luật Nhà ở. “Như vậy, đối với các loại hợp đồng khác cũng đã được luật Nhà ở quy định thì sẽ được thực hiện theo quy định nào?”, ĐB Cường nêu vấn đề.

Tương tự, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản rất mơ hồ, không có sự phân biệt giữa động sản và bất động sản là xa lạ với thông lệ quốc tế và sẽ gây ra nhiều tác hại. “Bất động sản là tài sản phải gắn với đất nhưng hiện chúng ta tách đất với nhà khiến tình hình rất rối. Do đó tôi đề nghị phải quy định rõ về thời hiệu cụ thể đối với từng loại”, ông Lịch nói.
Thu thập thông tin riêng tư phải căn cứ pháp luật
Đóng góp ý kiến về quy định liên quan việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin, liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, nếu việc này không tuân thủ quy định của pháp luật mà chỉ căn cứ vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… là chưa hợp lý.
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng thu thập, thu giữ sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư phải được người đó và các thành viên gia đình đồng ý. “Trước hết phải được người đó đồng ý, còn khi nào người đó mất năng lực hành vi thì lúc đó mới được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình mới đồng ý. Nếu không, trong gia đình tự dưng con cháu có thể thuê công ty thám tử đi thu thập thông tin riêng tư của cha mẹ, ông bà hay là vợ chồng với nhau thì chúng tôi cho rằng như thế cũng là hạn chế quyền đời sống riêng tư của từng công dân”, ĐB Nghĩa phân tích.
Đề cập đến quy định về chuyển đổi giới tính, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu quan điểm: “Pháp luật chúng ta đang cấm nhưng lại cho phép ai chuyển đổi rồi thì được thừa nhận. Do đó tôi đề nghị nếu không thừa nhận thì quy định cho rõ ràng, nếu thừa nhận thì phải điều chỉnh lại cho đầy đủ”.
Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH Khánh Hoà Lê Minh Hiền đề nghị việc chụp, đăng tải ảnh bị cáo tại các phiên tòa cần được quy định rõ trong BLDS (sửa đổi) để tránh việc xâm phạm quyền con người. ĐB Hiền cũng đề nghị cần quy định rõ trong luật thế nào là “hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng”, để tránh tuỳ tiện trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân.
Điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén quá chậm
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24.10, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho biết trong vụ án Huỳnh Văn Nén đã xuất hiện một số tình tiết mới. Ông Sơn cho biết đến nay, cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao đang lãm rõ thông tin tố giác người sát hại bà Nguyễn Thị Bông là một người khác chứ không phải ông Huỳnh Văn Nén.
Tuy nhiên, về vụ việc này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc điều tra lại vụ án đang diễn ra khá chậm chạp: “Phải xem lại chậm chạp do cái gì? Có nể nang không, hay do chưa có sự quan tâm đầy đủ? Nhất thiết phải xem nó là nguyên nhân gì. Vai trò của Viện KSND tối cao rất quan trọng, họ đã kháng nghị như vậy thì theo luật định, phải trực tiếp giám sát việc điều tra lại. Chưa kể vụ án có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp thì thuộc thẩm quyền của Viện KSND tối cao”, ông Nghĩa nói và cho rằng hồ sơ về vụ án này đã có nhiều dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp cần phải được làm rõ như đơn tố cáo về hung thủ không đến được cơ quan tố tụng.
“Trong trường hợp này không nên kéo dài và đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an phải nhập cuộc, đồng thời Viện KSND tối cao phối hợp làm cho nhanh chóng hơn”, ông Nghĩa nói.    
Thái Sơn

Trường Sơn – Thái Sơn