Dùng tinh chất cà phê: Phải mạnh tay xử lý
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng phải vào cuộc, mạnh tay xử lý cách làm ăn gian dối để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trong vụ “tinh chất pha cà phê”.
Dùng tinh chất cà phê: Phải mạnh tay xử lý
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng phải vào cuộc, mạnh tay xử lý cách làm ăn gian dối để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trong vụ “tinh chất pha cà phê”.
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk – Ảnh: Tiến Thành |
Xung quanh chuyện mập mờ tinh chất cà phê” (Một giọt tinh chất pha thành một ly cà phê? -Tuổi Trẻ ngày 23-10), nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng phải vào cuộc, mạnh tay xử lý cách làm ăn gian dối để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Một số ý kiến cũng đề nghị sớm có Bộ quy chuẩn về chất lượng cà phê để cơ quan chức năng có căn cứ kiểm tra, kiểm soát chất lượng loại sản phẩm cà phê, giữ uy tín cho cà phê VN.
* Ông Trịnh Đức Minh (phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đắk Lắk, chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột):
Muốn bảo vệ phải có quy chuẩn
Hiện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chưa thông qua Bộ quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đối với mặt hàng cà phê. Vì vậy khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra quy trình chế biến, pha cà phê tại các cơ sở chế biến và kinh doanh… đang thiếu căn cứ để xử lý.
Khi có quy chuẩn, các nhà rang xay trong nước phải công bố tỉ lệ caffeine có trong sản phẩm của mình. Ngoài ra phải công bố tỉ lệ, hàm lượng, loại hương liệu đã dùng… để cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, đồng thời tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm có cam kết chất lượng.
* Ông Nguyễn Xuân Lợi (giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển An Thái, chi hội trưởng Chi hội nhà rang xay cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk):
Chung tay tăng thêm uy tín cho cà phê Buôn Ma Thuột
Để phân biệt được cà phê nguyên chất (thật) và cà phê pha từ hoá chất thì người tiêu dùng phải có trải nghiệm, tức từng uống cà phê nguyên chất một vài lần.
Những người sành cà phê khó quên được hương vị thật của cà phê nguyên chất nên sẽ phát hiện ngay khi nếm phải cà phê “hóa chất”.
Tuy nhiên không phải ai cũng sành cà phê, nên tốt nhất khách hàng lựa chọn những quán cà phê uy tín và tốt nhất, chẳng hạn đến những quán xay cà phê tại chỗ.
Để dẹp bỏ những loại cà phê kém chất lượng, cà phê hoá chất thì các cơ quan chức năng phải ra tay quyết liệt và đồng nhất trên cả nước.
Hiện Chi hội nhà rang xay cà phê Buôn Ma Thuột đang xây dựng Bộ quy chuẩn chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột, khi đó những hội viên sẽ phải thực hiện theo quy chuẩn đó. Đó cũng sẽ là biện pháp lâu dài để dẹp bỏ nạn cà phê bẩn, tăng thêm uy tín cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
* Bà Lê Thị Phương (chủ quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng, TP Buôn Ma Thuột):
Bán cà phê thật vẫn rất lời
1kg cà phê bột (khoảng 130.000 đồng) có thể pha được 35 – 37 ly cà phê, bán với giá 10.000 đồng/ly. Như vậy pha cà phê nguyên chất để bán thì chủ quán vẫn có lời lớn sau khi đã trừ chi phí đường sữa, mặt bằng, nhân công…
Bán “tinh chất”, hoá chất không biết lời như thế nào nhưng mà ác quá. Khách không biết chứ khách quen họ sẽ bỏ quán, mình bị thiệt chứ ai. Hơn nữa, tôi không thể nào vì lợi nhuận mà làm việc bất nhân đó.
* Chủ quán cà phê tại xã Hoà Thắng (TP Buôn Ma Thuột): Không tiếp tay cho kinh doanh gian dối Cũng có người đến quán mời chào mua “tinh chất” cà phê và chè xanh bán cho khách để tăng lợi nhuận nhưng tôi từ chối. Họ nói mua một chai tinh chất với giá 400.000 đồng có thể pha thành hàng trăm ly cà phê nên lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, làm như vậy là hết sức thất đức, bán cà phê bột bình thường cũng đã có lợi mà thấy thanh thản. Ngoài ra, với những người không sành cà phê có thể bị nhầm lẫn bởi cà phê “tinh chất”, nhưng những người uống cà phê nhiều sẽ phát hiện ngay, quán sẽ bị tẩy chay. Tốt nhất vẫn nên làm ăn đàng hoàng để giữ khách… |