29/11/2024

“Cục đất” đến giảng đường

Tin Thao Thanh Quân vào Đại học Cần Thơ, ngành công nghệ thông tin khiến cả xóm ven kinh Môn Dài, ấp Trường Long 2, xã Long Thạnh, Phụng Hiệp, Hậu Giang, ai cũng mỉm cười thoả nguyện.

 

“Cục đất” đến giảng đường

 

 

Tin Thao Thanh Quân vào Đại học Cần Thơ, ngành công nghệ thông tin khiến cả xóm ven kinh Môn Dài, ấp Trường Long 2, xã Long Thạnh, Phụng Hiệp, Hậu Giang, ai cũng mỉm cười thoả nguyện. 




Học ở Cần Thơ, cứ có thời gian rảnh là Quân đạp xe hàng giờ về với ngoại - Ảnh: Tiến Trình
Học ở Cần Thơ, cứ có thời gian rảnh là Quân đạp xe hàng giờ về với ngoại – Ảnh: Tiến Trình

* Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 225 tân sinh viên vượt khó 12 tỉnh thành ĐBSCL
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT 12 tỉnh thành ĐBSCL và VTV Cần Thơ.
* Tài trợ: Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ  và Công ty golf Long Thành phối hợp tổ chức); truyền hình trực tiếp trên kênh VTV Cần Thơ 2 lúc 20g15 tối 24-10.

Một câu chuyện quen quen giống như cổ tích được viết tiếp bởi một “cục đất” hiền lành trong xóm nhỏ chan đầy nhân ái.

Chòm xóm lại xuất hiện những câu chuyện ân tình xúc động. Rằng lon gạo, rằng khoảnh cỏ sau nhà, rằng bờ mương liếp mía… cũng đã giúp hai bà cháu lay lắt qua ngày. Trong sự yêu thương giúp đỡ của xóm giềng, Quân trở thành một trong những người trẻ ít ỏi trong xóm kinh Môn Dài bước chân đến giảng đường đại học.

Hiền lành như cây cỏ

Ông Bảy Thân, một người trong xóm, nói rằng: “Quân là đứa khó khăn nhất xóm. Mà cả xóm ai cũng thương bà cháu Quân. Nhà tui có công chuyện gấp cỡ nào cũng đợi thứ bảy, chủ nhật thằng Quân về mướn nó làm. Đống củi trước sân tui bửa được chứ sao không, nhưng cũng để thằng Quân làm cho nó có tiền đi học…”.

Ông Bảy Thân bảo Quân có lẽ ăn cơm giáp xóm rồi. Là vì nhà ai có chuyện gọi, Quân cũng nhanh nhảu chạy tới, không biết nề hà, từ đào đất, dọn cỏ, tước lá mía hay khuân vác… Chủ nhà nào thuê Quân cũng đều khoái cái tính nhiệt tình. Nhưng hơn hết, vì người ta thương hoàn cảnh của Quân. Nhiều năm rồi như thế, đi học về là Quân cởi áo ra, rảo qua hàng xóm để kiếm việc làm.

Cha Quân ở Sóc Trăng. Người ta nói ông có tính “vô tư”, không ai biết đâu mà lần. Khi Quân ra đời, ông bỏ đi biển cả năm trời không thấy mặt mũi tăm hơi. Mẹ Quân đành bồng con về gửi ngoại. Nhưng ông bà ngoại đã già, cũng nghèo sát đất, tá túc trong căn chòi tum húm bên bờ sông, cất trên đất mượn của một người cháu họ.

Bà ngoại lúc ấy tuổi đã ngoài 60, lại bắt đầu một lần nữa gánh vai trò làm mẹ thay con. Con đường quê nắng bụi mưa bùn in nhẵn dấu chân của bà. Ngày đầu tiên Quân đến trường cho đến khi Quân học hết cấp II, ngày nào bà cũng đích thân đưa cháu đến trường, rồi ngồi đợi đến lúc Quân tan học đón cháu về.

Nhắc tới đây, bà cụ Nguyễn Thị Trạng (82 tuổi, bà ngoại Quân) cười lung lơ những chiếc răng cuối cùng: “Tui dốt. Mà theo thằng Quân đi học riết rồi tôi muốn biết chữ luôn”.

Vượt khó từng ngày

Những lúc không ai thuê làm, hai bà cháu lại đi cắt rau má bán mua gạo. Ít gạo thì nấu cháo húp thay cơm, cũng sống như thường. Cứ thế, gần 20 năm, hai bà cháu cứ vượt qua khó khăn được đếm từng ngày.

Đến khi Quân biết đọc, biết viết thì nhiều người kêu bà cho cháu thôi học để làm phụ bà kiếm cơm. Những lần như thế, bà đều phớt lờ: “Ôi, kệ nó, nó muốn học tới đâu thì học”. Nói thế, nhưng bệnh tật bao nhiêu bà giấu không cho cháu biết. Có lần trong người không khoẻ nhưng bà vẫn nhận làm cỏ mía cho nhà hàng xóm cho đến khi kiệt sức thì ngã khuỵ xuống bên bờ cỏ.

Không tiền, bác sĩ cho bà “chích chịu”, khi nào có tiền thì trả. Mà bà chỉ có khoản thu nhập thường xuyên duy nhất là tiền trợ cấp cho người cao tuổi 270.000 đồng/tháng.

Gắng gượng cho đến khi Quân vào học lớp 12, bà đến trường gặp thầy chủ nhiệm Trần Quốc Thi tâm sự hoàn cảnh.

Nghe bà cụ nói, người thầy xoa dịu: “Quân học được, bà lo không nổi để cho cháu lo”. Sau đó, người thầy đi vận động giáo viên, học sinh trong trường, tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ ủng hộ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong đó, Quân là học sinh đầu tiên cần được giúp. Người thầy cũng xin nhà trường cho dọn dẹp nhà kho để cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường tá túc. Quân được ở “nội trú” như thế trong những tháng cuối năm học lớp 12.

Ông Bảy Thân “cà khịa” nói nếu Quân học không nổi thì quay về để đi làm thuê cho ông, vì đen đúa, cục mịch, lại nghèo… nếu không có danh có phận thì làm sao cưới vợ. Cậu trai ôm chầm lấy bà ngoại nói rằng mình sẽ học hết đại học để có cái nghề nuôi bà và mẹ.

Buổi trò chuyện trong xóm nghèo rộn tiếng cười giòn tan…

* Ông Lê Hùng Dũng (chủ tịch UBND TP Cần Thơ): 

Tôi đánh giá cao chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đối với tân sinh viên cả nước nói chung và của vùng ĐBSCL, của TP Cần Thơ nói riêng. Chương trình này không chỉ rất ý nghĩa với tân sinh viên mà còn là động lực thúc đẩy cộng đồng quan tâm đến công tác xã hội hoá giáo dục. 

Năm nay Tuổi Trẻ tiếp tục trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 225 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở ĐBSCL, điều đó chứng tỏ chương trình này ngày càng đi vào chiều sâu, kịp thời hỗ trợ các em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống có điều kiện vươn lên để thực hiện ước mơ của mình.

* Ông Nguyễn Hoàng Hành (phó vụ trưởng Vụ Văn hoá xã hội Ban chỉ đạo Tây Nam bộ): 

Tiếp sức đến trường do báo Tuổi Trẻ tổ chức là một hoạt động thiết thực. Chương trình này thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt đối với vùng Tây Nam bộ vốn trình độ dân trí còn thấp kém so với các vùng miền khác của cả nước. 

Tôi hi vọng các tân sinh viên nhận học bổng lần này sẽ coi đó là một sự tiếp lửa, cố gắng hết mình vượt qua khó khăn phía trước để trở thành người tài giỏi, cống hiến nhiều hơn cho xã hội như các thế hệ trước đã làm. 

CHÍ QUỐC ghi

TIẾN TRÌNH ([email protected])