10/01/2025

Tuyển sinh lúc nào cũng “nóng”

Thi và tuyển sinh ĐH, CĐ tiếp tục là chủ đề nóng được bàn luận rất nhiều tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2015-2016 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 22-10.

 

Tuyển sinh lúc nào cũng “nóng”

 

Thi và tuyển sinh ĐH, CĐ tiếp tục là chủ đề nóng được bàn luận rất nhiều tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2015-2016 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 22-10.




Sau kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh đã rất vất vả nộp hồ sơ xét tuyển đại học, nộp vào lại rút ra... - Ảnh: Hữu Khoa
Sau kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh đã rất vất vả nộp hồ sơ xét tuyển đại học, nộp vào lại rút ra… – Ảnh: Hữu Khoa

Tại hội nghị ở sáu điểm cầu, hầu hết đại biểu đều đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 phần nào đã thành công, tiết kiệm, phản ánh trung thực trình độ của thí sinh…

Chỉ nên 1 cụm thi

Tại điểm cầu TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính – trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM – đề nghị tiếp tục triển khai phương thức tổ chức một kỳ thi, sử dụng kết quả cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tuy nhiên nên giảm tỉ lệ sử dụng kết quả thi THPT trong xét tốt nghiệp (30% thay vì 50% như năm 2015) để thể hiện rõ quan điểm “đánh giá quá trình” trong giáo dục phổ thông, đồng thời giảm áp lực thi cử cho các thí sinh chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT.

Cũng theo ông Chính, chỉ nên tổ chức một loại cụm thi – cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH phối hợp với sở GD-ĐT tổ chức.

Ông Chính đề xuất phương thức xét tuyển cụ thể: sau khi thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh được cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi và một giấy xét nhập học. Quy định mỗi đợt nên là 12 ngày nộp hồ sơ và ba ngày xét tuyển. Các trường có thể xét tuyển theo nhiều đợt tới hạn cuối cùng là ngày 30-10-2016.

Trong mỗi đợt, thí sinh được nộp hồ sơ vào tối đa ba trường, hồ sơ gồm giấy chứng nhận kết quả và phiếu đăng ký xét tuyển, trong đó thí sinh được đăng ký tối đa hai nguyện vọng vào một trường. Căn cứ trên mã số của giấy chứng nhận kết quả thi, các trường truy cập cơ sở dữ liệu chung để lấy thông tin của thí sinh.

Ở mỗi đợt xét tuyển, các trường sẽ công khai danh sách trúng tuyển của thí sinh. Thí sinh căn cứ trên kết quả trúng tuyển của mình để nộp giấy xét nhập học vào trường mà mình lựa chọn (một thí sinh có thể trúng tuyển nhiều trường trong một đợt nhưng phải quyết định nộp giấy xét nhập học tại một trường).

Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu trường nào, ngành nào còn chỉ tiêu thì tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung. Sau quá trình xét tuyển/nhập học, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT danh sách thí sinh trúng tuyển.

TS Nguyễn Văn Hiến, phó hiệu trưởng ĐH Tài chính – marketing, cũng cho rằng trong phương hướng Bộ GD-ĐT đưa ra về việc cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 đẩy mạnh giao các trường tự chủ là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển. Bộ GD-ĐT chỉ cần chỉ đạo các trường và sở GD-ĐT tổ chức thật tốt kỳ thi “2 trong 1”, đồng thời ban hành khung pháp lý về tuyển sinh.

Còn việc tuyển sinh nên giao lại các trường tự quyết định. Các trường tự công bố phương án tuyển sinh, tự biết làm thế nào để tuyển sinh cho phù hợp và hạn chế thí sinh ảo…

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – đề xuất trong hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 cần bổ sung cột nội dung cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành, trường ĐH nào đó, xem như nguyện vọng 1 của thí sinh.

“Điều này thỏa mãn được việc hướng thí sinh đăng ký vào ngành học phù hợp, yêu thích. Ngoài ra, không nên tổ chức cụm thi tại địa phương mà chỉ có một cụm thi do các trường ĐH phối hợp với sở GD-ĐT tổ chức” – ông Hùng nói.

Kỳ thi phải ngày càng nhẹ nhàng

Ông Đàm Quang Minh – hiệu trưởng ĐH FPT – cho rằng phải tìm giải pháp để giảm bớt độ nóng, giảm bớt tính thời sự của kỳ thi, thay vì dồn hết vào kỳ thi duy nhất thì có thể tổ chức thi hai lần trong năm, đồng thời mở rộng giai đoạn nhập học trong cả năm chứ không phải trong một thời gian ngắn.

“Trong khi ở nhiều nước sau giai đoạn phổ thông học sinh có quãng thời gian ngưng nghỉ, tham gia hoạt động xã hội hoặc tìm hiểu thế giới bên ngoài thì học sinh Việt Nam cứ hì hục thi và hì hục vào ĐH. Bởi vì những quy định về thi cử của chúng ta rất chặt chẽ về mặt thời điểm – đến thời điểm đó phải thi tốt nghiệp, thi ĐH, không theo luồng đó mà để đến năm sau sẽ có vấn đề…”.

Chia sẻ với ý kiến của hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc thi và tuyển sinh đáng lẽ ra không phải là việc nên bàn nhiều tại hội nghị tổng kết giáo dục ĐH, nhưng rốt cuộc “năm nào cũng nóng”.

Theo ông Đam, thời điểm này không nên ấn định bất cứ phương án cụ thể nào vội, kể cả ngày thi, mà cần có sự bàn thảo chi tiết tại hội nghị riêng về thi, tuyển sinh. Song ngành giáo dục cần cam kết ngay với nhân dân nhất định sẽ kế thừa những mặt được, khắc phục những mặt hạn chế của những kỳ thi quốc gia vừa qua để “đảm bảo có kỳ thi trung thực, công bằng, nhưng ngày càng nhẹ nhàng”, thi riêng và tuyển sinh riêng.

“Tiếp tục đổi mới tuyển sinh ĐH phải theo tinh thần tự chủ ĐH. Các ĐH nâng cao quyền tự chủ của mình, Bộ GD-ĐT chỉ ra những quy định tối cần thiết, không nên đi quá sâu vào chi tiết. Chỉ cần làm sao đảm bảo công bằng cho học sinh và tôn trọng quyền tự chủ của các trường” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

* GS HOÀNG TUỴ:

Đổi mới thi cử: cần thực hiện từ lâu rồi

Theo tôi, thi cử trong nhà trường cũng giống như kiểm tra chất lượng trong nhà máy. Sản phẩm cuối cùng (thành phẩm) của một nhà máy thường gồm nhiều bộ phận (môđun) lắp ráp lại mà thành. Một quy trình học tập, đào tạo gồm nhiều học phần (môn), mỗi học phần học đến đâu phải kiểm tra nghiêm túc đến đó, đến năm cuối cấp nếu mọi học phần đều đã đạt yêu cầu kiểm tra thì cấp bằng tốt nghiệp, chứ không cần bắt phải thi lại từng học phần.

Trên thực tế, rất ít thấy có nước nào thi tốt nghiệp mà phải thi lại hầu hết các môn một cách nặng nề như ta đã làm suốt nhiều năm trước đây. Cho nên chí ít thì cuộc cải cách thi cử vừa qua đã giúp giải thoát cho xã hội khỏi một cảnh tượng lạc hậu phi lý mà chỉ ở Việt Nam mới có.

Rất tiếc việc tuyển sinh ĐH-CĐ sau đó làm không được tốt đã gây ra cảnh hỗn loạn, rắc rối, nộp nộp, rút rút hồ sơ rất tốn kém và căng thẳng tinh thần cho một bộ phận thí sinh. Do đó đã phát sinh nhiều luồng ý kiến trái chiều, lẻ tẻ có ý kiến đánh giá việc đổi mới thi cử này là thất bại, thậm chí đòi dừng đổi mới và quay lại kiểu thi cũ lạc hậu trước kia.

Thật ra những bất cập trong tuyển sinh cũng có mức độ chứ đâu đến nỗi quá nghiêm trọng như một số ý kiến đã cường điệu.

Nếu tính đầy đủ, khách quan mọi mặt thì ngay cả với những căng thẳng và tốn kém gây ra do các bất cập trong tuyển sinh, kỳ thi vừa qua so với kiểu thi cũ vẫn là nhẹ nhàng và tiết kiệm hơn rất nhiều – điều mà, như tôi đã kiên trì kiến nghị từ cả chục năm trước, lẽ ra đã cần phải thực hiện từ lâu rồi đối với một đất nước nghèo và còn nhiều khó khăn như ta.

Từ thực tế kỳ thi vừa qua cần một sự đánh giá bình tĩnh, khách quan, có cơ sở khoa học để biết những cái hay cần giữ lại và những cái dở cần tránh cho năm sau.

* Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHẠM VŨ LUẬN:

“Phân tầng không phải là 
cao thấp”

những phạm trù nóng của ngành giáo dục được lãnh đạo các trường nói bằng một thuật ngữ giống nhau, nhưng có cảm giác cách hiểu, cách nghĩ, cách quan niệm lại rất khác nhau.

nhiều trường khi nói đến phân tầng ĐH với ba tầng ĐH nghiên cứu, ứng dụng, thực hành như là ba thứ hạng cao thấp của giáo dục ĐH và suy nghĩ đơn giản trường ĐH nghiên cứu sẽ vinh dự hơn các trường ĐH ứng dụng, rồi trường ĐH ứng dụng lại vinh dự hơn, trang trọng hơn các ĐH thực hành.

Mỗi tầng có một sứ mạng riêng, chứ không phải phân tầng là thể hiện cao – thấp. Nhiều trường muốn vào ĐH nghiên cứu, nhưng cũng vẫn muốn giữ quy mô đào tạo rất cao. Trong khi các trường ĐH nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt những trường nổi tiếng, quy mô tuyển sinh ĐH, CĐ rất ít, chủ yếu đào tạo sau ĐH, tiến sĩ và làm nghiên cứu.

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ ([email protected])