Nước nào phòng dịch kém sẽ bị phạt
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan cho biết Liên Hiệp Quốc đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt những chính phủ không tuân theo các quy định toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ.
Nước nào phòng dịch kém sẽ bị phạt
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan cho biết Liên Hiệp Quốc đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt những chính phủ không tuân theo các quy định toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ.
Đám cưới thời dịch Mers ở Hàn Quốc. Dù là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng hệ thống y tế phòng dịch của Hàn Quốc cũng bị cho là còn kẽ hở – Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, bà Margaret Chan tiết lộ một ban đánh giá nguy cơ sức khoẻ toàn cầu được đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon chỉ định đang nghiên cứu phương án buộc các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh.
“Là thành viên ban cố vấn cao cấp của tổng thư ký, tôi chắc họ sẽ đưa ra được cơ chế xử lý các chính phủ phớt lờ nghĩa vụ, trách nhiệm trong khi bắt người khác gánh nguy cơ” – bà Chan thông báo trong cuộc họp báo tại Geneva, Thuỵ Sĩ mới đây.
Chính phủ cần giúp người dân của mình khoẻ mạnh. Cứ chọn cách đổ vấy trách nhiệm cho một cá nhân nào đó thì quá dễ dàng rồi |
Bà MARGARET CHAN (tổng giám đốc WHO) |
Hệ thống y tế nhiều nước yếu kém
Tổng giám đốc WHO khẳng định hệ thống chăm sóc sức khoẻ tồi tệ là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi, và tiêu chuẩn phòng dịch yếu đã dẫn đến sự phát tán hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) ở Saudi Arabia và Hàn Quốc hồi giữa năm nay.
Trong cả hai trường hợp số bệnh nhân tử vong đều cao, đó là chưa kể thế giới và láng giềng của những nước có dịch lo ngay ngáy không biết khi nào mình bị lây lan.
Bà Margaret Chan cũng thừa nhận rằng nguồn kinh phí của WHO bị cắt giảm là một phần lý do tổ chức này phản ứng chậm trễ trước dịch Ebola vừa qua.
Một báo cáo đánh giá nguyên nhân đưa ra kết luận giống với lần dịch cúm H1N1 hồi năm 2011: thế giới không có sự chuẩn bị tốt trước các trận bùng phát dịch lớn. “Các nước thành viên khi đó từ chối cung cấp kinh phí theo kiến nghị của WHO” – bà Chan nói.
Giám đốc WHO yêu cầu chính phủ các nước “nói phải giữ lời”. Bà nêu ra một trường hợp cụ thể khác: một số nước đã ký vào Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, nhưng khi ông bộ trưởng y tế vừa cam kết xong, mấy ông bộ thương mại đã tiến hành chiến dịch pháp lý ngăn các quốc gia khác biến nó thành luật.
“Chính sách lỏng lẻo và sự thiếu hiểu biết của các chính phủ về nghĩa vụ và trách nhiệm của họ đối với công ước thật sự là một thử thách lớn cho thế giới. Nếu họ đã tham gia các công ước quốc tế về sức khoẻ, họ cần chịu trách nhiệm trước cam kết của mình. Bởi vì nếu không làm tròn bổn phận, họ sẽ khiến láng giềng và thế giới gánh nguy cơ” – bà Chan nói.
WHO trước công cuộc cải tổ lớn
Bà Margaret Chan cho biết trận đại dịch Ebola ở Tây Phi vừa qua đã mang lại nhiều bài học và chúng sẽ được WHO áp dụng vào công cuộc cải tổ đang diễn ra.
Một trong những bài học lớn từ dịch Ebola là người ta bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin giữa cộng đồng và viên chức y tế.
“Chúng tôi vẫn vấp phải sự kháng cự từ người dân địa phương. Họ giấu những ca bệnh. Họ bí mật tiến hành chôn cất bệnh nhân. Những hành động này phá vỡ tính hiệu quả của các biện pháp y tế” – bà Chan nói.
Giám đốc Margaret Chan tiết lộ một bước đi khác nằm trong kế hoạch cải cách hậu Ebola: WHO sẽ thành lập một lực lượng phản ứng khẩn cấp toàn cầu gồm các chuyên gia y tế đa quốc gia đã qua huấn luyện.
“Đội đặc nhiệm” này sẽ luôn trong tình trạng sẵn sàng để phản ứng nhanh trước các trận dịch bùng phát ở bất cứ quốc gia nào.
Một cải cách khác không kém phần quan trọng mà WHO đang xem xét đó là giá thuốc. Bà Margaret Chan cho rằng các quốc gia cần ngăn tình trạng giá thuốc leo thang để bệnh nhân có thể tiếp cận với điều trị.
“Hiện tại tôi đang lắng nghe các thảo luận về việc chấm dứt kết nối chi phí đầu tư nghiên cứu vào giá thành thuốc, văcxin” – bà Chan thông báo nhưng không nêu chi tiết về chính sách quan trọng này.