10/01/2025

Học cách chống ‘đạo văn’: Không chấp nhận thành tích giả

Thi cử, đánh giá phải kiểm tra được năng lực vận dụng kiến thức của học sinh thay vì chỉ cần ghi nhớ máy móc; học sinh được trải nghiệm thực tế chứ không chỉ kiến thức sách vở đơn thuần… là những biện pháp chống “đạo văn” có hiệu quả.

 

Học cách chống ‘đạo văn’: Không chấp nhận thành tích giả

 

 

Thi cử, đánh giá phải kiểm tra được năng lực vận dụng kiến thức của học sinh thay vì chỉ cần ghi nhớ máy móc; học sinh được trải nghiệm thực tế chứ không chỉ kiến thức sách vở đơn thuần… là những biện pháp chống “đạo văn” có hiệu quả.



 

Nhiều trường nỗ lực hướng học sinh học sáng tạo để tránh sao chép bằng nhiều hình thức khác nhau như học theo chuyên đề. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM với chương trình “Học văn từ cuộc sống” - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNhiều trường nỗ lực hướng học sinh học sáng tạo để tránh sao chép bằng nhiều hình thức khác nhau như học theo chuyên đề. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM với chương trình “Học văn từ cuộc sống” – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Vừa cứng vừa mềm
Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội, cho rằng sẽ không chỉ có biện pháp duy nhất để chống nạn “đạo văn”, gian dối trong giáo dục. Chúng tôi phải dùng nhiều biện pháp khác nhau vừa cứng vừa mềm. Theo bà Phương Anh, biện pháp mạnh là phải đánh vào mục tiêu cuối cùng của việc học, đó là thi cử, kiểm tra, đánh giá. Với tâm lý còn nặng về học để thi như hiện nay thì đó là khâu đầu tiên phải thay đổi. “Không nói học sinh (HS) mà chính giáo viên cũng có tâm lý ỷ lại vào các giáo án soạn sẵn, sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên cũng là sao chép của đồng nghiệp ở đâu đó”, bà Phương Anh nói.
Từ vài năm gần đây, cùng với cách đổi mới trong ra đề thi của Bộ GD-ĐT thì Trường Nguyễn Thị Minh Khai cũng yêu cầu giáo viên phải thay đổi cả quá trình dạy và kiểm tra. Yêu cầu giáo viên tăng cường ra đề theo hướng mở, mục tiêu đặt ra với các môn khoa học xã hội, cụ thể là môn văn phải có ít nhất 70% lượng kiến thức đòi hỏi những câu về nghị luận thay bằng cảm thụ để kiểm tra sự thông hiểu, vận dụng của HS. “Nhờ đó mới kéo được cả cô và trò ra khỏi văn mẫu”, bà Phương Anh nói.
Việc giáo dục cho HS đức tính trung thực, bà Phương Anh cho rằng trong chương trình hiện không hề thiếu nhưng vì vẫn còn là những bài học nặng giáo điều nên không thấm được tới HS rõ nét. Muốn giáo dục HS trung thực thì người lớn phải là tấm gương, giáo viên cũng phải cho HS thấy sự nỗ lực lao động của mình chứ không phải cứ đọc cho HS chép những bài tập có sẵn trong sách vở, nhà trường không chạy theo bệnh thành tích…
Bà Trần Thị Hải Yến, phụ trách Trường THCS Alpha (Hà Nội), cũng cho rằng sẽ khó tránh khỏi đọc chép và cho thuộc lòng những kiến thức có sẵn trong sách vở nếu HS chỉ ngồi trong lớp học. Do vậy, chương trình giáo dục của trường dành một thời lượng lớn để HS được học theo các chủ đề thực tế, tích hợp nhiều lĩnh vực, thực hiện dự án, gắn môn học vào thực tế cuộc sống, chứ không phải là đẩy HS trở thành “những cỗ máy thi cử”, học tập vì điểm số và thành tích.
Làm thật sẽ nói thật
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: “Giống như người nông dân trăn trở về mùa vụ, chúng tôi cũng lo sâu bệnh của lối học đang cũ mòn khiến cho cành không đâm chồi, lá hết xanh tươi, hoa không kết nụ. Một trong những môn gây trăn trở là môn văn. Đặc biệt, một nghịch lý nữa đang diễn ra trong thực tế là nhờ một bài mẫu làm sẵn hoặc dàn bài khai thác thật hoàn hảo, HS có thể đạt được điểm văn cao nhưng chất văn vẫn không thấm vào trong tình cảm của các em”.
Không muốn HS nói theo người khác, bà Đặng Thị Nguyệt Anh, giáo viên dạy văn Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, đã đưa thực tế vào những giờ dạy của mình. Chẳng hạn bà cùng HS tham quan quán chả cá Lã Vọng, trò chuyện với chủ quán, xem cách chế biến để HS viết về ẩm thực Hà Nội.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), thì có sáng kiến dành 10 phút để đưa bài học cuộc sống vào sau mỗi giờ dạy văn. Đó là khuyến khích HS chủ động nói lên suy nghĩ, cảm nhận riêng, liên hệ giữa bài học và thực tế cuộc sống quanh mình để HS biến kiến thức đã học thành năng lực của bản thân. Đó là những bài học không thể sao chép được.
Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá
Nhiều giáo viên có “cái tôi” quá lớn nên nếu HS nào sáng tạo ngoài tài liệu thì bị xem như không chịu “vâng lời”, bị điểm thấp… Chính vì thế, để có điểm, HS không cần sáng tạo nhiều, chỉ cần học theo yêu cầu của giáo viên là đủ. Áp lực của tiêu chí thi đua, điểm số, hiệu suất giảng dạy, tỷ lệ phần trăm HS trên trung bình… cũng góp phần làm cho giáo viên tìm cách đối phó. Ở nhiều trường, khi ráp phách chấm chung, nhiều giáo viên chỉ cho điểm cao với những bài văn HS có “mùi” tài liệu của mình, còn HS khác lại triệt hạ thẳng tay. Tình cảnh đó khiến HS dở khóc, dở cười. Nhiều HS làm bài rất tốt, nhưng có khiếu nại cũng chỉ được nghe giải thích “văn chương vô bằng cớ, tôi chấm theo quan điểm của tôi”. Thế là lần kiểm tra sau, những HS ấy rút ra được bài học: cứ tìm tài liệu học thuộc lòng cho chắc ăn. Tình hình ấy đẩy HS vào cách học “vẹt”, học gạo – một thứ “đạo văn”, “ăn cắp” kiến thức của người khác mà không biết.
Lâu ngày thành tật, dẫn đến hệ luỵ là HS lười suy nghĩ, biếng sáng tạo, hình thành nên thói quen học thụ động.Về lâu dài hậu quả còn nguy hiểm hơn với quan hệ nhân quả của nó. Từ việc học mà suy ra việc đời. Thói quen xấu ấy sẽ dễ hình thành nên đức tính dối trá, thiếu trung thực. Để cứu nguy cho vấn nạn này, trước mắt, giáo viên phải cho HS thấy được việc học “đạo” là một cách học sai trái, chỉ cho HS cách tham khảo tài liệu, trích dẫn dẫn chứng. Cần thay đổi nhiều hơn nữa cách dạy và học, kiểm tra, đánh giá của môn văn và các môn học khác. Bộ cũng nên tính tới việc xây dựng bài học về vấn đề này trong chương trình để giáo dục ý thức và rèn luyện kỹ năng cho HS.
Ngọc Tuấn

 

Tuệ Nguyễn