29/11/2024

Liên kết làm nho sạch

Nông dân trồng nho Ninh Thuận đang thực hiện thành công mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – nông dân, tạo ra sản phẩm sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Liên kết làm nho sạch

 

 

Nông dân trồng nho Ninh Thuận đang thực hiện thành công mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – nông dân, tạo ra sản phẩm sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao.


 


Vườn nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Tiệp - Ảnh: Thiện NhânVườn nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Tiệp – Ảnh: Thiện Nhân
Mặc dù chỉ tiêu thụ chủ yếu trong nước nhưng thương hiệu nho Ninh Thuận đã đứng vững trước “sóng gió” thị trường, đủ sức cạnh tranh với các loại nho nhập ngoại. Một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu này phải kể đến sự kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân.

 
 
Liên kết làm nho sạch - ảnh 2

 

Các nhóm liên kết trồng nho sạch có một cam kết bất di bất dịch là làm đúng quy trình, không để ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng khi dùng sản phẩm nho sạch Ninh Thuận

 

Liên kết làm nho sạch - ảnh 3
 

 

Ông Phan Quang ThựuPhó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận

 

 
Ông Nguyễn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Lợi, cho biết công ty đã hợp tác với hơn 50 hộ nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất nho sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, hướng dẫn quy trình sản xuất, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo ông Tấn, doanh nghiệp làm vai trò như một cầu nối để đưa sản phẩm nho sạch của nông dân đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. “Mỗi sản phẩm đều có xuất xứ, nguồn gốc của nó. Do vậy, để chứng minh nho Ninh Thuận là nho sạch, ngoài việc giám sát quy trình sản xuất tại các hộ liên kết, hằng năm công ty tổ chức, đưa khách hàng (đại diện các siêu thị thu sản phẩm) đến các vườn nho để đánh giá năng lực sản xuất từng hộ nông dân, sau đó họ mới ký hợp đồng thu mua”, ông Tấn cho biết.
Lợi nhuận tăng cao
Sau khi tham gia lớp tập huấn trồng nho sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Đào Mạnh Tiệp (xã Xuân Hải, H.Ninh Hải) quyết định tham gia mô hình liên kết tổ hợp sản xuất nho sạch do Công ty TNHH Đỉnh Lợi tổ chức. Thử nghiệm trên diện tích 3 sào (3.000 m2) với giống nho xanh NH 01-48, vụ đầu tiên ông thu lãi hơn 300 triệu đồng. Hiện anh Tiệp đang mở rộng diện tích lên đến 1,5 ha.
Theo ông Tiệp, ngoài quy trình bắt buộc như sử dụng chế phẩm sinh học; bón phân vi sinh thay thế phân hoá học; vệ sinh vườn nho, người nông dân phải thực hiện ghi chép sổ sách hằng ngày, theo đúng quy trình VietGAP. “Trước ngày báo thu sản phẩm, đơn vị thu mua sẽ đối chiếu nguồn gốc các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh… trên sổ ghi chép để bảo chứng cho sản phẩm nho sạch trước khi đưa ra thị trường”, anh Tiệp nói.
Hiện nho xanh sản xuất theo quy trình sạch có giá 32.000 đồng/kg (giá thu mua tại vườn), cao hơn 2 lần so với sản phẩm nho trồng theo phương thức truyền thống. Ông Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết địa phương đã hình thành vùng sản xuất nho tập trung lớn nhất nước, khoảng 1.047 ha. Mô hình liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp đưa sản phẩm nho sạch ra thị trường đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hiện có hơn 100 nhóm liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi sào nho cho năng suất 3,5 tấn/vụ, cao hơn 1,2 lần so với cách làm truyền thống. “Các nhóm liên kết trồng nho sạch có một cam kết bất di bất dịch là làm đúng quy trình, không để ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng khi dùng sản phẩm nho sạch Ninh Thuận”, ông Thựu nói.
Cấp nhãn hiệu VietGAP cho nho sạch Ninh Thuận
Theo ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận, hằng năm nước ta phải nhập khoảng 5.000 tấn nho tươi chất lượng cao từ các nước Úc, Mỹ, Thái Lan… Sản phẩm nho sạch Ninh Thuận chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ trên thị trường, chủ yếu tập trung các siêu thị lớn trong nước. Ngoài sự bảo hộ các doanh nghiệp, Hiệp hội Nho Ninh Thuận đang tiến hành cấp nhãn hiệu VietGAP cho các hộ trồng nho đạt chuẩn, từng bước khẳng định thương hiệu nho sạch Ninh Thuận trên thị trường.

 

Thiện Nhân