10/01/2025

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016: Thí sinh tự do đăng ký xét tuyển?

Chiều qua 20.10, tại cuộc họp báo đầu năm học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết năm 2016 vẫn sẽ duy trì cách thức tuyển sinh ĐH, CĐ như năm nay nhưng sẽ tăng quyền tự chủ cho các trường.

 

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016: Thí sinh tự do đăng ký xét tuyển?

 

 

 

Chiều qua 20.10, tại cuộc họp báo đầu năm học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết năm 2016 vẫn sẽ duy trì cách thức tuyển sinh ĐH, CĐ như năm nay nhưng sẽ tăng quyền tự chủ cho các trường. Có thể tuyển sinh theo đợt với từng nấc điểm thi hoặc sẽ để một số trường ĐH có sức hút lớn cùng bắt tay liên kết tự tuyển sinh…




Dự kiến năm 2016 các trường sẽ được tăng quyền tự chủ trong khâu xét tuyển - Ảnh: Đào Ngọc ThạchDự kiến năm 2016 các trường sẽ được tăng quyền tự chủ trong khâu xét tuyển – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các trường tự do xét tuyển ?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những bất cập trong kỳ tuyển sinh vừa rồi, sẽ phải điều chỉnh một số quy định để làm sao kỳ tuyển sinh diễn ra suôn sẻ và an toàn hơn. Hướng của Bộ là sẽ tăng thêm quyền tự chủ cho các trường, còn Bộ thì đưa ra những giải pháp giúp các trường vừa bớt “ảo”, nhưng cũng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh (TS)”.
Về hướng tăng quyền tự chủ cho các trường, ông Ga cho biết nhiều khả năng sau khi có kết quả thi THPT, Bộ sẽ chuyển dữ liệu cho các trường, đồng thời bỏ quy định các cụm thi cấp giấy chứng nhận kết quả cho TS. Việc cấp 4 giấy chứng nhận kết quả như vừa rồi là để hạn chế “ảo” nhưng nếu bỏ động thái này nghĩa là TS muốn đăng ký xét tuyển vào bao nhiêu trường cũng được. Cũng theo ông Ga, vừa rồi Bộ sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu chung là để nếu TS trúng tuyển vào trường này rồi thì không được xét tuyển vào trường khác, nhưng giờ Bộ sẽ cho TS tự do đăng ký, các trường tự do xét tuyển. Tuy nhiên, ông Ga cho rằng những động thái này sẽ khiến số lượng ảo tăng rất cao, không những các trường khó tuyển mà TS cũng chưa chắc đã có lợi. “Vì thế Bộ sẽ kêu gọi các trường thảo luận, bàn bạc đề xuất giải pháp giảm ảo khi mà các trường và TS sẽ được Bộ “thả” như vậy”, ông Ga nhấn mạnh.
Các trường lớn có thể tự liên kết tuyển sinh
Ông Ga cho rằng có thể sẽ chia ra các đợt xét tuyển khác nhau, mỗi đợt sẽ chỉ xét theo từng nấc điểm thi của TS hoặc có thể Bộ sẽ khuyến khích các trường tốp trên liên kết với nhau để làm công tác tuyển sinh trong nhóm của mình. “Vừa rồi chỉ khoảng 30 trường ĐH thu hút được lượng lớn TS có điểm cao, việc rút – nộp hồ sơ của TS cũng chủ yếu diễn ra trong nhóm trường này. Giờ nếu chúng ta cho những trường này liên kết với nhau, họ có thể cùng nhau đưa ra những quy định như TS đã đăng ký vào một trong số những trường này thì không được đăng ký vào các trường còn lại của nhóm, hoặc TS đưa ra thứ tự nguyện vọng 1, 2, 3… với các trường trong nhóm trường này”, ông đưa ra gợi ý. “Mục tiêu của Bộ là một mặt giao quyền tự chủ, tăng quyền lợi cho TS, một mặt kiểm soát được sự an toàn cho cả TS và nhà trường”, ông Ga cho biết.
Vấn đề nhiều trường ĐH, CĐ gặp khó khăn về tuyển sinh và giải pháp nào cho tương lai các trường này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đây cũng là căn cứ quan trọng để bàn bạc vấn đề cơ cấu lại hệ thống ĐH, CĐ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. “Hướng được tính đến là đưa các trường trở thành một phân hiệu của các trường ĐH, CĐ khác hoặc tổ chức để các trường đó liên kết đào tạo với các trường lớn”, ông Ga nói.
Không thể cấm dạy thêm bằng biện pháp hành chính
Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi: Dù đã có quy định rõ ràng cấm dạy thêm tràn lan nhưng tại sao hiện tượng này vẫn xảy ra năm học này qua năm học khác? Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng Bộ đã có đầy đủ văn bản quy định về dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, giải quyết triệt để việc dạy thêm học thêm không thể bằng giải pháp hành chính mà phải bằng nhiều giải pháp hỗ trợ nhau. Cũng theo ông Hiển, nếu chỉ đạo tốt đổi mới kiểm tra đánh giá, quá trình dạy quan tâm đến từng học sinh thì lúc đó nhu cầu học thêm sẽ dần mất đi. Không kiểm tra đánh giá đặt ra yêu cầu quá cao đối với người học thì lúc đó người học không cần phải học thêm kiến thức nâng cao nữa. “Chúng tôi vẫn kiên trì đã dạy 2 buổi/ngày là không học thêm”, ông Hiển kết luận.
Nội dung giáo dục lịch sử là bắt buộc ở cấp THPT
Bộ GD-ĐT hôm qua công bố báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trước một số ý kiến đề xuất cần phải đưa môn lịch sử vào môn học bắt buộc ở cấp THPT, Bộ GD-ĐT giải thích: Theo dự thảo chương trình, ở cấp THPT môn công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp của 3 phân môn: đạo đức – công dân, lịch sử và quốc phòng – an ninh. Như vậy, nội dung giáo dục lịch sử, quốc phòng – an ninh là các nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh THPT. Ngoài ra, ở cấp này, học sinh còn được tự chọn học lịch sử ở môn khoa học xã hội (là môn học dành cho những học sinh có thiên hướng về các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ) hoặc môn này và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về lịch sử dành cho học sinh có thiên hướng về khoa học xã hội và nghệ thuật. Đồng thời, nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác.

Quý Hiên – Tuệ Nguyễn